Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Tin Thượng tướng công an Phạm Quý Ngọ lìa đời đột ngột - được biết do căn bệnh ung thư gan "quái ác" - xôn xao còn hơn cả ngày ông ta bị Dương Chí Dũng tố giác về khoản hối lộ. Quãng thời gian vỏn vẹn hơn một tháng, tính từ ngày bị tố giác, đủ làm một người có nhiều chuyến xuất ngoại "chạy chữa", lại mau chóng trút hơi thở cuối cùng, làm người ta thấy có vẻ Diêm Chúa không còn đủ kiên nhẫn và "quyết liệt" yêu cầu Thần Chết thực thi nhiệm vụ cho một phần số đã đến lúc chấm dứt.
Xoay quanh tin nóng này, rất nhiều đồn đoán và nhiều câu hỏi bao lấy nó, khi gắn với vụ án "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước". Vụ án được khởi tố, chưa có bị can nào chính thức bị đưa ra, ông Ngọ đã vội quy tiên.
Nhiều người cũng nhắc lại hình ảnh đám cưới gọi là "xa hoa" của con trai ông ta - Phạm Mạnh Hùng, một người cũng được Dương Chí Dũng nhắc đến trong vụ án "Tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài", trong đó em trai Dũng - Dương Tự Trọng bị mức án sơ thẩm 18 năm tù giam. Ngoài Phạm Mạnh Hùng, Dương Chí Dũng còn nhắc đến Trần Duy Thanh - Đại tá công an - người đã ký vào quyết định truy nã Dương Chí Dũng, được Dũng khai là hối lộ 20.000 USD, cùng những tên "anh chị" khác: Trần Đại Quang, Trương Mỹ Lan (Vạn Thịnh Phát) liên quan giới chức Cảng Sài Gòn. Báo chí cho biết, Dương Chí Dũng có lời tố cáo bằng văn bản, ngoài lời tố giác trước tòa. Dư luận không thể biết được nội dung những tờ giấy này. "Văn nói" không đầy đủ và chỉn chu bằng "văn viết".
Ông Ngọ chết, không chắc vụ án khép lại, cho đến khi nào quyết định đình chỉ được chính thức ban hành.
Ông Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố [1] hơn 4 năm trước, từ khi làm Thủ tướng chưa kỷ luật một ai. Âu cũng là một may mắn cho ông Phạm Quý Ngọ với cái chết chóng vánh. Dư luận bảo, cái chết ông Ngọ làm nhiều người thở phào, nhưng có vẻ ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Cái chết Phạm Quý Ngọ không phải là vấn đề lớn đến nỗi ông Thủ tướng cần bận tâm nhiều lắm.
Về cổ phần hóa và nợ xấu
Nền kinh tế Việt Nam với nhiều chỉ dấu báo hiệu sự sụp đổ từ 5 năm trước, nhưng ông Thủ tướng vẫn tự trấn an [2]: "...nếu không có lực lượng kinh tế nhà nước, chính phủ không biết điều hành làm sao" (!). Lời khích lệ các DNNN và có vẻ tự tưởng thưởng đều không mang lại hiệu quả như ông Thủ tướng mong muốn. Do đó, giờ đây ông Nguyễn Tấn Dũng không còn đủ nhẫn nại, nên chuyển qua ủng hộ [3] "Cách chức lãnh đạo DNNN chần chừ cổ phần hóa", khi vấn đề "tái cơ cấu DNNN", mấy năm nay trì trệ [4] với con số đạt được 99DN/531DN, trong đó, gần 93% giá trị được bán cho "nội bộ", trong khi chờ nghị quyết chính phủ trong tháng 2/2014 cho phép khi "...thoái vốn Nhà nước, định hướng cho thoái vốn dưới mệnh giá" (!) . Lẽ ra, tư duy này cần áp dụng từ lâu, không phải để tình hình "ế ẩm" khủng khiếp như bây giờ mới làm. Cần nhớ, "hàng tồn kho" mất giá trị khủng khiếp theo thời gian, bất chấp trước đó, món hàng này có thể có nhiều người muốn mua. Vì các quan chức cộng sản hiện nay, tuyệt đại đa số vẫn không thoát khỏi đầu óc "bao cấp" suốt nhiều năm qua nên họ khó thấm đẫm triết lý kinh doanh giản dị như vậy.
Thật khó tin với cách làm lề mề và thiếu căn cứ khoa học như hiện nay, chỉ trong 2 năm 2014 - 2015 có thể cổ phần hóa xong 432 DNNN, nếu không muốn "bán đổ bán tháo".
Có vẻ, "của đổ hốt lại" đã được khuyến cáo "Nợ xấu của DNNN: Chỉ mua với giá 10-20% giá trị" [5]. Nếu quả thật như thế, có thể nói một trận "đại hồng thủy" đang chuẩn bị xâm nhập ồ ạt vào Việt Nam từ các nhà đầu tư trường vốn và "có máu mặt"(!). Thế cho nên, khi nghe ông Đinh La Thăng hùng hồn tuyên bố [6] : "Bán DNNN lấy tiền xây sân bay Long Thành", thì cũng chúc ông ta kiếm đủ 7 tỉ đô Mỹ để làm phi trường mới, bởi Tân Sơn Nhất bây giờ thật sự là một "xóm lao động" hỗn độn và bát nháo khôn cùng như nhà văn Phạm Đình Trọng cho biết [7]:
"...Sân bay Tân Sơn Nhất có tổng diện tích 2500 ha nhưng mới có 1150 ha đất được sân bay sử dụng, khai thác. Ngay sau 1975 những người quản lí đất nước không có tầm nhìn xa, chỉ nhìn thấy những lợi lộc trước mắt chia chác nhau, đã không biết rằng khoảng đất trống rộng lớn quanh sân bay, vừa là đất dự trữ, vừa là không gian đệm ngăn cách sân bay với khu dân cư nên họ đã cho công binh dọn sạch hàng rào thép gai và mìn trên khoảng đất trống đó rồi cắt hơn ngàn ha đất dự trữ của sân bay chia cho tướng sĩ. Nay nhà cửa trùng điệp của các khu gia đình quân đội đã bao quanh và lấn đến sát mép sân bay. Diện tích đất sân bay chỉ còn vẻn vẹn 1150 ha! Việc này là chuyện đã qua, không xét đến nữa. Đáng xem xét là 1150 ha đất còn lại đang tiếp tục bị tập đoàn lợi ích núp bóng quân đội xâu xé..."
Có thể nói, thật đau lòng khi nhìn Tân Sơn Nhất ngày nay loạn xạ và mất mỹ quan vô cùng với đủ thứ khách sạn, cao ốc, hàng quán lổn nhổn bao quanh, nhà cửa lô nhô, quanh co với các hẻm hốc đan chặt như "bát quái trận đồ" và các loại dịch vụ bát nháo (kể cả dịch vụ phục vụ cho kỹ nghệ tình dục cũng không thiếu).
"Đụng" vào Tân Sơn Nhất là "đụng" vào quân đội. "Đụng" vào quân đội không thể là chuyện giỡn chơi. Cỡ Phạm Quý Ngọ cũng chẳng phải là điều gì ghê gớm lắm, khi so với... khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Người ta cũng không quên ông Thủ tướng "năn nỉ" [8]: "trăm sự nhờ ngân hàng" (!) giảm lãi đầu ra giúp cho nhu cầu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trụ lại. Thực tế lạnh lùng trả lời với hàng trăm ngàn doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngưng ngày một tăng. Theo số liệu mới nhất, trong tháng 01/2014, có thêm gần 9.000 doanh nghiệp giải thể [9], tăng 21,5% so cùng kỳ.
Liên quan đến ngân hàng là nợ xấu, ông Thủ tướng nói: "...các đồng chí cho vay DN mới sinh ra nợ xấu, vậy các đồng chí là người trước hết và chủ yếu xử lý nó...". Ác thay, chẳng một nhà quan sát độc lập nào có thể nói nợ xấu thực sự bao nhiêu là khả tín! Trong khi mới đây tổ chức Moody's cho biết [10] nợ xấu Việt Nam lên đến ít nhất 15% thay vì 3,79% như NHNN công bố. Nghĩa là gấp gần 400%. Một con số chênh lệch thật khó chấp nhận cho bất cứ ai quan tâm về kinh tế Việt Nam.
Điều đáng buồn, đã từ lâu người Việt Nam hình như tin tưởng các con số do những tổ chức quốc tế độc lập đưa ra hơn là con số từ quan chức Việt Nam. Đó là nỗi sỉ nhục nội các chính phủ và sỉ nhục ngay những "giáo sư", "tiến sĩ" thuộc tất cả các tổ chức nghiên cứu, giảng dạy trực thuộc "nhà nước". Tại sao dư luận có sự "sính ngoại" như thế (?!). Đó là điều mà ông Nguyễn Tấn Dũng phải bóp đầu suy nghĩ về thói xấu "nói láo" tồn tại dai dẳng và phá nát tất cả lĩnh vực, chứ không chỉ trong vấn đề giáo dục học đường hay đạo đức dân tộc (!).
Về bất động sản.
Trang cafeland.vn cho biết [11]: "Các ngân hàng đã cam kết cho 2.231 khách hàng cá nhân vay với tổng số tiền 801,6 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân theo tiến độ cho 2.208 khách hàng với dư nợ 533,7 tỷ đồng".
Theo số liệu trên, tính bình quân mỗi đầu người đã giải ngân được khoảng 241 triệu đồng. Vậy số 267,9 tỉ đồng còn lại dành cho 23 khách hàng chưa được giải ngân, bình quân lên đến trên 11, 6 tỉ đồng/người (?!). Cần nhắc lại, việc giải ngân này là cho người nghèo mua "nhà ở xã hội". Thật không thể chịu nỗi sự bê bối khi những con số như thế được đưa ra, nếu không muốn lặp lại chữ "nói láo"!
Bộ Xây Dựng và các nơi liên quan đang nỗ lực với "quyết tâm chính trị" cao độ làm sao "giúp" cho dân nghèo "xài" hết 30.000 tỉ, nhưng quả thật không một ai có thể tin được điều này trở thành hiện thực.
Giả sử "nhà nước" thật lo cho người nghèo, sao họ không nghĩ đến cách thức: bất kỳ người nào muốn vay gói cứu trợ này, chỉ cần đến các chi nhánh, phòng giao dịch - (mọc đầy trên các tỉnh thành) thuộc các ngân hàng được "nhà nước" chuẩn thuận "nhiệm vụ" - mở tài khoản với cam kết (ba bên: cá nhân người vay, ngân hàng và cơ quan mà người vay làm việc) mọi khoản thu nhập đều được chuyển vào ngân hàng mà họ muốn vay để mua bất động sản theo chủ trương "nhà ở xã hội"? Ví dụ: Một đôi vợ chồng (đang có lương ổn định) cùng nhau mở hai tài khoản tại ngân hàng ấy. Mọi khoản thu nhập đều được cơ quan họ chi trả cho hai tài khoản đó theo thu nhập hàng tháng (cả thưởng, tết, lễ lạt v.v...). Sau khi khấu trừ khoản phải trả (vốn + lãi hàng tháng), số còn lại thuộc về bên người vay, tùy nghi sử dụng.
Như vậy, không chỉ riêng ngân hàng yên tâm mà còn giảm hầu hết tất cả thủ tục của thời "chính quyền xô viết" mà Bộ Xây Dưng cùng NHNN "hành" dân phải về phường (xã), nơi làm việc để xác nhận: có nhà hay chưa, có thu nhập đủ trả nợ hay không v.v... Phương thức trên chỉ cần bố cáo thật rộng rãi trên báo chí, truyền hình cũng như các cơ quan đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố. Đây là phương pháp giản dị, tại sao Bộ Xây Dựng và NHNN không làm? Từ phương thức đó, nảy sinh vài câu hỏi:
- Thu nhập của người lao động có đảm bảo trả nợ được không? Chắc là rất khó với mức thu nhập èo uột và bấp bênh hiện nay. Cũng chưa bao giờ có số liệu thống kê đáng tin nào cho biết con số đó. Vả lại, người lao động có thể bị mất việc vào bất cứ lúc nào. Do đó, làm sao họ đủ can đảm để đóng một ít tiền bấy lâu nay dành dụm, rồi chờ đợi không biết khi nào nhận nhà và dù có nhận rồi thì có ai, có tổ chức nào dám đứng ra bảo đảm họ có công việc liên tục suốt 15 năm để trả nợ?
- Những người kinh doanh tự do nhỏ lẻ thuộc đủ mọi ngành nghề thì giải quyết ra sao, nếu họ có nhu cầu mua "nhà ở xã hội"? Đây là một rắc rối quá lớn, không thể vài năm giải quyết được, cho đến khi mã số cá nhân được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc để họ có một tài khoản khả dĩ nào đó.
Tóm lại, chỉ qua 2 câu hỏi trên, ta thấy chủ trương 30.000 tỉ đồng vẫn chỉ là chuyện "mua vui" không bao giờ có thể biến thành hiện thực. Đó là một chủ trương nhiều người thấy trước sự phá sản của nó. Đặc biệt, nhiều người nghi ngờ con số 30.000 tỉ về tính trung thực hay đó chỉ là chiêu "xoa dịu" trong tình hình lòng dân đã quá chán ngán và không còn một chút gì thiện cảm với chế độ hiện hữu?
Đến nay, hình như ông Nguyễn Văn Đực trở thành "người sót lại của rừng doanh nghiệp bất động sản" dám nói thật. Ông Đực thật cô độc với tư cách một doanh nghiệp nhỏ bé, như một vai phụ trong bộ phim "bất động sản và cái chết không tránh khỏi".
Một khi "vai chính" phải chết theo đúng logic của "kịch bản" thì vai phụ chẳng tài nào níu kéo nổi "bộ phim". Đó chính là bộ phim "người giàu cũng khóc", một bộ phim dài nhất cho tới nay tôi được biết đã đến lúc chấm dứt. Chỉ tiếc, bộ phim đó không cho thấy một kết thúc có hậu hay thú vị, chỉ toàn những nhạt nhẽo, vô duyên, nhưng thế nào cũng lấy được "hàng khối nước"... mắt và cay đắng cho các "đại gia".
Tạm kết
Điểm qua về nợ xấu, cổ phần hóa, bất động sản, có lẽ đó là một đống "bùi nhùi" khổng lồ thử thách sự bình tĩnh của nội các chính phủ mà hình như toàn những cái đầu đang... "sốt" cao và nhức như búa bổ?
Liệu họ còn đủ tỉnh táo để ngồi rị mọ tháo từng nút thắt? Thậm chí nút thắt quan trọng nhất để từ đó "lần mò leo mãi" mà chưa chắc "qua được vách sầu"?
"Giới cầm quyền Việt Nam có muốn hết gớm ghiếc trong mắt quốc tế" [12]? Phải chăng từ casino và kỹ nghệ tình dục được hợp pháp hành nghề là mấu chốt giúp ông Nguyễn Tấn Dũng cùng các "nhóm lợi ích" đạt được điều kỳ diệu?
Biết đâu, khi vực dậy nền kinh tế mau chóng, xuất phát từ cờ bạc và kỹ nghệ tình dục sẽ là điểm tựa cho ông Thủ tướng sảng khoái tính đến những điều xa hơn, hiệu quả hơn nhiều lần?
Ông Nguyễn Tấn Dũng với thông điệp đầu năm đề cao và muốn hiện thực hóa "nhà nước pháp quyền". Điều đó quá tốt, nhưng muốn thế thì phải vô hiệu hóa "đảng ta là đạo đức là văn minh". Chỉ có "bài bạc và gái" được hoạt động hợp pháp mới triệt tiêu được tính đạo đức giả ngay trong các đồng chí của ông. Và chỉ có triệt tiêu đạo đức giả, phe cánh Nguyễn Tấn Dũng mới mong hóa giải nổi chế độ độc tài toàn trị? Một ý tưởng manh nha khi "Sắp thí điểm mở cửa casino cho người Việt?". Tại sao không? Tôi ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng về việc này.
(còn nữa)
______________________________________________