1974 - Máu thế hệ trước và nỗi đau thế hệ sau 40 năm - Dân Làm Báo

1974 - Máu thế hệ trước và nỗi đau thế hệ sau 40 năm

LMH Tuấn (Danlambao) Ngày 19 tháng 01 năm 1974 là một mất máu được trả bằng máu của quân lực VNCH. 40 năm sau (19/01/2014, ngày kỷ niệm lại trở thành một nỗi đau của thế hệ sau.

Chưa bao giờ mà lễ tưởng niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ cha ông lại được Đảng & nhà nước CHXHCN Việt Nam lại chơi khéo người dân như vậy. Khi mà chương trình Lễ thắp nến tri ân hướng tới Hoàng Sa ở Đà Nẵng vào ngày 18/1 bị hủy vào phút chót. Dù cho ông Lê Phú Nguyện (Chánh văn phòng UBND huyện) khẳng định rằng sự dừng lại này không phải do 'chỉ đạo từ cấp cao hơn' nhưng vì ông cho đó là “việc nội bộ” [1] và nên người dân cũng hiểu...

Và họ càng hiểu cái việc nội bộ ấy khi báo chí đăng tin lễ Kỷ niệm 64 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung. [2]

Tôi hiểu sự đáng tiếc đó, và tôi nghĩ lời xin lỗi mà ông Đặng Công Ngữ [3] đưa ra thì bản thân ông cũng đau lắm và không ít quan chức có Tâm với quốc gia, dân tộc này cũng có nỗi đau y như vậy.

Nhưng vì lãnh đạo cấp cao không có được điều đó nên đành cám cảnh chịu...

Và cũng chưa bao giờ mà muốn tưởng niệm 40 năm đó, Nhân Dân phải chịu cảnh tiếng ồn của xây dựng tại tượng vua Lý Thái Tổ, phải lén lút tổ chức ở trong nhà, trong quán karaoke... Ở những mảnh giấy in, ghi vội vàng “Hoàng Sa là của Việt Nam”; “Không được bán Hoàng Sa”; “Tổ Quốc sẽ ghi ơn các anh”... Bởi nếu trễ nải, An ninh phường phố bộ sẽ mời về uống trà và hỏi một câu hỏi muôn năm cũ: Anh/ chị/em làm thế để làm gì? Có tổ chức nào xúi giục không? Việc này đã có Đảng và nhà nước lo? Chúng ta cần phải chờ thời cơ... Vì...

Những người an ninh đó, những nhà lãnh đạo tài ba, sáng suốt của Đảng và nhà nước CHXHCNVN đó không hiểu một chân lý rất giản đơn: Lòng yêu nước không phải là mệnh lệnh, càng không phải là sự ban cấp.

Dân tộc này nhún nhường chờ đợi vì thời cơ, nhưng không phải vì cái cớ THỜI CƠ đó mà 40 năm chẵn đổ máu vì chủ quyền quốc gia lại bị đá văng ra để nhường cho 64 năm lẻ thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Trung.

Cũng vì cái thái độ nhún nhường, chờ thời cơ đó của Đảng và Nhà nước CHXHCNVN nên chúng ta ôm nhau và tự an ủi: “Nếu phải chờ đến ngàn năm để giành lấy Hoàng Sa, chúng ta vẫn sẵn sàng...(...)...Lịch sử cho thấy đã có lúc chúng ta bị ngàn năm Bắc thuộc nhưng rồi cũng đã giành được quyền tự chủ đó thôi.” Nhưng chúng ta không biết rằng 1 ngàn năm đó, trên mảnh đất Bắc thuộc, vẫn tồn tại cái gọi là “làng xã”, nơi bảo tồn được cái vốn văn hóa, tính tự trị của dân tộc Việt, nhưng từ khi mất Hoàng Sa đến nay, đã 40 năm, không có bất kỳ một đơn vị hành chính nhỏ nhất là làng xã được đặt trên quần đảo đó....

Cũng vì cái thái độ nhún nhường, chờ thời cơ đó của Đảng và Nhà nước CHXHCNVN nên chúng ta ôm nhau và tự an ủi: “Lãnh đạo VN đã đổi mới về Hoàng Sa” khi thấy nhà nước cho đưa tin về Hoàng Sa & trận chiến 40 năm trước. Nhưng sau đó, lại phải nhận gáo nước lạnh do chính quyền hắt vào mặt khi mà các đợt tưởng niệm do chính quyền đưa ra trước bị buộc hủy bỏ, lại tiếp tục chơi trò quấy rối – đe dọa – bắt bớ người dân khi họ tổ chức tưởng niệm. Thậm chí, chính quyền còn điều động thợ đến cắt đá vu vơ để gây bụi và tiếng ồn tại nơi tưởng niệm [4]... Đau nhất là những lời đe nẹt của các trường Đại học nghiêm cấm Sinh viên tham gia tưởng niệm...

Và nỗi đau ấy đã khiến một bạn sinh viên đăng lên tường facebook: 19.01.2014 - Chỉ có im lặng???

Có lẽ, đến lúc Đảng và nhà nước CHXHCN Việt Nam nên học lại câu nói của chính phủ VNCH vào tháng 02/1974: “Nghĩa vụ cao cả và cấp thiết nhất của một Chánh phủ là bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia”.

Có lẽ, đến lúc QĐND – từ những người lính đang trên thao trường đến những ông tá, ông tướng còn đang mông muội khi bị nhồi nhét bởi ý niệm 16 chữ vàng - 4 tốt, diễn biến hòa bình, nhận tiền từ Mỹ để biểu tình phải học lại câu nói của cựu chiến binh từng chiến đấu Hoàng Sa Lữ Văn Bảy: “Anh em chúng tôi bảo vệ Hoàng Sa không phải cho cá nhân hay chế độ nào, mà cho Tổ quốc Việt Nam”.

Chỉ khi dân Việt chúng ta thôi cảnh giác với nhau, chỉ điểm, đánh nhau bằng ngôn ngữ, vũ khí... thì khi đó chúng ta mới mong thu hồi lại Hoàng Sa.

Và dường như, điều đó còn khá xa vời trong một xã hội mang tên CHXHCNVN – do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Một đảng đã tạo ra bi kịch lớn nhất về chủ quyền lãnh thổ khiến thời điểm đó người Việt đổ máu trong sự chia rẽ, kéo dài mãi tận đến bây giờ trong sự im lặng vì đại cục, vì thời cơ và chưa đến hồi dứt!



___________________________________

Chú thích:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo