Bạn trẻ và những hoạt động xã hội dân sự - Dân Làm Báo

Bạn trẻ và những hoạt động xã hội dân sự


CTV Danlambao - Năm 2013 là một năm đầy sôi động đối với phong trào xây dựng và phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam. Sự công khai ra đời của nhiều tổ chức dân sư độc lập như: Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Nhóm No-U Sài Gòn - Hà Nội, Hội Phụ nữ Nhân quyền, Hội Anh em Dân chủ, PT Con Đường Việt Nam, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự... là bằng chứng cho thấy những bước tiến dài vững chắc, thiết lập một không gian cho xã hội dân sự Việt Nam được ươm mầm và phát triển.

Sự tham gia của các nhà hoạt động trẻ đã góp phần thay đổi diện mạo đối với các hoạt động dân sự tại Việt Nam qua những việc làm thiết thực và gây nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là đối với lãnh vực thiện nguyện. Năm 2013, lần đầu tiên các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam đã vươn tầm quốc tế khi nhóm No-U cử đại diện sang Philippines để mang quà và tham gia cứu trợ các nạn nhân bão Hải Yến.

Nhân dịp đầu năm mới, Danlambao đã thực hiện cuộc phỏng vấn đối với hai bạn trẻ từ Hà Nội và Sài Gòn là bạn Đào Trang Loan và bạn Bùi Tuấn Lâm và về các hoạt động của 2 bạn trong năm vừa qua như là một phần trong bức tranh chung về XHDS:

Đào Trang Loan (blogger Hư Vô) là một cô gái 9x, ngoài biết đến là một blogger trẻ, tham gia tích cực trong các hoạt động của, No-U, Mạng lưới Blogger Việt Nam... Bạn còn là một người ưa thích các hoạt động thiện nguyện như tham gia, tổ chức các chương trình giúp đỡ những người leo đơn không nơi nương tựa, dạy học cho những em lang thang, giúp đỡ bà con ở những vùng lũ lụt, mang hơi ấm tới cho những người vùng cao, giúp các em có nụ cười trọn vẹn...

CTV DLB: Trong năm 2013, bạn có thể kể lại cho chúng tôi một vài chuyến thiện nguyện và chia sẻ một số những kỷ niệm trong những chuyến đi đó.

Đào Trang Loan: Hồi tháng 2/2013, những ngày gần Tết Nguyên Đán, mình có thay mặt cho một số ân nhân ở Hà Nội tặng chút quà tết cho bà con dân oan tại số 1 Ngô Thì Nhậm, khu vực thanh tra chính phủ. Tối hôm đó mình bị an ninh đánh rồi đưa về trụ sở công an phường Quang Trung, Hà Đông. Mình bị giữ tới 12h đêm họ mới thả nhờ vào sự cương quyết đòi người và phản đối bắt người trái phép của anh em bạn bè, bà con dân oan. Đó có lẽ là kỉ niệm mình nhớ nhất khi tham gia các hoạt động thiện nguyện.

Những ngày cuối năm 2013, mình cũng vẫn đi tặng quà cho bà con dân oan tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng và số 1 Ngô Thì Nhậm, cả 2 lần vào cuối năm nay thì chưa bị đánh. Ngoài ra mình cũng có đi thiện nguyện 2 chuyến miền Trung sao khi bà con bị bão lũ bởi thiên tai cũng như là xả đập 'theo đúng qui trình' của bộ Nông Nghiệp phát triển nông thôn mà bà con miền trung phải gánh chịu mất mát cả về vật chất lẫn tinh thần.

CTV DLB: Nhiều người nói "những hoạt động về XHDX đã có nhà nước lo", bạn nghĩ như thế nào về điều này?

Đào Trang Loan: Điều này không đúng, nhà nước lo là chuyện của nhà nước, còn mình có quyền công dân của mình, quyền thể hiện quan điểm cũng như tham gia các hoạt động xã hội.

CTV DLB: Theo bạn, Việt Nam cần làm gì để phát triển XHDS - cả từ phía chính quyền lẫn phía người dân?

Đào Trang Loan: Nhà cầm quyền cần có cơ chế tạo điều kiện cho các cá nhân phát triển độc lập, các hội nhóm, câu lạc bộ... được liên kết và hoạt động một cách độc lập.

Người dân cần ý thức hơn về quyền con người cũng như quyền công dân của mình và từ đó tham gia vào các hoạt động xã hội.

CTV DLB: Việc hoạt động song song giữa Nhân quyền và từ thiện có gây cho bạn khó khăn gì không?

Đào Trang Loan: Cũng không nhiều, nhưng như câu mình vừa nói, có bị hành hung và bắt giữ trái phép khi đi tặng quà cho bà con dân oan đó và có một số ân nhân khi biết mình có hoạt động về nhân quyền thì họ tránh mình, họ sợ phiền phức và sợ bị công an sách nhiễu khi mình tham gia cùng họ. Bởi vì ở VN, khi phổ biến về nhân quyền khiến nhà cầm quyền rất lo sợ, điển hình như vụ đàn áp ngày dã ngoại nhân quyền ngày 5/5/2013 và các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Nhân Quyền 10/12 vừa qua, họ đàn áp rất nhiều khi người dân phổ biến quyền con người cho nhau.

CTV DLB: Vậy gia đình của bạn có đồng ý với những hoạt động của bạn không? và Bạn có thể chia sẻ một số dự định về hoạt động thiện nguyện trong năm tới?

Đào Trang Loan: Bố mẹ mình hay nói đùa là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Nhưng chồng của mình thì rất ủng hộ và đôi khi anh tư vấn thêm cho mình khi mình có các hoạt động xã hội.

Thật ra mình chưa có dự đình gì. Nếu có thì mình sẽ hỗ trợ, tư vấn hay tham gia được gì thì mình vẫn sẽ luôn tham gia.

*

CTV DLB: Bùi Tuấn Lâm có thể chia sẻ với bạn đọc Danlambao về những nơi mà bạn đã đi qua trong chuyến đi cùng đoàn cứu trợ của VOICE vừa qua? 

Bùi Tuấn Lâm: Từ Việt Nam, mình đáp máy bay qua Phi vào ngày 29/11. Ban đầu mình đi với tư cách là đại diện cho anh em No-U Việt Nam. Nhóm No-U Việt Nam gồm có ở Sài Gòn và Hà Nội đứng ra quyên góp để hỗ trợ cho các nạn nhân bão Hải Yến. Mình có cùng với một số tổ chức XHDS trong đó có Asian Bridge, tổ chức Voice của Việt Nam và có một số những nhóm khác ở dưới Ormoc, Cebu.

Vừa rồi mình đã cùng với tổ chức Voice đi làm thiện nguyện tại 3 địa điểm là Bắc Cebu, thành phố Ormoc và thành phố Taloban.

Mình và Voice đã hỗ trợ được khoảng 3000 hộ gia đình về thực phẩm, sau đó có giúp thêm 1000 hộ gia đình bằng tiền mặt.

CTV DLB: Đoàn cứu trợ của bạn đã giúp người dân Phi những gì trong đợt bão này? 

Bùi Tuấn Lâm: Đoàn của mình giúp mỗi hộ gia đình một phần quà gồm 6 ký gạo, dầu ăn, đường, muối, đậu xanh và 3 hộp cá hộp. Mỗi phần quà như vậy có thể giúp cho mỗi hộ gia đình 6 người có thể sử dụng trong vòng 3 ngày. Đó là những vấn đề về vật phẩm.

Trong số những hộ gia đình đã từng được giúp đỡ về vật phẩm, nhận thấy họ vẫn còn khó khăn về vấn đề kinh tế, cho nên đoàn cứu trợ của VOICE quyết định quay lại giúp đỡ thêm một lần nữa. Trong 3000 hộ gia đình ban đầu thì chọn ra 1000 hộ gia đình có con nhỏ, phụ nữ đang mang thai, hoặc những gia đình nào có người già neo đơn... sẽ được giúp đỡ thêm 1000 Peso cho mỗi hộ. Chủ yếu để người ta có thể mua cái gì cần thiết nhất trong cái gia đình. Mình có trao đổi với một số người, họ cho biết sẽ sử dụng số tiền được hỗ trợ để mua thuốc, hoặc mua những cái tấm tôn để lợp lại mái nhà...

Trong chuyến đi, một số anh em trong đoàn thấy hoàn cảnh của người ta khó khăn nên mỗi người bỏ thêm ra một chút nào đó để giúp cho người dân. Thí dụ như có một người bạn của Lâm mua thêm bánh kẹo hay là kem đánh răng, bàn chải, quần áo cho trẻ em từ 4 đến 12 tuổi. Đó là những cái việc mình đã cùng Voice tham gia trong đợt vừa rồi.

CTV DLB: Trong chuyến đi, những gì để lại cho bạn ấn tượng sâu sắc nhất? 

Bùi Tuấn Lâm: Thực sự, chuyến đi cứu trợ vừa rồi đã để lại cho mình rất nhiều ấn tượng sâu sắc. 

Khi trực tiếp đến những vùng bị bão tàn phá, ấn tượng đầu tiên mình là một sự bất ngờ về mức độ tàn phá kinh khủng của bão, với những hình ảnh tang thương tại những nơi cơn bão đi qua. 

Trước đó, mình chỉ biết được và nghe được qua báo đài, qua các trang thông tin trên internet hay qua những hình ảnh trên mạng. Nhưng khi trực tiếp đến nơi thì mới thấy sức tàn phá cuả bão quá sức tưởng tượng của mình. Đến thời điểm này, khi Lâm đang nói chuyện với bạn, thì chắc chắn điện vẫn chưa có ở thành phố Taloban và một số vùng ở thành phố Ormoc. 

Ấn tượng thứ hai mình nhớ nhất là thái độ và cách cư xử của người dân Philippines. Dù bị thiệt hại nặng nề và thiếu thốn mọi thứ, nhưng người ta rất lạc quan và tin tưởng vào tương lai. Họ đã chuẩn bị tâm lý chấp nhận những điều gì đã và đang diễn ra và tìm mọi cách để vượt qua. 

Hình ảnh rõ rệt nhất là những tấm băng rôn, banner, khẩu hiệu được treo ở trước những khu đông người, hay được treo ngay trước cửa nhà. Nội dung được dịch ra tiếng Việt nghĩa là “Mất nhà, mất nóc, nhưng không có mất niềm tin, không có mất hi vọng". Người dân Philippines nhắc nhở nhau rằng: Dù nó khó khăn, nhưng không có đánh mất hi vọng, không đánh mất niềm tin, người ta nhắc nhở nhau để vượt qua tất cả. 

Đó là những ấn tượng mà mình sẽ không bao giờ có được trước khi trực tiếp đến Philippines. 

CTV DLB: Anh có thể kể một vài kỷ niệm, một vài câu chuyện đáng nhớ trong chuyến đi? 

Bùi Tuấn Lâm: Tổng cộng là mình tham gia đi cứu trợ 2 lần. Trong đoàn có một số anh em đi 3 lần. Những câu chuyện mà để lại trong mình, mình sẽ không bao giờ quên. Rất nhiều những kỷ niệm đó, mình xin kể một số những câu chuyện cho bạn nghe là: 

Hôm đầu tiên mình đến thành phố Bắc Cebu để phát 1.500 phần quà cho những gia đình bị bão. Do tính toán sơ xuất, đoàn bị thiếu mất phần quà của 15 hộ gia đình. Khi phát hiện ra điều này thì đã đến giờ đoàn phải di chuyển sang một địa điểm khác, cho nên anh em quyết định sẽ dùng tiền túi để mua thêm 15 phần quà khác và hẹn sẽ quay trở lại trong ngày. Nhưng trên đường quay lại thì bị hỏng và chờ sửa khá lâu, đến khoảng 9-10h đêm mới quay lại được chỗ của 15 hộ gia đình. 

Khi ấy, mình nghĩ chắc người ta sẽ không đợi, thậm chí họ sẽ trách mình nữa. Tuy nhiên, khi đến nơi mình vẫn thấy đủ 15 gia đình đứng đợi trong đêm. Người ta bật đèn và đợi mình, khi xe đến người ta vui vẻ chạy ra cám ơn. Hình ảnh các hộ gia đình phải đứng chờ để nhận quà, không hề tỏ ra khó chịu... mà vẫn vui cười khiến mình rất là cảm động. 

Một lần khác, mình xuống dưới thành phố Ormoc. Đến nơi, đoàn tìm được một quán ăn, người dân xếp hàng rất là đông. Trong quán treo một cái bảng nhắc nhở người dân nên mua ít đồ để dành phần cho người khác. Lúc đó, dù mọi người trong đoàn dù đang rất đói nhưng cũng chỉ mua thật ít để ăn lót dạ. 

Khi cơn bão ập vào thành phố Tacoban, ở đó có một cộng đồng người Việt khoảng 36-38 người, đa số quê ở Tuy Hòa - Phú Yên. Hầu như mọi người đều bị mất nhà, mất cửa và trắng tay. Tổ chức VOICE đã giúp đồng bào về lại thành phố Cebu, lo chỗ ăn ở rồi sau đó tìm cách đưa bà con mình về lại Việt Nam. 

Trong số này, có một anh tên Phước. Anh Phước đã lấy vợ người Phi và có 3 đứa con, nên không đi theo đoàn đi về lại Việt Nam. Khi anh ở lại, thì nhà anh đã bị mất hoàn toàn, gia đình anh ở nhờ một người cậu bên vợ. Vừa rồi mọi người có đến thăm và hỗ trợ cho gia đình anh một chút để sinh sống. Nghe tin mọi người đến thì anh vui, anh nói với mọi người là anh muốn nấu một bữa cơm để đãi mọi người. Mọi người có từ chối, nhưng anh vẫn nấu. Khi đang chuẩn đồ bếp lửa bị phụt lên, gần bếp lửa đó có một can xăng bén lửa bùng cháy. May là không cháy nhà, nhưng anh đã bị bỏng rất là nặng, từ dưới chân tay và lên mặt. 

Mọi người đi trên xe gần đến nơi thì nghe tin anh Phước đã nhập viện, mọi người liền chạy tới bệnh viện thì lúc đó bác sỹ đã băng bó cho anh xong xuôi rồi. 

Dù bị thương nặng, nhưng anh Phước vẫn rất là tỉnh táo. Anh nói rằng anh muốn nấu cơm để đãi mọi người, nhưng không mai bị tai nạn và xin lỗi mọi người. 

Sau đó, mọi người đưa anh về lại nhà. Đoàn bên Voice có hỗ trợ cho anh 2000 $, và cho mượn thêm 3000$. Tổng cộng là 5000$ để anh có thêm phương tiện để làm ăn. 

Gặp một người Việt Nam và cũng là đồng hương của mình, bơ vơ trên đất khách quê người, nhà cửa thì đã bị tàn phá hết... khi ấy mình rất là xúc động. Mình cảm thấy rất là vui và cũng cầu mong cho anh mau lành bệnh để có thể đi làm lại mà nuôi vợ con. Đó là những kỷ niệm rất là khó quên trong chuyến đi vừa rồi. 

CTV DLB: Anh nhận xét như thế nào về hoạt động của XHDS ở Philippines? Và so sánh với XHDS ở Việt Nam thì anh thấy có gì khác và giống, nếu có? 

Bùi Tuấn Lâm: Theo mình, hoạt động XHDS ở Philippines rất phát triển. Nền móng XHDS tại Philippines có chiều dài lịch sử từ rất là lâu, cách đây cả 30-40 năm trước đã phát triển. Theo mình được biết, trong thập niên 60-70, nhất là cuối thập niên 70 thì phong trào XHDS ở Philippin đã thực sự bùng nổ. Theo mình nhận xét và quan sát, thì phong trào XHDS ở Philippines là một trong những yếu tố góp phần vào sự ổn định, giúp cho xã hội ở Phi có nhiều điều tốt đẹp hơn. Mình cũng cầu mong cho phong trào XHDS ở Việt Nam sẽ phát triển và mạnh như ở bên Philippines, góp phần giúp cho xã hội Việt Nam ngày càng phát triển và đem lại lợi ích cho người dân 

Cái gọi là “xã hội dân sự” ở Việt Nam hiện nay là không có tính chính danh, các tổ chức hầu như là trực thuộc nhà nước. Theo mình biết, XHDS phải là một thực thể độc lập, không bị lệ thuộc, không bị chi phối bởi nhà nước. Cụ thể, xã hội dân sự bao gồm sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, phi chính trị, phi lợi nhuận, không lệ thuộc vào một đảng phái hay phải chịu sự điều phối của nhà nước, mà nó phải độc lập và do chính những người dân điều hành. 

Thời gian gần đây, một số nhóm tại Việt Nam đã hình thành, hoạt động như một tổ chức dân sự thực thụ. Ví dụ như các nhóm No-U Sài Gòn - Hà Nội - Vinh, hoặc Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Phụ Nữ Nhân Quyền, Phòng trào Con đường Việt Nam... Những nhóm trên đang bắt đầu phát triển ở Việt Nam. Nhưng so với XHDS ở Philippin thì VN mình chưa phát triển bằng, chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa để thúc đẩy vào sự phát triển XHDS của Việt Nam 

CTV DLB: Qua chuyến đi vừa rồi, có điều gì làm anh thấy mình cần phải suy nghĩ lại ạ?

Bùi Tuấn Lâm: Chuyến đi vừa rồi rất bổ ích và cho mình thấy được nhiều điều học hỏi, có tham gia và tiếp xúc mới có những trải nghiệm như vậy. Với bản thân, Lâm sẽ cố gắng đúc kết lại và rút ra những bài học, những kinh nghiệm trong chuyến đi vừa rồi, trước nhất để làm cho bản thân mình tốt hơn, sau đó dùng những trải nghiệm đó, những kinh nghiệm đó khi mình quay về lại Việt Nam để có thể giúp thêm cho anh em hay cho phong trào, cho những hoạt động của mình có thể tốt hơn từ những bài học, những kinh nghiệm trong chuyến đi vừa rồi. 

Điều làm cho mình cảm thấy phải suy nghĩ lại đó là những hoạt động của các tổ chức XHDS rất hữu ích cho công tác cứu trợ và giúp đỡ của những người Phi. Mình mong sao một ngày nào đó, Việt Nam sẽ có những nhóm, hội đoàn, phong trào XHDS phát triển để một phần nào đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội. 

CTV DLB: Giả sử bây giờ VN không may chịu một thiên tai nào đó, anh nghĩ sẽ có các hoạt động cứu trợ của XHDS? 

Bùi Tuấn Lâm: Theo mình, giả sử ở VN có cơn bão xảy ra thì đương nhiên các nhóm XHDS thì với sự yêu thương tương trợ nhau của những người đồng bào sẽ vẫn có những nhóm XHDS đến và hỗ trợ, giúp đỡ cho những nạn nhân cơn bão. Còn việc có những hội nhóm, đoàn thể, hay những tổ chức xã hội dân sự của nước ngoài vào Việt Nam, người ta tự làm, tự giúp giúp đỡ theo ý người ta thì chắc rất là khó. Tại vì Việt Nam, hầu như chính quyền người ta không cho sự tự do như vậy. Ở Philippines, các hoạt động XHDS đã phát triển, các tổ chức dân sự người ta có thể tự ý đi đến và giúp đỡ. Ngược lại, bên Việt Nam thì chuyện mà những tổ chức XHDS nước ngoài vào VN và tự ý đi làm sẽ rất là khó, mình nghĩ các hoạt động sẽ phải thông qua nhà nước. 

CTV DLB: Theo anh, Việt Nam cần làm gì để phát triển XHDS - cả từ phía chính quyền lẫn phía người dân? 

Bùi Tuấn Lâm: Theo mình, nếu muốn XHDS ở Việt Nam phát triển tốt và có thể góp phần vào sự phát triển chung của XH thì phải có sự cố gắng từ 2 phía phía: chính quyền và người dân. 

Thứ nhất, phía chính quyền phải thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận, sự kỳ thị đối với vấn dề XHDS. Vì XHDS là những sinh hoạt, tổ chức có thể thúc đẩy và làm phát triển cho XH Việt Nam. Cho nên phía chính quyền phải thay đổi cách nhìn, không đàn áp, không phá hoại hay là bắt bớ, đàn áp những người tham gia vào các hoạt động XHDS. Trước hết, phải có môi trường XHDS phát triển một cách tự do, không có bị kìm hãm, không có bị đàn áp. 

Thứ hai, từ phía người dân, chúng ta phải thay đổi quan niệm và có cách nhìn tích cực hơn trong việc tham gia vào những vấn đề chung của xã hội và đất nước. Chúng ta không thể sống vô cảm, thờ ơ mà phải tích cực tham gia sâu hơn vào những vấn đề của đất nước. 

Những người tham gia cần cố gắng tìm mọi cách để thúc đẩy cho dân trí và cách nhìn của người dân được thay đổi. Điều quan trọng hơn, người dân VN phải biết mình có những cái quyền gì và có những trách nhiệm như thế nào. Khi chúng ta sinh ra và sống trong một xã hội, thì chúng ta cần có nghĩa vụ, quyền lợi buộc phải tham gia vào những vấn đề của xã hội để thúc đẩy cho môi trường sống của mình được tự do hơn, nhiều quyền lợi hơn. Đó là những điều cần thiết mà người dân phải thay đổi 

CTV DLB: Một câu hỏi riêng tư là tại sao anh ở lại Phi sau chuyến đi thiện nguyện này và anh có dự định làm gì liên quan đến XHDS không, sau khi về nước. 

Bùi Tuấn Lâm: Ban đầu, mình dự định chỉ đi khoảng một tháng để làm thiện nguyện. Trong thời gian ở đây, một số anh em ở nhà bị cấm xuất cảnh, khi về lại Việt Nam thì có lẽ mình sẽ lâm vào tình cảnh tương tự và khó có thể đi ra nước ngoài thêm lần nữa. Mình nghĩ mỗi lần đi là một lần gặp nhiều khó khăn, cho nên mình sẽ tranh thủ ở lại để học hỏi thêm về XHDS. 

Ngoài ra, có nhiều công việc sắp tới đây mình phải tham gia vào. Cho nên đợt này mình ở lại để vừa học về XHDS và có một số những hoạt động sắp tới. 

Sau khi học xong, khi mình về lại Việt Nam thì đương nhiên mình sẽ dùng những kiến thức học được để cố gắng vận dụng để có thể giúp anh em, những người bạn không được may mắn ra nước ngoài để mà gặp gỡ, được thấy tận mắt, hay được học hỏi những điều về vấn đề XHDS, thì mình sẽ giúp những người anh em đó. Hoặc là mình sẽ có những cái sinh hoạt, có những điều giúp cho thúc đẩy XHDS ở Việt Nam nó phát triển bằng những cái khả năng, những cái mình có thể làm được. Đó là những điều mình dự định trong tương lai. 

Xin cám ơn hai bạn Đào Trang Loan và Bùi Tuấn Lâm.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo