- Các chú cho má con vào thăm ba con chứ?
- Có gì chứng minh bà là vợ ông Ngô Hào?
- Các chú xem lại sổ thăm nuôi lần trước đi ạ, có tên tuổi, giấy chứng minh của má con đây.
- Chúng tôi không giải quyết trường hợp này.
- Các chú sao lại làm khó gia đình con thế.
Chàng trai – con trai ông Ngô Hào, người tù chính trị bị án 15 năm chậm rãi kể, gương mặt già sọm đi so với tuổi, cái nắng, cái gió của đời… bao nỗi lo toan không thể giấu nổi trong ánh mắt, tôi nhìn vào mắt chàng trai bắt gặp ở đó cái thằng tôi thuở nào, ánh mắt của đứa trẻ đã già.
- Má con đi không mang theo giấy đăng ký kết hôn, nếu không thì đưa cái giấy đó ra thì các chú công an trại giam chắc cũng chẳng làm khó dễ gì đâu. Nhưng con cũng không dám chắc cái giấy đó có còn không nữa, con đi chuyến xe đêm từ Sài Gòn về đến nhà chỉ kịp tắm rửa rồi cùng má và em đi thăm ba, đây là lần thăm nuôi thứ 2. Con rất vội để còn quay trở lại Sài Gòn vì còn phải chuẩn bị cho việc thi cử.
- Họ là cơ quan công quyền nên con cũng nên thông cảm, họ có nguyên tắc…
- Vâng, nhưng con vẫn thấy sao ấy.
- Thế rồi sao?
- Con năn nỉ mãi thì họ cũng cho 3 mẹ con vào gặp ba. Lần này ba con gầy đi nhiều, ánh mắt lạ lắm, con cảm thấy có gì đó như một nét sợ hãi, vâng ba rón rén khi gặp gia đình, nói nhỏ và luôn liếc nhìn các cán bộ ngồi bên. Nhưng lạ lắm chú ạ, con không hiểu họ sau khi đã bắt giam ba con, đã xử án rồi thì họ còn cần gì nữa, cứ cho là ba con có tội đi, nhưng việc được gặp gia đình, người thân là tiêu chuẩn, là quy định của pháp luật với tù nhân thì sao họ lại cứ ngồi ngay bên cạnh để chăm chú nghe câu chuyện thăm hỏi của gia đình con, những chuyện chẳng liên quan đến xã hội, đến chính trị thì họ cũng xen ngang vào hỏi "cái gì" hay “tại sao".
- À… đó là nghiệp vụ cua họ mà, cũng là chuyện bình thường, ba con là tù chính trị nên… nên hơi khác, phải chăng ba con đi ăn cắp, ăn cướp hay… hay… thì đã không bị đối xử như thế đâu, chắc thoải mái hơn nhiều.
- Ba con ốm đi nhiều, đôi mắt thẫn thờ lắm, con hỏi ba làm sao mà có vẻ sợ sệt thế, ba bị đánh à? Ba nhìn qua quản giáo rồi lặng lẽ lắc đầu, ba nói ba yếu nhưng vẫn phải đi ra ngoài lao động, đi làm rấy đó chú.
- Ba ra ngoài làm rẫy cũng tốt, lao động cho khỏe, được hít thở không khí… tự do… cũng… cũng tốt đó con.
- Ba con nói mọi thứ phải tuân thủ, nếu không rất dễ bị cùm, bị bị chân đó chú, mà con nghĩ có gì đâu mà phải cùm chú nhỉ?
Tôi tránh đi ánh nhìn của chàng trai, không trả lời câu hỏi ấy, tôi cũng đã từng bị đi tù nhưng khác với những tù chính trị, khác nhiều lắm. Tôi đã từng đi thăm nuôi, tiếp tế một thằng em ngoài đời, nó can tội tham gia vào một vụ cướp nhưng rất khác, đến nơi nếu không quen biết thì có tý thì các cán bộ ở trại giam cũng thoải mái lắm. Thằng em tôi trước đây bị giam ở trại giam Phi Liệt – Hải Phòng, khi gặp gỡ thân nhân thì nói búa xua… cũng chẳng sao. Tôi biết những người tù chính trị hay còn gọi là tù nhân lương tâm luôn được đối xử khác biệt, ngay cả khi anh phạm tội cướp của giết người… cờ bạc đĩ điếm thì cũng vẫn khác, người nhà thường có quà khi đến thăm, hoặc nhờ vả mối quan hệ thì cũng dễ, nhưng dính đến lương tâm, đến chính trị thì coi như bỏ, đừng nói quà cáp, có cũng như không, đừng nói đến quan hệ, quan hệ gì cũng vứt vì các mối quan hệ ấy người ta né hết. Tôi đã từng quen những người mà nhờ họ có thể đi thăm nuôi ai bất kể lúc nào, khi nào muốn ở hầu hết các trại giam nếu như phạm tội ngoài chính trị, điều này là thực tế vì tôi đã giúp cho vài người bạn, họ cũng có lời gửi gắm nên dễ chịu hơn… nhưng chính trị thì không, không bao giờ.
- Con động viên ba cố gắng cải tạo tốt còn về… về nhà chú ạ.
Nó nói như mếu, vâng lúc đó tôi không còn nhận ra trước mặt tôi là chàng thanh niên nhìn có vẻ phong trần nữa, nếu như đồng cảm, nếu như trước mặt nó không phải là tôi, là một người mau nước mắt, chắc hẳn nó sẽ òa lên mà khóc… khóc vì… tôi biết thế, tôi biết lắm chứ khi mà nó mời ngoài 20 tuổi đầu, cái tuổi được học hành, được khám phá, được yêu đương và mơ ước chứ không phải như nó bây giờ.
- Con nói đúng, phải truyền cho ba niềm tin, tinh thần quan trọng lắm, ngay cả con và má hay em con cũng vậy, hãy tin một ngày ba sẽ đoàn tụ với gia đình. Còn má con hiện nay thế nào? Vết mổ có ổn không?
- Hên xui thôi chú, má mổ hai lần rồi, ung thư vòm họng thì kể làm sao được hả chú, nói năng còn khó mà chú… con… con thương má!
Tôi nhấc ly café nhưng chỉ còn cái ly không, loay hoay, loay hoay tôi gọi thêm ly nữa, tự dưng cái nhu cầu uống thêm ly café mãnh liệt quá, có lẽ tôi đã già, đã mất đi nhiều thứ của một gã đàn ông mạnh mẽ.
- Chú hiện nay không giúp gì cho con và gia đình con được, chú chỉ biết mong con bình tâm, con hãy cố học xong, chú sẽ hỏi thêm vài chỗ để nếu có việc gì con tranh thủ làm thêm để chi tiêu mỗi lần đi lại, chú tin từ những khốn khó, từ những đớn đau trong đời con sẽ trưởng thành lên rất nhiều, đừng vì hoàn cảnh này mà căm thù chế độ, hãy nghĩ và khoan dung với những người đang giam giữ ba con, họ chỉ làm công ăn lương, đôi khi họ tỏ ra họ vô cùng quan trọng trong công việc của họ, đôi khi họ có hơi quá … nhưng không sao, đừng chấp chiu những cái quá ấy vì suy nghĩ của họ cũng không được sâu và quan trọng hơn cả là họ được trao cái quyền binh trong tay mà luật pháp lại luôn cởi mở với họ. Rồi có ngày họ sẽ hiểu ra con ạ, lần sau có đi thăm ba con hãy nói họ giở sổ thăm nuôi để biết đâu là con, đâu là vợ của ba con – ông Ngô Hào nhé, đừng tranh cãi, đừng xin xỏ họ, con người ta trong lúc bĩ cực mà đứng thẳng, tự tin mới đáng nói, đáng trân trọng, con hãy cố mà được như thế dù nó không hề dễ đâu.
Chú chau chia tay nhau khi bóng chiều ập xuống, tôi xiết chặt tay nó, muốn truyền cho nó chút nghị lực… tàn .
Nó – chàng trai con ông Ngô Hào có khi còn cứng rắn và can trường hơn cả tôi nữa, nó tìm đến tôi tâm sự, sẻ chia và tôi thấy mình hạnh phúc, tôi viết lại ra đây để cùng anh em bạn bè biết thêm về một người tù chính trị, về những người thân của họ, những người không bị giam cầm hàng ngày nhưng ở ngoài họ cũng chẳng hơn gì thân nhân họ trong bốn bức tường kia.