Thế nào là "hợp tác", và thế nào là "đấu tranh"? - Dân Làm Báo

Thế nào là "hợp tác", và thế nào là "đấu tranh"?

Mẹ Nấm (Danlambao) - Bài viết này, tôi gửi cho Người Buôn Gió - một người đã block nick tôi từ rất lâu nhưng vừa viết bài vu khống rằng tôi hợp tác với an ninh (*). 

Cá nhân tôi không lạ gì với tin đồn cho rằng blogger Mẹ Nấm hay với bất kỳ ai đang tranh đấu cho tự do, dân chủ là người của an ninh, hoặc có hợp tác với an ninh để phá hoại phong trào dân chủ hay chỉ điểm. Tôi cũng biết chuyện có người cho rằng sự đối xử của an ninh với cá nhân tôi khác biệt với nhiều người khác và từ đó đã tạo ra những nghi ngờ dành cho tôi.

Có một số người đặt câu hỏi, tại sao tôi không bị khó dễ, không bị đánh đập, không bị gây sức ép trong khi đa phần nhiều người khác đều bị như vậy.

Tôi không thể trả lời vì sao, bởi người có thể thỏa mãn mọi thắc mắc đó chỉ có thể là an ninh. 

Sự “ưu ái” của an ninh tạo ra khoảng cách giữa tôi và những người khác, có thể đó là chủ đích. 

Và hơn nữa, tôi chấp nhận những mất mát đã xảy ra mà không cần phải chia sẻ, lu loa trên mạng bởi càng an nhiên đón nhận nó thì tôi càng đứng vững hơn với những lựa chọn của mình. 

Tôi không thông báo cho mọi người biết chuyện tôi và con trai tôi cũng bị hành hung cùng với blogger Nguyễn Hoàng Vi tại nhà của bạn ấy vào ngày Quốc Tế Nhân Quyền vì tôi không muốn Mẹ và con gái tôi phải lo lắng mỗi khi tôi vào Sài Gòn sinh hoạt với các thành viên trong Mạng Lưới Blogger Việt Nam.

Tôi khác nhiều người khác, tôi không chọn cách đối đầu với an ninh trong mọi tình huống vì tôi còn gia đình. Không thể đẩy người thân mình vào thế căng thẳng đối đầu không cần thiết, và hôm nay tôi dấn thân để mong đạt được giá trị tự do đích thực chứ không nhân danh tự do của mình để làm ảnh hưởng đến sự tự do tối thiểu của những người xung quanh. 

Nhưng quan trọng hơn hết tôi chọn lối đấu tranh có chiến lược, có tính toán để làm bằng mọi cách gia tăng phạm vi hoạt động của mình và giảm thiểu những tổn thất.

Đối với lực lượng an ninh, nhất là những người theo dõi, sách nhiễu tôi, tôi đã vạch ra một lằn ranh rõ ràng: họ là những người thừa hành mệnh lệnh, tận trong thâm tâm họ không có thù hằn cá nhân gì với tôi. Do đó tôi không có nhu cầu chồng thêm vào động cơ nghiệp vụ của họ với động cơ thù ghét cá nhân. Điều đó nếu xảy ra chỉ làm gia tăng gấp nhiều lần những khó khăn cho tôi.

Tôi xác định rất rõ ràng rằng, sức mạnh của đám đông đến từ nhận thức, và nhận thức ấy phải đến từ khả năng tiếp cận thông tin thật sự mà không bị cắt xén hay nhào nặn nhằm phục vụ mục đích cá nhân nào. Trong đám đông ấy, mỗi người cần thay đổi mà bản thân mình muốn trước khi thay đổi xã hội chung quanh. Điều đó có thể bắt đầu từ việc nhỏ nhặt nhất là phải sòng phẳng và thành thật với bản thân, cũng như với những người xung quanh mình nếu muốn đi cùng nhau.

Năm 2009, sau khi bị tạm giữ 10 ngày, tôi có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu, để nghiên cứu các mối quan hệ xung quanh mình và lý do vì sao dẫn tới việc mình bị bắt giữ. 

Đến giờ phút này, tôi chưa kết tội một ai, nhưng không thể phủ nhận rằng việc tôi bị bắt giữ ở thời điểm đó là do bị tình nghi có liên quan đến đảng Việt Tân. 

Nhắc lại chuyện này, hẳn Người Buôn Gió còn nhớ Lê Ánh - thành viên Việt Tân ở Sydney, người mà Người Buôn Gió giới thiệu cho tôi quen biết với cái tên là Cường. Lúc ấy tôi không biết ông Cường này là thành viên của Việt Tân. Cũng chính người này thông qua NBG đã nhờ tôi in áo và tôi nhận lời vì nghĩ đây là việc tốt. Và cũng chính NBG đã để lộ số áo in ở nhà và bị bắt trước tôi vài ngày. 

Tôi đã không trách móc gì ai việc này, bởi ở thời điểm đó, tôi không hiểu bản chất sự việc, lại càng không biết được rằng đảng Việt Tân có kế hoạch tiếp cận với những blogger quan tâm đến chính trị xã hội như một chiến dịch tìm người.

Tôi cất giữ những chuyện này, như một bài học kinh nghiệm xương máu cho mình để khôn ngoan và cẩn thận hơn khi tiếp xúc bên ngoài.

Hôm nay, tôi nghĩ mình cần nói rõ ràng suy nghĩ của mình về những gì người ta đồn thổi sau lưng mình, nói một lần rồi thôi cho những ai chưa biết cần biết.

Bất cứ cá nhân nào cho rằng, tôi đánh phá những người đấu tranh như Tạ Phong Tần, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Phương Uyên, Bùi Thị Minh Hằng... thì xin mời đưa ra bằng chứng. 

Tôi sẵn sàng mở một buổi đối thoại online (hoặc offline) để làm rõ vấn đề này.

Tính tôi rất rõ ràng, nếu tôi sai tôi sẽ nhận, những gút mắt cá nhân tôi đều tìm trực tiếp người có liên quan để nói chuyện, chưa bao giờ tôi phải qua bất kỳ một ai để nhờ họ nói thay và nói giùm.

Chuyện cá nhân giữa chị Hồ Lan Hương và chị Tạ Phong Tần là câu chuyện của hai người đó. Đừng ai bắt tôi phải chịu trách nhiệm vì phát ngôn của một người trưởng thành bởi họ là bạn tôi.

Liên quan đến việc chị Bùi Thị Minh Hằng bị công an huyện Lấp Vò bắt giữ mới đây tôi đã nói rất rõ:

“Mỗi người có một cách phản ứng, một thái độ ứng xử tùy theo tính cách.

Có người khinh ghét thì phải chửi cho hả dạ, cũng có người nói thẳng với thái độ kiềm chế rồi bỏ đi, cũng có người im lặng không phản ứng.

Điều quan trọng là ở những nơi mà quyền con người được tôn trọng, không có tình trạng chính quyền tìm cách lừa bẫy những người bất đồng chính kiến bằng cách sử dụng lực lượng côn đồ để khích tướng, vu vạ hay ném đồ dơ bẩn vào nhà họ hòng tạo ra xô xát.

Tôi nghĩ, tất cả những trò đã diễn với những người như chị Bùi Thị Minh Hằng sẽ không làm người khác sợ, mà sẽ làm chị ấy có thêm những người ủng hộ cùng chọn phương pháp như chị ấy mà thôi.

Không thể yêu cầu những người như Bùi Hằng phải "có lời lẽ văn minh" khi các trò bẩn luôn diễn ra xung quanh họ.

Và việc bắt giam những người bị đánh đập ở Lấp Vò, Đồng Tháp thêm một lần nữa chỉ ra sự lạm quyền của lực lượng công an mà thôi.”

Thế nào là "hợp tác"?

Nhiều người thường khuyên rằng hợp tác vì cái chung. Cần phải đặt câu hỏi cụ thể rằng cái chung là cái chung nào ở đây? Tôi không hy sinh sự tự do của mình cho những toan tính chính trị không rõ ràng.

Và không thể có một cái chung khi người ta chưa biết rõ từng mối riêng quy tụ về cái chung ấy.

Thế nào là “cái chung” khi người ta phải hy sinh tự do của mình cho những toan tính sai lầm mà họ không được biết đến? 

Thế nào là "đấu tranh"?

Tôi không đấu tranh cho một sự độc tài kiểu mới mà ở đó người ta sẵn sàng miệt thị, mạt sát người khác vì họ nói khác mình.

Tôi không đấu tranh cho một thứ quyền lực tự phong bằng cách nghi ngờ chụp mũ những người nghĩ khác mình là an ninh hay dư luận viên. 

Tôi không đấu tranh để hướng những người đang khao khát thông tin và sự thật vào một mớ hỗn loạn rối ren mới đầy ảo tưởng. 

Gửi Người Buôn Gió,

Trên đây là những điều tôi cần nói công khai về những gì đồn thổi sau lưng tôi, riêng với cá nhân anh, tôi sẽ chỉ nói một câu thế này: cám ơn anh đã kết nạp thêm cho lực lượng an ninh một nhân sự nhưng rất tiếc, sự mai mối này không có kết thúc mong đợi như anh đã từng giới thiệu tôi với thành viên của đảng Việt Tân. 

Lâu nay tôi thường chọn cách đứng ngoài thị phi và im lặng vì tôi nghĩ rằng mỗi người có một con đường, một sự lựa chọn, và không cần thiết phải gây thêm chia rẽ vì những mất mát cá nhân so với thực trạng rối ren hiện nay. Lần này vì anh có những cáo buộc đích danh tôi, nên tôi phải lên tiếng để trắng đen cho rõ. 

Chúng ta có gì để đấu tranh với Cộng sản? - Chỉ có sự thật. 

Đúng - sai hãy để người đọc tự suy xét. 

Tôi nhắc để anh nhớ rằng, với Cộng sản, thì những trò lưu manh đểu cáng sẽ không thắng được họ đâu. Đừng kết nạp thêm người cho lực lượng an ninh chỉ vì tôi khác anh từ suy nghĩ đến cách hành động.



__________________________________

Chú thích:

Vừa hợp tác vừa đấu tranh

Người Buôn Gió - Có lẽ ít người biết đến cụm từ này cụ thể là hành động thế nào. Tôi thấy một số người vẫn thắc mắc tại sao đối tượng A, nhóm B cũng đấu tranh mà lại đi đánh phá người khác.

Hợp tác có nghĩa là làm cho an ninh một số việc, đồng thời được an ninh cho phép làm nhà '' đấu tranh '' trong mức độ có lợi cho an ninh. Tất nhiên trong về này, an ninh bao giờ cũng hời hơn. Vì họ được cả một cuộc chiến. Còn những kẻ kia về cá nhân họ cũng được hời. Ở giá cả trao đổi như vậy hai bên đều cảm thấy hài lòng.

Có những người vì thiếu hiểu biết, đố kỵ, ghen tức nhau mà vô tình để những lời an ninh nói nhập vào đầu mình. Dẫn đến tự nguyện làm một người vừa đấu tranh mà vừa hợp tác trong khi chính họ không biết.

Nhưng có người thì nhận thức được điều đó, và họ bằng lòng với việc này. Bởi họ hy vọng sẽ mượn tay an ninh triệt phá các nhóm đấu tranh cạnh tranh với họ, hòng dành được nguồn tiền trợ lực từ hải ngoại cho nhóm của mình. Sâu xa hơn là họ hy vọng vào sự thay đổi xã hội, họ sẽ là lực lượng được ĐCS chọn làm đối thoại trong buổi giao thời. Bởi thế họ luôn tạo cho mình vẻ ngoài là ôn hòa, là chừng mực, là vì một chuyển biến tốt đẹp cho dân tộc mà cả hai bên đều thấy ổn thỏa, hài hòa.

Hợp tác là năng chịu khó cà fe với an ninh, kể những chuyện mình nghe, mình biết về người nào đó đang làm gì, đang định thế nào. Qua câu chuyện cà fe này, an ninh có thông tin về thằng kia đang yêu một con bé dưới tuổi thành niên, thằng này đang khó khăn trong việc thuê nhà,kếm việc làm, con nọ là vợ hai của lão này, con kia dây dưa với bọn Việt Tân, Dân Chủ, 8406..

