Hoang tưởng - Dân Làm Báo

Hoang tưởng

Trần Trường Sa (Danlambao) - Bấy lâu nay cứ tưởng rằng chỉ có người dân ít học mới mơ tưởng: mong có quan tốt, “vua” hiền để thiên hạ thái bình - dân tình hạnh phúc. Té ra ngay cả anh Triết, đã từng là cử nhân toán được đào tạo dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa ít ra cũng qua chương trình triết học lớp đệ nhất thời bấy giờ cũng mong điều như vậy. Không biết hồi ấy anh Triết thi tú tài toàn phần môn Triết được mấy điểm!

“Muốn chống tham nhũng một cách triệt để thì thứ nhất là phải làm từng bước, cứ có vụ nào làm triệt để vụ đó. Thứ hai là những quan chức được cử đứng đầu phải thực sự mạnh mẽ, thực sự liêm khiết, tham nhũng sẽ được giải quyết lần lần”. Bữa kia anh Triết mới nói như vậy với báo chí. (*)

Nghe qua thì không có gì sai. Thảo dân xin hỏi anh Triết mấy câu thế này:

- “Những quan chức được cử đứng đầu” được lấy từ đâu ra? Do ai cử? Ai đánh giá sự liêm khiết của họ? Khi chọn để cử là do trước đó họ liêm khiết, nhưng khi trao quyền lực vào tay họ thì họ hết liêm khiết thì sao?

- “Có vụ nào làm triệt để vụ đó”, xong một vụ lại xuất hiện ba bốn vụ thì làm sao? Làm mãi, mất hết cán bộ lấy đâu ra cán bộ mà làm việc?

“Mấy năm gần đây qui hoạch cán bộ trên về cơ sở, ai không qua cấp huyện thì không lãnh đạo cấp tỉnh, ai không qua cấp tỉnh thì không lãnh đạo cấp trung ương. Theo tôi, qua cơ sở là môi trường rèn luyện tốt, nhưng không nên tuyệt đối quá. Bây giờ gần như là tuyệt đối quá thì gây khó khăn cho nhiều cán bộ giỏi”. Anh Triết nói, khi đề cập đến vấn đề luân chuyển cán bộ.

Về việc này tôi xin hỏi:

- Anh Triết lấy cơ sở nào để xét trường hợp nào cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc trên? Trường hợp nào không cần tuân thủ tuyệt đối? Ai là người xem xét để quyết định?

“Chị nói với tôi: Ông coi thời tôi đi theo cách mạng tôi bỏ nhà bỏ cửa hết, nhà này của tôi nhưng do ba tôi đứng tên để có bề gì thì cũng còn mà ở. Đến hồi giải phóng, tôi là bộ trưởng chính phủ lâm thời, đáng lẽ tôi có nhà, có tiêu chuẩn nhưng tôi không nhận, tôi về nhà tôi ở. Vậy mà nhà tôi, cho đến bây giờ tôi vẫn không làm được chủ quyền. Sau khi ba tôi mất người ta nói với tôi là tôi phải có giấy của ông anh bên Mỹ, ông anh ở bên Pháp gửi về chứng nhận ủy quyên cho Quỳnh Hoa. Tôi nói mắc mớ gì tôi làm, nên tôi không làm”.

“Rồi từ đó chị ấy tự ái, trách cứ, không tiếp ai hết. Khi biết rồi thì tôi về tính chuyện làm. Nhưng làm cũng không dễ, do cơ chế. Nhưng tôi vẫn làm quyết liệt cho chị ấy. Chị ấy vui vẻ ngay. Chị ấy nói: Tôi không lấy nhà của nhà nước là may cho nhà nước rồi, chứ nhà của tôi mà cũng không cho tôi làm chủ quyền là sao”. Anh Triết kể về việc cấp giấy chủ quyền nhà cho bà Quỳnh Hoa như vậy.

Về việc này tôi xin hỏi:

- Anh Triết dựa vào đâu để xác nhận nhà bà Quỳnh Hoa đang ở là hoàn toàn do bà Hoa bỏ tiền ra mua, hai ông anh ở Mỹ, ở Pháp và cả ông bố trước đây không có đóng góp gì? Nếu quả thực như thế thì việc xác minh của hai ông anh ở Mỹ, ở Pháp đâu có gì khó đối với một người quản giao và có thế như bà Hoa!

- Anh Triết giúp bà Hoa làm giấy chủ quyền nhà xong, nhở sau này hai ông anh bà Hoa về khiếu kiện thì sao?

- Anh Triết giúp bà Hoa làm giấy chủ quyền nhà được thì nhiều cán bộ khác cũng giúp nhiều người làm giấy chủ quyền nhà được mà không cần tuân thủ nguyên tắc xác minh, ủy quyền thừa kế gì cả. Trong hàng vạn trường hợp ấy, đâu ngay - đâu gian ai mà biết được? Kiện tụng xảy ra tùm lum, án tồn đọng xử làm sao đây?

