“Chúng tôi muốn biết!” là chúng tôi muốn sống là người! - Dân Làm Báo

“Chúng tôi muốn biết!” là chúng tôi muốn sống là người!

Phan Châu Thành (Danlambao) - Như tôi đã giải thích trên, “Chúng tôi muốn biết!” vì những điều đó làm chúng tôi cảm thấy mình thực sự là công dân hơn, mình không bị đảng lừa dối, tức mình được coi là một Con người hơn! Tức là chúng tôi được làm Người trong con mắt của chính mình hơn, nhưng đó chưa là tất cả!

Chúng tôi muốn biết vì chúng tôi đòi quyền sống, đòi quyền công dân, đòi mọi quyền làm người của mình!

Chúng tôi muốn sống ngẩng cao đầu và vì thế chúng tôi sẽ đòi quyền tham gia quyết định mọi điều liên quan đến chúng tôi – như tham gia góp ý và phê chuẩn Hiến pháp (Hiến pháp phải được trưng cầu dân ý) vậy! Vì sống là tham gia quyết định mọi điều liên quan đến mình!

Vì thế, “Chúng tôi muốn biết!” là “Chúng tôi muốn sống là người!”

*

Phong trào “Chúng Tôi Muốn Biết!”

Phong trào “Chúng Tôi Muốn Biết!” được khởi xướng trên Lề Dân bởi Mạng lưới Bloggers Việt Nam nay mới được hơn 3 ngày đã là một hiện tượng rất có ý nghĩa và giá trị. Nó đang làm chính quyền cộng sản lặng câm và hẳn là rất bối rối chưa biết trả lời ra sao hay có sẽ đáp lễ “dân muốn biết” hay không. Dân bỗng nhiên muốn biết mọi điều liên quan đến mình! Đó sẽ là một quyền hay là một tội trong mắt (trong phản ứng bằng hành động) của đảng đây?!

Điều này làm tôi nhớ lại một sự kiện nhỏ năm 1979/1980 trên tờ báo sinh viên Balan “ITD…/I tak dalej…” (nghĩa là “Exetra/etc…” hay “Vân vân và vân vân…”) bạn thân của tôi viết một bài: “Sinh viên phải được biết và tham gia quyết định những gì liên quan đến sinh viên!”, và từ đó trong các Hội đồng Nhà trường, các đại học Balan bao giờ cũng phải có đại diện sinh viên là rất quan trọng… Bạn tôi cũng là một đại diện như thế hai năm liền rồi bị bắt giam ngay sau khi ra trường trong phong trào Công đoàn Đoàn kết Solidarnosc mà sinh viên là một trong những lực lượng nòng cốt… (sau này bạn tôi thành nghị sĩ nước Cộng hòa Balan dân chủ và có nhiệm kỳ là thứ trưởng Ngoại giao khi Tổng thống Balan sau Lech Walesa cũng là một thủ lĩnh sinh viên thời đó – ông Kwasniewski…).

Tôi nhớ mãi bài báo đó vì sau này gặp lại, bạn tôi cũng còn nhớ và nhắc lại tôi đã rất phấn khích về nó như một sinh viên Balan thế nào... Nhưng lúc đó tôi chưa hiểu rằng, đó chính là một khởi đầu của những biến cố chính trị lớn lao ở Balan rồi cả Đông Âu nhứng năm 80s dẫn đến cả bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 cùng toàn bộ hệ thống các nước cộng sản ở Châu Âu kể cả cái nôi cộng sản là nước Nga và Liên bang Sô viết…

Tất nhiên, trong Hiến pháp Việt Nam và trong mọi Hiến chương Quốc tế, đó chính là Quyền cơ bản của Con người – Quyền được biết… Dù đảng có dám trả lời hay dám không trả lời yêu cầu chính đáng của dân đó, đều có thể đưa đến nhiều điều bất ngờ thú vị về sau…

Tôi, tất nhiên, cũng rất muốn biết, cả về phong trào “Chúng tôi muốn biết!” lẫn cả về việc “Tôi cũng muốn biết!”, và nhất là cả việc đảng sẽ dám trả lời hay dám không trả lời dân, vì tôi là một người dân muốn biết!

Vì sao nhân dân muốn biết?

Khi người dân muốn biết những điều gì đó là dân muốn được suy nghĩ và xem xét đánh giá về những điều đó, mà không cần ai khác đánh giá, xem xét hay suy nghĩ thay họ. Dân muốn “tự khố nhọc” thế để làm gì? Để dân được tự lựa chọn các quan điểm, đánh giá của chính mình về những vấn đề đó. Vì chỉ khi tự mình xem xét, đánh giá và lựa chọn các quan điểm từ các thông tin mình được biết, dân mới tự chọn, tự có niềm tin của chính mình, về các vấn đề đó.

Tại sao dân muốn tự chọn quan điểm, niềm tin của mình về các vấn đề đó? Bởi vì dân muốn tự chọn thái độ, tự quyết định các hành vi, tự chọn và quyết định các hành động của mình, về các vấn đề đó. Vì chính niềm tin của dân mới thực sự sinh ra thái độ và hành vi của dân. Dân muốn thái độ, hành vi và các hành động của mình không phải xuất phát từ những niềm tin được chỉ đạo từ đâu đó trong bóng tối (của đảng) rằng phải có, phải tin thế, như bao lâu nay!

Đó chính là điều quan trọng và cơ bản nhất đối với dân, vì chỉ như vậy những thái độ (yêu, ghét hay thờ ơ), những hành vi, những hành động (ủng hộ, phản đối hay trung lập) mới thực sự là của dân. Khi đó là những hành động của dân thì đồng thời có nghĩa dân là chủ hành động của mình. Và ai là chủ hành động của mình, người đó là chủ chính mình. Và khi người dân là chủ của chính mình, người dân thực sự được Làm Người, được Là Người!

Dân muốn biết, vì thế, có dẫn xuất từ gốc rễ: Dân muốn là Chủ của chính mình, muốn được Làm Người, dân muốn được Là Con người!

Có thể viết gọn điều trên trong một chuỗi lô-gic nhân quả “muốn biết” chính là “Là Người” như sau:

Dân muốn Biết =>(vì muốn) Tự Suy xét => Tự lựa chọn Niềm tin => Tự lựa chọn Thái độ => Tự lựa chọn Hành động => Dân tự là chủ Hành động của mình => Dân là chủ Chính mình => Dân được Làm Người => Dân Là Con Người!

Hay, nói cách khác: Nếu là Con Người, dân phải được Làm Người, tức dân phải là Chủ của chính mình, tức là dân tự hành động, tự có thái độ, tự có niềm tin, từ suy xét mọi điều và vì thế dân phải được biết mọi điều liên quan đến dân. Và ngược lại, cũng đúng: Nếu dân không được biết mọi điều liên quan đến dân là dân không được đối xử và coi như những Con Người…

Những điều gì liên quan đến dân?

Tất cả mọi điều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, hay được đa số người Việt Nam cho rằng có thể liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến đất nước, dân tộc Việt Nam, thì liên quan đến nhân dân Việt Nam, đến từng công dân Việt Nam, bất kể đó là thuộc quá khứ, hiện tại hay tương lai, là những điều dân có quyền được biết.

Ví dụ, đảng CSVN là đảng đã và đang cầm quyền ở Việt Nam suốt 69 năm nay, nên mọi điều về đảng, những gì đảng đã làm và đang làm, đều là mọi điều dân có quyền được biết. Khi nào đảng không được cầm quyền nữa thì mới có thể có một số điều về đảng dân không có quyền được biết…

Có lẽ sắp tới dân Việt Nam với phong trào “Chúng tôi muốn biết!” sẽ có một danh sách ưu tiên hàng đầu cho những điều người dân muốn biết, ví dụ như “Một trăm điều người dân muốn biết!”, nhưng ngay bây giờ nếu bạn hỏi tôi, một công dân Việt hôm nay muốn dùng quyền được biết của mình để đòi hỏi đảng/chính quyền CSVN này đáp ứng, thì 10 điều đầu tiên quan trọng nhất sẽ là gì?

10 điều quan trọng và cấp bách nhất Tôi muốn biết!

Đây chỉ là ý kiến của cá nhân tôi, một công dân, hôm nay (sẽ còn được điều chỉnh), đó là:

1. Tôi muốn biết chắc chắn Hồ Chí Mình có phải là Nguyễn Sinh Cung hay không qua các chứng minh như thử ADN để đánh bại nghi ngờ (hoặc xác nhận?) Hồ là người Tàu! Nói chung, tôi muốn được tiếp cận và nghiên cứu lại mọi điều liên quan tiểu sử của Hồ và Nguyễn Sinh Cung.

2. Tôi muốn biết từ 1945 đến nay đảng CSVN nhân danh nước VNDCCH hay CHXHCNVN đã vay nợ và trả nợ Tàu cộng cho các cuộc chiến tranh của đảng CSVN từ đó đến nay như thế nào, bao nhiêu và kế hoạch vay trả nợ đó hiện nay đến 2020 như thế nào?

3. Tôi muốn biết những cam kết mọi mặt của đảng và chính phủ CSVN với đảng/chính phủ CSTQ về lãnh thổ, thể chế… (như hội nghị Thành Đô 1990, Hiệp định biên giới bộ và biển năm 2000 và 2005?...) chi tiết là gì và tại sao lại là thế?

4. Tôi muốn biết sự thật lịch sử chi tiết về nước ta, quân đội ta, các tôn giáo và các đảng chính trị của Việt Nam ta từ khoảng 1910 đến nay bằng cách được có ban lịch sử độc lập do tôi chọn (10 người) nghiên cứu mọi kho dữ liệu lịch sử của đảng và chính phủ hiện nay.

5. Tôi muốn biết những điều khác mà tôi và dân Việt, dân tộc Việt, nước Việt có liên quan nhưng đến nay chúng tôi vẫn không được biêt dù đảng đã làm hay/và đảng đã biết nhưng không công bố… (có nghĩa là, trong điểm này tôi nhờ đảng tự giác bổ sung 4 điều trên của tôi).

6. …Tôi muốn biết… Xin lỗi, tôi muốn nhờ các bạn bổ sung giúp 5 điều tiếp từ 6 đến 10, miễn là không trùng với 5 điều trên. Với bài viết này tôi thấy thế là “tạm ổn”.

Sau “Chúng Tôi Muốn Biết!” sẽ là gì?

Như tôi đã giải thích trên, “Chúng tôi muốn biết!” vì những điều đó làm chúng tôi cảm thấy mình thực sự là công dân hơn, mình không bị đảng lừa dối, tức mình được coi là một Con người hơn! Tức là chúng tôi được làm Người trong con mắt của chính mình hơn, nhưng đó chưa là tất cả!

Chúng tôi muốn biết vì chúng tôi đòi quyền sống, đòi quyền công dân, đòi mọi quyền làm người của mình!

Chúng tôi muốn sống ngẩng cao đầu và vì thế chúng tôi sẽ đòi quyền tham gia quyết định mọi điều liên quan đến chúng tôi – như tham gia góp ý và phê chuẩn Hiến pháp (Hiến pháp phải được trưng cầu dân ý) vậy! Vì sống là tham gia quyết định mọi điều liên quan đến mình!

Vì thế, “Chúng tôi muốn biết!” là “Chúng tôi muốn sống là người!”

PS: Viết ngày7/9/2014 để ủng hộ và tham gia phong trào “Chúng tôi muốn biết!”




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo