Đinh Nguyên Kha bị khủng bố tinh thần và đã tuyệt thực trong trại giam Xuyên Mộc - Dân Làm Báo

Đinh Nguyên Kha bị khủng bố tinh thần và đã tuyệt thực trong trại giam Xuyên Mộc

Thạch Thảo - Từ ngày thăm nuôi vào ngày 24 tháng 3 cho đến nay Kha không viết thư và gọi điện về gia đình. Tôi và Mẹ đều tin rằng có chuyện không lành đối với Kha trong trại giam.

5h sáng ngày 24/4/2014, chúng tôi xuất phát từ Long An đi Xuyên mộc trong tâm trạng rất bồn chồn và lo lắng. Đi cùng gia đình chúng tôi là gia đình chị Oanh - những người bạn luôn quan tâm về hoàn cảnh của gia đình tôi. Biết chắc rằng trại giam sẽ không cho họ vào gặp Kha, nhưng họ vẫn đi. “Đi để tận mắt chứng kiến cảnh nhà tù khắc nghiệt giam cầm những người yêu nước. Đi để chứng kiến cảnh trại giam đối xử tệ hại với tù nhân. Và đi để nhìn Kha từ phía xa sau khung cử sổ, một phần nào đó thông cảm và chia sẻ cùng Kha”. Đó là những gì mà gia đình chị Oanh đã tâm sự cùng tôi

10h sáng chúng tôi có mặt tại trại K3, Xuyên Mộc. Mẹ tôi vào làm thủ tục thăm gặp và xin cho gia đình chị Oanh cùng gặp. Và họ đã từ chối, đây là điều chúng tôi đã đoán được nên cũng không câu nệ. Gia đình chị Oanh đành phải ra đứng phía xa ngoài sân và nhìn vào từ khe cửa sổ đối diện.

Khoảng 15p, Kha được dẫn ra từ phía sau. Nhìn từ xa, thấy Kha cười toe toét, tay còn xách theo cái bịch rau bước đi vội.

Lần này gặp mặt, tôi ngỡ ngàng khi nhìn lại đứa đứa em mình, khác hẳn. Mặt nó xanh nhạt, gầy teo, mắt lờ đờ thiếu sức sống. Mẹ tôi hỏi ngay:

- Có chuyện gì xảy ra với con trong này vậy? Cả tháng không viết thư và gọi điện về nhà.

- Con bị kỷ luật.

- Cái gì vậy? Sao lại bị kỷ luật?

- Con tuyệt thực 2 ngày nay để phản đối chế độ hà khắc vô lý của trại giam.

- Họ đã làm gì con?

- Họ khủng bố tinh thần con bằng mọi cách. Họ không cho con đọc sách báo của mẹ gửi vào tháng trước. Họ không cho con nhận xấp hình của gia đình mình gửi, không cho xem đĩa, TV, mặc dù mọi thứ đều có sẵn trong trại. Họ không cho con đi ra ngoài phòng đi lao động, mặc dù những người phòng bên cạnh được phép ra. Con thấy cách họ đối xử với tù nhân rất tệ, và vì quyền lợi của những người tù nên con đã phản đối họ gay gắt. Và con đã bị kỷ luật.

Đến đây, cán bộ trai giam đứng dậy cáu gắt, ngắt lời Kha và anh ta quát tháo:

- Đi thăm gặp phạm nhân, gia đình nên hỏi thăm về sức khỏe, không nói những chuyện không liên quan. Gia đình có tin rằng chúng tôi cắt thăm nuôi, không cho thăm gặp nữa không?

Không thể chấp nhận được thái độ và lời nói của cán bộ trại giam, rất hung hăng, và lạm quyền. Mẹ tôi từ tốn hỏi:

- Vậy những thứ chúng tôi gửi vào tháng trước, các anh hứa sẽ chuyển đến cho Kha. Mà bây giờ các anh đã làm gì?

- Chúng tôi chưa kiểm duyệt xong mọi thứ. Một số ảnh chúng tôi sẽ tịch thu, mọi thứ khác chúng tôi sẽ gửi trả lại. Và anh Kha không đủ điều kiện để hưởng những thứ đó.

- Còn việc con tôi đòi hỏi quyền lợi chính đáng của tù nhân trong trại tù thì các anh lại thù hằn nó và khủng bố tinh thần nó như thế sao? Các anh cư xử với những người tù chính trị như thế sao? Lương tâm của các anh có cắn rức khi làm như vậy không?

- Tôi cảnh cáo chị, chị nói vi phạm quy định. Ở đây không có tù chính trị và chị không được phép gọi là tù nhân và nhà tù. Chị phải gọi là phạm nhân và trại giam, còn tù chính trị phải gọi là (anh ta chạy vào trong, giở sách ra xem và đưa cho một anh khác rồi chỉ vào sách nói) tội xâm phạm an ninh quốc gia.

- Các anh lại lạm quyền và áp đặt, tôi dân nhà quê, con tôi bị ở tù thì tôi gọi là tù. Nó bị bắt tội có liên quan chính trị thì tôi gọi là tù chính trị. Các anh có kê súng vào đầu tôi tôi cũng nói như thế. Và rõ ràng các anh đang kỳ thị và phân biệt. Những người tù khác được thăm gặp ở ghế đá ngoài phòng thăm gặp, rất dễ dàng và hầu như không có sự cản trở nào. Còn chúng tôi thì sao? 

Không khí phòng thăm gặp bắt đầu trở nên căng thẳng bởi những lời tranh luận gay gắt của hai bên. Phía trại giam họ luôn tìm cách tránh né những câu hỏi trực diện về quy định ăn ở, lao động và giải trí của tù nhân. Họ luôn trả lời theo những cách áp đặt và hăm dọa. Những người thăm nuôi khác bị đuổi ra ngoài, họ đứng cùng gia đình chị Oanh bên cửa sổ lắng nghe cũng căm phẫn lắm mà không dám lên tiếng.

- Nếu họ cứ tiếp tục như thế này, con sẽ đấu tranh đòi quyền lợi đến cùng. Mặc dù cách họ làm sẽ khiến cho con bị điên trong khoảng vài tháng nữa. Mẹ tìm cách chuyển trại cho con, từ trại tù qua trại tâm thần.

- Vậy chúng tôi sẽ cho anh đi phụ hồ, anh không làm được thì tính gì với tụi tui.

- Các anh lại dùng quyền lực hăm dọa nữa rồi. Các anh phải có chế độ đào tạo và hướng dẫn nghề cho phạm nhân và hướng họ lao động để hòa nhập sau này. Các anh anh đã không có trách nhiệm và các anh đã thất bại. Các anh không cải tạo nổi những người tù để họ tốt hơn, ngược lại, các anh càng làm cho họ tệ hại hơn. Các anh đã thất bại. Các anh phải thay đổi và làm cho mọi chuyện tốt đẹp hơn về sau. Và chúng tôi không hề muốn tranh luận với các anh về vấn đề như thế này nữa trong những lần thăm nuôi kế tiếp.

Cả phòng yên lặng, gia đình tôi nhìn Kha, đau xót lắm. Kha đưa cho mẹ tôi một bịch vài cọng rau đã úa màu, trong đó còn có một trái dưa hấu cuốn đã héo và nhũn nước. Kha đưa cho ba tôi một chiếc xe đạp tự làm bằng cách ghép những thứ phế phẩm nhặt được từ trại giam. “Rau con trồng và thứ này con làm để tặng gia đình”. Mẹ tôi như chết lặng, nghe đâu đó có tiếng thút thít của những người nép ngoài cửa sổ, rồi to dần.

Cuộc thăm gặp ngắn ngủi rồi cũng trôi qua. Kha đứng dậy ôm mọi người chào tạm biệt. Mẹ tôi bần thần rồi đột nhiên bật dậy, nắm với lấy tay Kha và nói như ra lệnh "Con phải giữ sức khỏe và làm những việc cho là đúng, chuyện bên ngoài, để Mẹ”. Kha gật đầu rồi quay lưng, tay xách bịch đồ thăm nuôi bước lững lờ rồi khuất dần qua lớp cửa trại giam kiên cố.

Chứng kiến buổi thăm gặp từ đầu đến cuối, một người đứng ngoài cửa sổ thốt lên: “Chúa ơi, tội nghiệp thằng bé. Việt Nam ơi, quyền con người của chúng con ở nơi đâu”?



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo