Dự án tặc - Dân Làm Báo

Dự án tặc

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - X là giáo viên dạy ngoại ngữ ở một trường phổ thông nọ. Vốn tháo vát nên anh được hiệu trưởng bớt giờ dạy để đảm nhận việc mua sắm, hợp đồng sửa chữa các thiết bị lặt vặt trong các phòng học. Bận bịu suốt ngày, bị đòi nợ gấp phải bỏ cả tiền túi ra để trả thay cho trường như cơm bữa. Nhưng vẫn bị giáo viên trong trường gọi đùa ác ý là “X dự án”. Ám chỉ đã bớt xén khi mua sắm, hưởng phần trăm các hợp đồng sửa chữa. Ám chỉ này xuất phát từ thực trạng khá phổ biến của các dự án do chính quyền các cấp, trung ương quản lý, thực hiện trong vài chục năm gần đây.

Ai đã là dân ở đô thị thì chắc chắn phải có nhiều phen “khiếp vía kinh hồn” vì các dự án “đào đường”, “làm đường” không rõ của công ty nào chỉ thấy lâu lâu lại đào, lâu lâu lại lấp… tưởng như không bao giờ dứt, giải tỏa đất rồi mà mãi không hoàn thành đường. Hậu quả bụi bặm, ổ voi, ổ gà, tai nạn giao thông quanh năm người dân đô thị và những người qua lại lãnh đủ. Cái lý do tại sao người ta “khỏe” “đào đường”, “làm đường” thế cũng được giải thích theo nhiều cách. Chính quyền thì cho là quy hoạch thiếu đồng bộ... Người dân thì cho là cứ “đào lên lấp xuống” là cán bộ có tiền, được chấm mút, xà xẻo… giải thích này có vẻ hợp lý hơn .

Khi có vài chục triệu, vài trăm triệu tiền đền bù để mua sắm các tiện nghi đắt tiền, xây dựng nhà cửa người nông dân những tưởng “đổi đời”. Đâu ngờ sau đó là mất đất, thất nghiệp ngay trên quê hương của mình, đối diện với nạn ô nhiễm môi trường và các tệ nạn xã hội ngày càng nhiều ở các vùng nông thôn hiện nay. Đó là hậu quả phổ biến của các dự án giải tỏa đất nông nghiệp để quy hoạch xây dựng khu công nghiệp mà chính quyền rất sốt sắng lập ra để hưởng lợi từ giá đất chênh lệch.

ODA viết tắt của cụm từ Official Development Assistance có nghĩa là hỗ trợ phát triển chính thức, là một hình thức đầu tư nước ngoài. Tiền hay vốn ODA là khoản cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp với thời gian vay dài nên còn gọi là viện trợ. Mục đích của nó là phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi ở nước được cho vay là các nước chậm phát triển. Tất nhiên còn có những mục đích khác nữa của nước cho vay. Dự án ODA là dự án nhà nước sử dụng số tiền vay trên của nước ngoài vào mục đích phát triển của đất nước. Quan niệm vốn ODA như “chùm khế ngọt” cộng với cơ chế quản lý lỏng lẻo, các quan chức nhà nước - những người quản lý số tiền này - đã ra sức “trèo hái suốt ngày”. Điển hình là hai vụ tham nhũng khổng lồ PMU18 và PCI. Một thực tế thường thấy là những công trình xây bằng vốn ODA thường mau chóng xuống cấp, hư hỏng vì một số lượng không nhỏ trong số tiền vay trên đã chui vào túi của bọn quan tham.

Dự án xây dựng ồ ạt hàng loạt các nhà máy thủy điên ở miền Trung với mục đích “phục vụ dân sinh” nhưng thực chất chỉ vì lợi ích của ngành điện mà không đếm xỉa tới những thảm họa mà dân trong vùng phải chịu. Mùa khô ngành điện chỉ lo tích nước cho các hồ để bán điện, bỏ mặc vùng hạ lưu bị hạn. Mùa mưa lũ các hồ là những túi nước khổng lồ treo lơ lửng trên đầu dân đặc biệt khi có bão, lũ sợ vỡ đập chúng lại đồng loạt xả nước làm lũ to thêm. Hàng trăm sinh mạng của người dân miền Trung bị tước đi trong mùa mưa lũ các năm vừa qua được xác minh là có sự tiếp tay của các hồ thủy điện.

Vào cuối năm 2008 đầu 2009 đã xảy ra một cuộc tranh luận là nên hay không nên tiến hành dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên hình thành hai phe. Một bên là đảng, nhà nước là người đề xuất tất nhiên là tán thành và tìm mọi cách để thực hiện. Những người không tán thành là những trí thức tâm huyết, yêu nước, một số lão thành cách mạng, những người dân am hiểu hiện tình đất nước… có cả nhiều đại biểu quốc hội. Dù nắm trong tay tất cả các phương tiện truyền thông quốc doanh để cổ vũ, tuyên truyền thậm chí còn đứng trên cả pháp luật để giành lấy “lẽ phải”, đảng và nhà nước vẫn không sao ngăn được làn sóng phản đối “dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên”. Trang mạng bauxite không đủ chỗ cho danh sách ký tên phản đối dự án, giữ kỷ lục về số lượng người truy cập hơn gấp nhiều lần các báo mạng của “lề đảng”. Danh sách ký tên có đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Một khảo sát của “báo dân trí” cho biết 93% người được hỏi không tán thành dự án này. Tưởng rằng như vậy “dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên” phải dừng lại. Nhưng bất chấp. “Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên” vẫn được tiến hành bởi “đây là chủ trương lớn của đảng”, còn các tầng lớp phản đối bị chụp mũ là “các lực lượng thù địch”. Tới nay, sau 5 năm chân lý đã nghiêng về phe phản đối. Nhưng thật trớ trêu. Sự thật làm sáng tỏ chân lý đó lại là một bi kịch, báo trước một thảm họa trong tương lai cho Việt Nam: Số tiền lỗ đã lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng và còn tiếp tục gia tăng theo tời gian, hàng trăm ngàn hecta đất rừng bị triệt hạ hoàn toàn, Trung Quốc đã hoàn tất việc ém quân đội dưới lốt công nhân ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên, thầy giáo Đinh Đăng Định một trong những người phản đối đã bị bắt giam, bị hành hạ, nghi là bị đầu độc đã chết sau khi chính quyền trả về cho gia đình để giũ bỏ trách nhiệm.

Có lẽ nhận thấy một chân lý “không có gì kiếm tiền nhanh bằng lập dự án” nên các ngành các địa phương đua nhau lập các dự án bất kể lợi hại cho địa phương mình miễn là cán bộ có tiền bỏ túi. Dự án muốn được giải ngân để thực hiện phải có phê duyệt. Muốn được thực hiên “trôi chảy” phải có giám sát. Dự án nhỏ cán bộ cấp nhỏ phê duyệt, dự án to cán bộ cấp to. Nên sau khi lập, các chủ dự án phải hối lộ cho các cán bộ phê duyệt, quá trình này gọi là chạy dự án. Sau khi được duyệt là tiếp tục cho cán bộ giám sát. Như vậy chẳng phải chỉ những kẻ lập thích có dự án mà cả những cán bộ duyệt, giám sát dự án cũng thích có để có tiền. Các khoản hối lộ này đều lấy từ vốn để thực hiện dự án. Đó là những nguyên nhân của thất thoát, tham nhũng, hối lộ, lãng phí, công trình kém chất lượng khi thực hiện các dự án. Dẫn tới thực trạng Việt Nam ngày nay: Ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt... cả nước bừa bãi như một công trường, nợ nước ngoài như “chúa Chổm”, có đội ngũ dân oan khổng lồ. Cũng không quá đáng khi nói rằng: nhiều dự án đã gây ra thực trạng đó đúng hơn là những kẻ đề xuất để kiếm lợi từ chúng.

“Tặc” là từ Hán - Việt, nghĩa là “cướp”. Thường đứng sau một từ nào đó để làm thành cụm từ chỉ kẻ đi cướp hoặc làm các hành động xấu. Chẳng hạn như “hải tặc” chỉ những kẻ cướp ở biển, “không tặc” chỉ kẻ cướp trên máy bay… Gần đây những kẻ phá rừng, khai thác quặng, cát trái phép, rải đinh nhằm làm thủng lốp xe của khách qua đường đã bị báo chí nhà nước ở Việt Nam gọi bằng một loạt các cụm từ mới có “tặc” như “lâm tăc”, “quặng tặc”, “cát tặc”, “đinh tặc”. Cách gọi này vừa làm phong phú thêm kho từ tiếng Việt vừa tăng tính hấp dẫn cho các bài báo. Để cho công bằng và theo logic trên lẽ ra những kẻ lợi dụng dự án để nhằm những mục đích ám muội vốn không ít cũng phải bị gọi là “dự án tặc”. Nhưng tới giờ vẫn chưa thấy cụm từ đó xuất hiện trên báo chí nhà nước. Phải chăng “lâm tăc”, “quặng tặc”, “cát tặc”, “đinh tặc” chỉ là những kẻ thấp cổ bé họng nên gọi thế nào cũng được. Còn đội ngũ “vốn không ít” trên nếu gọi là “…tặc” sẽ làm “lộ bí mật, mất an ninh quốc gia” vi phạm các điều 79, 88, 258 trong bộ luật hình sự. Hơn nữa, nếu đã gọi là “tặc” thì phải xử lý bằng pháp luật mà xử lý hết thì “lấy ai ra mà làm việc” như lời ông chủ tịch quốc hội và lấy ai ra để làm “lực lượng lãnh đạo xã hội” theo hiến pháp đã quy định .

Tháng 4/2014


Trần Hoàng Lan


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo