Mẹ Nấm (Danlambao) - Cô Tuyết Mai, một người phụ nữ vô danh khi còn sống nhưng bằng ngọn lửa của chính thân xác mình đã soi sáng lên một điều: Còn có biết bao nhiêu người thầm lặng nhưng lòng yêu nước mãnh liệt hơn cả những con người dấn thân mà dư luận biết đến. Ngọn đuốc Tuyết Mai cũng thắp lên ánh lửa soi sáng sự khác biệt giữa tình yêu quê hương chân thật và mãnh liệt của một người dân với khái niệm yêu nước sao cho đúng cách mị dân của những người đã và đang làm cho đất nước rơi vào hoàn cảnh đen tối...
*
Tháng Năm, có lẽ là tháng dài nhất với tôi trong năm nay.
Tháng Năm năm 2014 sẽ mãi in sâu trong tâm trí tôi khi đón nhận tin cô Lê Thị Tuyết Mai, một Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất đã tự thiêu vì tổ quốc với tâm nguyện phản đối Trung Quốc xâm lược và vì đạo pháp.
Thực sự tôi thấy mình bất lực, không nói được, không viết được gì trước sự hy sinh quá lớn của cô Tuyết Mai, một người yêu nước thầm lặng đã hy sinh mạng sống của mình để cảnh tỉnh người khác trước hiểm họa xâm lấn của Trung Quốc.
Có lẽ, sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về sự lựa chọn của cô Mai. Nhưng tôi nghĩ rằng, dù có khác biệt thế nào thì không ai có thể phủ nhận rằng: đây là sự lựa chọn cuối cùng của một công dân trước hành vi xâm lấn của Trung Quốc.
Những người ở lại sẽ làm gì khi đón nhận sự lựa chọn cao cả này. Đó mới là vấn đề.
Tôi mất khá nhiều thời gian mới bình tâm được sau sự ra đi của một người không quen biết như cô Lê Thị Tuyết Mai. Tôi thấy mình quá nhỏ bé, không là gì cả trước sự lựa chọn của cô Mai. Tôi thấy mình đau đớn bất lực khi vẫn có những người cười cợt, xem thường sự hy sinh của người phụ nữ 67 tuổi trước tình hình đất nước hiện nay. Và tôi thấy thấm thía sự cô đơn của một người yêu nước không theo định hướng, không theo cái lề yêu nước được đặt ra và buộc chúng tôi phải đặt lòng tin vào đó.
Là một người Công giáo, có thể tôi sẽ không được phép tán thành sự lựa chọn của cô Mai, nhưng tôi thấy rõ ngọn lửa được đốt lên là hiện thân của những dấu đinh đóng vào thánh giá mà Chúa Jesus đã chịu nạn và chịu chết.
Điều làm tôi phẫn nộ nhất là khi báo đảng cho rằng nguyên nhân của vụ tự thiêu là do “bế tắc về cuộc sống”. Không đi ra ngoài chính sách, ngọn lửa yêu nước do chính người dân nhen nhóm đã bị đảng Cộng sản tìm cách dập tắt ngay từ đầu trong việc loan tin. Điều này có lẽ không có gì ngạc nhiên với nhiều người, khi chứng kiến rất nhiều lần, đảng Cộng sản đã dập tắt mọi "nguồn" khơi dậy làm bùng lên ngọn lửa yêu nước trong long toàn dân mà lẽ ra cần phải vinh danh và nuôi dưỡng ở thời điểm này.
Im lặng để suy ngẫm về sự hy sinh lớn lao của một người thầm lặng tôi biết mình sẽ có thêm động lực để làm những việc nhỏ bé trong khả năng của mình.
Cô Tuyết Mai, một người phụ nữ vô danh khi còn sống nhưng bằng ngọn lửa của chính thân xác mình đã soi sáng lên một điều: Còn có biết bao nhiêu người thầm lặng nhưng lòng yêu nước mãnh liệt hơn cả những con người dấn thân mà dư luận biết đến.
Và đây chính là biểu tượng của một sức mạnh có thật: lòng yêu nước đang tiềm tàng, nung nấu của khối người dân thầm lặng.
“Suốt mười ngày qua tôi sống thầm lặng và sôi sục lòng yêu nước, hôm nay tôi quyết chí đốt thân mình hòa ánh đuốc soi đường do những người xâm lược và ngoan cố chiếm đóng lãnh hải chúng tôi… Nguyện hồn thiêng đất nước cho con làm một việc yêu nước không gặp trở ngại, không có gì ngăn cản và đừng tìm cách cứu sống.. Xưa kia Hai Bà Trưng hy sinh Thi Sách để nung nấu ý chi quân sỹ và nhân dân để chiếm đánh thành Ngọc Hồi, hôm nay tôi nguyện làm ngọn đuốc để hậu thuẫn thêm sức mạnh cho cảnh sát biển cùng ngư dân” – Trích thư của bà Lê Thị Tuyết Mai.
Ngọn lửa Tuyết Mai là ngọn đuốc soi sáng sự khác biệt giữa tình yêu quê hương chân thật và mãnh liệt của một người dân với khái niệm yêu nước sao cho đúng cách mị dân của những người đã và đang làm cho đất nước rơi vào hoàn cảnh đen tối.
Vì một quốc gia cường thịnh phải thay đổi.
Công dân Lê Thị Tuyết Mai đã lựa chọn để nhắc nhiều người nhớ đến sự thay đổi cần phải có cấp thiết cho dân tộc này.
Liệu chúng ta có sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả này không? Tôi tin rằng chúng ta sẽ sống xứng đáng vì ngày hôm nay chúng ta không còn lựa chọn nào khác: giữa một công dân tự do của một nước Việt Nam độc lập hay là một người bản xứ của một Tân Cương, Tây Tạng thứ hai.