Biến cố Hoàng Sa! - Dân Làm Báo

Biến cố Hoàng Sa!

Thưa quí vị,

Vâng, chúng ta phải gọi là biến cố Hoàng Sa, vì khởi đầu chỉ bằng một chuyện rất tình cờ. Tình cờ như chuyện người bạn đồng minh bất ngờ bỏ chúng ta trong ngắc ngoải; như chuyện kẻ thù truyền kiếp phương Bắc (Trung Cộng) bất ngờ trở lại chính sách lấn chiếm lân bang, sau hơn một thế kỷ tưởng như đã quên.

Vào ngày 11 tháng giêng năm 1974, chỉ khoảng vài ngày, sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kissinger rời Trung Cộng, thì đột nhiên ngoại trưởng Trung Cộng lại một lần nữa tuyên bố về chủ quyền của họ trên các đảo Hoàng và Trường Sa. Sau đó vài ngày thì phát ngôn viên Bộ ngoại giao VNCH bác bỏ luận cứ của Trung Cộng và tái xác nhận một lần nữa chủ quyền của VNCH trên các quần đảo đó.

Ngày 16 tháng giêng năm 1974, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt chiến số HQ.16, sau khi đưa phái đoàn của QLVNCH thăm dò một số đảo tại Hoàng Sa, đã tình cờ phát hiện hai chiến hạm của Hải Quân Trung Cộng với danh số 402 và 407 ở gần đảo Cam Tuyền và phát hiện quân Trung Quốc đang chiếm đóng hoặc đã cắm cờ Trung Cộng tại các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc.

Cũng ngày này, Biệt đội NN Hải Kích được lệnh phải có mặt tại Đà Nẵng để trực chỉ Hoàng Sa trong vòng 24 giờ.

Sau khi khẩn báo về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng Một Duyên Hải tại Đà Nẵng, HQ.16 đã dùng quang hiệu yêu cầu các chiến hạm Trung Cộng rời khỏi lãnh hải Việt Nam. Các chiến hạm Trung Quốc đã không rời vùng còn dùng quang hiệu yêu cầu ngược lại phía Việt Nam Cộng Hòa phải rời khỏi lãnh hải Trung Quốc.

9:00 sáng ngày 17 tháng giêng năm 1974, Hải Quân Đại tá Hà Văn Ngạc đã có mặt tại Đà Nẵng với tư cách Chỉ huy trưởng Hải đội 3 Tuần dương.

Trưa ngày 17 tháng giêng, Biệt Đội Người Nhái Hải Kích cũng được không vận tới Đà Nẵng, đã có mặt tại cầu tầu Tiên-Sa, sẵn sàng lên chiến hạm để được chở tới vùng lửa đạn đối đầu với quân xâm lăng Trung Cộng.

Chiều ngày 17 tháng giêng, HQ.5 cặp bến Tiên Sa, nhận thêm nhiên liệu và tiếp liệu và đón Người Nhái Hải Kích lên chiến hạm để đưa vào vùng tranh chấp. Khuya ngày 17 tháng giêng HQ.5 rời cảng Tiên Sa để lên đường ra Hoàng Sa. Chiến hạm HQ.10 cũng đang chờ sẵn ngoài khơi phía đông Tiên Sa để cùng HQ.5 đi Hoàng Sa.

Cũng ngày 17 tháng giêng này, khu trục hạm Trần Khánh Dư, số hiệu HQ.4 đã có mặt tại Hoàng Sa để tiếp trợ HQ.16.

Ngày 18 tháng giêng, Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư lệnh phó Hải Quân VNCH bay ra BTL/HQ/V1ZH tại Đà Nẵng, trên bán đảo Tiên-Sa, để tham dự chỉ huy trận đánh.

Ngày 18 tháng giêng, Soái hạm Trần Bình Trọng với danh số HQ.5 của HQ/VNCH đã nhập vùng tranh chấp, chở theo Biệt Đội Người Nhái Hải Kích, cùng với Hải quân Đại Tá Hà Văn Ngạc với tư cách Sĩ quan Chỉ huy chiến thuật trên mặt biển. Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ.10 cũng nhập vùng tranh chấp cùng ngày, tuy có chậm hơn HQ.5 vì chỉ còn một máy chánh mà lại không có radar hải hành.

Đêm 18 tháng 1, lúc 11:30 khuya, từ soái hạm HQ.5, Đại Tá Ngạc đã nhận một công điện thượng khẩn “Lệnh hành quân Hoàng Sa 1” từ BTL/HQ/V1ZH, nội dung tóm tắt như sau:

1- Nhiệm vụ: Hành quân thủy bộ cấp tốc chiếm đảo Quang Hòa.

2- Thi hành: Hoàn tất nhiệm vụ bằng đường lối ôn hòa. Nếu địch khai hỏa kháng cự, tập trung hỏa lực để tiêu diệt.

3- Lực lượng tham dự: Các chiến hạm hiện diện là HQ.4, HQ.5, HQ.16, HQ.10 và Biệt đội Người Nhái Hải Kích.

Ngay sau đó Đại tá Ngạc lập kế hoạch như sau:


1- Phân chia các chiến hạm thành hai phân đội. Phân đội 1, cũng là nỗ lực chính, gồm HQ.4 và HQ.5, do Hạm trưởng của HQ.4 chỉ huy. Phân đội 2 gồm HQ.16 và HQ.10, cũng là nỗ lực phụ, do Hạm trưởng HQ.16 chỉ huy. Nhiệm vụ như sau:

a- Hai chiến hạm HQ.16 và HQ.10 có nhiệm vụ yểm trợ cho lực lượng đổ bộ bằng cách bám sát hai chiến hạm Trung cộng danh số 271 và 274. Dùng hỏa lực cơ hữu để tiêu diệt nếu địch khai hỏa.

b- Chiến hạm HQ-4 có nhiệm vụ án ngữ, ngăn chặn và bảo vệ để HQ.5 đổ bộ Hải Kích lên bờ.

c- HQ.5 có nhiệm vụ đổ Hải Kích lên phía Nam của đảo Quang Hòa, bảo vệ và yểm trợ toán đổ bộ.

2- Ngày N là ngày 19/1/1974; và giờ H là 6 giờ sáng (0600H).

3- Địểm hẹn : Trong lòng chảo Hoàng Sa, Phía Tây đảo Quang Hòa

4- Qui luật khai hỏa: Phải hết sức tỏ vẻ ôn hòa nhưng quyết liệt.

Như vậy, theo HQ Đại tá Hà Văn Ngạc thì cấu trúc nhân sự của thượng tầng chỉ huy và các đơn vị tham chiến của Hải quân vào lúc biến cố, gồm:

a- Tư lệnh Hải Quân: Đề Đốc Trần Văn Chơn

b- Tư lệnh phó Hải quân: Phó Đề đốc Lâm Ngươn Tánh

c- Tham mưu trưởng HQ: Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy

d- Tư lệnh Hạm đội: HQ Đại tá Nguyễn Xuân Sơn

e- Tư lệnh Vùng 1 Duyên hải: Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại

f- Chỉ huy trưởng Hải đội tuần dương (HĐ 3), là Sĩ quan chỉ huy chiến thuật trận hải chiến : HQ Đại tá Hà Văn Ngạc

*-Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ.4 : với HT. HQ Trung tá Vũ Hữu San

và các chiến hữu

*-Tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ.5: HT: HQ Trung tá Phạm Trọng Quỳnh và các chiến hữu 

*-Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ.16: HT: HQ Trung tá Lê Văn Thự và các chiến hữu

*-Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ.10 : HT: HQ Thiếu tá Ngụy Văn Thà và các chiến hữu

*-Biệt Đội NN Hải Kích: BĐ Phó: HQ Đại úy Nguyễn Minh Cảnh và các chiến sĩ NN Hải Kích.

Tham dự nhưng chưa trực tiếp tham chiến:

*-Hộ tống hạm Chí Linh HQ.11, HT: HQ th/ tá Nguyễn Văn Tánh và các chiến hữu

*-Một phần của Biệt đội Hải kích với BĐT Đặng Đình Hiền trên HQ.11

Cũng xin minh xác là chỉ có một HQ Đại úy Nguyễn Minh Cảnh (K20 HQNT), Biệt đội phó Hải Kích, chỉ huy tổng quát tất cả NN Hải Kích hiện diện tại vùng hành quân, luôn có mặt bên cạnh HQ Đại tá Hà Văn Ngạc. Đại úy Cảnh chỉ trách nhiệm Biệt đội Người Nhái Hải Kích mà thôi, không liên can gì đến bất cứ đơn vị nào khác như có tác giả đã lầm lẫn.

Cũng trong ngày 18 tháng giêng, một nửa Biệt đội Hải Kích hiện diện đã được chuyển sang HQ.16 để sẵn sàng đổ bộ tại một nơi khác ở thời điểm khác. Trong khi đó, một phần khác của Biệt Đội NN Hải Kích gồm khoảng 25 người nhái, do NN Đặng Đình Hiền trách nhiệm, đang trên đường đến Hoàng Sa để tăng viện, trên chiến hạm Chí Linh HQ.11.

Lực lượng Trung Cộng tham chiến hiện diện:

2 Hộ tống hạm Kronstad 271 và 274.

2 Trục lôi hạm 389 và 396.

2 Tàu đánh cá trá hình 402 và 407 để làm nhiệm vụ gián điệp và chở quân. Ngay sau trận hải chiến, Trung Cộng đã gửi đến tăng viện thêm hai khu trục hạm cao tốc (vận tốc khoảng 30.5 gut hay 56.5 km/h) với danh số 281 và 282.

Diễn tiến trận đánh


Ngày 19 tháng giêng, Phân đội 1 gồm HQ.4 và HQ.5, bọc vòng phía Tây quần đảo để có mặt tại điểm hẹn ở phía Tây Nam của đảo Quang Hòa lúc 6:00 giờ sáng, cách xa khoảng 1 hải lý để đổ một phần của Biệt đội Hải Kích lên đảo Quang Hòa. Trong khi phân đội 2 gồm HQ.16 và HQ.10 đi ngang phía Nam đảo Hoàng Sa để tiến đến gặp phân đội 1 ở phía Tây đảo Quang Hòa lúc 6:00 giờ sáng.

Vì gió quá mạnh và sóng lớn sát bờ nên lúc 7:45 sáng mới hoàn tất đổ bộ Hải Kích từ HQ.5. Tuy nhiên vừa lên bờ xong thì HS1 NN Đỗ Văn Long bị địch bắn tử thương. Trung Úy NN Lê văn Đơn tiến lên định thâu hồi xác NN Long cũng bị bắn chết cùng với 2 người khác bị thương. NN đã chống trả mãnh liệt nhưng không thể tiến lên được. Địch quá đông cố thủ trong công sự chiến đấu đào sẵn. Vào khoảng 9:30 lệnh từ HQ.5 buộc Người Nhái Hải Kích phải rút hết trở về chiến hạm. Xác của NN Đỗ văn Long được lệnh để lại và sẽ thâu hồi sau. Khỏang 10:00 toán đổ bộ đã an toàn trở về HQ.5, mang theo vị sĩ quan bị tử thương và 2 NN khác bị thương.

Sau đó các chiến hạm di chuyển chiến thuật lập một hình vòng cung ở phía Tây đảo Quang Hòa. Phân đội 2 gồm HQ.16 và HQ.10 di chuyển về phía Tây Tây Bắc đảo, trong khi phân đội 1 gồm HQ.4 và HQ.5 di chuyển từ Tây nam tới vị trí phía Tây đảo Quang Hòa.

Khi thấy các chiến hạm Việt Nam đột ngột triển khai đội hình mới, bốn chiến hạm Trung Cộng lập tức bám theo, một đối một. Tình hình lúc đó rất căng thẳng, các chiến hạm ở trong tình trạng nhiệm sở tác chiến tòan diện với các nhân viên sẵn sàng trong các ổ súng. Các khẩu pháo chĩa thẳng vào tàu địch trong tư thế sẵn sàng tác xạ tiêu diệt.

Các chiến hạm nghênh chiến một chọi một. Mỗi chiến hạm có một mục tiêu được chỉ định. Lệnh từ SQ/CHCT (Đại tá Ngạc) là phải tác xạ đồng loạt vào các chiến hạm địch.

Lúc 10:22 sáng ngày 19 tháng giêng năm 1974 lệnh tác xạ được ban ra. Trận hải chiến bắt đầu.

Tưởng cũng nên biết là vào khoảng 9:30 sáng nay sau khi báo cáo tình trạng Hải Kích bị bắn 2 tử thương và 2 bị thương trên đảo Quang Hòa, SQ/CHCT là HQ Đại tá Hà Văn Ngạc đã nhận được lệnh “Khai hỏa” bằng bạch văn từ một vị Tư lệnh (tại BTL/HQ/ V1ZH), nên ông đã cho khai hỏa trước, bắn vào các chiến hạm Trung Cộng.


Kết quả


Trận chiến kéo dài khoảng 30 phút, với kết quả như sau: Mỗi bên một chiến hạm bị chìm.

Phía VNCH: Hộ tống hạm HQ.10 bị chìm, HQ.16 hư hại nặng còn HQ.4 và HQ.5 bị hư hại nhẹ.

Phía Trung Cộng: chiếc Kronstad 271 bị nổ tung và chìm. Một chiếc trục lôi hạm bị trúng đạn, phải ủi vào bờ, nhân viên đào thoát và sau đó cũng bị nổ. Hai chiếc khác bị hư hại nặng.

Chiếc Kronstad 271 này cũng được coi là chiến hạm chỉ huy (gọi tắt là soái hạm), nên dĩ nhiên có nhiều vị chỉ huy cao cấp đi theo và đã tử trận vì trúng nhiều hải pháo của tuần dương hạm HQ.5 vào thượng tầng kiến trúc.

Trong khi đó chiếc 274 thì bị nhẹ hơn vì HQ.4 bị trở ngại tác xạ, không đủ lực gây thiệt hại nhiều. Một chiếc trục lôi hạm khác cũng như hai ngư thuyền ngụy trang chắc chỉ hư hại nặng mà thôi.

Về nhân mạng ở phía Trung Quốc thì chúng ta không biết rõ, nhưng phía VNCH thì khởi đầu chúng ta đã tổn thất 58 quân nhân hải quân chia ra như sau: HQ.10 : 46 tử sĩ; HQ.4 : 3 ts; HQ.5 : 3 ts; HQ.16: 2 ts; Biệt đội NN Hải Kích: (4 ts)... Nhưng sau đó danh sách tử vong đã tăng lên đến 74 người. 

Riêng HQ.11 đã an toàn trở về quân cảng Tiên Sa chiều tối ngày 21-1-1974, tức 30 tết.

Chúng ta hãy dành một phút im lặng, thắp một nén hương lòng, để cùng tưởng nhớ và ghi ơn các con yêu của tổ quốc đã hy sinh cho Hoàng Sa để bảo vệ giang sơn gấm vóc.

San Jose, ngày 19 tháng 1 năm 2014

Đặng Đình Hiền, NN Hải Kích


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo