Nguyễn Việt Nữ (Danlambao) - Mừng giao thừa Xuân Giáp Ngọ, chúng ta hiểu được giấc mơ làm giàu của “Chú bé Triều Tiên trộm Bò” của chính cha mình, phiêu lưu xuống Nam Hàn là xứ theo nền kinh tế tự do của Tây phương mà thành nhà kinh doanh tỉ phú, đạt giấc mơ làm giàu.
Bắc Hàn là đệ tử trung thành của Mác-Lê, theo kinh tế chỉ huy, nên hận thù tư bản Mỹ chuyên “bóc lột” người nghèo, nên nhiều lần tuyên bố sẽ hủy diệt Nam Hàn, tay sai “Tư Bản Mỹ”.
Còn Việt Nam, “nhờ” có Hồ Chí Minh, người đồng chí với lãnh đạo Kim Nhật Thành của Triều Tiên, phát động chiến tranh “chống Mỹ cứu nước”, với phương châm: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Chân lý ấy không bao giờ thay đổi,” nên xua quân từ Bắc xâm chiếm miền Nam năm 1975 mà được Thống Nhất.
Thời ấy, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đang lãnh đạo chống Cộng Sản Bắc Việt, là nơi người nghèo có óc phiêu lưu, làm việc tay chân y như Hồ kêu gọi nên trở thành doanh nhân giàu có như “Chú bé Triều Tiên Trộm Bò” nhưng rồi trở thành “Bị can” bị tù tội, bị tịch thu tài sản, làm mất óc sáng tạo.
Chuyện này xảy ra ngay dưới trướng thời Hồ Chí Minh trị vì. Những gì Hồ nói thì rất... “Hòa Bình” nhưng làm thì rất... “Chiến tranh”! Nên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã lìa đời lâu rồi, nhưng còn để lại lời khuyên để đời: “Đừng nghe Cộng Sản nói, mà hãy nhìn Cộng Sản làm”.
Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014, chúng tôi nhận được hai câu đối Tết của một người bạn gồm lời tuyên bố thời danh của hai nhà lãnh đạo Nam, Bắc Nguyễn Văn Thiệu - Hồ Chí Minh lúc ấy. Xin nêu lên đây với lời chân thành cảm ơn người bạn có bút hiệu “Sầu Riêng” vì nội dung hai câu đối rất đúng với chủ đề Mùa Xuân, vì chúng ta đang còn là ngày Mồng Ba Tết Giáp Ngọ:
Câu đối Tết cho người Việt Nam:
Còn hai người nữa chúng tôi biết ơn vì đã đóng góp lớn lao trong tựa đề “Mùa Xuân Nhân Loại” của Cộng Sản. Đó là nhà văn Trần Huy Quang, biên tập viên chuyên nghiệp của tuần báo Văn Nghệ, tác giả truyện ngắn “Linh Nghiệm” trên số báo ngày 4 tháng 7 năm 1992,
Cuối cùng là cựu Đại tá Cộng sản Bùi Tín. Nhờ ông là “Cháu ngoan Bác Hồ”, đã “nằm trong chăn” Cộng Sản nên biết để vạch rõ những con Rận như Hồ Chí Minh chi tiết hơn, mà nếu ông không nói, không viết ra, chúng ta không tài nào hiểu nổi cái tội ác kiểm soát báo chí thời Hồ Chí Minh qua “5 tầng địa ngục”:
Rằng bài “Linh Nghiệm” chưa đến 2 ngàn từ, gói gọn trong 2 trang nhỏ mà khắc họa được cả cuộc đời và sự nghiệp của ông Hồ, kín đáo mà rõ ràng, không nêu tên mà ai nấy đều vỡ lẽ, ám chỉ mà không lẫn vào đâu, ẩn dụ mà sống động, như một họa sỹ thiên tài, vung tay đưa vài nét cọ chấm phá mà phác họa được nhân vật với tất cả thần sắc hiển hiện.
Chữ mở đầu bài báo là tên một con người, cũng là chủ đề bao trùm của toàn bài. Rất kín, khó đoán lúc đầu, mà lại rất hở, khi đã vén màn bí mật lên. Đó là chữ "H", rồi 3 chấm, rồi "inh". Như thế này: "H... inh là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân không nghèo mà cũng chẳng giàu có gì lắm". Vì kín, nên bài báo lọt qua được 5 lớp duyệt của phó phòng văn nghệ, trưởng phòng văn nghệ, phó tổng biên tập thường trực, trưởng phòng thư ký tòa soạn, rồi họa sỹ trình bày minh họa báo và một loạt cán bộ cùng 2 công nhân nhà in. Xin nhớ vào thời vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm, công nhân xếp chữ của nhà in cũng được huy động để cảnh giác, canh gác nghiêm mật cho đảng, để không cho lọt lưới những "bài báo xấu chống đảng".
Vì "H… inh" chính là tên Hồ Chí Minh cô lại một cách kín đáo, bất ngờ, thú vị. Và Hồ Chí Minh chẳng sinh ra là con thứ 3, có anh là Nguyễn Tất Khiêm và chị là Nguyễn Thị Thanh. Rồi anh thanh niên ấy nuôi một cuồng vọng mơ hồ thần bí muốn "tìm kiếm một phép thần thông, mong đợi một dấu vết của cõi Thiên, hoặc hơi hướng của miền Cực lạc để đưa về cho chúng sinh", và rồi "lòng khao khát làm trai hải hồ, khắc khoải được quỳ gối dưới chân bậc Chí Thành", được "Linh nghiệm". Anh được lên chín tầng Thánh địa để được gặp đấng Chí Linh. Để được nhận tấm Đạo thư. Đó là ám chỉ sự kiện một đêm anh thanh niên Nguyễn Tất Thành vớ được luận cương Cộng sản của đấng Chí Linh - Lenin - rồi la toáng lên rằng ánh sáng đây rồi, chân lý đây rồi, và Đạo thư chính là nói về cái chủ nghĩa Mác-Lê đầy mê hoặc một thời.
Thế rồi anh thanh niên đi về phương Nam, mang theo cẩm nang đi tìm của quý trong vườn hoa mang tên Mùa Xuân, thu hút quanh mình đông đảo đồng bào. Anh bí hiểm lập lờ, thầm thì với mọi người tò mò hí hửng theo anh: "đi tìm cái này", cứ thế thu hút quần chúng nghèo khổ đủ loại vô sản rồng rắn đi theo, với hy vọng mơ hồ "cái này" sẽ đổi đời cho họ, sẽ có một chút no ấm, cứ thế, sáng, trưa rồi chiều, tối, và đến nay hơn nửa thế kỷ, vẫn còn đám đông xúm xít trong vườn hoa mang tên Mùa Xuân.
Thì các nhà lý luận Cộng sản chẳng luôn mồm nói chủ nghĩa Cộng sản là Mùa Xuân Nhân Loại là gì, rằng chủ nghĩa Cộng sản là Thiên đường dưới trần thế là gì!
Bộ Chính trị nổi giận, ông Đào Duy Tùng nguyên là trùm tư tưởng, lúc ấy là ủy viên thường trực Ban Bí thư, nổi cơn tam bành. Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ là Hữu Thỉnh vừa thay Nguyên Ngọc tuy đi vắng cũng bị khiển trách. Lệnh thu hồi triệt để số báo không thực hiện nổi vì ai cũng lưu giữ thành của quý.
Riêng Trần Huy Quang bị kỷ luật treo bút 3 năm. Năm anh bị nạn là năm "hạn", 49 tuổi, sau đó không báo lề đảng nào dám đăng bài của anh, cho đến khi anh phải về hưu sớm năm 1996. Năm nay anh vừa tròn 70 tuổi. Anh là nhà văn có tâm, lại có tài, nhưng trên hết là tấm lòng với dân tộc, với kẻ nghèo khổ. Anh nổi tiếng về bút ký "Lời khai của bị can" nói về thân phận của nhà kinh doanh làm ra lốp xe Nguyễn Văn Chẩn, còn có biệt danh là "Vua Lốp".
"Linh Nghiệm" có thể là một mẫu mực về tả chân dung trong nền văn học và nền báo chí nước ta. Giữa không khí sùng bái cá nhân lãnh tụ mà viết phê phán kiểu ẩn dụ như thế, thật tuyệt!
Dài dòng nãy giờ nhưng chưa vào nội dung so sánh kinh tế chỉ huy và kinh tế tự do; nói lên vũ khí “Máy chém. Óc sáng tạo” chỗ nào; vì ông Bùi Tín bình luận bài “Linh Nghiệm” có nhiều phần liên quan đến mùa Xuân, Vườn Hoa Xuân, nên chúng tôi đã “tham lam” nhắc lại. Nhưng chính truyện ngắn “Linh Nghiệm” diễn tả được bản chất Hồ Chí Minh thu hút quần chúng đi theo tìm “Cái nầy” vì tưởng mình bỏ công đào xới sẽ xây một Vườn Hoa Xuân, một Thiên Đàng hạ giới, một Mùa Xuân cho Nhân Loại mà chính Hồ cũng không biết mình tìm cái gì nữa!!
Mà tác giả “Linh Nghiệm” là nhà văn Trần Huy Quang, cũng chính là tác giả bút ký dài “Lời khai của bị can” mà chúng tôi đã hứa sẽ trình bày tiếp để so sánh với bài “Chú bé Triều Tiên trộm Bò”. Nếu “Linh Nghiệm” vạch rõ bản chất của cuộc cách mạng của HCM về chủ nghĩa Mác-Lê có chiếc “cẩm nang thần kỳ” đầy mê hoặc, không tưởng, để thu hút quần chúng xả thân chết oan cho XHCN tiến lên Cộng Sản chủ nghĩa; thì “Lời khai của bị can” tác giả Trần Huy Quang cho ta thấy Hồ Chí Minh lập chính phủ của người nghèo nhưng “Chém óc sáng tạo” của các nhà nghèo dám đầu tư để thành nhà giàu.
Thật đúng như “Câu đối Tết cho người Việt Nam” trên đây để ghi nhớ những trái ngược giữa Lời Nói và Việc Làm của người Cộng Sản.
Một trùng hợp ly kỳ khác là hai mươi năm trước, bài “Lời khai của bị can” chính chúng tôi đã phân tích khá tỉ mỉ về “nghệ thuật” Nói và Làm trái ngược nhau, hay hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” bằng luật rừng XHCN, đem đi phổ biến tận cái nôi Quốc Tế Cộng Sản Mạc Tư Khoa, vì thấy nếu lối trị nước nầy còn kéo dài sẽ là đại họa cho đất nước. Hơn nữa, để mọi người có đủ bằng chứng phê phán công, tội Hồ Chí Minh cho thật công bình, không thiên vị.
Cho nên để tiện so sánh “Bé VNCS” với “Chú bé Triều Tiên Trộm Bò”, bài viết dài của cây bút tuyệt vời Trần Huy Quang, chúng tôi xin phép thêm những tiểu tựa để độc giả dễ theo dõi.
*
Lời khai của bị can
Trần Huy Quang - Xem xong lá số tử vi, tôi mới nghiệm thấy đúng: tôi là người thích phiêu lưu và không chịu lùi bước trước một gian nan nào cả. Ngay từ thời trẻ, tay không đến đất kinh kỳ, cái tính phiêu lưu có từ thời đó.
Tôi bán rau cần được bảy đồng. Để cho vợ tôi ba đồng, tôi cầm bốn đồng, vừa đủ tiền mua một cái vé xe đi Hà Nội. Biết rằng ba đồng vợ tôi với một đứa con chỉ sống được một tuần, trong khi nhà không còn gì. Nhưng cô ấy là người tháo vác có thể sống tạm. Còn bây giờ mọi thứ đang ở phía trước: cơm ăn, hy vọng và tuyệt vọng. Đất kinh kỳ, tôi không quen ai, không nghề không tiền. Biết thế mà tôi đâu có sợ.
Bé Triều Tiên và Việt Nam CS cùng mộng phiêu lưu để làm giàu.
Tôi cứ lang thang từ phố này đến phố khác, tôi không sợ lạc, bởi vì chưa có định hướng, cứ đi, đến đâu thì đến. Thỏa thích ngắm xem các cửa hàng, cửa hiệu. Hàng cắt tóc. Hàng gò hàn. Hàng phở. Hiệu thuốc lào. Hàng hương. Đồ điện. Cứ đi và nhìn ngắm, thèm khát. Khi thích thì đứng lại hàng tiếng. Đến chợ Hàng Da. Có năm bảy cửa hiệu làm dép lốp. Mới hòa bình, sau kháng chiến chống Pháp, dép lốp Bình Trị Thiên đang thịnh. Ngày bé, tôi cũng đã mấy năm làm dép thuê ở Thanh Hóa. Tôi ngồi lại ngắm cảnh thợ bóc lốp. Mỗi hiệu, một anh thợ hoặc hai, bóc lốp, cắt đế, đóng quai. Chủ, khi có khách, mới ra bán, bán lẻ hoặc bán buôn. Các bà chủ khoảng độ ba mươi, bốn mươi, đầu còn chít khăn nhiễu, áo dài gấm, sang mà lạnh lùng. Có hiệu thật sang, quầy dép lốp bên ngoài, bên trong là xập gụ, tủ chứa, xa lông mặt đá: dưới cái màu ong ong của đèn dài, trông thâm nghiêm và sờ sợ. Có nhà giản dị hơn, bà chủ hiệu cũng chỉ áo cộc, búi tóc, guốc mộc.
Tôi nấn ná, rồi bắt chuyện một anh thợ. Anh thợ thật tài hoa, dao đưa mềm mại và đẹp như múa, lớp nào ra lớp ấy, bóng nhẵn. Cắt đế, dao đi ngọt lịm, liền mạch, gọt như gọt dưa. Tôi hỏi chuyện lung tung, nhưng mắt dán chặt vào lưỡi dao, phải nhớ như đóng đinh vào đầu cái đường dao anh thợ múa, để mai kia tôi có thể xin vào làm thuê cho một hiệu nào đó.
Có một người đàn ông, chắc là chủ hiệu, săm sói nhìn tôi, đứng một lúc, đi ra khỏi nhà, rồi về. Bàn tay vỗ vào tay tôi:
- Anh vào đây.
Tôi hơi hoảng.
- Vào đây uống nước. Anh ta nói, ánh mắt khuyến khích hơn.
Tôi muốn vào nhưng lại sờ sợ. Chủ nhà chỉ cỡ tuổi tôi. Cái vai, cái ngực, cái tay hơi thô. Là dân quê, dân ruộng hơn là người thị thành. Những chi tiết bề ngoài ấy làm cho tôi bớt ngại. Chủ và khách nói chuyện, chủ yếu là ông ta hỏi mà không trả lời. Tôi thật thà nói tình cảnh của tôi lúc này. Đã lâu mà anh ta vẫn chưa muốn chấm dứt câu chuyện. Và tôi, vì thế, cũng chưa phải đi và cũng không muốn đi. Cái nhìn của anh ta, khi hỏi chuyện, tôi biết đó là người có tình, có lòng thương người. Hết ấm nước anh ta đứng dậy, tôi cũng đành phải đứng dậy, đã đến lúc phải đi. Tôi định cất tiếng chào thì cái tay anh ta bất ngờ choàng lấy vai tôi:
- Nói thật, Anh ta nói khi thấy tôi ngơ ngác, bây giờ thì anh không đi đâu được đâu. Tối rồi. Ở đây ăn cơm với tôi, cơm gia đình. Tôi có cái gác xép bỏ không, anh cứ ngủ ở đấy. Mai đi xin việc rồi về đây ăn cơm, đừng ngại.
Tôi nhìn người chủ nhà mà không hiểu. Nhưng đó là thật.
Sau này nghĩ lại, tôi mới thấy tôi như người chết đuối, mà anh ấy là người vớt lên. Tôi mãi mãi nhớ ơn anh ấy. Tôi đang ngần ngại, tuy cùng đường nhưng cũng còn biết tự trọng. Người chủ nhà hình như hiểu tôi nên cứ lôi tôi vào dùng cơm. Tôi ở nhà anh ấy mấy năm rồi mới mua được nhà. Đối với tôi, anh ấy lúc đầu là chủ, sau là bạn, bạn chí cốt từ bấy đến nay, ba chục năm. Nay anh ấy đã có cháu nội, cháu ngoại, hiện ở Sinh Từ.
Sáng hôm sau, chủ nhà giới thiệu mấy chỗ cho tôi có thể xin được việc và cũng lại dặn tôi như hôm qua, cứ về chỗ anh mà ăn cơm, đừng ngại, lúc khó khăn mới phải thế.
Tôi đến mấy chỗ do anh chủ nhà giới thiệu. Toàn những cửa hàng xuyền xoàng. Đến đâu tôi cũng ngại ngùng, e dè.
- Ông có thuê người làm không? Tôi hỏi.
- Có. Anh có biết làm không?
- Có.
- Làm thử coi.
Chủ nhà dẫn tôi vào sân sau, chỉ cho tôi đống lốp ô tô cũ. Tôi cầm lấy dao, lúc đầu thì hăng hái, sau lo sợ. Đã vã mồ hôi ra, nhưng cứ loay hoay mà không bóc nổi. Tôi rất nhớ cách thức bóc của các anh thợ mà tôi đã xem, nhưng vẫn chịu. Thì ra nhìn, nhớ mới chỉ là lý thuyết. Chủ nhà có người dễ tính thấy thế chỉ cười, bảo tôi đi, không thuê thợ chưa biết làm. Thế là nhà đầu tiên trượt. Nhà thứ hai, thứ ba, thứ tư, cũng trượt, họ không nhận, nhưng qua bốn nhà ấy là được bốn lần tập dượt, tôi rút được kinh nghiệm. Đến nhà thứ năm, tôi đã làm gần được, nhưng có điều trông rất nham nhở, xấu xí. Ông chủ giao việc đã đi đâu, còn bà chủ trông hàng, làm việc vặt, khi trông thấy đám cao su nham nhở, kêu lên trời, bảo đi ngay đi không thì ông ấy về bắt đền đấy! Tôi tái mét mặt vì xấu hổ và thất vọng.
Cũng trưa rồi, và đói, tôi không đi hỏi việc nữa, trở về ăn cơm chịu nhà anh chủ nhà. Thấy cái thần sắc tôi, có lẽ anh ấy đoán hiểu nên không đả động đến chuyện công việc. Ai ngờ con người dáng vẻ thô kệch mà tính tình lại tế nhị ra trò, cám ơn anh.
Cơm xong, tôi lại đi ngay.
Qua các nhà buổi sáng, tôi không dám nhìn vào. Qua nhà thứ năm tôi còn thấy khổ sở hơn, vừa xấu hổ vừa sợ bắt đền. Tôi ngó lơ sang bên kia đường và bước thật nhanh. Thế mà chỉ mới được một đoạn đã có tiếng gọi: “Anh gì ơi, này...” lại gọi nữa, đích thị là tiếng bà chủ hồi sáng. Nhất định tôi không quay lại, như không nghe thấy. Bây giờ thì không có gì mà đền cho bà đâu, nhưng khoan cho ít lâu, khi tôi kiếm được việc, tôi sẽ đến và đền. Nhất định tôi không để ai phải nghĩ xấu về tôi.
- Này, anh thợ lốp, quay lại đã...
Lần này thì tôi không thể không quay lại vì chị ta đuổi gần đến.
- Nhà tôi thuê đấy, anh quay lại đi! Chị ta nói thêm. Vào đây.
Anh chồng thấy “tội phạm” chỉ vào đống lốp hỏng, bảo:
- Mấy cái hỏng bỏ đấy, làm cái khác. Có hỏng mới thành nghề được, ai giỏi ngay được đâu!
Tôi cố nén lắm mới khỏi để rơi mấy giọt nước mắt biết ơn. Một thời sao có nhiều người tốt đến thế, và vì có nhiều người tốt nên mới làm nên một thời xã hội tốt đẹp.
Tôi lành nghề làm dép lốp ở đó. Bây giờ chúng tôi vẫn đi lại với nhau rất thân tình, vẫn như những ngày hàn vi. Một ngày sống, mọi mối quan hệ với nhau đều thấm đẫm tình người, đâu dễ quên được? Sau này trong một lần vui chuyện, ông chủ nhận tôi vào làm hồi đó có nói khi anh về nghe vợ bảo “Cái anh chàng nhận là thợ mà không biết làm gì cả”. Anh bảo: “Hay nó giả vờ để thó cái gì rồi?” Vợ chồng cuống cuồng lên soát lại của nả. Mất cái bút “Pac ke” rồi, không còn ở túi áo vét nữa. Vợ chồng chạy bổ ra đường đuổi theo, nhưng không bắt được kẻ trộm. Trở vào, chính anh chợt nhớ ra cái bút bỏ trong ngăn kéo. Hối hận vì đã nghĩ xấu cho một người vô tội mà vợ chồng anh thuê tôi làm, sòng phẳng ra thì anh không thuê thợ như tôi.
Được sáu tháng tôi có một ít tiền, trả tiền cơm một nửa, một nửa chịu, tôi về quê. Làng đang vụ giáp hạt, đói lắm. Tôi biếu bà con nội ngoại không sót ai, người một đồng, người vài đồng, rồi dắt díu vợ con ra ờ nhờ cái gác xép ấy của Hàng Da.
Hồ Chí Minh “chém óc sáng tạo” của người nghèo ra sao? Từ lúc nào?
Năm ấy là năm 1958.
Rồi đến lúc hết thời dép lốp, người ta chạy theo “pa sô”, “tông”, nhựa, gỗ, “adidas”. Nhựa thịnh hành nhất. Dép lốp thoái vị, nhựa lên ngôi. Hàng họ cứ ế dần và đến lúc phải bỏ nghề. Làm gì để sống? Một hôm thằng con tôi đi học về mếu máo: “Bố ơi, bố mua cho con cái bút khác chứ cái bút đang dùng vỡ cổ rồi, mực chảy nhòe nhoẹt cả tay”. Tôi đi khắp các cửa hàng mậu dịch quốc doanh không nơi nào có, hoặc có thì bán phân phối. Tôi đành phải bỏ ra sáu đồng mua cho cháu một cái “Trường Sơn” mà giá phân phối chỉ có ba đồng. Tôi căm ghét cái ba đồng ngoài giá mậu dịch ấy. Vì tôi yêu đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi hơn cả bản thân tôi, hơn cả cuộc đời tôi. Tờ giấy bạc vào tay tôi thì khó tuột ra, vì tay tôi nhiều chai, ráp, và dâm dấp mồ hôi.
Tôi cầm cái vật nhỏ nhoi mà phải mua đắt thêm ba đồng kia, tháo tung ra. Nó là cái quái gì, chỉ có bảy bộ phận đơn giản, ba loại chất liệu mà chẳng phải trên trời cao hay dưới đất sâu, hay bên Tàu bên Tây nhập vào mới có, nó vương vãi đầy ngõ chợ. Mình không làm được chẳng qua là mình chưa chịu làm. Ý nghĩ đó tự nhiên kích thích tôi, làm tôi quay cuồng, người ngợm ngứa ngáy giống như tôi vừa nhiễm phải một chất kích thích nào đó. Ngay buổi trưa, tôi tuyên bố cho cả nhà biết là kể từ chiều nay tôi sẽ không làm bất cứ một việc gì khác, mẹ con chúng bay tự xoay xở lấy công việc, được đồng nào ăn đồng nấy. Còn tao làm gì mặc tao, cấm đứa nào hỏi. Cả nhà lo lắng đến nỗi có đứa làm rơi cả bát cơm. Nhưng thây kệ, “quyết nghị” đã ban bố rồi, không được thay đổi.
Và chiều hôm đó tôi đã đạp xe lượn khắp xó xỉnh các khu lao động, thấy các đồ nhựa hỏng vứt lây lất không thiếu. Ngày ấy chưa ai mua đến cái mà ngày nay người ta giành giựt nhau gọi là nhựa phế phẩm, nên chưa ai đi gom nhặt. Đó là nguyên liệu, xong một khâu. Khuôn mẫu đặt thợ cơ khí là xong ngay, không bàn gì nhiều. Các chi tiết kim loại đi gia công cũng đơn giản. Cái khó là sản xuất thử. Pha chế nhựa rất khó. Phải qua hàng trăm công thức. Cái thì mềm, cái thì giòn. Cuối cùng cầm trong tay cái bút hoàn chỉnh do mình làm ra thật sung sướng như mình chết rồi được sống lại. Cả đêm không ngủ được. Sáng cầm đơn và tá bút máy lên phòng thủ công nghiệp quận xin đăng ký sản xuất. Sáng hôm ấy không hiểu sao, đi đứng như trên mây trên gió, hai lần suýt ô tô cán, ba lần định đâm vào xe người khác. Phòng thủ công vắng ngắt, những cái khóa nằm lù lù, to như cục gạch, nó cứ im ỉm, lạnh lùng trước mặt tôi đến gần hai tiếng đồng hồ mới có người tra chìa khóa cho nó. Hóa ra bây giờ mới đến giờ làm việc, lúc tôi ra đi có lẽ chưa đến năm giờ.
Tôi được mời vào phòng. Và nghe tôi đề đạt nguyện vọng, ai cũng tròn mắt ngạc nhiên, có chị há hốc mồm nhìn tôi từ đầu chí chân xem có là người bình thường hay không. Vâng, tôi rất bình thường, chỉ có điều tôi muốn được phép sản xuất bút nghiêm chỉnh. Mười hai cái bút đem theo, tôi xin được trình làng. Chúng cùng một lúc được bơm mực và thi nhau chạy trên mười hai tờ giấy. Xong việc viết thử đến phần giải phẫu. Phần này hơi lâu nhưng rồi cũng xong. Kết luận đầu tiên bằng miệng nhưng cũng đáng mừng: Bút máy kiểu “Trường Sơn” của ông Nguyễn Văn Chẩn không “mác” đạt yêu cầu sử dụng.
- Tuy nhiên, để có kết luận chính thức, thì phải qua một thời gian sử dụng đã, ít nhất là ba tháng. Họ bảo tôi.
- Còn đăng ký sản xuất? Tôi hỏi.
-Để xem sản phẩm có dùng được không rồi mới nói đến đăng ký. Nhưng ông là cá thể hay hợp tác xã?
- Thủ công gia đình.
- Tức là cá thể. Nói trước để ông khỏi phải chờ: chưa có lệnh cấp đăng ký kinh doanh cho cá thể.
Thế là sự lao tâm khổ trí gần một năm trời ném xuống sông. Thôi đành cứ chờ đợi... Cũng may, sau khi dùng thử thấy được, người ta cho đăng ký sản xuất. Đang làm ăn được, mỗi ngày ra hai trăm chiếc không đủ bán cho khách, thì bất ngờ các ông ở phòng tài chính quận Hoàn Kiếm đến khám nhà, kiểm tra đăng ký sản xuất. Tôi trình giấy tờ đủ, nhưng họ vẫn tịch thu toàn bộ công cụ, nguyện liệu, sản phẩm, thuê xe đưa về quận Hoàn Kiếm. Tôi khiếu nại, vì sao tôi ở quận Ba Đình mà Hoàn Kiếm lại bắt! Hoàn Kiếm thấy bí, bèn thương lượng với quận Ba Đình, nhưng Ba Đình, nghe đâu không làm. Thế là Hoàn Kiếm lại xe các thứ trả lại.
Sản xuất ra hàng hóa, bỏ sức lao động ra mà làm, kiếm việc cho con cháu làm, chứ đâu phải buôn lậu, tàng trữ của trộm cắp gì đâu, mà sao họ làm khó dễ đến như thế? Làm mà cũng khó, hình như không ai muốn cho mình làm. Sản xuất ra của cải, bằng các phế liệu rõ ràng ra đó, thế mà cũng gần như phạm tội.
Sau vụ phòng tài chính Hoàn Kiếm làm cái việc vô nguyên tắc ấy rồi, tôi tưởng sẽ được làm ăn yên ổn, được thảnh thơi mà nghiên cứu và cải tiến kỹ thuật để hàng hóa cho tốt. Ai ngờ đó chỉ là một khúc dạo đầu thôi, một cái đường viền. Sau này tôi còn phải trải qua những bận gian lao, tù tội gấp trăm ngàn lần như thế. Sau này tôi nghĩ lại mới thấy sợ. Những tai họa cứ liên tiếp, cứ dắt đẩy nhau, trước tiền đồ cho sau, tất cả như có thiên định.
Năm ấy là năm tuổi, tôi có hạn. Đầu năm tài chính Hoàn Kiếm khám nhà, thu mười trả hai, chả nghĩ đến đòi. Cuối năm Ba Đình lại khám nhà, bắt người. Tịch thu mô tơ, khuôn mẫu, mấy tạ dép đứt, mấy cân phu gia và hàng ngàn chi tiết bút. Vụ án được khởi tố. Tòa án Hà nội xử 30 tháng tù vì tội tàng trữ, đầu cơ, sản xuất trái phép, vân vân...
Tôi chống án nhưng không được xử phúc phẩm. Ngồi tù “Hỏa Lò” mười tám tháng, ở trại Yên Bái mười hai tháng, thân tù tội cũng qua được ba mươi tháng. Nghĩ mà sợ. Tôi đâu phải là người phản nước hại dân, tôi chỉ làm ra của cải cho mọi người tiêu dùng một cách chính đáng. Ra tù, tôi vẫn ấm ức, thấy mình oan uổng. Tôi kêu oan, được Tòa án tối cao xử phúc phẩm ngày 25-5-1972, án số 22 xử Nguyễn Văn Chẩn phạm tội đầu cơ. Phạt cảnh cáo và nộp phạt một trăm đồng. Tôi thưa tòa rằng như vậy tôi bị tù oan, hai năm rưỡi tôi chống án, tại sao tòa không xét? Ông chánh án trả lời tôi giữa phiên tòa là người ta quên. Như vậy tôi chỉ đáng cảnh cáo mà ngồi tù ba mươi tháng!
Giàu thì có giới hạn; nghèo khổ thì không, được phép nghèo xuống tận cùng
Tôi ra tù không có nghề nghiệp gì làm. Đào ngó sen bán, một thời. Làm thuê ở Công ty vệ sinh, mấy tháng. Nối săm xe đạp thuê ở Công ty xe đạp. Đành quay lại với nghề dép lốp, có cải tiến tí chút nên dép bán được. Lốp xe hơi cũ không còn dư dật và dễ kiếm như thời trước, cách đây trên chục năm. Có những chiếc lốp mòn vẹt, lớp cao su bong ra. Không ai mua, tôi mua về nghĩ cách dán lại. Dán thì phải có nhựa tốt, do vậy mà tôi ngẫu nhiên có một nghề mới: sản xuất nhựa vá săm. Lúc đầu thì làm nhựa để mà dán những cái đế dép bị bong như trên đã nói. Nhựa bình thường không ăn thua gì, đi vài tháng bong. Tôi cứ mày mò pha chế nhiều cách, cuối cùng được một loại nhựa “cực kỳ”. Dán đế dép còn chắc thì vá săm xe đạp, xe máy có thể nói là vĩnh cửu. Sáng dậy, mở cửa ra đã thấy khách xếp hàng chai lọ đầy cả vỉa hè. Nhà tôi rót nhựa vào từng chai, khách trở lại lấy, tính tiền. Khách đông nghịt, khách ở tỉnh xa lấy từng can.
Sự thịnh vượng ấy kéo dài chỉ được hai năm. Đầu năm 1974, Công an Ba đình lại đến khám nhà bắt người. Hàng họ, nhà cửa tan tác. Tôi bị giam ở quận công an. Một hôm có người đàn ông to béo, mặc áo va rơi vào phòng giam bảo tôi: “Tôi ở trên Bộ Nội vụ, tôi muốn gặp anh”. Người ta cho tôi ra và dẫn lên gác hai. Anh ta bảo: “Tôi đề nghị anh cho tôi biết công thức nhựa vá săm của anh”. Tôi đọc cho anh ta ghi. Tất nhiên, đó là công thức một loại nhựa bình thường, không phải là nhựa đặc biệt. Có lẽ vì thế mà số phận tôi không thay đổi.
Tôi đệ đơn khiếu nại lên Viện Kiểm sát tối cao và sau ba tháng giam thì được tha. Trong bản QUYẾT ĐỊNH THA, TẠM THA in ti pô, công an giao cho tôi, lúc đầu họ xóa chữ tha ở giữa. Tôi hỏi vì sao tôi chỉ được tạm tha, anh công an lại xóa tiếp chữ tạm cạnh đó, cuối cùng còn bản QUYẾT ĐỊNH (cách một quãng) THA. Bản quyết định tha đề ngày 30-3-1974, không có số, do ông Nguyễn Khắc Linh ký, mục Can tội để trống. Đáng lý phải ghi “Không có tội”, nhưng còn ba tháng tù. Nếu ghi tội gì cũng không được, vì tôi không có tội. Nên bỏ trống.
Năm mươi tuổi. Hai lần ngồi tù. Ra tù lần này, tôi không cảm thấy xấu hổ. Dạn dày rồi. Trải qua nhiều nhục nhã, bất công. Quen cả với sự khinh bỉ, hằn học của những người có quyền. Và cũng đủ tỉnh táo để nhìn nhận nhân tình thế thái, cũng sẵn sàng để đón nhận những bất công mới. Gần ba năm tù mà vô tội! Oan uổng ấy qua rồi, nhưng may con người, còn sống và sống thì còn phải làm ăn. Cái đau của nỗi oan lâu cũng qua; nhưng có những định kiến, ác cảm với những người có của không ai cho qua, mà cứ tăng dần. Tôi nói sẵn sàng chờ đến những bất công mới, không ngoa đâu. Một thời chúng ta rất căm ghét những người giàu, dù họ giàu có bằng lao động thật sự. Làm ăn phát đạt, nhưng chỉ được phát đạt đến một giới hạn nào đó thôi, quả là sinh sự. Giàu thì phải có giới hạn, một giới hạn nghiêm ngặt, nhưng nghèo khổ thì không có giới hạn, được phép xuống tận cùng. Ai đâu có biết rằng dân nghèo thì làm sao nước mạnh được?
Lần bắt giam thứ hai đơn giản lắm: thằng Chẩn làm ăn trúng thế này chắc phải có gian lận. Và tống giam nó thì không khó, nó là phần tử có tiền án tiền sự, dù bị oan đấy, nhưng hồ sơ vẫn “đã hai lần vào tù, có tiền án, tiền sự”.
Sau hai lần tù oan, tôi định không làm gì nữa. Mở hàng nước, “đổi” tem phiếu hoặc “chỉ trỏ” nhì nhằng. Hoặc rong chơi. Ở đời rong chơi ăn bám là kẻ giá áo, túi cơm lại thường được coi là thanh liêm, trong sạch. Còn làm ăn cật lực, ngày mười lăm, mười sáu tiếng lại bị phê là làm giàu, kẻ ghen ăn ghét ở vu oan, lại trở thành người có tội. Tôi vốn tằn tiện, tham công tiếc việc, con mượn cái xe đạp cũng hẹn giờ: kỹ thuật không hở cho một ai, kể cả con cái, bỏ đồng tiền ra khỏi hầu bao cảm thấy khó khăn và khổ sở lắm. Nhưng đó không phải là yếu tố cấu thành tội phạm.
Một hôm tôi gặp lại người bạn cũ chữa xe đạp ở phố Nguyễn Thái Học. Chúng tôi nói chuyện làm ăn, ông ta khuyên tôi nên đi chữa xe đạp. Tôi thấy được và mua ngay cái khuôn hấp lốp chín. Đến lúc ấy mới biết mình mua phải khuôn tiết diện bé, rất khó làm. Tôi nghĩ mãi mới tìm ra cách lót thêm một vòng đậm. Không ngờ được cái khuôn vạn năng. Hấp và vá lốp được, thì có lẽ làm hẳn một chiếc lốp mới cũng được. Nhựa dán của tôi tuyệt vời. Nhựa sống ở bãi thải của các Nhà máy cao su rất nhiều. Còn tanh và vải.
Tôi xin nói lại: Tôi làm nghề cao su từ hồi còn nhỏ, từng mổ xẻ nhiều loại lốp ô tô, cấu tạo nó như thế nào tôi biết. Và đó là sự gợi ý có tính chất quyết định nhất: tanh và mành bóc từ lốp ô tô. Nhưng khi làm phải hỏng tới vài chục chiếc lốp mới tìm ra được cách bóc thành từng tấm mảnh như bây giờ ta thấy. Chiếc đầu tiên tôi để mép gấp ra bên ngoài, vì như thế dễ làm. Chiếc lốp ấy ra đời cũng đẹp lắm, tôi nhờ một ông xích lô lắp vào đi hộ. Bơm thật căng. Không ngờ ông ấy đi được đến Kiêm Liên thì mành bật ra, tanh ra tanh, lốp ra lốp, ông xích lô cầm một nhúm, ném toẹt vào nhà. Tôi không buồn, ngược lại, rất vui nữa là đằng khác. Vì tôi biết nó hỏng cái gì! Như vậy gấp mép ra không được mà phải gấp vào, đúng là phải gấp vào.
Làm ra chiếc lốp không khó, nhưng đạt đến độ bền như lốp “Quyết Thắng” của tôi thời tám mươi, tám mốt đó thì tôi phải qua năm năm tìm kiếm pha chế. Cái nhà mười mét vuông ở phố Nguyễn Thái Học chật quá, năm bảy lăm tôi mua một mảnh đất trong làng Ngọc Hà, năm bảy sáu xin giấy phép, năm bảy bảy làm một ngôi nhà bốn gian, lợp ngói, tường con kiến. Ở đây pha chế tìm kiếm thật yên tĩnh.
Luật Rừng thời Hồ Chí Minh đến NVL là Nói và Làm hay Nói và Lơ?
Năm tám mốt, tám hai, tám ba, những năm lốp tôi bán rất chạy, khách cứ đùa tôi là “vua lốp”. Mỗi năm xuất hai ngàn đôi cho nhà nước.
Sau khi được tặng huy chương đồng tại triển lãm Giảng Võ, báo chí động viên. Tiếng tăm, theo sau nó là tai họa, chữ tài liền với chữ tai. Giữa năm tám ba, tai họa ập xuống. Lại khám nhà. Lại niêm phong. Tôi bị bắt phải thao diễn kỹ thuật trong ba ngày trước hàng chục quan sát viên trong nghề. Không đưa ra bí quyết nghề nghiệp thì lốp không được như lốp đã bán, người ta kết tội là không phải dùng phế liệu mà dùng cao su chính phẩm, vật tư Nhà nước quản lý, để sản xuất. Sẽ rũ tù. Muốn khỏi tội thì phải tung bí quyết nghề nghiệp ra. Tôi chọn cách thứ hai và cũng là cách trung thực nhất. Thế là những bí quyết phải tung ra giữa bàn dân thiên hạ, và ai đã lợi dụng dịp này để móc kỹ thuật, tôi biết cả.
Ngày 8-7-1983, lục soát kê biên tài sản. Ngày 25-7-1983 khởi tố vụ án và bắt giam Nguyễn Văn Chẩn. Ngày 27-8-1983 xử lý hành chính đặc biệt thu nhà, tài sản, công cụ, nguyên liệu, bằng một quyết định ông Nguyễn Đông ký sẵn. Vợ chồng con cái tôi tay không ra khỏi nhà. Tôi có tội xin được trừng trị bằng pháp luật. Nhưng một cô dân dù có tội gì thì họ cũng không có thể chịu nổi hai hình phạt thi hành cùng một lúc được. Treo cổ thì thôi chém đầu, chứ chém đầu thì không còn cổ để treo.
Tôi lại không mệt mỏi gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan pháp luật và chính quyền. Tôi được phúc tra và xem xét lại. Viện Kiểm sát tối cao yêu cầu Hà Nội ra quyết định đình chỉ điều tra Nguyễn Văn Chẩn. Nhưng cơ sở Công an Hà Nội ra quyết định miễn tố. Miễn tố là có tội nhưng miễn cho. Ai cũng biết chỉ có Viện Kiểm sát mới có quyền ra quyết định miễn tố hay chỉ điều tra. Nhưng Sở Công an cứ ra. Tại sao lại làm thế, chả nhẽ Sở Công an Hà Nội không biết luật định tổ chức? Có lẽ Sở Công an mới trả lời được. Cuối cùng Viện Kiểm sát tối cao phải ra quyết định hủy bỏ quyết định miễn tố của Sở Công an Hà Nội và ra quyết định đình chỉ điều tra, thừa nhận tôi vô tội và yêu cầu Hà Nội trả lại tài sản để tôi sản xuất. Thế nhưng bên dưới vẫn “im lặng một cách đáng sợ”.
Rồi tôi nhận được thư trả lời của ông Phương Minh Nam đề ngày 16-12-1986 nói rằng việc Hà Nội thu nhà của ông bà là đúng đắn và từ nay không có cơ quan nào giải quyết đơn khiếu tố của ông bà nữa. Lại một cái tên được ký tên và đóng dấu sẵn. Thế là tôi hết quyền khiếu tố, không biết như thế có đúng luật khiếu tố không?
Năm nay tôi lên sáu mươi, tuổi Dần. Bính Dần. Bính biến vi tù, tử vi nói vậy. Nhà tôi ngoài cái bàn thờ tổ tiên có thêm một bàn thờ nữa để thờ Công lý và Pháp luật. Mồng một, ngày rằm tháng nào tôi cũng cúng: Lạy Thánh, lạy Thần, xin Thánh thần phù hộ độ trì cho các ông quận, ông thành, ông công an, tài chính khỏe mạnh, sáng láng để làm việc cho đúng pháp luật, đừng bắt oan người dân vô tội; xin pháp luật soi sáng mọi nhà, trừng trị kẻ nhân danh cái thiện mà làm cái ác. Tôi tuy tính có keo kiệt, cầm đồng tiền đổ mồ hôi tay nhưng cũng là người lao động cật lực. Nghĩ lại đời tôi nhiều gian truân quá, có lẽ do tôi ương ngạnh. Có người khuyên tôi “chạy”, nhưng tôi không, cương quyết không, tôi không sai, việc gì phải “chạy”. Vừa tin ở Công lý, cũng vừa tiếc tiền, cả hai đều có trong tôi, mỗi bên một nửa. Có một bà quen biết, vừa được Z.30 trả nhà, mắng tôi mà tôi thấy không giận được: “Phải chi bác phải hơn em, bác sản xuất, em buôn bán, bác nhà nhỏ, em nhà to, nhưng bác là người keo kiệt (bác đừng giận); bác cậy bác phải, bác đi đằng trước, em hơi trái em biết cái thân em phải lụy đường nào …”
Tôi đang là bị can của một vụ án, vụ Z.30. Đây là lời khai của bị can. Hôm nay bị can mới được nói về số phận của “cái kiến”. Ai cho phép “cái kiến” quyền được nói? Tôi xin quỳ xuống đất và xin được vái hai cái: một cho đồng chí N.V.L. và một cho báo chí…
Trần Huy Quang
(trích tập truyện ký Lời Khai của Bị Can)
*
Kết quả máy chém của Hồ Chí Minh:
-Tạo ra Luật Rừng vì đóng cửa trường Luật Hà Nội
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường xác nhận như thế trong “Kẻ bị khai trừ”, rằng dù thời bình sau khi đi kháng chiến trong mặt trận Việt Minh về lại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, bảo lo việc đóng cửa trường Đại học Luật khoa Hà Nội. Vì nó là... sản phẩm của “thực dân Pháp”!
Nước tự do dân chủ không có trường Luật, Dân không biết luật, không có thẩm phán chuyên nghiệp thì xài luật rừng chứ sao? Còn Luật sư giỏi, chuyên nghiệp giỏi như Nguyễn Mạnh Tường thì bị HCM cho “Ngồi chơi xơi nước”, là “Kẻ bị khai trừ” cho tới chết!
Vậy Pháp luật của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là gì?
Trước khi trả lời xin nhìn qua Hiến Pháp mới sửa đổi năm 2013 do QH khóa XIII thông qua với tỉ số cao gần tuyệt đối; và trước đó cả năm Ủy ban dự thảo sửa đổi HP làm việc “dân chủ” với dân ra sao? Khi chuẩn bị sửa đổi HP 1992 để QH thông qua thảnh HP mới 2013, nhà nước XHCN thường nhắc đến Hiến Pháp năm 1946 để ghi ơn Hồ Chủ tịch; vì Hiến Pháp là bộ luật cao nhất của một quốc gia. HCM được huấn luyện trong lò Mác-Lê nên biết rành cách diễn kịch dân chủ với thế giới, nên ngay sau khi cướp chính quyền năm 1945, Hồ lập ngay Ủy ban dự thảo HP để trình Quốc Hội biểu quyết.
Ngày 9.11.1946, Hiến Pháp đầu tiên được QH khóa I biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Ngày nay gọi là Hiến pháp năm 1946; có 242 đại biểu tham gia biểu quyết thì 240 đại biểu tán thành, chỉ có 2 vị đại biểu không tán thành. Tài liệu công khai của Đảng viết như thế. Nhưng con số “2” làm hạ tỉ số thuận không được đúng 100% sao lại cũng giống số “2” của QH khóa XIII 67 năm sau vậy? (1946-2013),
Chỉ lưu ý bao nhiêu đó để hiểu những điều đẹp đẽ ghi trong các Hiến Pháp từ 1946 đến 2013 chỉ là những điều Cộng Sản Nói, nhưng Làm thì khác hẳn, đúng như hai câu đối Tết trên đây vậy.
Do đó mà thế giới ngày nay vẫn còn lầm về bản chất của luật lệ Cộng Sản nên tội ác cứ lên ngôi, nhân quyền người Việt Nam bị chà đạp mãi.
Cho nên bút ký “Lời Khai của Bị Can” là một tường trình cặn kẽ về những việc Làm của Cộng Sản mà ngòi bút tuyệt vời Trần Huy Quang đã can đảm vẽ lên (Sau bài nầy tác giả bị trói tay, và bị... về hưu non cho đến giờ!)
Vì bài viết giá trị nầy, hai năm sau khi Liên Xô sụp đổ, nhân tham dự “Đai Hội Quốc Tế Nhân Quyền cho Việt Nam” vào tháng 4 năm 1993 tại Mạc Tư Khoa, Nguyễn Việt Nữ đã đem vào cái nôi của Cộng Sản Quốc Tế sách, báo có nguyên văn bài nầy để phổ biến với phân tích khá tỉ mỉ mong người bình dân từng sống hang chục năm trong chế độ Cộng Sản cũng hiểu những việc LÀM của “cha già” Hồ Chí Minh của họ, hơn là nói điều luật khô khan khó nhớ.
Chúng tôi còn đối chiếu thời gian trị vì của những nhân vật do Hồ Chí Minh bổ nhiệm và việc làm của họ để kết luận: “Càng đưa đất nước xuống hố sâu, càng được thăng chức cao”!
Thiển nghĩ hiện giờ trong nước cũng cần hiểu rõ những quyền gì mình bị tước đoạt oan khuất mà can đảm đứng lên đòi nhà nước trả lại. Chẳng lẽ cứ im lặng chịu mất quyền tự do của mình, đưa đến mất nước mà không làm chút gì sao?? Còn các đảng viên Cộng Sản, cần nghiền ngẫm thêm để đồng loạt đeo băng bảng đỏ tức Bỏ Đảng như Phạm Đình Trọng, Lê Hiếu Đằng không?
Nên dù dài, xin bà con kiên nhẫn so sánh “Chú bé Triều Tiên trộm Bò” sống ở xứ kinh tế tự do trở thành tỉ phú; còn kinh tế bao cấp Mác-Lê đã là “máy chém” của chính phủ Hồ Chí Minh có HP vì “dân nghèo” mà thực tế như thế nào? Mời đọc phân tích “Lời Khai của Bị Can”
Viện Kiểm Sát Tối Cao trước khổ nạn “dân oan” thời Hồ Chủ tịch
“Năm 1950 người nghèo Nguyễn Văn Chẩn từ Thanh Hóa tới Hà Nội cần cù lao động tới năm 1958, thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, công dân nghèo thành doanh gia “Vua Lốp” mỗi năm sản xuất hai ngàn đôi cho nhà nước. Được tặng huy chương đồng (...) báo chí động viên. Tiếng tăm, theo sau nó là tai họa, chữ tài liền với chữ tai.
Ngày 8-7-1983, lục soát kê biên tài sản. (...) Hai tuần sau đó, chẳng những nhà cửa, tài sản, nguyên liệu bị tịch thu và còn “tịch thu” cả người nữa! Lúc ông Chẩn đi vào tù thì vợ con ông Chẩn đi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. (Thật là y như…. có Bác Hồ trong ngày vui Cải Cách Ruộng Đất!)
Lại khiếu nại. Cuối cùng được Viện Kiểm Sát Tối Cao ra quyết định đình chỉ điều tra, thừa nhận Nguyễn Văn Chẩn vô tội và yêu cầu Hà Nội trả lại tài sản để “bị can” sản xuất.
“Thế nhưng bên dưới vẫn “im lặng một cách đáng sợ”
Im lặng đã đáng sợ mà cái thư của chính quyền Hà Nội gởi cho ông Chẩn còn đáng sợ hơn, rằng “Việc Hà Nội tịch thu nhà của ông bà là đúng đắn và từ nay không có cơ quan nào giải quyết đơn khiếu tố của ông bà nữa.” Thư đó đề ngày 16-12-1986.
Trên đây là chuyện có thật mà tờ Đoàn Kết ở Paris, số tháng 8/88 đăng tin mừng sau khi theo dõi, rằng: “VUA LỐP” SẢN XUẤT TRỞ LẠI.
Rằng: Báo chí trong nước đã nói nhiều đến trường hợp Ông Nguyễn Văn Chẩn, trong đó có bút ký “Lời Khai của Bị Can” của Trần Huy Quang đăng trên váo Văn Nghệ... Báo Nhân Dân (12-6-1988) cho biết gia đình ông Chẩn “mong thành phố Hà Nội sớm trả lại cho ông các tư liệu sản xuất đã bị thu giữ từ lâu.”.
Thì ra vì “Đổi mới” cho nên “Vua Lốp” đăng ký trở lại để chứng minh là nhà nước “Đổi mới”, và bắt ông Chẩn sản xuất cho cái xã hội chủ nghĩa đã chém sạch óc sang tạo, chứ cho tới năm 1988 “tài sản và dụng cụ sản xuất” của bị can vẫn còn bị tịch thu và việc trả lại vẫn còn trong vòng “đề nghị” mà thôi! Mặc dù lệnh hoàn trả tài sản cho ông Chẩn đã do Viện Kiểm Sát Tối Cao quyết định từ 4 năm trước!
Ở đây ta thấy Pháp luật xã hội chủ nghĩa siêu việt thật. Bỏ tù oan 2 năm rưởi mà “quên xử”.
Viện Kiểm Sát Tối Cao ra lệnh trả nhà cửa mà Sở Công An coi lệnh trên như “nơ pa” một cách công khai, xác nhận bằng văn kiện hẳn hòi.
Một điều ai cũng thấy là sau 5 năm xài phá, mặc dù có trả lại, tài sản của ông Chẩn có còn xài được không? Hay ông Chẩn sẽ bị bắt buộc nhận vật liệu hư hỏng y như những ghe thuyền hư nát của ngư dân xã Chí Công, sửa chữa lại, làm tốt ngon lành lại rồi bị tịch thu nữa?
Điều đó là chắc chắn vì chủ trương của xã hội chủ nghĩa là... bình đẳng, không ai được giàu hơn ai.
Bởi vậy thấy ai ló ló cao hơn mình là thò tay cào cho bằng xuống. Rồi khi có nhu cầu hay để vỗ về lòng oán hận của dân (như từ năm 1950 tới 1988 cào “Bị can”, rồi vì chính sách cào bằng mà cả nước rách nát tả tơi như bây giờ thì lại nới tay cho người dân làm ra của cải rồi lại tiếp tục tịch thu cả người lẫn của. Có gì khác không từ khi có Bác về trên xứ sở?
Mục đích của “Lời Khai của Bị Can” đã nói rõ trong bài: “Năm nay tôi lên sáu mươi (...). Có người khuyên tôi “chạy”, nhưng tôi không, cương quyết không chạy (...)”
Đảng cho đăng bài này để vỗ về vì không có thể lấy thúng úp voi nữa, nhưng vẫn kêu gọi hãy tin ở đảng, “tin ở công lý”, đừng bỏ xã hội chủ nghĩa mà đi đâu cả, vì đã có Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh! Y như lời kết luận của “bị can” rằng, “Hôm nay bị can mới được nói về số phận của “cái kiến”. Ai cho phép “cái kiến” quyền được nói? Tôi xin quỳ xuống đất và xin được vái hai cái: một cho đồng chí N.V.L. và một cho báo chí!”
Tiếc rằng khi như vậy tác giả bài báo quá tin tưởng đồng chí Nguyễn Văn Linh (NVL) là Nói Và Làm, đâu dè rằng nó còn có nghĩa là Nói Và Lờ. Đồng chí Nguyễn Văn Linh khi nhận cái lạy nầy năm 87 thì chưa đầy một năm sau chính Nguyễn Văn Linh chẳng những Lờ đi không đổi mới gì cả mà còn cất chức Nguyên Ngọc, chủ biên tờ Văn Nghệ, tờ báo đã đăng bài nầy...
Nhìn kỹ hai nhân vật đặc trách chính sách kế hoạch của Đảng Cộng Sản Việt Nam như Đỗ Mười, đương kiêm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam (và Trường Chinh - sau chiến dịch CCRĐ đẫm máu - được “thăng” làm Chủ Tịch Quốc Hội rồi Tổng Bí Thư Đảng..) ta có kết luận rằng: Ai đưa đất nước xuống hố sâu chừng nào, người đó được thăng chức cao chừng ấy!
- Bằng chứng lịch sử: do tờ báo ngoại vi của Đảng, là báo Đoàn Kết ở Paris số tháng 8-1988, (...) -vì thời ấy chúng tôi không thể có báo trong nước, chỉ biết tin quốc nội từ báo hải ngoại ở Paris -Tóm tắt: Đỗ Mười, đương kiêm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, xuất thân từ một thợ sơn (không nói rõ có học hết cấp tiểu học không?) là một đảng viên Cộng Sản thường năm 1936 (mới 19 tuổi) và ở tù, vượt ngục, lên Bí Thư Tỉnh Ủy Hà Đông năm 1955. Từ 1956 đến 1975 giải phóng miền Nam: thăng lên Bộ Trưởng các ngành Nội Thương, Vật giá, Thanh Tra Xây Dựng ở miền Bắc. Đây là thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ) và Sửa Sai 53-56 và “Ông Chẩn bị tịch thu cả người lẫn của từ năm 58,72,74, trọn vẹn dưới quyền “Thanh Tra Xây Dựng” của Đỗ Mười.
Không phải chỉ có chuyện “Vua Lốp” nói lên tài kinh tế của Tể Tướng Đỗ Mười, mà còn nhiều nữa như sau: cũng trên báo Đoàn Kết ở Paris số tháng 8-1988
Tài làm Kinh Tế của anh thợ sơn Đỗ Mười, còn đăng tin “Người Giàu Nhất Hà Nội”.
Báo Asian Week số ra ngày 20-5-88 đã đăng một bài mang tựa đề: “Người Giàu Nhất Hà Nội” nói về ông Trần Văn Minh, ở 105 đường Hàng Gai, Hà Nội, được mệnh danh là “Núi Điện” (...) xuất thân là một người chế tạo đèn vào những năm 1930 (...), năm 1950 ông bắt đầu chế tạo máy khoan. Từ 1960 đến 1968, ông bị tù vì bị qui là tư sản (...).
Đó, tám năm tù của ông Minh là rơi trọn vẹn dưới tài lãnh đạo của ngài Bộ Trưởng Đỗ Mười lúc ấy.
- Sau khi chiếm miền Nam, ông phụ trách công tác cải tạo công thương nghiệp tư nhân ở miền Nam (Vì miền Nam Việt Nam theo kinh tế tự do như Nam Hàn), nghĩa là tiếp tục sự nghiệp tịch thu người và của như chuyện “Vua Lốp” và “Núi Điện” trên đây. Nhờ vậy mà chương trình đánh tư sản miền Nam năm 1978 được hoàn tất mỹ mãn như chúng ta đã biết (là khi Việt Nam được hòa bình thống nhất, lại có cả triệu người dân vạch đường máu vượt biên bỏ Thiên đường Các-Mác.) Và cũng chính do công trạng - tiêu diệt Xí nghiệp tư nhân, lùa vào xí nghiệp Quốc Doanh - đó mà.
--Tới năm 1986 ông được thăng lên Phó Thủ Tướng đặc trách xây dựng cơ bản, công nghiệp vật tư. Cho nên cả nước, từ Hà Nội như bị can Nguyễn Văn Chẩn, vào tới miền Nam như ngư dân xã Chí Công, tỉnh Thuận Hải miền Nam, bị cải tạo công nghiệp liên tục. (Đăng trọn bài trong phụ bản trang 413 quyển “Yêu và Bị Yêu” của Nguyễn Việt Nữ).
Rồi tới:
- Năm 1988 Đỗ Mười lại thăng lên Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng, là Tể Tướng các ngành! Và Tể Tướng long trọng thề đổi mới theo Đại Hội Đảng kỳ VI của Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí Thư Đảng lúc ấy (NVL lại theo lệnh “cởi trói, đổi mới” của Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Gorbachev) Nhưng Nguyễn Văn Linh cũng chỉ mở cánh cửa “đổi mới” hi hí chưa đầy một năm thì trong phiên họp Trung ương Đảng kỳ VII là vội khép cánh cửa mở... Vì mở ra thấy nào là “Lời Khai Của Bị Can”, “Tướng Hồi Hưu”, “Chuyện xã Chí Công” v.v. ghê quá nên phải vội khép lại.
- Thấy Nguyễn Văn Linh Nói Và Lờ nên năm 1991 Tể Tướng Đỗ Mười, người đã đưa kinh tế xã hội chủ nghĩa xuống tận cùng vực thẳm lại được vinh thăng Tổng Bí Thư Đảng thay thế Nguyễn Văn Linh, có lẽ để Nói Và Lơ tiện hơn Nói Và Lờ?
Trên đây là tài nghệ đạo đức của đương kiêm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Đỗ Mười đối với những người có óc sáng tạo như Bị can “Vua Lốp” Nguyễn Văn Chẩn, như tù nhân “Núi Điện” Trần Văn Minh của ngành Công thương nghiệp,,, Còn với Nông Nghiệp thì quá rõ ràng... ” (Hết trích)
Chú ý: Vụ án Dân Oan “Vua Lốp” Nguyễn Văn Chẩn có từ năm 1958, thời Hồ Chí Minh trị vì, mà cứ “trên bảo dưới không thèm nghe” cho tới năm 1988 tức 30 năm sau mới nổ tung ra. Hồ đi chầu tổ tiên Mác-Lê từ 1969 khiến người ta tưởng thời Bác là “chí công vô tư”, còn con cháu Bác sau này mới bè phái, tham nhũng, nên gần 5 năm qua nhà nước Việt Nam XHCN mở hàng loạt giải thi viết “Học và Làm theo gương đạo đức Bác Hồ”. Nên chúng tôi xin nhắc lại vụ án Vua Lốp có công thành có tội nầy về trong nước để dự thi “đạo đức Bác Hồ”.
Vì tất cả những chi tiết kể trên về tài năng và đạo đức làm kinh tế theo hệ Mác-Lê với vũ khí “Máy chém Óc Sáng Tạo” khiến đất nước suy tàn của Hồ Chí Minh trên đây là trích nguyên văn từ trang 131 đến 136 trong quyển “Dương Thu Hương và Con Hùm Ngủ” hay “Yêu và Bị Yêu” của Nguyễn Việt Nữ đem vào đất nước Cộng Sản Quốc Tế phổ biến tại Mạc Tư Khoa tháng 4 năm 1993 như nói trên, tức 20 năm rồi và 50 quyển sách lúc ấy đã trao tận tay cho các sinh viên, đảng viên, học giả, trong ấy có người tên Hồ Bất Khuất từ Hà Nội tới MTK du học.
Nội dung và mục đích của sách là đem ánh sáng văn minh Tây phương mong soi mỏng màn đêm dày ảo tưởng Mác-Lê: “làm theo lao động, hưởng theo nhu cầu” bằng Luật rừng và Công an khủng bố của Hồ Chí Minh “vĩ đại muôn năm... nhân danh yêu nước để bán nước!”
Tổng Kết: Ước mong mọi người trong nước kiên nhẫn đeo “cánh thời gian” trên đây của máy chém Đỗ Mười đối với những người có óc sáng tạo như “Lời Khai Của Bị Can” Vua Lốp Nguyễn Văn Chẩn (Xin đọc toàn bài từ trang 403, “Yêu và Bị Yêu” để nắm vững tại sao chúng tôi đổi chủ từ là “Hồ Chí Minh: Máy chém Óc sáng tạo”? Vì Hồ Chủ tịch trước khi dùng thợ sơn Đổ Mười làm “Cách mạng” Cải tạo Công Thương Nghiệp để “chém óc sáng tạo”, thì chính họ Hồ đích thân dùng máy chém Óc Sáng Tạo của cả người nghèo cần cù trong hết các ngành Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh của xã hội Việt Nam từ khi Việt Minh CS HCM cướp chính quyền Vua Bảo Đại để tự mình lên ngai Vua năm 1945.
Năm 1950 sang Tàu nhận chỉ thị Mao Trạch Đông làm Cải Cách Ruộng Đất, “cải tạo” ngành Nông Nghiệp. Về nước năm 1951 xóa tên đảng Cộng Sản, thay bằng Đảng Lao Động...
Cả hai Hồ Chí Minh và Kim Nhật Thành là đồng chí, đệ tử trung thành với Chúa Mác - Lê.
Do đó mà nền kinh tế Mác-Lê của Bắc Hàn sinh ra “Chú bé Triều Tiên trộm Bò” tới Nam Hàn kinh tế tự do được trở thành tỉ phú. Trái ngược với người lao động nghèo của Hồ Chí Minh từ tỉnh Thanh Hóa ra Thủ Đô Hà Nội kinh doanh theo kinh tế Mác-Lê nên thành tù tội như “Lời Khai Của Bị Can”.
Từ “Chú bé Triều Tiên trộm Bò” đến “Lời Khai Của Bị Can” về chuyện kinh doanh theo kinh tế Mác-Lê, xin nghe lời thú nhận của một con cháu Mác-Lê là Boris Yeltsin sau đây:
Tổng Thống Nga Dân Chủ Boris Yeltsin, khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, năm sau ông sang Mỹ, điều trần trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 17 tháng 6 năm 1992, ông đã nhìn nhận rằng chính chủ nghĩa Cộng Sản là nguyên nhân của sự xung đột, sợ hãi trên thế giới. Rằng chính chế độ cộng sản tạo sự hận thù trong xã hội.
Người cưu đảng viên Cộng Sản Boris Yeltsin đã công khai thú nhận trước Quốc hội đất nước cựu thù: “Chính chủ nghĩa Cộng Sản làm nhân loại đã phải sống hãi hùng trong gần cả thế kỷ, đã suýt bị hủy diệt bởi những kho vũ khí khổng lồ do “bộ máy độc tài chuyên chính, điên rồ chế tạo không biết phỉ” mà thực tế lại không cung cấp nổi cho người dân một ổ bánh mì và một miếng thịt, là nhu cầu tối thiểu trọng yếu nhất của con người.”
Yeltsin đã tìm ra chân lý và ông bảo: “Lý trí đã thắng sự điên rồ!”, “Cộng Sản không có bộ mặt loài người!”
Boris Yeltsin còn xác quyết: “Không thể có sự sống chung giữa dân chủ và độc tài. Không thể có sự sống chung giữa nền kinh tế thị trường và những quyền lực độc đoán kiểm soát mọi người, mọi việc”. (Yêu và Bị Yêu, tr. 224).
Boris Yeltsin đúng là được nuôi trong ổ Mác-Lê, bải điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ chẳng khác nào thú nhận rằng “Chủ nghĩa Cộng Sản nghĩ sẽ tạo Mùa Xuân cho Nhân Loại nhưng thực tế đã đưa con người xuống Địa Ngục Trần Gian”.
Hồ Chí Minh, học trò xuất sắc của Mác-Lê cũng từng nói “Tôi dẫn năm Châu tới đại đồng”. Đó là Nói, còn Làm thì bằng “Máy chém óc sáng tạo”; nên dân tộc Việt Nam thành “bị can”, thành “dân oan” cả! Vậy là Hồ có công cứu nước đó sao?
Mồng ba Tết Giáp Ngọ
(3/2/2014)