- Hàng ngàn trường hợp như bà Hoa, nhưng họ không làm bộ trưởng như bà Hoa thì tìm đâu ra anh Triết, anh Triệt... để giúp?

Với tư duy kiểu như vậy, thảo nào anh Triết từng bảo “Bỏ điều 4 là tự sát” cũng phải! May mà anh làm Chủ tịch nước chứ anh làm Thủ tướng thì e bây giờ nạn tham nhũng còn nhiều hơn gấp bội (dù anh có liêm khiết, đàng hoàng tới đâu).

Luận điểm đầu tiên của anh Triết về chống tham nhũng là hoàn toàn chủ quan duy ý chí. Anh ủng hộ một đất nước có đảng (như Vua) nên anh mới mong có những ông vua như Lê Thánh Tôn chọn những ông quan như Tô Hiến Thành để chấp chính ắt là dẹp được nạn tham nhũng, dân tình ấm no - hạnh phúc. Ngày xưa, các hoàng tử được vua giao cho các quan dạy dỗ nghiêm khắc mà có khi nào truyền được quá ba đời minh quân đâu! Huống chi bây giờ con người được đào tạo theo tinh thần XHCN đẻ ra sản phẩm toàn cỡ như Bầu Kiên, Bùi Tiến Dũng, Dương Chí Dũng... Anh Triết tìm đâu ra vài ngàn người theo đảng mà sạch như Nguyễn Sự. Giá mà có đi nữa thì đời nay chả ai dại gì mà phó thác sự nghiệp dân tình cho những cá nhân cả. Xem ra anh Triết không phải là người ủng hộ Nhà nước Pháp quyền. Ngày xưa, chắc cũng là do anh cho rằng ông Hồ tốt hơn ông Thiệu nên anh mới theo Việt Cộng chứ kỳ thực anh chả biết chủ nghĩa Mác-Lê là cái quái gì cả!

Luận điểm thứ hai của anh Triết về tổ chức cán bộ chứng tỏ anh điều hành đất nước hoàn toàn bằng cảm tính. Chủ trương luân chuyển cán bộ chưa hẳn là hay, nhưng đã bày ra thì mọi người đều phải tuân thủ. Tự anh bày ra, rồi anh phá lệ thì người khác phá lệ cũng được. Chủ trương tự nhiên trở nên phản tác dụng, chỉ áp dụng để dìm những ai kém cánh thế. Thảo nào anh ký phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho tên nói dối và tặng danh hiệu noi gương đạo đức Hồ Chí Minh cho kẻ xàm xỡ với tiếp viên giữa thanh thiên bạch nhật (H.X.M).

Luận điểm thứ ba của anh Triết về đền ơn đáp nghĩa thì quá nặng mùi công thần. Bà Hoa vì đề phòng khi theo Việt cộng dưới thời VNCH nên phải để người cha đứng tên ngôi nhà của mình. Vậy, sau khi cộng sản cướp chính quyền, 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền cộng sản là chính quyền do bà Hoa ủng hộ, chắc chắn bà Hoa phải tin tưởng chính quyền này, sao bà Hoa không bảo cha mình sang tên ngôi nhà lại cho mình hoặc lập di chúc để lại toàn bộ ngôi nhà cho bà. Mặc dù là dân toán học nhưng anh Triết không hề động não một tí nào khi nghe bà Hoa nổi máu công thần nhỏng nhẻo trách cứ. Kiểu này anh Triết chắc chắn là người nhiệt tình ủng hộ việc cướp nhà của những người trong chính quyền VNCH hoặc người giàu có trước đây để cấp cho những công thần của chế độ cộng sản. Thế thì anh Triết theo cộng sản là vì thấm nhuần câu “Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình” trong bài Quốc tế ca của cộng sản chứ chả phải vì lý tưởng giải phóng dân tộc gì cả.

Tham-sân-si-hỷ-nộ-ái-ố là thuộc tính vốn có của con người từ khi mới sinh ra. Lớn lên nhờ gia đình hướng dẫn, dạy dỗ; xã hội kiểm soát mà các thuộc tính này bị kìm hãm đi một phần. Nếu có ý thức tu tập thì các thuộc tính này mới giảm đi đáng kể. Ai diệt hết các thuộc tính này tất sẽ thành Phật. Chủ nghĩa xã hội chủ trương diệt hết nhà giàu, lấy của chia cho người nghèo; nên người theo cuộc cách mạng lòng tham bị kích thích trỗi dậy; người lãnh đạo cuộc cách mạng này lại càng tham hơn. Khi xài hết của lấy từ bọn nhà giàu rồi thì họ bòn rút từ thành quả lao động của người nghèo là điều đương nhiên (một người làm việc bằng ba - để cho chủ nhiệm xây nhà mua xe). Sở dỉ họ làm được điều này là vì có sự bảo kê của chế độ, cho phép họ có nhiều quyền lực mà chỉ có lãnh đạo Đảng của họ mới kiềm chế được. Nhưng lãnh đạo cao nhất của Đảng họ cũng là người đầy tham-sân-si-hỷ-nộ-ái-ố.

Chủ nghĩa xã hội biện hộ rằng: con người XHCN được đào tạo trên tinh thần vì giai cấp, dẹp bỏ quyền lợi cá nhân để hướng tới quyền lợi của giai cấp nên phẩm chất hơn hẳn con người Tư bản chủ nghĩa. Trẻ con cũng thấy được lập luận này hoàn toàn ngụy biện và hoang tưởng. Vì phương thức đấu tranh của cách mạng XHCN là “cướp”. Chính quyền cũng cướp, ruộng đất cũng cướp, nhà máy cũng cướp, nhà cửa cũng cướp... thì làm sao dứt lòng tham được. Anh Triết không nhận thức được những kẻ tham nhũng hiện nay là do chính chế độ các anh gây dựng tạo ra; cách thức tham nhũng là do cơ chế các anh dung dưỡng. Thế thì làm sao anh dùng chính con người của chế độ này, cơ chế của chế độ này để tiêu diệt tham nhũng cho được. Hãy nhìn lại lịch sử nước ta và Trung Hoa thì rõ. Có phong trào nào cướp của người giàu chia cho người nghèo tồn tại lâu mà đem hạnh phúc cho nhân dân đâu, lãnh tụ các phong trào ấy khi giành được một ít quyền lực có ai là không tham đâu. Vua Quang Trung nổi bật nhờ chiến công đánh đuổi quân Thanh nhưng cũng không dẫn dắt được đám lâu la theo ngài nên Tây Sơn nhanh chóng suy sụp ngay khi ngài băng hà. Chỉ có thánh Vinoba đi xin đất người giàu chia cho người nghèo mới không bao giờ động lòng tham cá nhân. Tổng thống Mandela đấu tranh dẹp bỏ chế độ phân biệt chủng tộc rồi lên làm tổng thống qua tổng tuyển cử tự do mới không tham quyền cố vị mà thôi. Chị Quỳnh Hoa tuy có công với chế độ cộng sản, nhưng cũng chưa có gì là ghê gớm cả chưa gì đã muốn ngồi xổm trên pháp luật thế mà anh Triết ủng hộ tạo điều kiện thì thử hỏi những người đứng đầu chế độ trong ngày 30 tháng 4 - 1975 như anh Ba Duẩn, anh Sáu Thọ... coi quốc pháp ra gì nữa. Thảo nào nghe người ta bảo anh Sáu đã từng nói “Đảng là tao, tao là Đảng chứ còn đâu nữa”.

Tại các nước dân chủ người dân chỉ phục tùng pháp luật, không phục tùng lãnh tụ; mà pháp luật không phải là người nên không có tham-sân-si-hỷ-nộ-ái-ố. Những người làm ra luật lại do dân bầu một cách tự do, ai không thể hiện được ý dân thì nhiệm kỳ sau bị dân gạt bỏ. Người thi hành pháp luật thì độc lập với người làm luật. Mọi việc cứ theo luật mà làm, không thèm xin ý kiến chỉ đạo như ở ta. Ai làm sai luật thì có người căn cứ theo luật mà xử. Quan tòa như trọng tài không chịu sự lãnh đạo của ai cả. Quan tòa xử sai luật thì có báo chí, công luận lên tiếng; những người làm luật sẽ xem xét và truất phế.

Trong các lãnh đạo cao cấp gần đây tôi thấy anh Triết, anh Sang là người có học nhiều nguồn tư tưởng, không như anh Trọng giáo điều chỉ học vẹt chủ nghĩa Mac-Lê. Nay nghe anh Triết nói mấy điều trên thảo dân tôi nản quá sá. Con đường tam quyền phân lập các nước đã áp dụng hàng trăm năm nay tạo nên các xã hội giàu có, hạnh phúc sao nghe còn xa lạ quá với dân Việt ta. Hay là cái gì Tàu chưa học được thì ta chưa học được? Đạo Phật ngày xưa truyền thẳng từ Ấn Độ sang ta nhưng không phát triển mấy; khi Đạo Phật truyền sang Tàu rồi mới sang ta thì phát triển mạnh! Quý vị nào nghĩ xem có cách gì ta học thẳng tam quyền phân lập từ Tây mà không qua Tàu được không? Ngày xưa cụ Phan Chu Trinh bó tay, không lẽ bây giờ con cháu cụ không làm được mà phải theo đuôi cộng sản như bà Bình cản trở sự nghiệp cha ông! Há không hổ thẹn lắm ru!

21/01/2014



___________________________________


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo