Hội đồng tôn giáo, ban phong tục người Chăm Ninh Thuận lên tiếng trước sự xâm hại và lấn chiếm mồ mả Chăm - Dân Làm Báo

Hội đồng tôn giáo, ban phong tục người Chăm Ninh Thuận lên tiếng trước sự xâm hại và lấn chiếm mồ mả Chăm


Lễ tảo mộ nghĩa địa Chăm Bàni


Glang Anak (Danlambao) - Ngày 18-3-2014, đại diện Hội đồng Tôn giáo và Ban Phong Tục Chăm Bani của 3 thôn : Phước Nhơn, An Nhơn và Lương Tri thuộc tỉnh Ninh Thuận, gồm 9 người đứng tên viết đơn kiến nghị gửi lên các cơ quan chức năng của chính quyền tỉnh Ninh Thuận báo cáo sự xâm hại và lấn chiếm mồ mả người Chăm và kiến nghị các phương án bảo tồn các khu mộ địa này.


Trong đơn trình bày, người Chăm Ninh Thuận đã rất phẫn nộ và bức xúc trước hiện tượng: Đất nghĩa trang Darak Neh tại thôn Khánh Nhơn đã được cấp sổ chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) và cũng được đóng cột mốc đàng hoàng, nhưng lòng tham của kẻ phá hoại vẫn xâm chiếm dựng chòi, dựng nhà ở một cách tự nhiên. Còn đất nghĩa trang Kađuk (Văn Sơn) trước đây được xây dựng trong một khu đất hoang vu, rộng lớn, nay lại bị các hộ gia đình làm nghề trồng rau lấn chiếm một cách thô bạo, bằng cách vừa lấn, vừa xây dựng nhà, vừa đổ các thứ dơ uế lên khu mộ này. Mỗi mùa Ramưvan hằng năm chúng tôi mới đến tảo mộ một lần, thấy các nhà xây dựng quanh khu mộ đóng cửa đi vắng, các thanh niên lại cầm mỗi người một cây gậy đến gây sự với những phụ nữ và các ông già đi tảo mộ. Xen kẽ với các hàng đá mộ, những kẻ phá hoại này trồng cây hoa màu và đổ đá xây dựng để khiêu khích người Chăm. Ác độc hơn là họ xem chúng tôi như kẻ gian đi lấn chiếm đất của họ vậy, không những thế họ còn dùng những lời thô bạo chửi mắng chúng tôi một cách thậm tệ!

Khu mộ địa người Chăm bị xâm chiếm để xây nhà trái phép, ném đá mộ địa làm đường đi

Đối với dân tộc nào cũng vậy, khu mồ mả tổ tiên luôn là nơi linh thiêng để con cháu tưởng nhớ, phụng thờ các bậc tổ tiên. Với người Chăm “Gahul” của Chăm Bani hay “Kut” của Chăm Bà La Môn là nghĩa trang, nơi thờ phượng ông bà tổ tiên của người Chăm, một yếu tố thiêng liêng nằm trong hệ thống tín ngưỡng của dân tộc này. Chiếm đoạt nghĩa trang Chăm Bani là hành động « quật mồ » người Chăm, có thể làm đảo lộn cả thế giới tâm linh của họ (Champaka).

Được biết vấn đề xâm phạm và chiếm dụng đất mồ mả người Chăm hiện nay đã gióng lên hồi chuông báo động mà nhiều bài viết của các tác giả gần đây phản ánh một cách gay gắt. Như việc đưa tượng Bồ Tát vào Nghĩa trang người Chăm ở Palei Baoh Dana ở Ninh Thuận , hay việc di dời mồ mả người Chăm ở Tánh Linh cho dự án không được sự đồng tình của người Chăm; cũng như vụ lấn chiếm xây nhà, trường học trên khu mộ địa người Chăm ở Tuy Phong,…

Đưa tượng Địa tạng Vương Bồ Tát vào khu nghĩa địa Chăm

Đính kèm: Đơn Kiến nghị của Hội đồng Tôn giáo và ban phong tục người Chăm.

* * *

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
o0o

Xuân Hải, ngày 18 tháng 3 năm 2014 
Kính gửi:

- Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận
- Thường vụ Huyện ủy huyện Ninh Hải
- Thường vụ Thành ủy Thành Phố Phan Rang Tháp Chàm

Trích yếu: V/v Đất nghĩa trang của người Chăm Bàni bị lấn chiếm

Kính thưa quý Thường vụ

Chúng tôi đồng ký tên dưới đây là các Imưm Tan và các trưởng Ban Phong tục của các thôn Phước Nhơn 1, Phước Nhơn 2, Phước Nhơn 3, An Nhơn thuộc Huyện Ninh Hải và Lương Tri thuộc huyện Ninh Sơn. Trân trọng kính xin báo cáo một việc bức xúc như sau: Cả 5 thôn chúng tôi cùng phụng tự nghĩa trang Darak Neh (tức Girai Neh) tọa lạc tại thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải và nghĩa trang Ghur Kađuk tọa lạc tại Văn Sơn, phường Văn Hải, TP Phan Rang – TC.

Đây là hai nghĩa trang người Chăm cổ xưa nhất của tỉnh Ninh Thuận, được xây dựng từ thế kỷ thứ 17 và đến nay người Chăm Bàni của 5 thôn nói trên vẫn luôn phụng tự, hàng năm đến mùa Ramưvan thì đến làm Lễ tảo mộ rất tôn nghiêm. Đất nghĩa trang của tổ tiên được người Chăm chúng tôi xem như là mảnh đất thiêng liêng mà con cháu phải trân quý, bảo vệ và phụng tự như một di sản văn hóa của dân tộc. Nhưng hiện nay cả hai nghĩa trang đều bị lấn chiếm nhiều lần, và chúng tôi cũng đã nhiều lần khiếu nại, kêu cứu với cấp trên. Đất nghĩa trang Darak Neh tại thôn Khánh Nhơn đã được cấp sổ chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) và cũng được đóng cột mốc đàng hoàng, nhưng lòng tham của kẻ phá hoại vẫn xâm chiếm dựng chòi, dựng nhà ở một cách tự nhiên. Còn đất nghĩa trang Kađuk (Văn Sơn) trước đây được xây dựng trong một khu đất hoang vu, rộng lớn, nay lại bị các hộ gia đình làm nghề trồng rau lấn chiếm một cách thô bạo, bằng cách vừa lấn, vừa xây dựng nhà, vừa đổ các thứ dơ uế lên khu mộ này. Mỗi mùa Ramưvan hằng năm chúng tôi mới đến tảo mộ một lần, thấy các nhà xây dựng quanh khu mộ đóng cửa đi vắng, các thanh niên lại cầm mỗi người một cây gậy đến gây sự với những phụ nữ và các ông già đi tảo mộ. Xen kẽ với các hàng đá mộ, những kẻ phá hoại này trồng cây hoa màu và đổ đá xây dựng để khiêu khích chúng tôi. Ác hơn là họ xem chúng tôi như kẻ gian đi lấn chiếm đất của họ vậy, không những thế họ còn dùng những lời thô bạo chửi mắng chúng tôi một cách thậm tệ!

Qua những cảnh tượng trên người dân Chăm chúng tôi thấy quá bức xúc và xót xa, đau khổ! Vì thế chúng tôi kính thỉnh nguyện quý cấp trên tận tình giúp đỡ bằng cách:

1. Giải quyết dứt điểm đất nghĩa trang Darak Neh (thôn Khánh Nhơn), trục xuất những hộ xây dựng nhà ở bất hợp pháp trên đất có chủ (đã có Sổ đỏ) và trừng trị đích đáng theo luật pháp để làm gương, dù người đó là ai!

2. Cấp sổ chứng nhận quyền sự dụng đất (Sổ đỏ) Ghur kaduk (Văn Sơn) cho chúng tôi trên cơ sở bản đồ do chính quyền xã địa phương đã đo đạc và quy hoạch cụ thể cách đây 10 năm.

3. Cho điều tra trừng phạt những côn đồ đe dọa đánh đập chúng tôi.

Xin quý cấp trên xem xét và giúp đỡ tận tình. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ.

Kính đơn

- Đại diện Hội đồng Tôn giáo palei Phước Nhơn: Ông Tài Đại Ngọc Sung.

- Đại diện cho chức sắc Sang mưgik palei Phước Nhơn 1, 2, 3: Imưm Đạo Văn Tý

- Đại diện Ban Phong tục Phước Nhơn 1: Ông Thành Văn Khoản.

- Đại diện Ban Phong tục Phước Nhơn 2: Ông Hứa Xí.

- Đại diện Ban Phong tục Phước Nhơn 3: Ông Tài Quyển.

- Đại diện hội đồng tôn giáo palei An Nhơn: I mưm Tan Đạo Thanh Truyền

- Đại diện Ban Phong tục palei An Nhơn: Ông Thành Phấn

- Đại diện hội đồng tôn giáo palei Lương Tri: Imưm Tan Đạo Văn Thiềm

- Đại diện Ban Phong tục palei Lương Tri: Đạo Văn Lung

Nơi Nhận:

- UB Mặt trận TQ Việt Nam tỉnh

- Ban Dân vận tỉnh

- Ban Tôn giáo tỉnh

- Ban Dân tộc HĐND tỉnh “Để kính xin báo cáo”



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo