Cho đến giữa thế kỷ Mười tám,
Cri – mê thuộc đế quốc Ottoman.
Chỉ khi đế chế này rã đám,
Từ Bakhchisarai Thủ phủ,
Hãn vương trị vì Hãn quốc Krym,
Thuộc đế quốc Ottoman trù phú,
Bao trùm cả bờ bắc biển Đen.(1)
Sevastopol bị Nga xâm lược,
Chiếm đóng làm căn cứ Hải quân.
Sao có thể mạo xưng “đất mẹ”,
“Mẹ mìn” hay “mẹ ghẻ con chồng”?
Trao Cri – mê cho Kiev quản lý
Để tiện cung ứng điện, nước, gaz.
Không phải Tổng Bí thư Khrutsốp
“Cảm tình” tặng Crưm cho Ukraina.(2)
Bán đảo Crưm không dính với Nga,
Địa hình tiếp giáp Ukraina.
Là lý do lãnh đạo Xô viết
Thay chủ thể quản lý Crimea
Sắc lệnh Voroshilov ký,
Malenkov chủ trì chuyển giao.
Ngoài lợi ích kinh tế, quản lý,
Không có áp đặt tùy tiện nào!
Không cho phép phán xét lịch sử
Bằng suy diễn hồ đồ, chủ quan!
Chớ đo lòng tiền bối quân tử
Bằng bụng dạ thấp hèn tiểu nhân!
Khi Cri – mê về với Kiev,
Một bán đảo xơ xác khô cằn.
Sáu mươi năm Ukraina nuôi nấng
Thành một vùng trù phú mở mang.
Để nhận về bán đảo Crimea,
Kiev cũng đã chuyển giao cho Nga
Taganrok và vùng phụ cận,
Miền đất đen màu mỡ Ukraina.(2)
Bán đảo Cri – mê trong lịch sử,
Người Tatar chiếm chín phần mười.
Nay mười hai phần trăm còn lại:
Nỗi đau dài thế kỷ hai mươi!
Người Tatar bị Stalin xua đuổi,
Nhường đất Tổ cho dị tộc Nga Xô.
Nay Putin đạo diễn bỏ phiếu:
Hoàn tất giai đoạn cuối tội đồ!?
(Khi Cri – mê tràn ngập dân Nga
Thay cho người bản địa Tatar,
Trưng cầu ý dân là vở diễn
Biến bên kia biên giới thành nhà.(3)
Sự kiện Kosovo năm Chín chín (4)
Khác với bi hài kịch Cri – mê.
Dân bản địa bị chính quyền ngược đãi,
Đánh đập, ép rời bỏ làng quê.
Vì nhân đạo NATO can dự,
Giúp người sở tại gốc Albani
Bám trụ nơi quê nhà đất Tổ
Bẻ gãy xiềng nô lệ Xéc – bi.
Kosovo tuyên xưng độc lập,
NATO nghiêm chỉnh rút quân về.
Người gốc Nga diễn trò bỏ phiếu,
Mời Moskva thôn tính Cri – mê!?
Đó là những điểm khác cơ bản
Giữa “Kosovo” và “Cri – mê”.
Có thể nào đem ra so sánh,
Lấp liếm che dấu được trò hề?)
Năm Ba mươi tám thế kỷ trước,
Adolf Hitler từng kêu gào:
Người nói tiếng Đức bị ngược đãi,
Phải đi tới đó cứu đồng bào!
Nay Putin học tập Hitler,
Đổ quân vào chiếm giữ Cri – mê,
Làm căn cứ hạm đội Hắc Hải,
Khỏi đàm phán, không mất tiền thuê!
(Đổi lấy việc giải giáp nguyên tử,
Công nhận nguyên trạng Ukraina.
Nay Putin chơi trò lật lọng,
Kiev đã mắc lừa Moskva!?
Ukraina còn vũ khí nguyên tử,
Thế trận tương quan sẽ thế nào?
Putin có dám đùa với lửa?
Hành xử côn đồ, “thông điệp” tào lao?)(5)
Thâu tóm Cri – mê về cho Nga,
Gánh nặng Kiev trao Moskva:
Trả lương hưu, cấp bù ngân sách
Mỗi năm gần hai tỷ đô la.
Nga có thể thay chân tiếp tế
Điện, nước, hơi đốt cho Cri – mê,(6)
Cần thời gian xây hạ tầng cơ sở,
Một khối lượng công việc nặng nề!
