Glang Anak (Danlambao) - Đã 6 năm trôi qua cho đến nay, làn sóng phản đối của cộng đồng Chăm đối với việc xây dựng Đàn Tiên Nông ở xã Phan Hòa, Bắc Bình vẫn chưa dừng lại khi chính quyền Bình Thuận thể hiện quyền lực và dã tâm cưỡng chiếm đất đai người Chăm; không phải để phát triển kinh tế hay bảo tồn văn hóa, mà nhằm tiêu diệt tín ngưỡng người Hồi giáo Chăm Bàni ở một ngôi làng đặc biệt chỉ có người Chăm ở Việt Nam.
Nhân sự kiện UPR của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế vừa rồi, chúng tôi thông tin thêm về những khuất tất trong một dự án chuẩn bị triển khai và kêu gọi người dân hãy lên tiếng cho việc dừng lại dự án vô nhân đạo và tiềm ẩn xung đột tín ngưỡng và sắc tộc này vì những lý do sau đây:
Chính quyền Bình Thuận “phù phép” di tích Đàn Tiên Nông.
Đầu năm 2008, xã Phan Hòa quy hoạch một khu đất trống giữa làng để xây dựng một số công trình giáo dục và dân sinh như trường tiểu học, trường mầm non, chợ, nhà văn hóa thôn,… Trong khi các công trình khác được triển khai xây dựng bình thường thì khu đất trống dự kiến xây trường mầm non bị “cấp trên” yêu cầu dừng lại để xây dựng di tích lịch sử “Đàn Tiên Nông”.
Quá bất ngờ vì “Đàn Tiên Nông” là tín ngưỡng thờ cúng thần nông của người Kinh sao lại có di tích trên vùng đất người Chăm? Lại trên một mảnh đất trống, không có một vết tích gì gọi là di tích; người Chăm già nhất ở địa phương này cũng chưa một lần nghe tên, chưa một lần chứng kiến hoạt động kỷ niệm nào?
Đàn Tiên Nông (nơi để khấn tế trời đất, thần Nông) được dự kiến xây dựng trên một khu đất trống giữa làng Bình Minh.
Do đó, chính quyền xã đã lên tiếng yêu cầu cung cấp hồ sơ di tích để giải đáp thắc mắc và bức xúc của người dân nhưng “cấp trên” chỉ ậm ừ và bảo “hãy đợi”.
Để hợp thức hóa, cuối năm 2008 Báo Bình Thuận có bài viết đầu tiên về "Đàn Tiên Nông ở Bình Thuận" của tác giả Nguyễn Xuân Lý mà từ trước đến nay không có một tài liệu khoa học nào đề cập đến di tích này.
Ngày 1.11.2011, Đài phát thanh và truyền hình Bình Thuận có chương trình nói về làng Đông An và Đàn Tiên Nông.
Tháng 09 năm 2012, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 1777/QĐ-UBND về việc công nhận di tích Đàn Tiên Nông là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Những lừa bịp trong chiến dịch truyền thông đã bị phát hiện
Người Chăm đã phản đối sự bịa đặt của các bài viết và video tuyên truyền nói trên qua kênh thông tin tỉnh Bình Thuận. Họ cho biết rằng theo bài viết của Nguyễn Xuân Lý, Đàn Tiên Nông được xây vào năm 1833 tại làng Đông An. Nếu là đúng tại sao không sang Làng Đông An (người Kinh) để xây di tích Đàn Tiên Nông lại sang làng Bình Minh của người Chăm để chiếm đất xây dựng di tích. Tại sao cả trăm năm nay không nghe ai nói đến Đàn Tiên Nông, nay lại có quyết định cho xây dựng trên khu đất trống.
Hơn nữa, truyền hình Bình Thuận đã cho thuê một ông già người Kinh đến chỉ vị trí Đàn Tiên Nông trên đất trống ở Phan Hòa để quay hình tuyên truyền, xem rất phản cảm và không đúng sự thật. Vì người Kinh chỉ mới di dân vào lấn chiếm đất đai ở đây, sao lại biết vị trí di tích trên làng người Chăm từ xa xưa?
Vị trí xác định Đàn Tiên Nông là khu đất trống giữa làng người Chăm không có cơ sở khoa học và thực tiễn; càng vô lý hơn khi người dân và chính quyền xã Phan Hòa đề nghị chuyển Đàn Tiên Nông sang vị trí gần làng người Kinh, để tiện cho việc cúng kính, đúng với thông tin báo chí và tránh xung đột tín ngưỡng nhưng chính quyền tỉnh không đồng ý, nhất quyết phải xây giữa làng người Chăm. Trong khi đó có nhiều di tích Chăm hư hại nặng nhưng chính quyền không cho trùng tu như Tháp Thuận Hòa - Hàm Thuận Bắc, Thành Cổ Sông Lũy - Lương Sơn, Po Bia Patmah - Phan Thanh, Po Klaong Gahul - Phan Hiệp, Po Dam - Tuy Phong,… Điều này dấy lên nhiều mối nghi ngờ cho mục đích của dự án.
Tháp Po Dam - Tuy Phong kêu cứu
Lý do phản đối dự án Đàn Tiên Nông của cộng đồng Chăm
Di tích Đàn Tiên Nông là không có thật. Sự bịa đặt và phù phép của chính quyền Bình Thuận bằng chiến dịch truyền thông và văn bản pháp lý "di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh" cho thấy Chính quyền đã "lộng hành", không tôn trọng sự thật, và lịch sử; không đảm bảo khoa học và thực tiễn. Như vậy là Chính quyền lừa bịp người Chăm?!
Theo tác giả Huyền Nguyễn, trong bài viết "Xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Đàn Tiên Nông" khi Đàn Tiên Nông được xây xong: “Lễ nghi được tổ chức long trọng. Lễ vật chính là con heo tế sống, để nguyên con. Bên cạnh là đĩa đồ lòng, lông, huyết giống như lễ vật trong các lễ kỳ yên của các đình làng. Đầu heo được đặt quay vào nơi thờ thần. Bên cạnh còn có một tĩn nước và một cái gáo sọ dừa dùng để múc.”
Trong khi đó hầu hết người Chăm làng Phan Hòa theo tín ngưỡng Bàni, không ăn thịt heo.
Làm sao họ có thể chấp nhận khi hàng ngày nhìn cảnh tụng niệm, lễ lộc, hương khói và đồ tế lễ là thịt heo giữa làng. Điều này không những tiềm ẩn xung đột về tôn giáo tín ngưỡng, mà còn ảnh hưởng đến việc giáo dục giữ gìn bản sắc dân tộc Chăm cho thế hệ trẻ khi gần đó là các trường học và khu dân cư.
Hơn nữa, địa bàn dân cư của người Chăm đã bị thu hẹp vì cuộc di cư của người Kinh và các dự án kinh tế; nay một tín ngưỡng người Kinh bỗng xuất hiện giữa làng đã gây bao mối nghi ngờ và bất an cho người Chăm nơi đây; Tiềm ẩn về xung đột tín ngưỡng và sắc tộc sẽ không tránh khỏi. Sự di dân của người Việt lại tiếp tục theo đình, chùa, đền, miếu là mối nghi ngại rất lớn của người Chăm.
Giải pháp đảm bảo ôn hòa trong cuộc sống cộng cư Chăm -Việt ở Phan Hòa
1 - Hồ sơ công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Đàn Tiên Nông ở Phan Hòa – Bắc Bình – Bình Thuận phải được thanh tra, kiểm chứng và công khai để giải tỏa những bức xúc và thắc mắc của người dân.
2 - Phải dừng dự án xây dựng di tích Đàn Tiên Nông ở Phan Hòa để tránh nguy cơ xung đột tín ngưỡng và sắc tộc.
3 - Cộng đồng Chăm Phan Hòa cần ý thức trách nhiệm và quyền của mình để lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa với các cơ quan lãnh đạo, tổ chức, hội đoàn liên quan nhằm bảo vệ bản sắc dân tộc và tín ngưỡng tôn giáo của mình.
4 - Đây là vấn đề hệ trọng cho cả dân tộc Chăm, vì xã Phan Hòa là xã duy nhất ở Việt Nam chỉ có dân tộc Chăm sinh sống. Do đó, nếu không giải quyết triệt để vấn đề này hôm nay thì sẽ gây bao phiền hà và hệ lụy cho nhiều thế hệ sau.
Bài viết này cũng mong rằng, ai biết những quy định pháp lý nào, thủ tục nào, tổ chức nào... Có thể giúp người dân khởi kiện về việc Chính quyền Bình Thuận đã lừa bịp trong việc công nhận di tích lịch sử văn hóa, cho triển khai dự án gây bức xúc trong dân chúng và tìm ẩn xung đột tín ngưỡng, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc. Hãy cung cấp thông tin hướng dẫn để người dân thực hiện.
Được biết Chính quyền Bình Thuận cũng đã từng ngang nhiên cho xây dựng chùa Bửu Sơn trên khu di tích tháp Chăm Posah Anak mà chưa được sự đồng ý của Bộ Văn hóa. Mặc dù sau đó, Bộ văn hóa có công văn đình chỉ xây dựng chùa Bửu Sơn nhưng không rõ lý do gì Chùa vẫn được xây và tiếp tục mở rộng.
8/2/2014
Xem thêm về trò bịp truyền thông Dự án Đàn Tiên Nông ở Bình Thuận