Cái việc gặp gỡ kể chuyện tưởng như đối thoại tầm phào như hai người bạn trao đổi quan điểm đó, thực chất là một cuộc cung cấp thông tin về nhóm khác, người khác đang hoạt động hay tình trạng thế nào cho anh ninh nắm bắt. Đổi lại họ nhận thêm từ phía an ninh những thông tin về người đấu tranh này đã có những gì không xứng đáng là nhà đấu tranh, ví dụ như nhận tiền để đấu tranh, theo đảng nọ kia...

Sau đó hai bên ra về, khai thác sử dụng thông tin theo cách của mình. An ninh thì gia tăng việc ngăn cản thuê nhà, xin việc hay triển khai bắt người (như trường hợp Dũng aduku).

Còn kẻ '' đấu tranh '' thì từ nguồn tin an ninh về sẽ rỉ tai rằng người này, người kia có vấn đề.

Những kẻ '' đấu tranh '' này rất chịu khó làm quen với các trang truyền thông lớn quốc tế hoặc nhưng trang báo ngoài lề. Để khi cần thiết có thể lái dư luận hoặc cô lập thông tin về vấn đề nào đó. Chúng cũng hay chịu khó ghi danh vào bất cứ nhóm nào để chiếm vị trí trong nhóm, khi cần đưa ra những ý kiến làm phân tán sức mạnh của nhóm. Được cái bề ngoài nhiều người lầm tưởng kẻ '' đấu tranh '' này đang nỗ lực hoạt động vì tham gia nhiều nhóm. Nhưng nhìn thực chất thì chúng không làm gì hiệu quả thực sự. Thậm chí chúng còn lái các hoạt động đấu tranh đi sang hướng khác, chúng nhanh chân chiếm vị trí để nắm thông tin hoạt động của nhóm. Khi nhóm có việc gặp các cơ quan ngoại giao, chúng sẽ chiếm một phần tiếng nói trong đó. Đôi khi nội dung phát biểu của chúng với cơ quan ngoại giao chỉ nhằm mục đích lấy đi thời gian của người khác mà nội dung phát biểu cần thiết hơn.

Chúng tập trung một số thanh niên trẻ quanh mình, lợi dụng sự khác biệt giữa lớp già với lớp trẻ để khoét sâu mâu thuẫn, gia tăng sự hiềm khích. Khiến cho các hoạt động của nhóm lớn tuổi và nhóm trẻ trở thành riêng rẽ. Đồng thời chúng cũng thâm nhập vào các nhóm để làm phân hóa, tan rã các nhóm bằng cách kích động tự ái của một số người, xúi dục họ tách ra lập nhóm này nhóm kia. Sau khi lập nhóm mới xong, chúng cho hoạt động vài ba trò rồi để nhóm tự tan rã. Bởi mục đích của chúng chỉ là phân hóa nhóm ban đầu.

Điều này giải thích vì sao nhiều nhóm đầu voi đuôi chuột. Lúc đầu rất hăng hái bên nhau, sau cứ mâu thuẫn dần, các hoạt động nhạt dần rồi tan rã.

Điều độc ác hơn là khi những người đấu tranh nào đó bị bắt, chúng phân tán dư luận bằng những luận điệu như với Tạ Phong Tần chúng bảo là an ninh trá hình, với Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh chúng bảo đó là do nghe theo thế lực chính trị bên ngoài. Với Huỳnh Thục Vy chúng gây sự, với Lê Thị Công Nhân chúng moi móc thông tin cá nhân để dèm pha.

Nhiều người e ngại không dám nói, vì có thể trước đó có chút giao du, hoặc có thể để an phận mình, hoặc có thể chúng đánh nhóm khác mà mình cũng không ưa. Hoặc họ nghĩ nhầm đây là mâu thuẫn giữa những người đấu tranh, không tham gia làm gì.

Xin thưa, đây là cả một chiến dịch có âm mưu kết hợp bài bản của cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ. Nếu đọc được sách hướng dẫn '' đấu tranh chống diễn biến hòa bình ''. Bạn sẽ thấy hoạt động này nằm hẳn trong một trương về '' phân hóa ''. Và đã gọi là '' phân hóa '' diễn biến bên trong thì tất nhiên kẻ tham gia phải nằm trong hàng ngũ những người đấu tranh.

Một số bạn trẻ vẫn nghĩ rằng, con người này vẫn đấu tranh, mình làm việc với họ thấy thế mà. Ở đây cũng nằm trong sách lược, vì cơ quan an ninh tính rằng ngăn chặn từ đầu hơn là bắt bớ. Nên họ ngầm để bạn theo những kẻ này, hoạt động trong vòng kiểm soát, ở những mức độ họ có thể thấy chấp nhận. Ví dụ như phong trào xuống đường biểu tình lên cao, họ sợ bạn tham gia, họ để bạn theo kẻ kia để biểu tình trong nhà. Họ sợ bạn tham gia Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, nên họ để các bạn tham gia các nhóm nhỏ này nọ để thỏa mãn sự đấu tranh trong bạn. Vì họ biết không thể dập tắt ham muốn đấu tranh của bạn, thì họ chọn một lối đi cho bạn, cũng là đấu tranh nhưng ở dạng khác. Cũng như nguồn nước sẽ xuôi theo về với sông lớn. Họ cho bạn chảy riêng theo một dòng khơi, bạn không hòa vào con sông lớn, bạn có bản sắc của riêng mình, thỏa mãn cái tôi của bạn, cái tiếng đấu tranh của bạn. Mục đích của những người bảo vệ chính trị nội bộ là không để cho một con sông lớn được hình thành. Những dòng suối nhỏ chảy mãi rồi cũng thấm dần vào đất và mất tích êm đềm, đúng như các nhóm nhỏ đã sinh ra và mất đi như thực tế.

Sẽ có người hỏi, tại sao chúng hợp tác với an ninh mà thỉnh thoảng vẫn bị làm khó dễ.?

Nhìn thực chất thì những khó dễ đó không nhiều, nó chỉ mang tính nhất thời trong một vụ việc nào đó. Mà do các cơ quan an ninh không kịp phối hợp trao đổi cho nhau. Hoặc vì ngăn chặn cả một đám đông thì chúng lọt vào đó nếu đẩy ra cũng khó. Nhưng cũng phải thẳng thắn công nhận là có lúc để cần thể hiện mình là nhà '' đấu tranh'' chúng đi quá những gì mà an ninh mong muốn.

Tôi là kẻ chưa học hết phổ thông, từng đâm chém thuê, tàng trữ vũ khí, buôn ma túy, trấn lột tài sản, tổ chức cá độ cờ bạc...một kẻ từng làm những điều như thế để kiếm lợi thì khó có gì bảo đảm lời nói của mình là trong sáng, khách quan. Tôi thực sự thú nhận không hề có danh dự gì để bảo đảm lời mình nói là đúng. Cũng có thể tôi nói lời này vì không kiềm chế được cơn giận khi Bùi Thị Minh Hằng đương trong lao tù mà bị bên ngoài đánh phá.

Đọc một bài viết, phụ thuộc vào cảm nhận của chính các bạn đọc.

Nhưng nếu các bạn được tiếp cận hồ sơ những vụ án của tôi nói, sẽ thấy một điều là vụ nào lời khai của tôi cũng chỉ có một mình tôi phạm tội.

Một kẻ đã từng dám làm những điều như vậy, thì không thể viết một bài viết dài mà không có tên tuổi ai, khiến thiên hạ đoán mò.

Người mà tôi nói trên là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm Gấu. Người đứng đằng sau trong các vụ đánh phá Huỳnh Thục Vy, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên và Bùi Thị Minh Hằng lần này. 

Còn có những người đứng đằng sau MNG ở Hải ngoại và một số chân rết ở trong nước. Nhưng thiết nghĩ động cơ của họ chỉ vì muốn đấu tranh dân chủ mà có những hướng đi nhất thời chưa khớp với thực tế. Nên không nhắc tên họ ở đây sẽ ảnh hưởng đến việc đấu tranh của họ sau này.

Bức tranh toàn cảnh đấu tranh Việt Nam rất đa dạng, mỗi con người là một nét vẽ, mỗi nét vẽ có những xuất xứ, động cơ khác nhau. Chính thế khi nhìn vào bức tranh đó, người ta khó trông cậy được một điều gì hoàn chỉnh, tổng thể.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo