Mái che chuẩn bị xây tượng Bồ Tát trong khu nghĩa địa người Chăm
Glang Anak (Danlambao) - Ngày 19.12.2013, Trang web Champaka có đưa tin “Người Kinh dựng tượng Phật trong nghĩa địa Chăm Ninh Thuận” nhằm cảnh báo hiện tượng xung đột tín ngưỡng, văn hóa có thể xảy ra khi chính quyền Ninh Thuận cho xây mái che trong nghĩa trang người Chăm ở thôn Chất Thường để chuẩn bị đưa tượng Phật vào thờ cúng.
Người Chăm cho rằng đây là sự xúc phạm thô bạo trong văn hóa tín ngưỡng, và coi sự việc này là giẫm đạp lên mồ mả, tổ tiên người Chăm, một hành động bất chấp luân thường đạo lý và họ đã lên tiếng, kêu gọi chính quyền, các tổ chức, đơn vị liên quan hãy dừng lại việc làm này.
Tuy nhiên, bất chấp làn sóng phản đối gay gắt của báo chí, Hội người cao tuổi, hội đồng chức sắc và dư luận từ người dân Chăm về sự việc trên, chính quyền vẫn kiên quyết đưa tượng Địa Tạng Vương Bồ tát theo tín ngưỡng Phật giáo vào nghĩa địa thôn Chất Thường, Ninh Thuận vào cuối tháng 3, năm 2014
Lễ hỏa táng trong khu nghĩa địa người Chăm (sau tượng Bồ Tát) gây phản cảm theo tín ngưỡng, văn hóa Chăm. |
Tiếng nói chính quyền địa phương
Khi được những người Chăm cao tuổi đến ủy ban xã trao đổi và phản đối sự việc, Bí Thư xã Phước Hậu huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận trả lời “đây là đất của Hồ Chí Minh nên chúng tôi muốn làm gì thì làm, không phải là đất của người Chăm nữa”.
Và Lãnh đạo thôn Chất Thường giải thích cho bà con Chăm thêm rằng: “lắp dựng [tượng Địa Tạng Vương bồ tát] cho phong phú nghĩa trang”.
Tâm trạng bức xúc và ý kiến người Chăm:
Jaya Dana, tác giả bài viết “Ninh Thuận tìm cách chiếm đoạt mồ mã người Chăm” trên web Gulpataom cho rằng: đây là vấn đề xâm phạm tín ngưỡng một cách thô bạo, vô văn hóa… có sự tiếp tay của chính quyền địa phương; [chính quyền] đã không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, xâm phạm mồ mả tổ tiên của một dân tộc. [Qua đó cũng cho thấy] sự dốt nát, nhục nhã của chính quyền địa phương khi nghe theo chỉ đạo một cách mù quáng chỉ để nhận khoản tiền bồi dưỡng [mà bị người khác] ngang nhiên đè đầu cưỡi cổ trên mồ mã tổ tiên của cha ông mình. Điều này đã gây nên hệ lụy xấu, tạo nên làn sóng phản đối của rất nhiều người, [người Chăm] mất hoàn toàn niềm tin vào Chính quyền, Nhà nước.
Một số người khác cho rằng Người Chăm vì quá sợ hãi sự “tàn bạo” của người Kinh trong quá khứ về sự tàn sát tổ tiên người Chăm và xóa sổ vương quốc Champa nên bây giờ người Chăm ở Việt Nam là một tộc người “thấp cổ bé họng”, tuy chịu nhiều thiệt thòi nhưng đành “im lặng” để được yên thân.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, chính quyền vì quá sợ hãi những “bóng ma Hời” oan khuất của tội ác năm xưa nên đưa Tượng Địa Tạng Vương bồ tát “trấn yểm” để mong có được sự yên bình (chủ yếu cho người Kinh theo tín ngưỡng Phật giáo).
Được biết trong niềm tin và tín ngưỡng của người Chăm, nghĩa trang là nơi linh thiêng và bất khả xâm phạm. Với người Chăm Bà La Môn, nghĩa trang là nơi chôn tạm thời, để chờ vài ba năm sau, sẽ cải táng, lấy xương cốt làm lễ hỏa thiêu. Sau đám hỏa thiêu, 9 miếng xương trán sẽ được người ta để trong hộp nhôm nhỏ gọi là Klaong. Sau nhiều năm, khi gom được nhiều Klaong trong cùng tộc họ mẹ thì người Chăm sẽ tiến hành làm lễ nhập Kut, nơi an nghỉ vĩnh hằng của người Chăm quá cố. Vì vậy mà khu mộ địa người Chăm thường rất nhỏ và là nơi tôn nghiêm thờ cúng tổ tiên.
Thế nhưng vấn đề về xâm hại khu mồ mã tổ tiên người Chăm gần đây được báo chí lên tiếng rất nhiều. Một số trường hợp như:
Khu mồ mả Tánh Linh Bình Thuận: Chính quyền Bình Thuận đào mồ mả tổ tiên người Chăm
Khu mồ mả Huyện Tuy Phong Bình Thuận: Vấn đề lấn chiếm đất người Chăm: I. Khu mồ mả Chăm Tuy Phong
Khu mồ mả Ninh Thuận: Tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quật mồ mã tổ tiên người Chăm
Tiếc rằng Chính quyền vì những quyền lợi trước mắt hay những mục đích chính trị khác mà đã bất chấp luân thường đạo lý trong việc xâm phạm nghiêm trọng các khu mộ địa người Chăm. Điều này đã làm tổn thương đến một dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay mà họ đã từng có một quốc gia hùng mạnh và bị xóa tên do những cuộc chinh phạt lẫn nhau của những quốc gia láng giềng trong quá khứ.
Ngày nay đã có Luật về bảo tồn di sản văn hóa và Luật quản lý nghĩa trang. Thiết nghĩ trước hết, các nhà văn hóa quốc gia cần lên tiếng để bảo vệ sự tôn trọng tín ngưỡng văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; Người Chăm nên đưa vấn đề này ra trước pháp lý để được bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình, giữ gìn những phong tục tín ngưỡng của dân tộc và bảo tồn các khu mồ mả của tổ tiên.
Một số hiện tượng “mê tín dị đoan” vi phạm luật di sản gần đây như: việc đưa “Hòn đá lạ” vào trấn yểm đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã được các nhà văn hóa lên tiếng và được chính quyền yêu cầu dời ra là một ví dụ.
28/3/2014