Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - “Ách kìm kẹp của kẻ thù” trong tang lễ của cụ Phan Châu Trinh cũng không “ráo riết” gì cho lắm, nếu so với đám tang của bà Nguyễn Thị Lợi - một phụ nữ vô danh, từ trần vào hôm 26 tháng 2 năm 2014... Cũng như bà Nguyễn Thị Lợi, bà Đặng Thị Kim Liêng chỉ là phụ nữ vô danh và hoàn toàn... vô hại. Sự hiện diện của công an, côn đồ - cùng với dao búa, mã tấu - trong đám tang của hai người không chỉ thừa thãi, lố bịch mà còn lộ rõ tính chất bất chính và vô học của chế độ hiện hành...
*
Phan Châu Trinh sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872, và mất ngày 24 tháng 3 năm 1926. Tám mươi tám năm sau, trên trang Dân Luận - đọc được vào hôm 24 tháng 3 năm 2014 – xuất hiện một bài viết ngắn, có đoạn viết về ngày tang lễ long trọng (“từ Bắc tới Nam”) của cụ:
Cụ Phan Châu Trinh |
Đúng 6 giờ sáng 4-4-1926, có khoảng 60.000-100.000 người tụ tập hai bên đường Pellerin, đi nối theo suốt đám tang. Suốt lộ trình đám tang đi qua, từ chợ Bến Thành tới Tân Sơn Nhứt, hai bên đường có nhiều quán nước dựng lên do dân chúng tự động, bưng nước giải khát cho người đưa đám. Họ tặng không nước trà, nước dừa, nước đá, nước chanh. Tại khu vực nghĩa trang có khoảng 200 biểu ngữ, bích chương, viết bằng ba thứ tiếng Hán, Nôm và Quốc ngữ treo la liệt, cũng như suốt lộ trình. Nội dung các biểu ngữ là của các chính khách, nhân sĩ và đoàn thể dân chúng ca ngợi nhà ái quốc vĩ đại Phan Châu Trinh. Nội dung các câu đối, biểu ngữ, lời chia buồn, xuất hiện nhiều từ ngữ mới như “độc lập, tự do”, “đoàn kết, dũng cảm”, “tranh đấu, giải phóng”... như một thứ tuyên ngôn phát xuất từ đáy lòng của mỗi người dân. Từ Bắc tới Nam, có ít nhứt 40 tỉnh và địa phương đã tổ chức lễ tang và gởi ai điếu, cầu nguyện đến ban tổ chức ở Sài Gòn.
Tại Phnom Penh, các Việt kiều cũng đã tổ chức lễ truy điệu cụ Phan một cách trọng thể. Ngoài ra, học sinh các trường lớn ở Quy Nhơn, Mỹ Tho, Vinh, Hà Nội... đều có công khai hoặc lén lút tổ chức lễ tang vì nhà cầm quyền ngăn cấm. Hình thức chung của tang lễ khắp nơi là đóng cửa các tiệm buôn, mang băng tang, tập họp diễu hành im lặng qua các đường phố với cờ và biểu ngữ để đến một ngôi đình chùa, rạp hát, hoặc một miếng đất trống, nơi tổ chức hành lễ...
Bài báo thượng dẫn, còn có phần phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc - ông cho biết thêm:
Đám tang Phan Châu Trinh năm 1926 quả là một sự kiện vĩ đại. Tại Sài Gòn, 100.000 người đã xuống đường đi đưa tang nhà chí sĩ, trong khi dân số ba TP Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn lúc bấy giờ cộng lại chỉ xấp xỉ 300.000 người. Ngoài nhân dân tại chỗ, hầu hết các tỉnh trong cả nước đều cử đại biểu về dự đám tang, sau đó trở về báo cáo lại với đồng bào và tổ chức lễ truy điệu tại địa phương. Thật sự đã có một quốc tang lớn, càng lớn và sâu sắc là gần như hoàn toàn do nhân dân tự đứng lên tổ chức, lại dưới ách kìm kẹp ráo riết của kẻ thù.
“Ách kìm kẹp của kẻ thù” trong tang lễ của cụ Phan (nói nào ngay) cũng không “ráo riết” gì cho lắm, nếu so với đám tang của bà Nguyễn Thị Lợi - một phụ nữ vô danh, từ trần vào hôm 26 tháng 2 năm 2014 - theo tường thuật của blogger Nguyễn Tường Thụy:
18 người từ Hà Nội tới Hải Phòng trưa nay bằng một chiếc xe thuê, một số người ở các tỉnh khác như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng đến, tổng cộng khoảng 30 đồng đội của Phạm Thanh Nghiên đã có mặt tiễn đưa Bà Nguyễn Thị Lợi, thân mẫu của Nghiên về cõi vĩnh hằng.
Như thông tin đã đưa mấy hôm nay, sự kiện Bà Lợi mất đã được sự "quan tâm" đặc biệt của chính quyền, các hội này nọ gọi chung là mặt trận. Các ngả đường vào nhà tang chủ đều bị mật vụ phong tỏa.
Cuộc điện thoại giữa tôi và Thanh Nghiên tối hôm qua cho biết chính quyền, đoàn thể địa phương đòi đứng ra tổ chức tang lễ, làm điếu văn cho đám tang mẹ Thanh Nghiên. Gia đình Nghiên đã cự tuyệt và hợp đồng với một dịch vụ tang lễ. Tuy nhiên họ vẫn "xác định trách nhiệm" đến rất tự nhiên, sà vào bàn dành cho khách, tự rót nước uống (vì không có ai mời)
Gia đình cho biết cố gắng kiềm chế tới mức có thể chấp nhận được, không muốn rắc rối trong lễ tang của Mẹ để Bà ra đi được thanh thản.
Thế nhưng, mật vụ đông như ruồi. Xe máy của chúng vè vè xuôi ngược khắp các ngõ ngách...
Rồi màn giật băng rôn trên vòng hoa viếng quen thuộc cũng diễn ra. Những dãi băng đen trên các vòng hoa của Hội phụ nữ nhân quyền, Hội tù nhân lương tâm, Mạng lưới blogger, Hội bầu bí tương thân, Gia đình Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, bị giật trong chớp nhoáng rồi bỏ chạy...
Những cảnh “cướp giật” tương tự, cũng đã diễn ra trước đó, trong đám tang của bà Đặng Thị Kim Liêng – thân mẫu của nhà báo Tạ Phong Tần, từ trần vào hôm 30 tháng 7 năm 2012 - theo như tường thuật của blogger Thanh Nhã:
Trong thời gian đoàn lưu lại tại nhà bà Tạ Phong Tần, nhà cầm quyền địa phương cho người đến hăm dọa những khách đến viếng đám tang. Ngoài ra còn có những tên côn đồ cướp giật tiền phúng điếu tại linh cữu của bà Đặng Thị Kim Liêng mà công an đứng xung quanh không có hành động nào ngăn chặn. Một số tên côn đồ còn cầm dao, mã tấu chặn các đường vào nhà, hăm dọa khách đến viếng đám tang. Nhà cầm quyền địa phương đã cấm đoán những người hàng xóm của gia đình bà Tạ Phong Tần đến viếng đám tang hay bán hoa cúng cho khách viếng vì đó là gia đình "phản động..."
Cũng như bà Nguyễn Thị Lợi, bà Đặng Thị Kim Liêng chỉ là phụ nữ vô danh và hoàn toàn... vô hại. Sự hiện diện của công an, côn đồ - cùng với dao búa, mã tấu - trong đám tang của hai người không chỉ thừa thãi, lố bịch mà còn lộ rõ tính chất bất chính và vô học của chế độ hiện hành.
Những sự kiện trên - phần nào - cũng giải thích được “khuynh hướng hoài cổ” bàng bạc trong tâm tư người Việt, kể từ khi cuộc cách mạng vô sản thành công ở đất nước này:
Ôi, thằng Tây mà trước kia người dân không tiếc máu xương đánh đuổi
Nay họ xót xa luyến tiếc vô chừng
Nhờ vuốt nanh của lũ thú rừng
Mà bàn tay tên cai trị thực dân hóa ra êm ả!
N.C.T (1972)
Sau Nguyễn Chí Thiện, nhiều người cũng bày tỏ cái tâm cảm tiếc nuối tương tự với cách diễn tả “tế nhị” hơn:
- Hà Sĩ Phu: Nếu đoàn tàu Việt Nam thuở ấy rẽ vào đường rầy Phan Chu Trinh, nhằm hướng xã hội dân chủ như Na Uy, Thụy Điển bây giờ thì sao nhỉ? Nếu nương vào Pháp để đi lên thành công, không thành cộng sản, thì giản ước được bao nhiêu thứ:
• không có cuộc đánh Pháp 9 năm
• không có cuộc “Nam Bắc phân tranh lần thứ 2” dẫn đến cuộc đánh Mỹ
• không phải tham chiến ở Căm-pu-chia
• không tranh giành gì để phải đánh Tàu năm 1979
• không có lý do gì phải tiến hành cuộc “đổi mới hay là chết”
• không có lý do gì để xuất hiện làn sóng đòi dân chủ-nhân quyền, dẫn đến hài kịch bịt miệng bị cáo trước tòa cho thiên hạ xem, vân vân…”
“Nghĩa là tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, bao nhiêu gương anh hùng, bao nhiêu nạn nhân, bao nhiêu máu xương, bao nhiêu hận thù… và tăng thêm được bao nhiêu là hạnh phúc…”
“Nhưng bất hạnh thay, lịch sử đã không chọn Phan Chu Trinh. Không, đừng nói lịch sử, phải nói: dân tộc này đã không chọn Phan Chu Trinh.”
- Phạm Đình Trọng: Những ngày ở xứ sở của thần linh, tôi cứ tiếc nuối, cứ ngẩn ngơ nhớ đến cụ Phan Chu Trinh, một thần linh lớn lao, cao cả của chúng ta mà chúng ta chưa nhận thức đầy đủ.
Cùng thời với Gandhi, chúng ta có Phan Chu Trinh. Cùng tư tưởng, cùng cách lựa chọn như Gandhi, Phan Chu Trinh cũng chủ trương không dùng bạo lực, không đẩy người dân tay không ra đối đầu với súng đạn thực dân, mà phải trước hết nâng cao dân trí cho họ. Dân trí cao, người dân sẽ ý thức được quyền con người, quyền dân tộc mà bền bỉ đấu tranh chính trị, đấu tranh nghị trường giành độc lập. Gandhi đã thực hiện điều đó. Ấn Độ đã giành độc lập theo cách đó và đã thắng lợi!
Định mệnh trớ trêu đưa đẩy, chúng ta đã chọn con đường cách mạnh vô sản!” Đó là cái giá chúng ta phải trả cho con đường cách mạng vô sản mà chúng ta đã chọn!
Tôi e rằng bà Nguyễn Thị Lợi và bà Đặng Thị Kim Liêng hoàn toàn, và tuyệt đối, không có dính dáng gì ráo trọi trong việc “lựa chọn” tai hại này. Tuy vậy, cả hai (cùng con cháu) đều phải trả cái giá rất mắc cho cuộc “cách mạng vô sản” ở đất nước mình.
Sau 83 năm đô hộ Việt Nam, ngoài tội ác, người Pháp cũng đã để lại cho xứ sở này một số những thành quả hiển nhiên thuộc nền văn minh chung của toàn thể nhân loại: hệ thống cầu cống, giao thông, y tế, giáo dục, ngân hàng, bưu điện, bệnh viện, thư viện, kiến trúc... Nói theo bác Nguyễn Gia Kiểng là “Pháp đã còng tay Việt Nam và dẫn vào thời đại mới.”
Sau đó, dân Việt bị còng tay (chặt hơn) và buộc phải... đi lùi qua những định chế bất nhân và méo mó của chủ nghĩa cộng sản: chế độ hộ khẩu, công an trị, tem phiếu, sổ gạo, hệ thống cửa hàng mậu dịch...
Hậu quả (nay) đã có thể nhìn thấy được, ở tận nước ngoài, nơi có treo những tẩm bảng cảnh cáo viết bằng tiếng Việt – đại loại như: cấm vứt bỏ rác, ăn cắp vặt là phạm tội...
Tấm biển bằng tiếng Việt đặt ở một nhà hàng buffet tại Thái Lan. Ảnh FB.
Dân Nhật đâu có bao giờ phải sống với tiêu chuẩn bốn mét vải hàng năm, và ba cái bàn chải đánh răng mang phân phối cho năm người nên họ không hiểu tại sao người Việt hay ăn cắp vặt. Tương tự, người Thái cũng đâu có ai phải xếp hàng từ khuya đến sáng chỉ vì một miếng thịt heo bạc nhạc, hay vài cân gạo mốc nên cũng không “thông cảm” được nỗi ám ảnh về cái đói của chúng ta.
Có ông nhà văn Việt Nam còn “khai báo” rằng: “Người ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hóa để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao... con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá.” (Phạm Xuân Đài. Hà Nội Trong Mắt Tôi. Thế Kỷ, Hoa Kỳ: 1994, 32-33).
Bác Đỗ Manh Tri gọi đây di sản Mác Xít. Bác Hà Sĩ Phu và Lê Diễn Đức gọi là di họa. Trong ngữ cảnh này, tôi xin phép được dùng hạn từ di lụy cho nó thêm phần phong phú. Và di lụy này còn kéo dài bao lâu thì còn tùy vào việc “khai dân trí” và “chấn dân khí” theo như lời chỉ dạy của cụ Phan, từ hồi đầu thế kỷ trước!