Tuy trước mắt lợi bất cập hại,
Phải cưu mang thêm hai triệu dân;
Muối mặt với cộng đồng thế giới,
Lợi lâu dài nhắm mắt đưa chân.
Đường hội nhập mới đi một nửa,
Vội quay lưng chống lại phương Tây.
Chẳng bao lâu Nga sẽ hối tiếc:
Lùn chính trị đẩy kinh tế sa lầy!
Giảm đầu tư nước ngoài trực tiếp,
Dầu hỏa, khí đốt mất thị phần...
Và thiệt hại không thể nào tính hết:
Đoạn nghĩa tình lưỡng quốc tương lân!
(“Bán họ xa mua láng giềng gần”,
Putin bán Trí Tín Nghĩa Nhân;
Cả xa gần đều là địch thủ,
Nhân dân Nga ông cũng chẳng cần!
Chục ngàn người xuống đường phản đối,
Vẫn tự tin, mặt lạnh như tiền.
Đảng quân xanh, lưỡng Viện Quốc hội,
Tam giáp công bám giữ ngôi quyền.)
Đẩy Cri – mê ra xa Kiev
Có trách nhiệm chính quyền lâm thời.
Hòa giải hòa hợp, đại đoàn kết,
Là bài học đắt giá nhớ đời!
Tồn đọng lịch sử Ukraina,
Bảy thập niên trong đế chế Nga,
Đòi hỏi giới lãnh đạo Kiev
Phải khoan dung đối thoại hài hòa!
Dùng sách lược côn đồ, thảo khấu,
Theo phong cách bạo chúa Ivan.
Putin tiếp tục ghi điểm xấu,
Tự cô lập trong Hội đồng Bảo an.
Nhiều vị tưởng nhầm ông Putin,
Người hùng hậu Xô viết văn minh.
Thực tế chỉ là một cái bóng
Mờ nhạt của Joseph Stalin!
Nhờ giá nhiên liệu tăng liên tiếp,
Trung tá tình báo hóa thiên thần,
Thực thi độc tài hậu Xô viết,
Bán dầu hỏa, khí đốt ăn dần.
(Dù giá dầu khí vẫn ngất ngưởng,
Lợi thế nguyên liệu thô giảm dần.
Nhẹ thị trường, nặng địa chính trị,
Putin vác đá ghè vào chân.)
Khoác hoàng bào, đội vương miện kiểu gì,
Dòng dõi KGB, Stasi.
Luôn khắc tinh nhân quyền, dân chủ,
Thời kỳ hậu Xô viết suy vi!(7)
Có nhà báo hả hê sung sướng
Ca khải hoàn “trận pháp Putin”
Đánh thẳng vào trận đồ Âu Mỹ,
Mừng côn đồ đè bẹp văn minh!?
Loại nhà báo thiểu năng trí tuệ,
Ăn uổng cơm, báo hại, báo đời.
Tuyên giáo nào dạy ăn nói thế,
Về đuổi gà, dắt cháu đi chơi!
Người phát ngôn hô hào: tôn trọng
Nguyện vọng chính đáng của người dân,(8)
Thế nào là nguyện vọng chính đáng?
Tùy hứng đổi quốc tịch nếu cần?
Ngôn từ phải rõ ràng, cẩn trọng,
Tránh người nghe có thể hiểu nhầm.
Ai cho phép một địa phương tự động
Đặt câu hỏi trưng cầu ý dân?
Vươn tới một tầm nhìn nhân bản,
Là cội nguồn chính sách khôn ngoan,
Lợi kinh tế, bớt thù thêm bạn,
Hãy giã từ di sản Nga hoàng!
Vươn tới một tầm nhìn nhân bản,
Hội nhập sâu thế giới văn minh.
Lột mặt nạ Đại Nga, Đại Hán,
Nối vòng tay diễn biến Hòa bình!
Mong NATO, Gờ Bảy, EU,
Ưu tiên hợp tác hơn đối đầu.
Biến mâu thuẫn lớn thành bất đồng nhỏ,
Đừng đẩy Nga câu kết với Tàu!
Đó sẽ là thảm kịch nhân loại,
Phá thế trận “xoay trục Thái Bình Dương”.
Đẩy ASEAN, Đông Á, Nam Á
Vào khủng hoảng, hậu quả khôn lường!
Việt Nam lại sẽ được mang ra
Trên bàn cân tay bốn tay ba;
Thí tốt cho ván cờ nước lớn,
Một thời lãng mạn “Máu và Hoa”!?(9)
Tháng 3/2014
________________________________________
Chú thích:
(1) Đế quốc Ottoman
Đế quốc Ottoman hay Đế quốc Osman, cũng thỉnh thoảng được gọi là Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, đã tồn tại từ năm 1299 đến 1923. Thời đỉnh cao quyền lực ở thế kỷ XVI và thế kỷ XVII, các lãnh thổ của Đế quốc Ottoman gồm các vùng Tiểu Á, Trung Đông, nhiều phần ở Bắc Phi, và đa phần đông nam châu Âu đến tận Kavkaz. Đế quốc Ottoman chiếm một vùng có diện tích khoảng 5,6 triệu km², dù vùng ảnh hưởng thực tế của đế quốc rộng hơn nhiều, nếu tính cả các vùng lân cận do các bộ lạc du mục cai quản, nơi quyền bá chủ của đế quốc này được công nhận. Đế quốc Ottoman tương tác với cả văn hóa phương Đông và phương Tây trong suốt lịch sử 624 năm của nó.
Các tổ tiên của vương triều Ottoman là một phần của các bộ lạc người Tây Đột Quyết (Gokturk) miền tây đã di cư từ Trung Á bắt đầu từ thế kỷ 10. Định cư tại Ba Tư trong thời kỳ này, những người Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu mở rộng về phía tây tới Armenia và Tiểu Á vào đầu thế kỷ 11. Những đợt di chuyển này đã dẫn đến mâu thuẫn giữa họ với Đế quốc Byzantine, từng là một quyền lực chính trị nổi trội tại khu vực miền đông Địa Trung Hải kể từ thời kỳ La Mã.
Lãnh thổ của Đế quốc Ottoman từ lúc khởi lập đến năm 1683. |
Vào thời lớn mạnh (1453-1683), Đế quốc Ottoman đã trải dài toàn bộ đông-nam châu Âu bờ bắc Địa Trung Hải, cả bờ biển bắc châu Phi cho đến Maroc phía nam Địa Trung Hải. Trong thế kỷ XVII, Đế quốc Ottoman có khoảng 25 triệu dân – một con số khổng lồ vào thời đó, gần bằng gấp đôi bất cứ nước nào ở châu Âu ngoại trừ Pháp. Gần 30 quốc gia hiện nay đã được thành lập từ lãnh thổ cũ của Đế quốc Ottoman: Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Bulgaria, România, Nam Tư (sau này phân làm 5 nước độc lập), Hungary, Albania, Syria, Liban, Jordan, Israel, Aden, Kuwait, Ai Cập, Sudan, Libya, Iraq, Yemen, Tunisia, Algérie, Síp, Armenia, Gruzia, Ukraina và một phần nước Nga.
Vào đầu thế kỷ XVI, Đế quốc Ottoman trở thành một trong những nhà nước lớn nhất thế giới thời bấy giờ. Trong thời kì này, nhiều ông vua kiệt xuất lên cai trị Thổ Nhĩ Kỳ: điển hình như Selim I (1512-1520), người có công sát nhập vùng Trung Đông vào Ottoman. Vào năm 1514 trong trận Chaldiran, ông đã đánh bại vua Ismail I (1501-1524) nhà Safavid. Ông đã tiêu diệt nhà Mamluk ở Ai Cập vào năm 1517 rồi dành danh hiệu khalip từ nhà Abbasid ở Cairo (các sultan Ottoman tiếp tục giữ danh hiệu này đến năm 1924), bắt đầu thời kì Ai Cập thuộc Ottoman.
Sau khi Hoàng đế Selim I mất, Hoàng đế Suleiman I (1520-1566) tiếp tục mở mang đế quốc. Sau khi thôn tính được Beograd năm 1521, Suleyman chinh phục Vương quốc Hungary và sau chiến thắng trong trận Mohács năm 1526, đế quốc Osmanli chiếm được Hungary và nhiều vùng đất ở Trung Âu.
Sau cuộc mở mang xa nhất của Ottoman năm 1543, hoàng đế Habsburg là Ferdinand công nhận quyền cai trị của Ottoman trên đất Hungary năm 1547. Dưới triều vua Suleyman I, Transilvania, Wallachia và Moldavia trở thành những công quốc chư hầu của đế quốc. Ở phía đông, Ottoman chiếm Bagdad từ tay Ba Tư năm 1535, chiếm được Lưỡng Hà và Hải quân Ottoman tiến vào Vịnh Ba Tư. Khi Hoàng đế Suleyman I qua đời, dân số Ottoman lên đến 15.000.000 người. Công cuộc bành trướng của ông đã mang lại cho ông một Đế quốc Ottoman vô cùng rộng lớn, và thậm chí ông còn vượt xa cả những tham vọng của Hoàng đế Xerxes I của Đế quốc Ba Tư năm xưa.
Trong thế kỷ 16 và 17, Đế quốc Ottoman là một trong những thực thể chính trị mạnh nhất thế giới, các nước mạnh ở Đông Âu luôn bị đe dọa bởi sự mở rộng thường xuyên của nó qua Balkan và phần phía nam của Liên bang Ba Lan-Litva. Hải quân của nó cũng là một lực lượng rất mạnh ở Địa Trung Hải. Nhiều lần, quân đội Ottoman đã tấn công Trung Âu, bao vây Viên năm 1529 và một lần nữa năm 1683 trong nỗ lực chinh phục lãnh địa của gia tộc Habsburg, và cuối cùng chỉ bị đẩy lui bởi một liên minh to lớn của các nước mạnh tại châu Âu trên cả trên bộ và trên biển. Nó là quyền lực duy nhất không thuộc châu Âu đã thách thức được sự nổi lên về quyền lực của phương Tây trong khoảng giữa thế kỷ 15 và thế kỷ 20, tới mức nó đã trở thành một phần trong tổng thể của chính trị cân bằng quyền lực châu Âu, vì thế làm giảm bớt sự khác biệt giữa hai bên. Năm 1680, đế quốc Ottoman đã đạt tới lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử đế quốc (11.5 triệu km²).
Trong những năm tháng trì trệ, nhiều vùng đất ở Balkan bị nhượng lại cho nước Áo. Những vùng đất khác của Đế quốc Ottoman, như Ai Cập và Algérie, trở nên độc lập trên thực tế, và sau đó hứng chịu ảnh hưởng do các đế quốc thực dân như Anh và Pháp truyền bá. Vào thế kỷ 18, chính quyền trung ương đã ban cho các lãnh đạo và thủ lĩnh địa phương nhiều mức tự quyết hơn. Một loạt các cuộc chiến đã diễn ra giữa đế quốc Nga và đế quốc Ottoman từ thế kỉ từ 17 đến thế kỉ thứ 19.
Đầu thế kỷ 20, một nhóm người cải cách đòi hỏi phải đổi mới và hiện đại hóa nước Thổ, gọi là Những người Thổ trẻ. Năm 1909, họ lật đổ sultan Abdul Hamid II, nhưng họ đã làm cho Đế quốc Ottoman tan rã vì tập trung quyền lực Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp sự phiền muộn của các dân tộc thuộc Ottoman ở Syria, Ả Rập, Albania, Bosna và Hercegovina, Kríti, Macedonia và Tripoli.
Với sự bùng nổ của Đệ nhất thế chiến năm 1914, Đế quốc vẫn còn kiểm soát phần lớn vùng Trung Đông, và về phe Liên minh trung tâm (Đế chế Đức, Đế quốc Áo-Hung,...), phe này thua trận. Các dân tộc vùng Trung Đông nổi dậy, và theo phe Entente (Nga, Anh, Pháp, Hoa Kỳ...) để giành độc lập.
Sự tan rã của đế quốc Ottoman là hậu quả trực tiếp của Đệ nhất thế chiến, khi phe Entente đánh bại phe Liên minh Trung tâm ở châu Âu cũng như các lực lượng Ottoman tại Mặt trận Trung Đông. Ở thời điểm kết thúc chiến tranh từ năm 1918, chính quyền nhà nước Ottoman sụp đổ và đế quốc bị Anh, Hy Lạp, Pháp, Ý, Armenia và Gruzia chinh phạt và phân chia. Những năm sau đó các nước mới độc lập từ Ottoman tuyên bố thành lập và năm 1919, Mustafa Kemal Atatürk và lực lượng Cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu cuộc chiến tranh giành độc lập Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1923, lực lượng cách mạng Thổ thắng trận và Thổ Nhĩ Kỳ được độc lập. Cùng năm đó, đế quốc Ottoman cáo chung, sultan Mehmed VI Vahdettin thoái vị, và Mustafa Kemal Atatürk thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, dựa trên một phần lãnh thổ của đế quốc Ottoman.
Quá trình các lãnh thổ thuộc đế quốc Ottoman:
*
(2) Tham khảo bài “Việc sát nhập Crimea vào Nga – cái nhìn của tôi”
(3) Trước ngày tổ chức trưng cầu dân ý, số người nói tiếng Nga trên bán đảo Cri – mê chiếm tỷ lệ khoảng 60%.
(4) Sự kiên Kosovo năm 1999
(5) Tham khảo bài “Ukraine tự phế võ công” của Nguyễn Xuân Nghĩa http://hieuminh.org/2014/03/22/ukraine-tu-phe/
Khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991, có ba cường quốc đứng đầu thế giới về võ khí hạch tâm là, theo thứ tự, Hoa Kỳ, Liên bang Nga và Cộng hòa Ukraine. Sau đó mới đến các nước khác.
Từ 1946 đến 1991, vào thời Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã yểm võ khí nguyên tử trên khắp lãnh thổ, trong nhiều nước Cộng hoà Xô viết.
Khi Liên Xô tan rã nhiều nước của Liên bang này đã giành lại độc lập.
Trong số đó, Ukraine là nước Cộng hoà Xô viết lớn nhất và giàu nhất, chỉ đứng sau Liên bang Nga, với kho ám khí đáng nể là 1.800 đầu đạn hạch tâm, kể cả võ khí chiến thuật có tầm ngắn, oanh tạc cơ và phi đạn thiềm du (cruise missiles).
Vì thế, vui hưởng “cổ tức hoà bình” khi nguy cơ chinh chiến đã tàn, Chính quyền Hoa Kỳ thời Bill Clinton vẫn ưu lo về kho đạn Ukraine. Ưu tiên của nước Mỹ khi ấy là phải giải giới Ukraine. Bằng cách hợp tác với Liên bang Nga và mời Ukraine một bánh vẽ là Hiệp ước Không-Phổ biến Võ khí Hạch tâm (Treaty of Non-Proliferation of Nuclear Weapons, viết tắt là NPT, Non-Proliferation Treaty). Kết quả là một Giác thư (Memorandum), chứ không là một hiệp định. Đấy là một văn kiện gọi là Budapest Memorandum on Security Assurance. Ngày nay và mấy tuần qua cứ được gọi tắt là “Budapest Memorandum”.
Tháng 12 năm 1994, ba cường quốc hạch tâm là Hoa Kỳ, Nga và Anh quốc cùng ký giác thư tại thủ đô Budapest của Hungari, với thỏa thuận là ba nước cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine (cùng Belarus và Kazakhstan). Đổi lại thì Ukraine giao nộp kho võ khí hạch tâm của mình cho Liên bang Nga:
1) Ba nước cùng tôn trọng độc lập và chủ quyền của Ukraine trong ranh giới lãnh thổ hiện hành; 2) Không hăm dọa hay sử dụng võ lực với Ukraine; 3) Không gây áp lực kinh tế để chi phối chính trị Ukraine; 4) Yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hành động nếu võ khí hạch tâm được sử dụng chống Ukraine; 5) Không sử dụng võ khí hạch tâm chống Ukraine; 6) Cùng tham khảo ý kiến với nhau nếu có vấn đề về những cam kết nói trên.
Mọi người đều hiểu là trong ba nước Nga, Mỹ, Anh, chỉ Liên bang Nga mới là cường quốc có thể vi phạm những cam kết hoặc gây khó cho Ukraine. Mà giác thư này chỉ là cam kết chính trị, không là một hiệp định được Quốc hội phê chuẩn. Xin ghi thêm rằng cùng Anh, Mỹ, Nga, có Pháp và Trung Quốc cũng ký một văn kiện đính kèm, với những cam kết còn mơ hồ và yếu ớt hơn thế.
(6) Hiện nay Kiev bảo đảm cung cấp 80% điện, 90% nước, 65% hơi đốt cho cư dân trên bán đảo Cri – mê.
(7) Tham khảo bài “Cri – mê vác đá ghè chân mình?”
(8) VnExpress.net: "Việt Nam quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ukraine và Crimea. Chúng tôi mong mọi vấn đề sẽ được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyện vọng chính đáng của người dân, để tình hình sớm ổn định, vì hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới", thông cáo Bộ Ngoại giao dẫn lời người phát ngôn Lê Hải Bình hôm nay cho biết. Ông Hải Bình đưa ra tuyên bố khi được đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Crimea và Sevastopol sáp nhập vào Liên bang Nga.
(9) Tác giả không có ý đã kích ông Putin. Cùng với những lời chỉ trích gay gắt của công luận, chỉ mong những phân tích, phê bình thẳng thắn của tác giả góp phần giúp ông có sự điều chỉnh thích hợp, để hình ảnh của Tổng thống được cải thiện trong con mắt cộng đồng thế giới.