Chống tham nhũng cần nhà báo tự do - Dân Làm Báo

Chống tham nhũng cần nhà báo tự do

Ngô Nhân Dụng (Người Việt) - Quý vị đã theo dõi vụ Dương Chí Dũng ra tòa khai đã hối lộ cho tướng công an Phạm Quý Ngọ hơn nửa triệu đô la để chạy trong vụ ăn tiền ở công ty Vinalines mà không có kết quả. Ai cũng thấy, đây là một vụ hai phe trong Bộ Chính Trị Ðảng Cộng sản đấu đá với nhau để lòi ra một vụ đưa tiền mà không được đáp ứng. Ðây chỉ là cái đuôi của con quái vật tham nhũng mới ngó ngoáy xuất hiện, còn phần chìm trong bóng tối vẫn không ai được biết.

Ông Trần Quốc Thuận, từng là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện làm nghề luật sư ở Sài Gòn đã nhắc đến kinh nghiệm của những vụ án tham nhũng lớn trước đây, cho rằng cơ quan điều tra mà không được độc lập và có thẩm quyền thật sự thì khó lòng bắt được “đầu sỏ.” Ông nói, “Tôi biết gần đây muốn khởi tố một vị đương chức đương quyền, ít nhất là đảng viên cũng phải xin ý kiến cấp này cấp kia, nếu không cũng không dễ gì đụng đến người đó. Những cấp này cấp kia cấu kết với người tham nhũng lắc đầu thì sao?” Vụ điều tra tham nhũng nào cũng có “chỉ đạo” của những cấp cao, cấp dưới cứ theo đó là thi hành. Con quái vật tham nhũng là cả hệ thống đảng cộng sản từ trên xuống dưới, làm sao chống tham nhũng được? Ông Trần Quốc Thuận bây giờ mới nói: “Ðáng lẽ những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan điều tra cần có thẩm quyền độc lập, nếu khi cần bắt giam họ có thể quyết ngay không cần phải xin ý kiến.” Nhưng đảng cộng sản có bao giờ chấp nhận có một “thẩm quyền độc lập” nào đứng bên ngoài độc quyền lãnh đạo của Ðảng đâu? Chưa chấm dứt độc quyền cai trị của đảng Cộng sản thì không thể nào chống tham nhũng.

Vụ Dương Chí Dũng sôi nổi hơn hoàn toàn là nhờ áp lực dư luận trên báo chí, đặc biệt là các mạng. Nhưng sở dĩ báo chí dám đụng tới vụ này cũng vì trong nội bộ đảng Cộng sản đang đấu đá với nhau, dùng báo chí phơi bày các sự thật. Bỗng dưng, các nhà báo được phép công khai nói đến các vụ đút tiền hàng triệu Mỹ kim cũng chỉ vì họ có “chỗ dựa,” có thể nói là họ được thúc đẩy. Khi nào bên trong Bộ Chính Trị họ dàn xếp được với nhau để cho các vụ án chìm xuồng thì nhà báo cũng không còn ai dám viết nữa. Nhà báo đóng vai trò ăn theo, nói theo, vì các báo đều bị chỉ huy. Chỉ cần đảng Cộng sản ban lệnh, một tờ báo như Sài Gòn Tiếp Thị bỗng dưng đổi chủ, hàng trăm ký giả mất việc, mà không có luật lệ nào bảo vệ họ cả.

Báo chí đóng vai trò mạnh nhất trong việc bài trừ tham nhũng, nhưng có khi chính các nhà báo cũng bị đe dọa, mua chuộc và hối lộ, họ cũng nằm trong một hệ thống tham nhũng không khác gì các quan chức. Chỉ khi nào báo chí được hoàn toàn tự do, độc lập, về chính trị cũng như kinh tế thì mới đưa lên được những tiếng nói trung thực. Mà việc thanh tẩy làng báo phải do chính các nhà báo khởi xướng.

Chúng ta có thể nghe những kinh nghiệm ở Ðại Hàn Dân Quốc để rút ra một bài học, mai mốt áp dụng tại nước ta, khi chế độ độc tài sụp đổ. Một bài học là báo giới tự do cũng có thể sa đọa vì tham nhũng, mà độc tài sinh ra tham nhũng. Khi nào nhà báo diệt trừ được tham nhũng trong hàng ngũ của mình, họ sẽ đóng vai tích cực và hữu hiệu giúp cho xã hội trừ tham nhũng.

Trong cuốn Người Hàn Quốc, The Koreans, ký giả Michael Breen đã dành một chương nói về nạn tham nhũng, ông nói ngay đến nạn tham nhũng lan vào giới các nhà báo. Michael Breen đã sống hàng chục năm ở Hàn Quốc, quen biết các ký giả xứ này, ông được nghe chính họ tiết lộ. Ông cho biết, báo giới Nam Hàn xưa kia rất sống động và chính trực nhờ chế độ tự do ngôn luận; họ bắt đầu suy đồi từ khi Tổng thống Phác Chánh Hy (Park Chung Hee), cầm quyền từ năm 1961, muốn dần dần kiểm soát tất cả các sinh hoạt chiến tranh và kinh tế. Các quan chức không ra lệnh được nhà báo thì họ “đưa phong bì.” Các đại công ty (chaebol) cũng đưa phong bì. Dần dần, từ năm 1965 các nhà báo đã được giới kinh doanh chiếu cố tận tình, đến nỗi nhiều ký giả không cần lãnh lương nữa. Từ thập niên 1970, báo giới Nam Hàn có tự do nhưng không độc lập mà bị chi phối bởi các thế lực tài chánh và chính trị. Vì vậy, trong thập niên 1980 khi phong trào đòi tự do dân chủ bùng lên thì những tiếng nói đòi tự do ngôn luận là do giới trí thức và sinh viên kêu gọi, còn chính các nhà báo không khởi xướng.

Sau thời hai vị tổng thống quân nhân dân Ðại Hàn đã hãnh diện về thành quả kinh tế của họ, tưng bừng với Thế vận hội 1988, báo chí Nam Hàn mới bắt đầu thay đổi. Một tờ báo nhỏ đã bắt đầu việc phanh phui nạn tham nhũng trong chính làng báo. Báo Hankyoreh Shinmun, do các nhà báo độc lập thành lập năm 1988, sau khi nhiều ký giả chống chính quyền quân phiệt bị sa thải. Năm 1989 báo này khai ngòi nổ bằng tuyên ngôn “không nhận phong bì” từ các nhà chính trị và giới kinh doanh. Các ký giả chấp nhận số lương bằng một nửa những người làm cho các tờ báo lớn. Họ điều tra và phơi bày vụ một công ty địa ốc Hanbo hối lộ nhân viên tòa đô chính Seoul để được quyền khai thác “vòng đai xanh” quanh thủ đô - một dự án cũng lớn như dự án “chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn” đình líu đến Dương Chí Dũng. Có 40 ký giả các nhật báo lớn ở Seoul bị tố cáo đã ăn tiền của tập đoàn Hanbo; và 21 ký giả nhận được 90 triệu nguyên (won, tiền Nam Hàn) trong vụ tham nhũng ở Bộ Y tế, Xã hội. Sau bài báo trên Hankyoreh, hai cơ quan truyền thông đã sai thải các ký giả dính líu. Phản ứng tích cực nhất diễn ra tại nhật báo Chosun Ilbo, một tờ báo xuất bản từ năm 1920, thời thuộc Nhật. Trong một phòng hội, 270 ký giả báo này đưa tay lên tuyên thệ sẽ không bao giờ nhận phong bì hay quà biếu nữa. Ðể bảo vệ đức thanh liêm cho ký giả, tờ báo này tăng lương và phụ cấp cho nhân viên khi họ đi công tác. Khi nhà báo cần mượn điện thoại, máy fax, chỗ làm việc tại những công sở hay nhà kinh doanh thì họ trả tiền thuê chứ không nhận ai giúp đỡ.

Hành động của nhật báo Chosun khởi xướng một phong trào trong báo giới Nam Hàn. Mọi người đã biết rằng nhà báo ăn hối lộ là mất tư cách, nay họ công khai tẩy rửa hàng ngũ để bạo vệ danh dự nghề nghiệp. Sau đó, mỗi ngày mở một tờ báo ra độc giả thấy đầy những vụ điều tra tham nhũng. Nạn nhân của tham nhũng biết có thể tin ở nhà báo, họ tìm đến kể chuyện. Giới chính trị cũng thay đổi. Tổng thống Kim Vĩnh Tam (Kim Young Sam, chữ Hán) bắt đầu việc kê khai tài sản và yêu cầu các người trong đảng ông cũng làm theo. Trong chính phủ có bảy ngàn công chức bắt buộc phải kê khai tài sản. Ông cũng chấm dứt việc nhận tiền các đại gia đóng góp vào quỹ tranh cử. Nhiều bộ trưởng cùng ông chủ tịch Quốc hội phải từ chức. Sau khi chính phủ mới nhậm chức mấy ngày, bộ trưởng Y tế phải từ chức, vì báo chí khui ra vụ ông đầu cơ nhà đất. Ðô trưởng Seoul mất chức, vì vụ vòng đai xanh. Phong trào chống tham nhũng lan sang cả hàng ngũ tướng lãnh mặc dù họ cưỡng lại, lấy cớ cần bảo vệ bí mật không cho tình báo Bắc Hàn biết. Giáo chức và giới điều khiển các đại học cũng bị thanh lọc, ngăn chặn nạn “chạy chỗ học” ông bộ trưởng Tư pháp mất chức vì nhà báo tìm ra con gái ông dùng quốc tịch Mỹ để được vào đại học, dùng chỗ dành cho du học sinh ngoại quốc. Dân Nam Hàn được chứng kiến cảnh hai ông tướng cựu tổng thống bị ra tòa, thú nhận họ còn đang giữ những quỹ tranh cử do các đại công ty đóng góp; ngoài những tội đảo chính và đàn áp sinh viên biểu tình. Ðến năm 1997, Tổng thống Kim Ðại Trung, Ðại Hàn Dân Quốc đã thay đổi, không ai có thể lật ngược tiến trình thay đổi đó.

Công cuộc chống tham nhũng tại Hàn Quốc không thể bắt đầu, và cũng khó thành tựu nếu không được báo giới tích cực tham dự. Nhưng nhờ đâu mà nhà báo có thể đóng vai trò “giám sát xã hội” của họ? Nhờ chế độ tự do dân chủ. Chỉ cần có tự do là báo giới sẽ tự động làm công việc tẩy rửa cho xã hội trong sạch hơn. Khi ngôn luận tự do, thế nào cũng có những nhà báo tự lo việc làm sạch sẽ hàng ngũ của chính họ. Vì danh dự tập thể, nhưng cũng vì muốn bảo vệ danh dự của chính mình. Hankyoreh Shinmun (Hàn Thải Lai Tân Văn) năm 1988 là một tờ báo nhỏ, mới ra đời, rất nghèo vì ít độc giả và không được các thương gia ủng hộ. Nhưng khi họ phất ngọn cờ bài trừ tham nhũng, bắt đầu ngay trong giới làm báo, thì các đại gia trong làng báo phải chạy theo. Tất cả chỉ vì quyền lợi của chính họ. Báo giới tự nhiên phải xung phong làm công việc chống tham nhũng vì dân chúng Ðại Hàn, vì các độc giả của họ muốn như vậy.

Chúng ta thấy trong câu chuyện này “phép lạ” của nếp sống tự do dân chủ và kinh tế thị trường. Thị trường gồm tất cả mọi người tiêu thụ, trong đó có các độc giả tiêu thụ dưới hình thức đọc báo. Khi các nhà báo đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, họ phải cùng nhau tẩy rửa nạn tham nhũng. Vì cả dân tộc biết đó là một vết ô nhục trên bộ mặt quốc gia. Muốn được độc giả tin, muốn tờ báo phát triển, nhà báo bắt buộc phải giữ tư cách lương thiện, chính trực, và phục vụ công ích. Họ không cần phải được “giáo dục” hay bắt “học tập chủ nghĩa tư bản” mới biết việc gì cần làm. Như Adam Smith vạch ra trước đây hơn hai thế kỷ (1776), trong một xã hội theo kinh tế thị trường, mọi người cố gắng làm việc để mưu cầu lợi ích riêng; nhưng các công việc họ làm sau cùng sẽ tạo nên lợi ích chung của tất cả mọi người. Ðể cho dây liên hệ nhân quả đó thể hiện được, điều kiện đầu tiên là người dân phải được sống tự do.

Muốn chống tham nhũng, một xã hội phải sống tự do. Nếu dân Hàn Quốc tẩy rửa được nạn tham nhũng, dân Việt Nam cũng có thể làm được. Nhưng trước hết, người dân Việt phải được tự do quyết định lấy số phận của mình; không để cho một lũ tham ô chiếm độc quyền lãnh đạo.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo