Phạm Thị Hoài (Pro&contra) - Tác giả bài “Đảng ta” là Hồ Chí Minh, sử dụng bút danh Trần Thắng Lợi. Nghiên cứu việc ông Hồ sử dụng những bút danh nào vào mục đích nào và thời điểm nào hẳn là việc thú vị. Trong trên dưới 50-60 bút danh, Trần Thắng Lợi chỉ được ông Hồ dùng một lần. Với thời gian, chúng ta đã đủ làm quen với việc ông Hồ không có gì áy náy khi sử dụng một bút danh lạ hoắc để ca tụng bản thân. Mới đây tôi phải bật cười khi đọc tác phẩm Giấc ngủ mười năm [10] của Hồ Chí Minh với bút danh Trần Lực, trong đó ông Hồ cho một nông dân người Nùng tên Nông Văn Minh làm nhân vật xưng tôi viết thư “dâng lên Cụ Hồ để cảm ơn Người và chúc Người mạnh khoẻ“. Té ra chữ Người viết hoa này là sáng tạo của chính Người từ thuở ấy để chỉ riêng Người. Song trong bài “Đảng ta”, Trần Thắng Lợi làm một việc độc nhất vô nhị: Với 8 chữ lạ lùng nhất trong toàn bộ trước tác của Hồ Chí Minh: “ngoài đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tôi”, Trần Thắng Lợi tức Hồ Chí Minh đã hiển ngôn rằng mình và Nguyễn Ái Quốc là hai người khác nhau...
*
Bài “Đảng ta” của Hồ Chí Minh [1], đăng trong tập san Sinh hoạt Nội bộ [2] số 13, tháng 1-1949, là một bài báo đặc biệt. Một mặt, nó thường xuyên được các nhà tuyên giáo của Đảng trích dẫn và lấy làm điểm tựa.
Thậm chí cụm từ “Đảng ta” từ đây được coi như một phát kiến độc đáo,
mặc dù nó đã xuất hiện trong các văn kiện Đảng từ trước 1945 và cũng
được chính Hồ Chí Minh dưới bút danh X.Y.Z dùng tràn ngập trong tác phẩm
Sửa đổi lề lối làm việc từ năm 1947. Mặt khác, bài báo này
chứa đúng 8 chữ mà cho đến nay không một nhà truyền bá lịch sử Đảng nào
dám hay muốn đụng vào. Tám chữ lạ lùng này lại nằm trong một đoạn văn
cũng gây kha khá rắc rối, khiến bài báo rơi vào số phận kì quặc: vừa bị
né tránh vừa được ca ngợi hết lời.
Đoạn đó như sau:
“Một nước mà ba đảng cộng sản. Cả ba
nhóm đều ngầm hiểu như thế là sai. Quần chúng đều hiểu rằng như thế là
không đúng. Cả ba nhóm đều tìm cách để đi đến thống nhất. Nhưng bệnh hẹp
hòi và cách làm không khéo, cho nên càng muốn gần nhau, lại càng xa
nhau.
Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Tàu, cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng.
Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí
Nguyễn Ái Quốc và tôi, nay chỉ còn đồng chí Hồ Tùng Mậu và đồng chí
Trịnh Đình Cửu, đồng chí Tản Anh và vài đồng chí nữa đều oanh liệt hy
sinh cho Đảng và cho dân tộc lâu trước ngày Cách mạng Tháng Tám.
Để giữ bí mật, các đại biểu khai hội bên sân đá banh của người Tàu. Vừa giả xem đá banh, vừa bàn bạc về Đảng.
Sau cuộc bàn bạc sôi nổi, và sau lời
giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mọi người đều tán thành
thống nhất cả ba nhóm thành một đảng.
Thế là Đảng ta chân chính thành lập.
Đó là ngày lịch sử mồng 6-1-1930.”
Hai câu hỏi phiền hà nhất liên quan đến
Hội nghị thành lập Đảng đều tập trung trong đoạn văn này. Thứ nhất, thời
điểm. Thứ hai, nhân sự.
Về thời điểm, trong “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930″ [3], Nguyễn Ái Quốc ghi rõ: “Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23-12. Sau đó, tôi triệu tập các đại biểu của 2 nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày mồng 6-1… Các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2“. Trong “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương” [4]
viết năm 1933, Tổng Bí thư thứ ba của Đảng, ông Hà Huy Tập, cũng nhiều
lần nhắc chính xác ngày 6 tháng Giêng là ngày diễn ra Hội nghị hợp nhất.
Tuy trong “Tư liệu bổ sung về nguồn gốc các tổ chức cộng sản ở Đông
Dương” [5]
viết trước đó, dưới bút danh Giôdép Marát, ông ghi thời điểm này là
tháng 2-1930, song lại có một chú thích của biên tập cho tư liệu này như
sau: “Từ giữa năm 1932 đến đầu năm 1933, các tác phẩm của đồng chí
Hà Huy Tập đều viết ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là 3-2-1930.
Đến giữa năm 1933, đồng chí đã cải chính lại là 6-1 chứ không phải 3-2.”
Tuy vậy, ngày 3 tháng 2 chứ không phải ngày 6 tháng 1 vẫn được thông qua trong Nghị quyết sửa đổi ngày sinh “cho phù hợp với sự thật” của Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ III ngày 10-9-1960 như sau: “Từ
mấy chục năm nay, Đảng ta lấy ngày 6 tháng Giêng dương lịch làm ngày kỷ
niệm thành lập Đảng. Nay căn cứ theo các văn kiện và tài liệu lịch sử,
thì ngày bắt đầu cuộc Hội nghị hợp nhất để thành lập Đảng là ngày
3-2-1930 dương lịch, tức là ngày 5 tháng 1 theo âm lịch.” [6]
Nếu quả có sự nhầm lẫn kéo dài ba mươi
năm, rằng đó là ngày 6 tháng 1 âm, thì phải chuyển thành ngày 4 tháng 2
dương, chứ không thể bỗng nhiên lui xuống, thành ngày 5 tháng 1 âm tức 3
tháng 2 dương được. Cách lí giải âm-dương này không thuyết phục. Rút
cuộc thì hội nghị đã kéo dài bao nhiêu ngày và kết thúc vào ngày nào?
Năm ngày, từ 03-2 đến 07-2 hay hơn một tháng, từ 06-1 đến 07-1? Và “các
văn kiện và tài liệu lịch sử” nào đã dẫn đến “sự thật” đó? Theo ông
Nguyễn Minh Cần [7], lí do được đưa ra rất giản dị, vì “các đồng chí Liên Xô cho biết ngày đó mới đúng theo tài liệu lưu trữ của Liên Xô”
và ông Hồ Chí Minh ngồi trên chủ tịch đoàn của Đại hội đã gạt phăng,
không cho thảo luận về việc sửa đổi ngày thành lập đó. Cùng với “các
đồng chí Liên Xô”, dường như lời giải cho câu đố về ngày tháng ấy đã
vĩnh viễn bị vùi vào quá khứ. Tất nhiên ngày 6 tháng 1 hay ngày 3 tháng 2
hay một ngày nào khác không khiến Đảng Cộng sản Việt Nam mang một lí
lịch ít hay nhiều vẻ vang hơn, song vấn đề thời điểm ngày thành lập cho
thấy thái độ dễ dãi, tùy tiện và cả độc đoán của Đảng với chính lịch sử
của mình, huống gì với lịch sử chung của dân tộc.
Về nhân sự, “Báo cáo tóm tắt hội nghị” [8] ngày 7-2-1930 ghi rõ ngay ở mục I: “Có mặt: 1. Một đại biểu của Quốc tế Cộng sản; 2. Hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng; 3. Hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng.”
Như thế, tổng cộng là 5 người. Đó là: Nguyễn Ái Quốc (Quốc tế Cộng
sản), Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh (Đông Dương Cộng sản Đảng),
Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm (An Nam Cộng sản Đảng). Tuy nhiên, nhiều
tài liệu khác của Đảng sau này ghi thêm hai người của Quốc tế Cộng sản
cũng có mặt với tư cách khách dự thính trong Hội nghị, đó là Hồ Tùng Mậu
và Lê Hồng Sơn. Vậy chúng ta có khả năng thứ hai: 7 người, đã khác so
với Báo cáo ngày 7-2 [9].
Song dường như còn có một khả năng thứ ba, gợi nên từ đoạn văn nêu trên.
Tác giả bài “Đảng ta” là Hồ Chí Minh, sử
dụng bút danh Trần Thắng Lợi. Nghiên cứu việc ông Hồ sử dụng những bút
danh nào vào mục đích nào và thời điểm nào hẳn là việc thú vị. Trong
trên dưới 50-60 bút danh, Trần Thắng Lợi chỉ được ông Hồ dùng một lần.
Với thời gian, chúng ta đã đủ làm quen với việc ông Hồ không có gì áy
náy khi sử dụng một bút danh lạ hoắc để ca tụng bản thân. Mới đây tôi
phải bật cười khi đọc tác phẩm Giấc ngủ mười năm [10]
của Hồ Chí Minh với bút danh Trần Lực, trong đó ông Hồ cho một nông dân
người Nùng tên Nông Văn Minh làm nhân vật xưng tôi viết thư “dâng lên Cụ Hồ để cảm ơn Người và chúc Người mạnh khoẻ“.
Té ra chữ Người viết hoa này là sáng tạo của chính Người từ thuở ấy để
chỉ riêng Người. Song trong bài “Đảng ta”, Trần Thắng Lợi làm một việc
độc nhất vô nhị: Với 8 chữ lạ lùng nhất trong toàn bộ trước tác của Hồ
Chí Minh: “ngoài đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tôi”, Trần Thắng Lợi tức Hồ Chí Minh đã hiển ngôn rằng mình và Nguyễn Ái Quốc là hai người khác nhau.
Người đọc không bối rối mới là lạ. Mấy chữ trước đó, “trong 7, 8 đại biểu“,
khiến đã rối lại càng rối thêm. Vậy số người tham dự Hội nghị thành lập
Đảng không phải là 5, không phải là 7, mà có thể là 8, và người thứ 8
này phải là Trần Thắng Lợi tức Hồ Chí Minh. Tôi phải thừa nhận rằng lí giải của tác giả cuốn Hồ Chí Minh sinh bình khảo ở đoạn này
có vẻ gỡ được mối bòng bong, đồng thời cũng góp phần giải thích vì sao
Hồ Chí Minh có một vị trí tối thượng trong Đảng Cộng sản Việt Nam, trong
khi Nguyễn Ái Quốc từng bị các lãnh tụ lừng lẫy khác của Đảng kịch liệt
phê bình. Ngay trong năm 1930, Hội nghị Trung ương tháng 10 đã xóa bỏ bản “Chính cương của Đảng”
do Nguyễn Ái Quốc thảo và được Hội nghị hợp nhất thông qua bằng bản
“Luận cương chính trị” của Trần Phú. Chỉ 3 năm sau ngày thành lập Đảng, ông Hà Huy Tập nhận định: “Đồng
chí Nguyễn Ái Quốc là người đã có sáng kiến đề ra và lãnh đạo công cuộc
thống nhất. Nhưng đồng chí đã phạm một loại sai lầm cơ hội chủ nghĩa
trong thời gian hội nghị hợp nhất mà chúng ta không thể bỏ qua.” [11]
Song rất tiếc rằng giả thuyết xuất phát từ cuốn Hồ Chí Minh sinh bình khảo vấp phải một mâu thuẫn khó nhằn: nếu ông Hồ Tập Chương tức Hồ Chí Minh quả thật đã thay thế ông Nguyễn Ái Quốc mất năm 1932 [12]
thì vào thời điểm năm 1949 khi viết bài “Đảng ta”, ông Hồ Tập Chương
tức Hồ Chí Minh không thể nói rằng tất cả đã hi sinh, ngoài mình và
Nguyễn Ái Quốc cũng như Hồ Tùng Mậu và Trịnh Đình Cửu còn sống. Rốt cuộc
thì 5, 7 hay 8 người đã tham dự hội nghị thành lập Đảng? Rốt cuộc thì
Hồ Chí Minh tức Trần Thắng Lợi và Nguyễn Ái Quốc là hai hay một người?
Tất cả những câu hỏi ấy đến nay đều bị né tránh.
© 2014 pro&contra
__________________________________
Phụ lục:
Trần Thắng Lợi - Đảng ta
(Tặng các đồng chí chi bộ)
Năm 1847, Mác và Ăngghen phát biểu
“Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”. Sau 70 năm cách mạng Nga thành công. Sau 98
năm cách mạng Việt Nam thành công. Hiện nay, nước nào cũng có Đảng Cộng
sản và chủ nghĩa cộng sản đang lan tràn khắp thế giới. 20 triệu đảng
viên cộng sản khắp các nước đang hăng hái lãnh đạo hàng trăm triệu người
lao động và dân tộc bị áp bức, đấu tranh cho cuộc giải phóng của mình,
cho một xã hội mới, cho chủ nghĩa cộng sản.
Đảng ta tuy trẻ trung, nhưng đã lập được những công trạng rất to tát.
Nhân ngày kỷ niệm thành lập Đảng, tôi
nhắc lại vài mẩu chuyện của Đảng cho các đồng chí trẻ biết, chứ không
phải viết lịch sử Đảng.
Năm 1921, trong cuộc Đại hội của Đảng Xã
hội Pháp mở ở Tua (Tours), Đảng ấy chia làm hai phái. Phái thiểu số thì
cứ giữ lấy Đảng Xã hội cũ. Phái đa số thì lập thành Đảng Cộng sản Pháp.
Trong phái này có một người cộng sản đầu tiên của Đông Dương là đồng
chí Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, chủ nghĩa cộng sản bắt đầu vượt qua lưới sắt
của chủ nghĩa đế quốc Pháp và dần dần thấm vào nước ta.
Năm 1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng
anh em cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách
mạng Đồng chí Hội. Hội này đưa thanh niên trong nước ra Quảng Châu, huấn
luyện họ, rồi phái họ trở về tuyên truyền và tổ chức khắp cả nước.
Năm 1929, trong khi đồng chí Nguyễn Ái
Quốc đi vắng, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội khai toàn quốc
Đại hội ở Hương Cảng. Đại biểu Bắc Kỳ đề nghị tổ chức đảng cộng sản, bị
gạt đi, liền bỏ hội nghị ra về.
Sau đó, trong nước dần dần thành lập ba
nhóm cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông
Dương cộng sản Liên đoàn.
Một nước mà ba đảng cộng sản. Cả ba nhóm
đều ngầm hiểu như thế là sai. Quần chúng đều hiểu rằng như thế là không
đúng. Cả ba nhóm đều tìm cách để đi đến thống nhất. Nhưng bệnh hẹp hòi
và cách làm không khéo, cho nên càng muốn gần nhau, lại càng xa nhau.
Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Tàu, cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng.
Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí
Nguyễn Ái Quốc và tôi, nay chỉ còn đồng chí Hồ Tùng Mậu và đồng chí
Trịnh Đình Cửu, đồng chí Tản Anh và vài đồng chí nữa đều oanh liệt hy
sinh cho Đảng và cho dân tộc lâu trước ngày Cách mạng Tháng Tám.
Để giữ bí mật, các đại biểu khai hội bên sân đá banh của người Tàu. Vừa giả xem đá banh, vừa bàn bạc về Đảng.
Sau cuộc bàn bạc sôi nổi, và sau lời
giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mọi người đều tán thành
thống nhất cả ba nhóm thành một đảng.
Thế là Đảng ta chân chính thành lập.
Đó là ngày lịch sử mồng 6-1-1930.
Sự thống nhất làm cho đảng viên và quần
chúng cả nước rất vui mừng và thêm hăng hái. Do đó mà Đảng phát triển
rất mau, hoạt động rất mạnh. Từ đó trở đi, phong trào cách mạng ở nước
ta đều do Đảng ta lãnh đạo.
Vì có một chủ nghĩa cách mạng nhất, một
tổ chức chặt chẽ nhất, chí hy sinh tận tuỵ không bờ bến của đảng viên,
có sự hăng hái vô cùng của quần chúng, nên Đảng ta thành lập không bao
lâu, đã lãnh đạo được cuộc khởi nghĩa Nghệ Tĩnh, thành lập Xô viết Nghệ
An. Nếu so sánh lịch sử cách mạng các nước, chúng ta có thể nói rằng Xô
viết Nghệ An đối với Việt Nam cũng hơi giống cách mạng 1905 Nga.
Xô viết Nghệ An đã lôi cuốn được cả công
nhân, nông dân và học sinh. Đã lập nên chính quyền nhân dân. Đã làm cho
giặc Pháp kinh sợ. Thật là một cuộc cách mạng oanh liệt đầu tiên do
giai cấp vô sản Việt Nam lãnh đạo.
Giặc Pháp đàn áp một cách vô cùng dã
man. Hàng ngàn hàng vạn đảng viên và quần chúng bị giết chết, bị tù đày.
Giặc Pháp đã xoa tay mừng rằng cách mạng Việt Nam, cộng sản Việt Nam
hết rồi. Chúng nào có hiểu: Có thể ngăn sông, có thể đào núi, nhưng
không có lực lượng nào có thể ngăn trở chủ nghĩa cộng sản phát triển và
thực hiện.
Sau trận khủng bố ghê gớm 1930-1931, năm 1933 Đảng lại hoạt động mạnh và càng ngày càng mạnh.
Nói đến đây, tôi phải nhắc đến những
đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh như
đồng chí Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn
Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Minh Khai, cùng trăm nghìn đồng chí khác. Và
những thanh niên cộng sản anh dũng như Trọng Con, Hồng Quang. Máu xương
của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng
vững, ngành nó càng to, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ.
Thế giới đại chiến lần thứ hai bùng nổ.
Một lần nữa thực dân Pháp ra tay khủng bố. Nhiều đảng viên bị bắt, bị
tù. Nhưng Đảng ta vẫn đứng vững. Đảng giao cho một số đồng chí thảo kế
hoạch đánh Nhật chống Pháp. Các đồng chí ấy khai hội trên một bãi cỏ ở
Quảng Tây. Trong 6,7 người, tôi chỉ nhớ tên các đồng chí Phùng Tự Do (đã
hy sinh ở Na Rì, Bắc Cạn), Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp.
Muốn đánh giặc, phải có quân đội. Đội du
kích đầu tiên của nước ta lập ở Cao Bằng, với 12 người, trong đó có hai
nữ đồng chí. Đội này do các đồng chí Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm và Bằng
Giang phụ trách. Toàn đội chỉ có một khẩu “pạc-hoọc”, hai khẩu súng kíp
và giáo mác. Thấy vậy, người khác có thể cười rằng đó là trò chơi trẻ
con. Nhưng chính từ cái hạt cỏn con đó mà nay đã phát triển thành hàng
chục vạn Vệ quốc quân và hàng trăm vạn dân quân du kích đang oanh liệt
kháng chiến từ Bắc đến Nam, làm cho giặc Pháp phải kinh hồn, thế giới
phải khen phục.
Trong mấy tháng, đội du kích số một ấy phát triển đã khá. Đảng giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp cải tổ thành đội Nam tiến.
Khi đã lấy lại sáu tỉnh Việt Bắc và đã lập chính quyền nhân dân, đội
Nam tiến đổi tên là Quân Giải phóng. Cách mạng Tháng Tám thành công,
Chính phủ Cộng hoà thành lập, Quân Giải phóng trở nên Vệ quốc quân.
Năm nay, Đảng ta mới 19 tuổi. Nhưng suốt
19 năm ấy, năm nào cũng là một năm đấu tranh dũng cảm. Kinh qua bao
nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Đảng
ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn. Nhờ chính sách
đúng, lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất, mà Đảng
ta và dân tộc ta được những thắng lợi vẻ vang ngày nay.
Tuy vậy, chúng ta tuyệt đối không được tự kiêu, tự đại.
Chúng ta có nhiều thành công, nhưng
chúng ta cũng còn nhiều khuyết điểm. Mỗi đồng chí ta cần phải mạnh dạn
và thành thật kiểm điểm mình, kiểm điểm đồng chí mình.
- Đã bỏ hết bệnh chủ quan, hẹp hòi chưa?
- Đã bỏ hết tư ý tiểu khí chưa?
- Đã luôn cố gắng học tập, luôn luôn cầu tiến bộ chưa?
- Đã thực hiện đoàn kết 100% chưa?
- Đã thật cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư chưa?
- Đã thật là người kiểu mẫu trong phong trào thi đua ái quốc chưa?
Nếu chưa thì phải làm cho kỳ được.
Sứ mệnh của Đảng ta rất to. Công việc Đảng ta rất nhiều. Đảng đòi hỏi chúng ta phải làm trọn nhiệm vụ của đảng viên.
Không có vinh dự nào to bằng cái vinh
hạnh được làm đảng viên của Đảng Cộng sản. Vì vậy, bất kỳ ở hoàn cảnh
nào, làm công việc gì, chúng ta cũng phải kiên quyết làm cho xứng đáng
với vinh hạnh ấy. Như thế, thì dân tộc giải phóng nhất định thành công,
thế giới cách mạng nhất định thành công.
Trần Thắng Lợi
(Viết đầu năm 1949. Tập san Sinh hoạt nội bộ, số 13, tháng 1-1949. Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Hà Đông xuất bản thành sách năm 1950)
Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tập 5
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000
[2] Theo thông tin trên Tạp chí Cộng sản: “Tạp chí Sinh hoạt Nội bộ ra đời tháng 8-1947, với tư cách là ‘cơ quan trung ương huấn luyện công tác và lý luận’. Nhưng vì hồi bấy giờ Đảng không ra công khai, cho nên trên bìa số 1 ghi là ‘của Cứu quốc Hội’, từ số 2 đến số 13 ghi là ‘của Đoàn thể’, và từ số 14 (ra tháng 2-1949) ghi là ‘của Đảng’… Tạp chí Sinh hoạt Nội bộ do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng, trực tiếp phụ trách. Đồng chí Trường Chinh định ra kế hoạch từng số và phân công người viết bài… Từ khi ra đời (tháng 8-1947) cho đến tháng 3-1950, Sinh hoạt Nội bộ đã xuất bản được 20 số. Từ tháng 3-1950, tạp chí Sinh hoạt Nội bộ đình bản, và sau đó được thay thế bằng Tạp chí Cộng sản.”
[3] Hồ Chí Minh, sđd, tập 3
[4] Nguyên bản tiếng Pháp “Essai d’histoire du mouvement communiste en Indochine”, tác giả là Hồng Thế Công, một bút danh của Hà Huy Tập.
[5] Văn kiện Đảng, tập 4
[6] Văn kiện Đảng, tập 21
[7] Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, bản lưu hành trên Internet
[8] Văn kiện Đảng, tập 2
[9] Điều đáng lưu ý là đầu năm 1949, khi Hồ Chí Minh viết bài “Đảng ta”, Nguyễn Đức Cảnh, Châu Văn Liêm và Lê Hồng Sơn (tức Tản Anh) đã bị chính quyền thực dân Pháp giết hại từ lâu, nhưng trong số người còn lại có Nguyễn Thiệu, khi đó ở miền Nam, mà ông Hồ không hề nhắc đến. Hai năm sau, khi Hồ Tùng Mậu cũng hi sinh trong kháng chiến, hai người duy nhất còn lại ngoài Nguyễn Ái Quốc là Nguyễn Thiệu và Trịnh Đình Cửu. Cả hai ông đều chỉ lên tới những chức vụ hữu danh vô thực bậc trung trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, một trở thành Giám đốc Viện Bảo tàng Cách mạng, một trở thành Phó Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Hồ Chí Minh.
[10] Tổng bộ Việt Minh xuất bản năm 1949. Hồ Chí Minh, sđd, tập 5
[11] Hà Huy Tập, “Essai d’histoire du mouvement communiste en Indochine”, bài đã dẫn
[12] Trong bài “Kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương” 1933, Văn kiện Đảng, tập 4, ông Hà Huy Tập cũng nói rõ rằng “đồng chí Nguyễn Ái Quốc bị ám sát trong các nhà tù địa ngục của Hồng Công”.