Đỗ Trường (Danlambao) - Sau thời khắc giao thừa, tôi đã nhận khá nhiều email cũng như điện thoại, của bạn bè, người quen về bài viết Câu Chuyện Đêm Giao Thừa, mà tôi vừa gửi đăng. Trong đó có ông bạn “Đức Quay“ trước đây ở Neustadt in Sachsen. Đầu năm chưa kịp chúc tụng gì, hắn đã lên lớp, tổng sỉ vả tôi vì can tội suy diễn, lệch lạc tư tưởng trong bài viết. Rành tánh hắn, khi nói xong, ai đó vặn vẹo lại, hắn chẳng thể lý luận, biện minh, hoặc quên khuấy đi những điều mình vừa nói. Nên tôi để hắn tuôn hết ra, cho nhẹ người.
Hắn nguyên là lính, có mấy năm trên chốt quần nhau với giặc Tầu. Sau khi giải ngũ, hắn được sang Đức lao động ngay, theo tiêu chuẩn con em của Bộ Nông Nghiệp. Là đảng viên, khi còn trong quân ngũ, nên hắn được giao phụ trách đoàn thanh niên của đội cơ khí. Riêng cái khoản, nghị quyết thông tư, đường lối tư tưởng lãnh đạo hắn thuộc làu làu. Chẳng cứ khi họp hành, mà mỗi lần hắn đến tôi, hay tôi đến thăm hắn, trong bữa ăn, bữa nhậu, hắn không bỏ được cái đề tài nhão nhoẹt này. Nếu trong bữa đó, có thêm những bạn bè mới, dứt khoát tôi phải kéo ra ngoài, nói trước tính tình của hắn, để mọi người hiểu và cảm thông. Bằng không, dứt khoát sẽ cãi nhau to, như có lần, hắn đã bị đám thanh niên mới lớn, nện cho một trận sứt cả đầu, mẻ cả trán, ngay trong bữa nhậu.
Thế rồi, hắn trong đoàn quân nhận tiền đền bù để về nước, sau ngày bức tường Berlin sụp đổ. Với số ngoại tệ cầm về vào thời kỳ ấy, tầm tuổi hắn, được xếp vào hạng có chút máu mặt. Nếu như đúng cầu, hắn có thể cầm trong tay mấy cái bằng đại học và đủ cơ số đạn bắn đổ chiếc ghế kha khá, làm điểm tựa cho con đường công danh, bổng lộc sau này. Nhưng “giày dép còn có số, huống chi con người…" Hắn lẩm bẩm với tôi như vậy, khi hắn vượt biên trở lại Đức (gọi là Đức Quay).
Chân ướt chân ráo về đến địa phương, nộp giấy tờ sinh hoạt đảng, hắn được ngay mấy đồng chí lãnh đạo phường đặc biêt quan tâm, hết rủ rê lại đề nghị góp tiền mở dịch vụ, nhằm tăng ngân sách cho phường. Điểm kinh doanh của phường, hắn chỉ phải bỏ tiền sửa sang, sắm thiết bị từ con số không cho đến lúc vận hành của nhà hàng rượu bia, nhậu nhoẹt. Lời lãi cưa đôi, điều tất nhiên hắn sẽ được làm chủ nhiệm, người đứng mũi chịu sào.
Không hiểu ma đưa lối, quỉ dẫn đường thế nào, hắn lại đồng ý, bất chấp sự can ngăn của bạn bè và gia đình. Mà không đồng ý sao được, hợp đồng vô thời hạn, có dấu đỏ choét của đồng chí chủ tịch phường. Ngoài ra, những giao kèo trên cửa miệng của lãnh đạo phường, ngọt, dẻo như kẹo kéo, trong tinh thần đảng viên, đồng chí của nhau. Hấp dẫn và tin tưởng đến như vậy, có thánh cũng chẳng cưỡng lại được.
Gần một năm lăn lộn, cửa hàng đã ổn định, bắt đầu thu lãi, (thì lại) đánh đùng một phát, đồng chí chủ tịch phường, hớt hải từ đâu chạy về báo tin: Quận có ý định, trưng dụng mảnh đất này, để làm nhà văn hóa và một số công trình phúc lợi xã hội khác.
Làm thế này, khác gì sát ớt vào đít nhau. Tiền bạc, tài sản bao năm bán sức lao động, có mà đi tong à, hắn lăn đùng ngã ngửa, miệng còn lẩm bẩm như vậy…
Rồi cũng đến ngày, hắn phải gọi người tháo đồ, bán rẻ như cho, không nhận được một đồng đền bù. Lúc này, các đồng chí lãnh đạo phường đi mây về gió, hắn tìm nhưng không thể gặp. Chỉ còn lại các đồng chí công an phường, không tìm lại gặp. Nhiệm vụ các đồng chí, thúc giục hắn dọn nhanh chiến trường, để bàn giao lại mặt bằng mà thôi.
Chẳng đợi đến một năm hay vài tháng, khi hắn bàn giao xong, tuần sau đã có người đến treo biển quảng cáo, lại vẫn bia hơi, đồ nhậu, khác chăng chỉ có cái tên của chủ mới. Hôm khai trương, hắn ghé vào, nhìn thấy y nguyên đồ đạc cũ của hắn được lắp ráp lại. Thế này, thì có khác gì bọn lừa đảo, trấn lột. Hắn và gia đình mang đơn kiện cáo, từ quận lên đến thành phố. Nhưng đợi dài cả cổ, không ai thèm trả lời hắn. Có kẻ còn nhạo báng, bắn tin cho hắn, chủ mới toàn con cháu các ông ở quận và thành phố, có kiện vào mắt à. Hắn buồn chán lang thang, nhiều khi lên cơn như kẻ động kinh.
Trong lúc lang thang mộng du ấy, chẳng hiểu thế quái nào, hắn lại gặp được sư phụ tận vùng núi Bắc Giang. Từ đó hắn cạo đầu, theo thầy học kinh kệ, tướng số. Nhưng hồng trần chưa dứt, được một thời gian, hắn lại quay về. Lúc này, làn sóng vượt biên bằng đường bộ, qua Nga và các nước Đông Âu vào Đức đang rầm rộ. Cái động từ quay lại Đức, đảo thành danh từ mới, Đức Quay, chỉ những cựu công nhân hợp tác lao động vượt biên trở lại Đức, ra đời từ thời gian này. Bòn góp, vay mượn đủ tiền bạc, hắn theo dòng người ấy, để giải quyết những bế tắc.
Tới Đức lần này, hắn có thuận lợi hơn người khác, vì còn nhiều bạn bè cũ làm chỗ dựa. Sau thời gian ngắn trong trại tị nạn, hắn được vợ thằng bạn vừa tử nạn, đang cần người giúp việc, cẩu ra. Ban ngày, hắn vật lộn ngoài chợ, đêm về có nhiệm vụ chăm sóc vợ bạn. Năm sau, vợ thằng bạn quá cố tòi ra thằng con trai, thế là hắn đương nhiên có con, có vợ.
Khi vợ hắn sắp đẻ thằng con thứ hai thì bị lãnh sáu tháng tù treo vì can tội mua bán thuốc lá lậu. Nguy cơ có thể cả gia đình hắn, bị trục xuất ra khỏi nước Đức, vì giấy phép cư trú toàn phụ thuộc vào vợ hắn. Nên hắn thuê luật sư lật lại vụ án. Hắn đứng ra nhận tất cả tội danh của vợ. Thay cho sáu tháng án treo của vợ, hắn phải ngồi tù gần một năm. Nhưng yên tâm, ra tù, quyền cư trú, hắn vẫn còn được ăn đong theo vợ con.
Ra tù, hình như hắn đổi tánh, lúc đầu mọi người cứ nghĩ, thằng này bị bệnh hay trúng tà. Đang ngon lành, tự nhiên dắt vợ con lên mãi vùng núi hẻo lánh, thuê nhà, thuê đất lập am gõ mõ tụng kinh. Thế mà chẳng hiểu ma lực từ đâu, chỉ một thời gian ngắn, hắn thu phục khá nhiều chân nhang, đệ tử, nhưng chủ yếu vẫn là mấy bà, mấy chị sồn sồn. Từ đây, sở học từ sư phụ Bắc Giang, hắn phát huy tối đa.
Năm, sáu năm sau, không rõ hắn móc đâu ra tiền, mua hẳn khu đất đang thuê, xây dựng lại nhà ở, am thờ khang trang ra phết. Thời gian gần đây, lại thấy hắn với cái đầu trọc lốc, thường xuyên xuất hiện trên truyền hình trong nước. Phái đoàn nào trong nước sang cũng thấy hắn đón tiếp, rồi quay phim, chụp hình. Miệng hắn bây giờ, còn dẻo và ngọt hơn đồng chí chủ tịch phường, hồi đã cho hắn vào rọ. Mấy năm trước, gặp hắn ở trong chợ Châu Á, trông béo tốt lắm, vẫn vồn vã thân mật với tôi như thưở nào. Trong câu chuyện, hắn có ý muốn tôi viết cho một bài báo về cái duyên, cái nợ đến với đạo và đời của hắn. Quả thật, muốn giúp hắn lắm, nhưng viết về người tốt việc tốt, hay những nhân vật điển hình này, tôi không biết viết, nếu cố gắng viết, chắc chắn sẽ dở lắm. Tôi nói với hắn như vậy.
Không biết, hồi vào trại và đặt đơn tị nạn, hay ở trong tù, hắn còn sinh hoạt Đảng cộng sản nữa hay không? Hôm rồi có người bảo, dạo này, hắn vẫn họp chi bộ đảng đều đều đấy. Với tôi, mỗi người đều có con đường riêng, tư tưởng, suy nghĩ tự do và có trách nhiệm với những việc mình đã làm. Dù tôi có thích hay không thích cái tư tưởng, việc làm ấy, nhưng con người hắn vẫn là bạn từ cái thời hoa niên của tôi. Và mỗi lần nghĩ đến hắn, tôi lại nhớ đến lời của vị Đại tá quân đội nhân dân VN Bùi Văn Bồng: Thằng ấy tuy là đảng viên, nhưng mà nó (còn) tốt.
Việc hắn còn sinh hoạt đảng nữa hay không, thì tôi chưa nhìn thấy. Nhưng cái chứng bệnh hão huyền của nó, có thế ví với cái bác Chủ tịch cựu chiến binh vùng phía Đông nước Đức. Tôi không rõ xuất thân của bác Chủ tịch này. Nhưng cứ đến ngày 30-4, hay ngày thành lập quân đội, thấy bác quần áo bộ đội thẳng nếp, quân hàm quân hiệu, huân huy chương đeo đầy ngực, chỉ huy tầm chục bác, ăn mặc y trang như vậy, hát hò, nhảy múa trên sân khấu. Vâng! Các bác chiến thắng và có quyền tự sướng. Nhưng các bác tự hào với ai trên nước Đức này? Tại sao các bác không ở lại Viêt Nam, để hưởng trọn những thành quả đã giành được? Mà phải sang tận xứ lạnh này, cầy thuê cuốc mướn, để mỗi lần gia hạn giấy phép cư trú, dù các bác nhũn như con chi chi, nhưng vẫn bị nó hành cho lên bờ xuống ruộng như vậy. Hơn nữa cái bộ quân phục mặc vào nó thể hiện sức mạnh của quân đội, quân kỷ của người quân nhân đang trong quân ngũ. Chỉ có người lính đang tại ngũ mới được mặc. Nó không phải những tấm áo hề chèo, diễn trên sân khấu, nhăn nhở như những Lại Văn Sâm… trong chương trình “Chúng Ta Là Chiến Sỹ" hay của những bà buôn quần áo lính trên đường phố Nam Bộ, Hà Nội. Tôi có hai ông anh ruột, một người chị gái đã mất trọn tuổi thanh xuân, cho chiến trường miền Nam những năm tháng khốc liệt nhất. Bản thân tôi cũng từng là sỹ quan dự bị, nhưng vào những ngày này, có gì mà phải vui và vui với ai?.
Nhìn các bác trên sân khấu oai phong là thế, nhưng không cứ các ông to bà lớn từ trong nước sang, kể cả mấy đồng chí tép riu, đáng tuổi em út, con cháu, các bác cũng cúi rạp người xuống. Tôi không có thời gian và cũng ít để ý đến sinh hoạt của các bác, nhưng vừa rồi, nghe mấy ông hàng xóm bàn luận: Không hiểu sao bác Chủ tịch hội chiến binh này, có nhiều thời gian đến thế. Hội hè nào, ở bất kỳ đâu cũng thấy bác ngự trên ghế chủ tịch đoàn, kể cả ngày của các chị em. Diễn văn của bác phát nào ra phát ấy, cứ dài dằng dặc. Có kẻ độc mồm, độc miệng gán con người, nhân cách của bác, “tuần chay nào cũng có nước mắt" là hơi bị oan. Bởi vì, những cuộc mittinh, biểu tình chống Tầu vì biên giới biển đảo, động chạm đến đấng ngồi trên, làm chó gì có mặt bác. Nhưng hôm đại hội cựu chiến binh ở trong nước, trong đám đông, thấy bác cố chen lên như kiểu tranh nhau mua hàng thời bao cấp, để được chụp hình với bà nguyên chủ tịch nước là có thật. Nghĩ mà thất kinh.
Vâng! Câu chuyện đầu năm này, không biết nên vui hay nên buồn của những mảnh đời xa quê. Có lẽ, nó chỉ nói lên được một phần nào hiện thực cuộc sống. Và lúc này, tôi cũng định kết thúc câu chuyện, cố không xua đi những cái ám ảnh ở trong đầu, bằng cách bật TV, xem không khí tết nơi quê nhà. Đang hứng thú, bắt gặp ngay chuyên gia nước ốc Lại Văn Sâm dẫn chương trình. Thật ra, tôi không quen biết, ác cảm gì với Lại Văn Sâm. Nhưng có lẽ, bác Sâm có cây cao, bóng cả che mát. Nên với cái lối dẫn chuyện nhạt nhẽo, ba lăng nhăng, hứng lên là dịch bậy như vậy, mà chương trình nào cũng thấy mặt bác. Hôm trước, các chị ở bên Pháp bảo, Lại Văn Sâm tay cờ bạc số một đấy, làm công chức nhà nước mà hắn lấy đâu ra lắm tiền thế. Không biết thực hư thế nào, nhưng Lại Văn Sâm có ông anh ruột Lại Văn Sinh, theo đánh giá của giới sáu ngón, là dạng quái thai ngâm dấm. Trong thời gian làm cục trưởng điện ảnh, không lâu, ông hô biến ngay 42 tỷ đồng tiền thuế của nhân dân. Báo chí, cơ quan công quyền nhà nước ưu ái gọi là làm thất thoát. Nhưng theo ngôn ngữ của mấy bà bán chè chén: Là ăn cắp, ăn cướp có tổ chức. Đường đường là cục trưởng, có nhiệm vụ quản lý tiền bạc của nhân dân, hàng năm có kiểm tra, chi thu, cân đối ngân sách, thế mà để một tên tiểu tốt kế toán, trong mấy năm ẵm đi 42 tỷ. Giải thích như vậy, để trốn tội, nói trẻ con, nó cũng phải bịt tai.
Ấy vậy, mà chuyện thật như đùa, chỉ với động tác từ chức, một việc làm chưa từng có ở đất Việt, đồng chí cục trưởng Sinh thoát tội thật. Nghe nói, nhiều người ca ngợi hành động có một không hai này và còn cảm thông với đồng chí. Riêng giới sáu ngón rỉ tai nhau, ăn đủ rồi, chuyện lại vỡ lở, bác Sinh không từ chức, chuồn cho nhanh ở lại ăn đòn à. Cái mốc hưu trí cũng không còn bao xa. Bác tính nát cả nước cờ rồi…
Đang mơ màng suy nghĩ, ông hàng xóm, là người tin tướng số, sang chúc tết, nhìn thấy Lại Văn Sâm, hét tôi, tắt Tivi và bảo: Cũng may, sáng mùng một, không gặp khuân mặt Kiều Trinh. Bằng không xui xẻo cả năm đấy. Kiều Trinh là con của cựu Tổng giám đốc đài truyền hình VN Vũ Văn Hiến. Người có bàn tay sau ngón, nhưng lại chuyên dạy đạo đức, rao giảng văn hóa trên truyền hình.
Tôi đành chuyển sang đọc báo, lại bắt gặp ngay khuân mặt và cái tin bác Lê Văn Tam, sang tìm đối tác ở Đức. Làm tôi nghĩ đến câu chuyện, có lẽ, cũng phải gần hai chục năm trước. Trong một lần về phép, cùng ông bạn nhà báo, chuyên viết về nông nghiệp, đến LHCXN Mía Đường 1. Trên đường đi hắn có kể, cho tôi nghe câu chuyện đánh mất tiền tỉ của giám đốc nhà máy đường Lam Sơn Lê Văn Tam. Câu chuyện cứ như trong phim, trong truyện cổ tích ấy. Số là, đồng chí Tam có mang một tỷ tiền mặt của nhà máy, từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Mãi không thấy số tiền này dùng vào cái khoản nào. Vào thời điểm đó tiền tỷ là rất lớn. Sau đó, bị nhà máy, bộ ngành truy hỏi, đồng chí Tam báo cáo, bị rơi, hoặc mất cắp hết số tiền đó, nhưng không biết ở đâu? Sự việc đang trong vòng luẩn quẩn, tôi lại trở lại Đức, nên không biết xử lý ra sao?
Cứ tưởng đồng chí Lê Văn Tam, đã đi điếu hoặc chí bét cũng về ôm đít vợ từ lâu rồi mới phải. Đầu năm nay, lại thấy đồng chí trên cương vị mới, chủ tịch HĐQT công ty mía đường Lam Sơn, rất hiên ngang, dẫn đầu một phái đoàn vô cùng “hoành tráng" sang Đức. Không biết, công việc tìm đối tác của đồng chí đi đến đâu và có mang lại lợi ích gì cho dân cho nước hay không? Nhưng uẩn khúc tiền tỷ trước đây của đồng chí, cứ làm cho tôi rờn rợn.
Ngày 7-2-2014
Đức Quốc