Mâm mồi các cụ (Tập 2) - Dân Làm Báo

Mâm mồi các cụ (Tập 2)

Thất Sỹ (danlambao) - Ngày nảy, ngày nay. Ở xóm Cồn, có một đám cưới dình dang, ăn uống đã mấy ngày. 

Chuyện rằng: con bé cái Tèo, con nhà ông cu Tịt lấy anh chồng người nước Lạ, là chủ chỗ con Tèo làm thuê. Chắc chàng này giầu có, nên cho nhiều tiền để làm đám cưới. Chàng ngoại lục tuần, hơn ông Tịt có mười mấy tuổi. Vì lý do nào đó, chàng không có mặt ở đám cưới, còn ông cu Tịt cũng chẳng mấy khi xuất hiện để tránh điều ong tiếng ve. 

Nhà ông Tịt hoàn cảnh lắm, vợ mất sớm, một mình ông cặm cụi nuôi mấy đứa con nhỏ, con Tèo là đứa lớn nên phải bỏ học để phụ giúp cho bố, rồi có người thương tình đưa nó vào làm thuê ở khu công nghiệp, thoát khỏi cảnh bần hàn ở quê nhà nên ở tuổi dậy thì trông nó đằm thắm lắm. Thế là ông chủ phải lòng nó. 

Ông Hội, ông Đồng cũng đến dự, còn ông Phiếm, ông Luận không đến vì không có họ hàng với nhà cái. Một mâm sáu người được thành lập gồm có các ông: Hội, Đồng, Nhân, Dân, Cấp, Phò. 

Cuộc vui bắt đầu, cũng như mọi khi, ông Hội hay làm người khởi sự:

- Chuyện ngày xưa có nàng Tô Thị ngóng chồng mà hóa đá Vọng Phu. Nhưng ngày nay biểu tượng ấy mất rồi vì dân Đồng Đăng có thơ rằng:

Đồng Đăng có phố Kỳ lừa

Có nàng Tô thị nó vừa nung vôi

Vì thế các nàng Tô thị ở ta ngày nay chỉ ngóng chồng ngoại quốc, chồng đại gia để mong đổi đời – âu cũng là do hoàn cảnh. Còn ở nước ngoài không biết có truyền thuyết giống nàng Tô thị ở ta không nhưng họ có những người phụ nữ thật sắt son, chung thủy. Như cô dâu người Nga lấy chồng người Viêt sang lao động xuất khẩu ở bên ấy, rồi chàng bị tàn tật do tai nạn lao động, nàng vẫn theo chồng về Việt nam, ở Cẩm phả – lần hồi bán bia nuôi chồng, kiếm sống. Sau này nghe nói chàng đã phụ bạc nàng, nên nàng lại dắt con về phía trời tây. Hay như cô dâu người Triều tiên có mối tình với chàng trai người Việt, khi chàng sang đấy học tập, chàng về nước làm huấn luyện viên môn đua xe đạp thì hai người bặt tin nhau. Ba mươi năm sau họ mới lại liên lạc được với nhau, lúc ấy cả ông chàng và bà nàng đều đã ngoại năm mươi nhưng họ vẫn quyết định đi đến hôn nhân. Mối tình ấy thật đẹp, nó vượt qua cả không gian, thời gian của thuyết tương đối Anhstanh. 

Ông Đồng tiếp lời:

- Thế mà đêm qua tôi có một giấc mơ lạ: tôi mơ thấy một ngày nào đó con gái ở xứ Âu – Mỹ xếp hàng để đàn ông Việt nam sang tuyển vợ, rồi trai tráng xứ ấy nườm nượp nộp đơn xin sang Việt nam để xuất khẩu lao động. 

Ông Nhân nhắc nhở:

- Này bác, lần sau trước khi đi ngủ, bác phải kiểm tra cái mạch của mình, không có lúc ngủ là bị chập mạch đấy. 

Ông Dân có vẻ suy tư:

- Tôi thấy cuộc sống bây giờ thật bất an, người lương thiện ra đường cũng sẵn sàng làm kẻ cướp – như cái vụ hôi tiền hay vụ cướp bia đấy, rồi thiên tai nhân tai khó tránh. Nếu tôi chẳng may bị trộm cắp thì thôi đành chịu chẳng cần báo công an để mất thời gian, nếu bị bệnh tật gì thì tự tìm cách chữa hoặc nhắm mắt chờ số phận chứ đến bác sĩ thì có khi mắc thêm bệnh. Đấy cái vụ bác sĩ Cát tường đấy, đi thẩm mỹ viện chẳng thấy đẹp đâu chỉ thấy mất mạng. 

Ông Đồng – cựu chiến binh lên tiếng:

- Tôi hỏi các ông nếu ngày xưa mình biết xã hội sẽ như thế này thì các ông có thề hăng say uống máu quân thù, có lên đường xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước không?

Ông Dân nói:

- Em vẫn đi, vì thời trai trẻ mình được rót mật vào tai, mà nếu mình không đi thì cái thòng lọng nó sẽ xiết vào cổ mình, vào cổ bố mẹ mình. 

Ông Hội vốn đọc nhiều, lại hay triết lý:

- Nếu biết trước thì tôi chẳng đi học làm gì, tốn thời gian công sức, rồi thất nghiệp. Nhưng thôi, cuộc đời là một chuỗi sự kiện. Cái mình biết trước để mình phấn đấu, cái mình chưa biết để mình hy vọng. Chân lý là sự thật khách quan luôn luôn đúng, còn những điều do một phía đưa ra rồi bắt mọi người phải công nhận đó là chân lý thì dễ dẫn tới thảm họa – biến bạn thành thù, thù thành bạn – lẫn lộn đúng sai, đảo lộn cương thường. 

Ông Cấp – đảng viên, hay họp hành nên cũng hay phổ biến:

- Hôm nọ đi họp tôi thấy nói rằng con đường đi lên CNXH còn lâu dài lắm đến cuối thế kỷ này chưa chắc nó đã định hình, như vậy là ngót một trăm năm nữa đấy. 

Ông Đồng góp thêm:

- Nhưng không biết trên con đường một trăm năm ấy có còn cái gì để phá nữa không?

Ông Nhân thở dài ngao ngán:

- Cái vụ án oan của ông Nguyễn thanh Chấn tôi thấy ông này có hai cái may: một là nhờ có bố là liệt sĩ nên thoát án tử hình, hai là kẻ giết người lại tự ra đầu thú, nếu không thì đã đi tong rồi. 

Ông Phò vốn là diễn viên nghiệp dư hay diễn tấu hài, đứng lên:

- Vụ đấy để em 

Rồi ông đưa tay làm động tác sửa mũ áo xong lớn giọng:

- Ta là Bao thanh thiên ở phủ Khai phong - hôm nay ta xử vụ án oan của Nguyễn thanh Chấn, người đâu giải sáu tên đã dùng nhục hình ép cung Nguyễn thanh Chấn ra trước công đường. 

Ông Cấp ngồi bên phụ họa: uề…uề …uề

Ông Phò tiếp:

- Các người thân mang trọng trách công quyền mà tâm địa độc ác cố tình gán oan sai cho người khác để được việc mình, đẩy cả nhà người ta đến chỗ khốn cùng tuyệt vọng. Dùng nhục hình ép cung để bắt người ta nhận tội. Ta chắc rằng không chỉ mình Nguyễn thanh Chấn bị oan đâu. Ta không cần vật chứng, chỉ cần nhân chứng đã chịu tù oan mười năm là đủ để kết tội các ngươi. Tội của các ngươi trời không dung đất không tha. Người đâu! cẩu đầu trảm chờ lệnh! Khai…đao. 

Ông Cấp nhà có xưởng mộc vội đứng lên:

- Thưa ngài Bao Thanh Thiên, xin ngài cho phép xưởng của tôi đươc sản xuất Cẩu đầu trảm cho ngài!

Một ông ở mâm bên cạnh chạy sang, tay cầm cái thìa giả làm mic:

- Tôi là phóng viên hãng BIA xin phép phỏng vấn ngài: - tại sao ngài không tham gia xử các vụ trọng án tham nhũng?

- Những vụ ấy triều đình không cho phép ta xía vô!

Ông Đồng lắc đầu:

- Đúng là…Đến Bao Công bây giờ cũng rởm! Thôi mời ngài thăng thiên. 

Vừa ngồi xuống nhấp xong ngụm rượu, ông Phò lại tiếp tục buôn dưa lê:

- Có lần bọn em ngồi quán uống bia, nói chuyện đàn bà, thì cũng chỉ loanh quanh cái câu “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” thôi. Thế là bà chủ quán nổi đóa lên: các ông cứ chê đàn bà bọn tôi – thế tôi đố các ông: đàn ông nhiều đầu hơn hay đàn bà nhiều đầu hơn”. Bọn em còn đang tính thì bà ấy lại nói: “đàn bà có hai nhăm cái đầu, tôi đố các ông đếm đủ chừng ấy – tôi sẽ chiêu đãi các ông bữa này”. He! he! he!

Ông Hội nhắc:

- Này chú Phò, chuyện ấy mình chỉ nói vui ở đây thôi đừng đem ra mà phổ biến ở hội nghị đấy nhé!

- Bác này, chuyện gì nói ở đâu em biết chứ. 

- Thế sao cái chuyện mình nói đùa với nhau lúc rượu bia, nơi quán xá chú lại chuyển sang thành chuyện nói thật?

- Đâu! chuyện gì?

- Thì cái chuyện đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ đấy! 

- Ơ, em cứ tưởng đấy là chuyện thật! ha, ha, ha. 

Mọi người chuyện trò, thăm hỏi nhau một lúc rồi ông Hội tuyên bố:

- Thôi, ta mừng cho cháu rồi kết thúc ở đây!

Cái Tèo thấy các ông chuẩn bị ra về chạy đến cảm ơn. Ông Nhân căn dặn:

- Cháu đi lấy chồng ở nơi đất xa người lạ, các ông cầu mong cho cháu được hạnh phúc, nhưng cháu phải luôn luôn hướng về quê nhà, nơi chôn rau cắt rốn, nơi có những người thân của mình, như thế con cháu của cháu nó mới biết nẻo đi đường về. 

Khổ thân con bé, cái tuổi của nó “lo chưa tới”. Lúc nãy ở mâm thanh niên mặt nó tươi tỉnh một tí, bây giờ đến các ông nói những lời thương cảm, trông nó buồn buồn, thật tội./. 


_____________________________________



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo