Cà phê Nhân Quyền và những điều còn để ngỏ - Dân Làm Báo

Cà phê Nhân Quyền và những điều còn để ngỏ

Mẹ Nấm Gấu - Điều bất ngờ đầu tiên là phòng lạnh quán café Joma đóng cửa bảo trì ngoài dự kiến, có lẽ nó chỉ bất ngờ với tôi, một người lần đầu tham gia sự kiện có tính chất thảo luận hội họp ở Hà Nội, chứ không bất ngờ với những người đến tham dự, đặc biệt là các đại sứ nước ngoài.

Có hề gì, tất cả sẽ được nhiều người chứng kiến và thuật lại, và rồi nó lại sẽ trở thành một phần lịch sử của một thời.

Điều thú vị nhất với tôi ở lần cà phê này, có lẽ là nhóm "Phản bác Tuyên bố 258", với sự xuất hiện của bạn Hoàng Thị Nhật Lệ, cùng 2 thanh niên trẻ và một người đàn ông trung niên. Họ đến quán từ rất sớm, có lẽ chỉ sau 8 nhân viên an ninh thường phục một chút, và họ có vẻ hơi lúng túng không biết nên chọn chỗ ngồi nào khi nhìn thấy bảng thông báo ở “khu vực bảo dưỡng”.

Sau thư mời công khai thảo luận với cá nhân Võ Khánh Linh, và nhóm "Phản bác Tuyên bố 258" theo hình thức công bố trên mạng và bị các bạn từ chối, thì đây là tín hiệu đáng hoan nghênh vì các bạn đã tự giác bước ra tham gia sinh hoạt cùng chúng tôi. 

Cám ơn các bạn vì điều này.

Nhân viên ở quán café nói với chúng tôi rằng thời gian bảo dưỡng sẽ kết thúc vào lúc khoảng 10h30 sáng, và đây là hoạt động bất ngờ nên khu vực này không nhận khách.

Nhóm bạn Lệ đi ra đi vào chừng vài lần để ngó nghiêng thì quyết định tiến đến chỗ tôi ngồi. Bạn Lệ sau khi tự giới thiệu bản thân và mục đích muốn tham gia thảo luận thì rút sẵn hai bài viết đã được chuẩn bị để phát cho chúng tôi. Tôi từ chối nhận một bài in sẵn vì không có lý do gì phải đọc những thứ không thiện chí ngay từ lời mở đầu. Tôi mời bạn ấy ngồi vào bàn trống và trao cho các bạn vài bản tài liệu cần thiết cho cuộc thảo luận lát nữa.

Điểm thiếu sót lớn nhất của tôi có lẽ là quên giới thiệu cho bạn Lệ biết Joma Bakery Café là quán theo phong cách tự phục vụ. Đồ uống được yêu cầu và thanh toán từ phía ngoài quầy trước khi tìm chỗ ngồi. Và vì các bạn không phải là khách mời có trong nội dung thảo luận sẵn nên chúng tôi chỉ có thể chuẩn bị nước lọc để các bạn tự phục vụ nếu muốn. 

Có lẽ các bạn cần biết điều này, để lần sau khỏi thắc mắc và khỏi mất thời gian tìm hiểu xem ai là người thanh toán cho mỗi buổi café. Đây cũng chính là cách tập hành xử văn minh trên tinh thần dân chủ từ những việc nhỏ nhất.

Ngay từ trước lúc bắt đầu, tôi đã thay mặt những người tham dự nhắc rất rõ nhóm bạn Lệ, chúng ta đến đây để thảo luận theo chủ đề có sẵn vì vậy việc tập trung lắng nghe và đi vào trọng tâm chủ để là chuyện cần thiết và phải được giữ đúng tinh thần thảo luận chứ không cãi nhau. Riêng điểm này các bạn thiếu tập trung và nói chuyện riêng để bạn Paulo Thành Nguyễn phải nhắc nhở là chuyện cần phải thay đổi ở những lần tới (nếu có).

Có lẽ đến phút này, các bạn nhóm phản bác Tuyên bố 258 vẫn đang thấy ấm ức rằng các bạn không được phát biểu, không được đặt câu hỏi. 

Và tôi trả lời công khai ở đây thế này: Khi bạn Nhật Lệ được mời lên để thảo luận, câu đầu tiên bạn ấy hỏi đại ý rằng: “Liệu con người có quyền bảo vệ danh dự và nhân phẩm khi bị xâm phạm hay không?” - Tôi nhắc bạn quay lại chủ đề khi có vài người tham dự phản đối, và chính nhà văn Nguyễn Hoàng Đức đã trả lời bảo vệ danh dự và nhân phẩm là chuyện cá nhân của mỗi người, không liên quan đến chủ đề nhà nước hôm nay. Chưa dừng ở đó, bạn Lệ lại đặt tiếp câu hỏi với đại diện đại sứ quán Úc: Ở nước ông việc một cá nhân dùng trang mạng để nói sai sự thật thì có bị xử lý không? Câu trả lời của đại diện đại sứ quán Úc chắc hẳn đủ để làm bạn Lệ im lặng: Nói sai sự thật thì phải chịu trách nhiệm, nhưng không phải là những vu cáo vô căn cứ, và chuyện chỉ trích cá nhân khác với chỉ trích chính phủ (Tôi tường thuật lại ý tương đối, chứ không chính xác, và tôi nhớ không lầm là hai bạn đi theo bạn Lệ có quay video rất chăm chú, không biết vì lý do gì lúc này các bạn chưa up đoạn phim đó lên).


Theo quan sát của tôi, điều đáng vui nhất là sự tham gia những cá nhân quan tâm đến vấn đề công dân bị cấm xuất cảnh tuỳ tiện theo thư thông báo trên mạng. Mọi người tự đến, tự tìm chỗ và quan sát hoặc tham gia thảo luận theo quan điểm của mình trên tinh thần văn minh. 

Thú vị hơn nữa là sự theo dõi, quan sát của các bạn khách nước ngoài hôm đó với nội dung thảo luận.

Chúng ta tham gia thảo luận không phải để chỉ trích chính phủ, mà để chứng tỏ rằng, chúng ta có quyền nhận xét và phê phán cách hành xử tuỳ tiện của Bộ Công An khi ngăn cấm công dân xuất cảnh một cách tuỳ tiện. Và các nhân viên an ninh thường phục với đầy đủ máy quay phim, điện thoại, Ipad tham gia ghi hình hôm đó hẳn cũng cần phải biết quan điểm quốc tế nghĩ gì về cách hành xử tuỳ tiện của các anh.


Chúng tôi - những công dân Việt Nam bị xâm phạm quyền tự do đi lại – đã nói một cách công khai đĩnh đạc đàng hoàng trước mặt nhiều người chứ không kiến nghị, không xin xỏ luật pháp phải được thực thi.

Buổi thảo luận công khai hôm nay với tôi chỉ là bước đầu để nhiều người bước ra khỏi cái vòng lẩn quẩn xin cho để đòi lại quyền tự do chính đáng của mình. 

Với không gian bị thu gọn một cách có chủ ý ở Joma hôm 20/03 vừa qua, tôi cho rằng số người tham dự không phải là vấn đề quan trọng, mà điều phải thấy ở đây là những người đòi hỏi quyền tự do đi lại của mình và những người quan tâm hoàn toàn thẳng thắn và đàng hoàng trước lực lượng an ninh luôn thiếu kiềm chế nơi công cộng với những hành xử kém văn minh.

Những bạn nào không tham dự hôm ấy mà chỉ ngồi chém gió trên mạng thì lần tới tôi xin mời các bạn bước ra để biết rằng việc quán bị can thiệp chỉ bán đồ uống mang về mà không nhận thêm khách dù bên trong còn chỗ là chuyện có thật. (Đương nhiên chuyện này chỉ có thể xảy ra với người Việt chứ khách Tây thì không).


Còn rất nhiều thiếu sót trong khâu tổ chức mà theo tôi ghi nhận qua các góp ý của nhóm "Phản bác Tuyên bố 258' đều là những tín hiệu tích cực để các buổi cà phê Nhân Quyền lần tới có thể hoàn thiện hơn.

Chân thành cám ơn các bác, các anh chị và các bạn đã đến tham gia để mở rộng vấn đề và có thêm nhiều chia sẻ cần thiết.

Cám ơn các bạn trong nhóm “Phản bác Tuyên bố 25” đã đến tham dự và hy vọng lần sau các bạn cùng lực lượng an ninh sẽ cư xử văn minh, thân thiện hơn cho đúng tinh thần thảo luận. (Rất hy vọng được xem bản clip của các bạn công bố mà không qua can thiệp để khách quan)

Lẽ ra tôi sẽ đánh giá cao hơn thái độ tích cực của an ninh Hà Nội nếu không có việc sử dụng bạo lực với blogger Trịnh Anh Tuấn. 

Nếu có chính nghĩa và lý lẽ, không ai phải vận dụng đến sức mạnh nắm đấm bao giờ.

Buổi cà phê hôm ấy lẽ ra sẽ thành công hơn, nếu lực lượng an ninh cũng chịu khó gọi nước uống để góp phần tăng doanh thu cho khách thay vì choáng chỗ, ngáng đường như đã làm.

Hy vọng lần tới, ngoài việc vì nhiệm vụ thì tất cả chúng ta biết cư xử văn minh hơn.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo