Châu Văn Thi (Danlambao) - Video thứ nhất được phát trên website V.ifeng.com của Trung Quốc cho thấy tháng 3/2012 tàu Hải giám Trung cộng số hiệu 83 và 75 xâm phạm vùng biển Việt Nam bằng việc áp sát các giàn khai thác dầu khí Đại Hùng 01, và Đại Hùng 02 thuộc xí nghiệp liên doanh dầu khí VietsovPetro. Tàu hải giám số hiệu 83 đã đi ngang vùng biển giữa tàu chứa dầu FSO Kamari nơi có chứa rất nhiều ống dẫn dầu. Sau đó tàu dịch vụ bảo vệ PTSC Hải Phòng đã liên lạc với tàu hải giám Trung cộng bằng các kênh liên lạc VHF nhưng không nhận được câu trả lời. Buộc tàu PTSC Hải Phòng hú còi đẩy đuổi tàu Trung cộng ra khỏi vùng nguy hiểm về khai thác dầu khí.
Đoạn ghi chép ghi lại tọa độ mà tàu hải giám Trung cộng xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Đoạn video còn cho biết các số liệu của giàn khoan Đại Hùng 01 như:
-Giàn được xây dựng vào năm 1975 theo yêu cầu của bộ năng lượng Anh, giàn có dạng một giàn khoan di động với tên ban đầu là DeepSea Saga.
-Tới năm 1984 do yêu cầu đến khoan khai thác được loại bỏ, giàn chuyển mục đích làm giàn cố định trong vùng Argy II/Duncan block 30/24 và đổi tên thành DeepSea Pioneer.
-Năm 1994 việc sửa chữa DeepSea Pioneer bao gồm nâng cấp hệ thống neo, thay thế hệ thống thủy lực kiểm soát giếng ngầm, đại tu và sửa chữa các thiết bị hiện hữu và lắp đặt các thiết bị tiện ích cung cấp hơi đốt. Vào thời điểm này giàn được đổi tên thành Đại Hùng 01 (DH-01) và thuộc quyền sở hữu của BHPP.
-Năm 1997 BHPP đã chuyển quyền sở hữu mỏ cho Petronas Carigali.
- Tháng 2 năm 1999 xí nghiệp liên doanh VietsovPetro nhận mỏ từ tay Petronas Carigali.
- Giàn có độ sâu 110m nước, công suất khai thác 18.000 thùng dầu/ngày.
Tác giả trước giàn khoan Đại Hùng 01 tháng 9/2012.
Chưa dừng lại ở đó video thứ 2 cũng trên website này cho thấy 13h ngày 9/3/2012 tàu Hải giám số hiệu 83 và 75 tiếp tục áp sát giàn khoan KNOC WHD, và tàu FSO MV12 thuộc mỏ Rồng Đôi , lô 11.2 cách Vũng Tàu 300km thuộc thềm lục địa Việt Nam. Mỏ Rồng Đôi là liên doanh giữa Việt Nam với KNOC Hàn Quốc chuyên khai thác dầu và khí lỏng (condensate). Tàu dịch vụ bảo vệ Mermaid Challenger cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình khi xuất hiện và đẩy đuổi tàu hải giám Trung cộng.
15h ngày 9/3/2012, hai tàu hải giám này của Trung cộng táo tợn áp sát kho nổi chứa xuất dầu thô FPSO Lewek Emas của Việt Nam đang neo đậu tại vị trí giàn khoan mỏ Chim Sáo, ở lô 12W, thềm lục địa Việt Nam.
Tàu hải giám số hiệu 75 táo tợn xâm nhập vị trí giữa tàu Lewek Emas và giàn khoan ENSCO-107 (đang khoan cho WHD). Các tàu kéo dịch vụ bảo vệ của Việt Nam cố gắng bắt liên lạc trên các kênh VHF: tiếng trên video có thể nghe rõ tiếng VN đang gọi: "Zhong Guo Hai Jian 75". Tàu kéo dịch vụ bảo vệ Sapa hú còi, tiến về hướng tàu hải giám Trung Quốc đẩy đuổi khiến chúng bỏ đi.
Điều đáng chú ý là sự việc này đã được tường trình chi tiết trên trang nhà Bauxite Việt Nam ngày 15/3/2012.
Tàu hải giám số hiệu 75 áp sát giàn khoan dầu khí. Nguồn: Bauxite VN.
18h 49 phút ngày 9/3/2012 , các tàu Hải giám Trung cộng xuất hiện ở giàn khoan Lan Tây thuộc Block 6.1 vùng Nam Côn Sơn. Chụp ảnh các giàn khoan rồi rời đi sau đó.
Cuối video tàu Hải giám số hiệu 83 tiếp cận giàn khoan Anowit 5 (không rõ của nước nào), gọi bộ đàm khẳng định đây là vùng biển của CHND Trung Hoa, phía bên kia giọng nói đáp lại khu vực này không phải của TQ và TQ không thể chịu trách nhiệm các khu vực ngoài các đảo mà TQ đã chiếm.
***
Việc các tàu Hải giám Trung cộng xâm phạm vùng biển Việt Nam gần ngày 14/3/2012 (Hải chiến Trường Sa), một lần nữa khẳng định âm mưu bá quyền của Trung cộng trên toàn bộ biển Đông. Việc áp sát các giàn khoan dầu khí Việt Nam để chụp ảnh cùng với đội ngũ phóng viên hùng hậu gây nguy hiểm trực tiếp tới các lợi ích kinh tế của Việt Nam trên vùng biển này.
Tác giả là một công dân Việt Nam yêu cầu phía Trung cộng chấm dứt ngay các hành động vi phạm vùng biển Việt Nam.
Thiết nghĩ phía Việt Nam cần có động thái mạnh mẽ hơn trong những vụ xâm phạm vùng biển trắng trợn gần đây như đâm tàu VN, ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Việt Nam.
Châu Văn Thi
danlambaovn.blogspot.com
Châu Văn Thi
danlambaovn.blogspot.com