Ru con con ngủ cho lành,
Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi.
Ai coi, lên núi mà coi
Có bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng.
Nguyệt Quỳnh (Danlambao) - Tiếng ru của mẹ ngọt ngào đưa con vào giấc ngủ yên lành. Lời ru có tiếng mưa đêm, tiếng sóng biển, có núi cao sông dài. Và bé ngủ say cùng cánh cò cánh vạc bay êm đềm trên đồng lúa quê hương. Bé làm sao biết tại sao mẹ phải gánh nước rửa bành ông voi, bé làm sao biết tại sao bà Triệu lại cưỡi voi đánh cồng. Chỉ khi lớn lên một chút bé mới biết nỗi thao thức của mẹ của cha trên cánh đồng có cánh cò bay lả đó. Và chỉ khi biết đau, biết nhục, biết tiếc thương từng tấc biển, tấc đất mất đi người ta mới hiểu được lời ru, người ta mới hiểu được tiếng ru ngày nào đã đưa mình yên giấc trong những ngày lửa đạn.
Ở một đất nước bị lệ thuộc, cuộc cách mạng đầu tiên được khởi xướng bởi hai người phụ nữ trẻ là một điều khác thường. Mấy ngàn năm sau, điều khác thường đó được lập lại nơi thái độ của một người mẹ. Bà đứng giữa phiên tòa đại hình của thực dân Pháp trong vụ xử con trai Lương Ngọc Quyến. Thay vì khuyên răn con như đã được phủ dụ, người mẹ quay lại hỏi quan tòa: “Con tôi theo đuổi mục đích cứu nước là hợp đạo lý của gia đình và của đất nước chúng tôi, sao lại gọi là phản loạn?” Rồi nén đớn đau bà quay qua nói với con: “Mẹ chỉ mong con xứng đáng là con dân của nước Việt đến hơi thở cuối cùng”. Người anh hùng Lương Ngọc Quyến đã hành xử đúng như điều bà nói. Bảy ngày độc lập cho Thái Nguyên được khởi đi từ lời nói của một người mẹ, đất nước tôi khởi đi từ những lời ru.
Lời ru đã nuôi lớn những Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên… Cứ nhìn sâu hơn, người ta sẽ thấy phía sau những phụ nữ kiên cường của quê hương tôi luôn luôn thấp thoáng bóng dáng của một người mẹ. Người mẹ và những câu chuyện đẹp lạ lùng! Phạm Thanh Nghiên kể rằng trong lúc gia đình túng quẩn nhất, mẹ chị đã từng nhịn đói để nhường cơm cho một người ăn mày, bà cũng đã từng mang một người đàn bà điên về nhà rồi tự tay tắm rửa, chăm sóc cho bà ấy.
Có một thi sĩ viết rằng cổ tích của cuộc đời bắt đầu bằng một vị vua hay một nàng công chúa, cổ tích của con bắt đầu khi có mẹ. Nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ, tôi muốn nhắc đến những người mẹ phía sau những nhà hoạt động nữ. Và tôi tin rằng dù với những nét rất mờ nhạt, chúng ta có thể kể những câu chuyện thật dài về họ. Tựa như chúng ta chưa từng gặp gỡ bà Tú Xương mà vẫn thấy rõ chân dung người vợ quanh năm tần tảo ven sông của nhà thơ sông Vị.
Ít ai biết rằng một cô gái can trường như Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã nhớ mẹ như thế nào! Chị lãnh bản án chín năm tù, bản án nặng thứ hai trong số các thanh niên yêu nước bị bắt vào khoảng cuối năm 2011. Người thiếu nữ đã làm tù nhân suốt hai dãy tù cùng quản giáo trại giam phải cúi đầu nể phục, một hôm đã viết trên cái bo cơm dòng chữ “bé Ti nhớ mẹ wá”. Bé Ti biết rằng mẹ chị, bà Đặng Thị Ngọc Minh, cũng đang bị nhốt trên lầu và nỗi nhớ nhung mẹ đã được viết trên cái bo cơm bất kể luật lệ ngăn cấm của trại giam. Chị bị biệt giam một tháng, nhưng người mẹ đã dạy con gái đứng thẳng cho những khát vọng chính đáng của mình và dân mình. Bà Đặng thị Ngọc Minh bị bắt giam trong cùng một ngày với con trai và con gái.
Người mẹ khác là chị Nhung, mẹ của sinh viên Nguyễn Phương Uyên. Nhiều người khi theo dõi phiên tòa của Phương Uyên đã ngạc nhiên vì sự bình tĩnh của chị Nhung. Trên khuôn mặt cương nghị, với đôi mắt sáng long lanh là cả một niềm thương yêu và hãnh diện. Đó là khuôn mặt của một người mẹ sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả khi biết đứa con gái bé bỏng của chị đã trưởng thành. Đi bên cạnh chị là bà Nguyễn thị Kim Liên. Không biết hai người mẹ này đã tựa vào nhau để vượt qua giai đoạn gian nan như thế nào. Chỉ biết qua lời bà Liên khi nghe Đinh Nguyên Kha khóc và xin lỗi vì đã làm khổ mẹ, bà đã từ tốn nói với con rằng: “Con đã chọn thì mẹ đi theo con”. Bà là một phụ nữ thông minh và rất đặc biệt. Bà không những không chùn chân trước mọi đe dọa, bà còn làm được một điều vô cùng khó đối với tuổi đời và khả năng của mình. Khi Đinh Nhật Uy bị bắt, vì hai con, người mẹ đó đã biến từ một phụ nữ thôn quê quanh năm chỉ biết ruộng vườn trở thành một người sử dụng thành thạo trang mạng facebook như bất cứ một người trẻ nào.
Bất cứ chúng ta đi đâu, về đâu, làm điều gì đúng hay sai nơi ẩn náu yên ổn nhất vẫn là vòng tay của mẹ. Có một người vừa mất nơi ẩn náu ấy, bà Nguyễn Thị Lợi mẹ chị Phạm Thanh Nghiên vừa qua đời ngày 24 tháng 2 vừa qua. Xin tiếc thương chia tay một người mẹ và chia sẻ nỗi đau cùng chị Phạm Thanh Nghiên. Cách đây hai năm, cái chết của một người mẹ cũng làm rúng động nhiều người trên thế giới. Báo chí, truyền thông ngoại quốc khắp nơi đều đưa tin về cái chết đau thương của mẹ chị Tạ Phong Tần. Bà Đặng Kim Liêng đã tự thiêu trước khi diễn ra phiên tòa xử con gái, và ngay trước trụ sở của những kẻ cầm quyền tại thành phố Bạc Liêu. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch đã gọi đây không chỉ là chuyện bi thảm của một gia đình, mà của cả một đất nước.
Trong Ngày Quốc Tế Phụ Nữ trên khắp thế giới người ta hay nhắc đến từ ngữ “Bánh Mì và Hoa Hồng”, tức Miếng cơm manh áo và Danh dự nhân phẩm, mà phụ nữ đã và đang phải tiếp tục tranh đấu để đòi các quyền chính đáng đó cho mình. Nhưng tại Việt Nam hôm nay, những bà mẹ phải tự thiêu như cụ Kim Liêng, hay phải rời quê hương như bà Ngọc Minh để vận động công lý cho con là Đỗ Thị Minh Hạnh, v.v. không hề đòi “Bánh Mì và Hoa Hồng” cho mình, mà chỉ muốn giành lại quyền sống và nhân phẩm cho những đứa con của họ.
Thật vậy, cả những bà mẹ còn ở nửa phần đầu của cuộc đời như chị Bùi Minh Hằng, chị Trần Thị Nga, chị Lê Thị Công Nhân... phải lớn tiếng xông ra giữa đời chỉ vì họ không muốn thấy những đứa con yêu thương của mình lớn lên, nói tiếng Việt trên đất nước đã thành một tỉnh của Tàu; hay lớn lên trong một xã hội của những con thú hoang đã mất dần hết tính người.
Ở bất kỳ nơi chốn nào, khi có những người đàn bà dù cô thế vẫn không chùn bước trước đàn áp và bạo lực thì đó chỉ có thể là những người mẹ. Những người mẹ từ năm ngàn năm trước, những người mẹ của năm ngàn năm sau, và những người mẹ của hàng ngàn năm sau nữa.
Và trong gian khổ họ đã ước mơ!
Ước mơ một đất nước đầy cơm áo và nhân phẩm cho những đứa con yêu thương của mình.