Kinh tế Việt Nam bị “định hướng” thế nào và theo tốc độ nào? Hay: Bao giờ chúng ta thành phân? - Dân Làm Báo

Kinh tế Việt Nam bị “định hướng” thế nào và theo tốc độ nào? Hay: Bao giờ chúng ta thành phân?

Chúng ta đã là phân?

Bạn sẽ nói về đầu bài trên: “Ôi, đề tài cũ rích!” Vì câu trả lời ai cũng rõ, đó là “định hướng” xuống hố cả nút (XHCN), tức là trói buộc nhau kéo nhau cùng xuống hố. Có hai ý ở đây với dân ta có lẽ không “cũ rích” lắm đâu, đó là: không phải “xuống hố” hết đâu, vẫn còn “một bộ phận không nhỏ” phải ở phía trên để có người “đẩy” dân tộc, đất nước này xuống hố chứ, và, bao giờ thì họ “đẩy” xong? 

Và điều đó làm câu hỏi đau đáu của tôi: "Bao giờ thì kinh tế VN, và cả cái thể chế này, xuống hố hết (như Vinashin, Vinalines...), để dân ta chỉ còn một việc: lấp hố chôn luôn, rồi gieo trồng lại thứ khác?" trở thành bất định. Bất định là vì còn đó câu hỏi "Ai chôn?" và "Người đó sẽ trồng thứ gì khác thay định hướng?"...

Câu hỏi "đau", tôi thấy rất đau, là vì cả một dân tộc trong đó có tôi, sắp bị đẩy xuống hố để bị chôn (làm phân) mà không dám hỏi gì, không phản đối hay cưỡng lại, chỉ dám thỏ thẻ hỏi “Bao giờ tôi xuống đến đáy hố?”, tức là “Bao giờ tôi sẽ thành phân?” Chỉ hỏi thế thôi, thì tôi và cả dân tộc này đã thực sự coi mình là phân rồi, hu hu, hu!?…

"Bao giờ tôi/ta sẽ thành phân?"

Đó chính là một phần câu hỏi đầu bài tôi đã nêu trên. Đây là một câu hỏi thuộc kinh tế học "vĩ mô", nên để trả lời nó chúng ta phải tự coi mình là "những nhà kinh tế học vĩ mô" thôi, không còn cách nào khác. Hơn thế nữa, chúng ta phải dùng những khái niệm của "kinh tế vĩ mô" cả về chất (như "phân"...) và về lượng (bao giờ ?...) để làm điều đó, nên có lẽ cần "ôn tập lại" chút ít (ở phần này)...

Có thể nói, nền kinh tế VN được "định hướng xuống hố" rõ ràng từ sau 1990, tại... Thành Đô. Như vậy, qúa trình xuống hố của VN đã được một phần tư thế kỷ. Thành tựu đạt được là chúng ta đã kịp đi giật lùi so với thế giới khoảng... 50-100 năm, tùy việc ta so sánh mình với nước nào! (Nhân tiện, có lẽ VN nên đề nghị Ủy ban Olympic Quốc tế đưa vào thêm môn thi "đi giật lùi" để người Việt chắc chắn chiếm trọn bộ huy chương?!) Thế nào là "đi giật lùi" trong kinh tế? Là, ví dụ, 25 năm trước thu nhập tính theo đầu người PPP của Việt Nam xấp xỉ của Hàn quốc, thì nay chỉ bằng khoảng chưa được 5% (khoảng 2,000 USD/người/năm của VN so với trên 20,000 USD của Hàn) mà để đạt mức hôm nay của Hàn quốc thì VN (với tốc độ này) cần... ít nhất 50 năm nữa... Nhưng khi đó, 50 năm nữa, PPP của Hàn quốc sẽ lại đi trước ta bao nhiêu năm nữa rồi? Hu hu... giống như con rùa đuổi con thỏ mà cách vượt qua thỏ duy nhất của họ nhà rùa là lừa bịp thỏ - như sách giáo khoa của đảng vẫn đang dạy bọn trẻ ư?

Tuy thế, chúng ta vẫn chưa đạt được cái "đích đáy" mà "định hướng XHCN" hướng tới, nghe đâu đến tận cuối thế kỷ này vẫn "chưa chắc được", hu hu, lại phải dừng lại: hu hu hu... Thành tựu cụ thể đến nay là chúng ta đã phá tan hoang đất nước và xã hội VN ngàn năm văn hiến, đã xài gần hết mọi nguồn lực tài nguyên cha ông gìn giữ ngàn năm để lại (đảng còn giấu dân cắt xẻo vài miếng trả nợ Tàu cộng…), và đã còn vay nợ tương lai - bắt con cháu Việt chưa sinh ra đã mang nợ vài trăm tỷ đôla với những món nợ còn đang gia tăng nhanh chóng...

Cho nên, nếu tin theo đảng nói thì đến cuối thể kỷ này chúng ta mới sẽ thành phân, yên tâm đi? Và với tốc độ đi giật lùi vô địch thế giới như thế thì đến khi thành phân chúng ta sẽ đang ở tình trạng đi sau nhân loại mấy trăm năm đây, và đó là cái gì nhỉ? Ôi, tôi không thể tưởng tượng được ra nó – XHCN đó sẽ là cái gì nữa?! Đơn giản là, vì nền kinh tế nước ta hiện không có chỗ để "đi giật lùi" mãi như thế! Và đó chính là "vấn đề kinh tế vĩ mô" mà tôi muốn nói ở phần sau.

"Kinh tế học vĩ mô" của nền kinh tế "định hướng giật lùi"...

Bản chất của mọi nền kinh tế mà Loài người đã và đang thực hành là phát triển đi lên bằng cách gia tăng giá trị cho các xã hội và quốc gia thông qua lao động và sáng tạo của các công dân của nó, theo qui luật thị trường tự do, cộng lại thành kết quả đi lên của cả nền kinh tế. Tức là, giá trị mới tạo ra trong thị trường lao động và sáng tạo, bởi mọi công dân, cộng lại... Hay nôm na: kinh tế vĩ mô là tổng sigma của các kinh tế vi mô nơi các giá trị mới được tạo ra...

Nhưng trong nền kinh tế với "định hướng giật lùi" của Việt Nam hôm nay thì khác. Vì không có thị trường (với các qui luật tự do của nó), mà chỉ có "định hướng XHCN", nên giá trị mới được "định hướng" trong kế hoạch/"định hướng" XHCN (dự kiến) rằng các công dân sẽ tạo ra nó, và nó sẽ lại được "định hướng" đem "giao cho" các công dân để thực hiện tạo ra các giá trị mới đó, theo chỉ đạo của đảng (tất nhiên, rất sáng suốt), và vì thế đảng "định hướng" luôn sự phân phối (tiềm lực kinh tế xã hội) và tái phân phối (giá trị mới sẽ tạo ra) từ khi nó chưa được tạo ra, không cần (vì đảng không cho phép) "Bàn tay vô hình" của Ricardo hay Adam Smith gì ở VN cả, vì đã có "bàn tay của đảng" lo rồi, "định hướng" hết rồi...

Vì "phải" nói theo các khái niệm kinh tế vĩ mô (đã lỡ từ đầu hô to tự nhận là "nhà kinh tế vĩ mô"!), nên nghe nó rắc rối, phức tạp vậy thôi. Nhưng trong thực tế, (và ta sẽ xét qua ví dụ) thì sẽ thấy "kinh tế vĩ mô có định hướng giật lùi" cũng khá đơn giản, dù rất tinh vi nên vẫn ít người nhận ra bản chất của nó - nếu không là "nhà kinh tế vĩ mô có định hướng giật lùi", hi hi...

Ví dụ (vĩ mô): Đảng "định hướng" năm tới 2015 GDP của VN sẽ phải là 200 tỷ đô (khoảng 4 triệu tỷ đồng, trong đó đã có cả nguồn lực phải bỏ vào và giá trị mới sẽ tạo ra), và đảng "giao cho" thành phần kinh tế nhà nước (KTNN) nhiệm vụ thực hiện 30% (60 tỷ đô), kinh tế tư nhân 30% (60 tỷ đô) và FDI 40% (80 tỷ đô). Đồng thời, đảng "giao cho" kinh tế tư nhân và FDI phải tự lo nguồn lực để thực hiệm nhiệm vụ, còn mọi nguồn lực quốc gia (đất đai, vốn tài chính, mọi chính sách ưu đãi...) đảng sẽ "giao cho" các tập đoàn kinh tế nhà nước là chính để chúng "làm chủ đạo" nền kinh tế. Tóm lại, năm 2015, đảng sẽ giữ lại ngay 80 tỷ đô trong số 120 tỷ do KTNN và KT tư nhân sẽ tạo ra (còn 80 tỷ đô của FDI thì đảng có chính sách ưu đãi "giữ chân tư bản bóc lột" bằng miễn thuế dài hạn rồi, nên đảng không thu được gì, chỉ tính trên giấy cho oai thôi). 80 tỷ đô hay 1,6 triệu tỷ đồng đó để đảng: quản lý kinh tế (nuôi bộ máy nhà nước), bảo vệ đất nước, hỗ trợ kinh tế tư nhân bằng quản lý (nước bọt) và "phục vụ hành là chính", đảng quản lý xã hội… tất cả mất 30 tỷ đô, đảng giao vốn cho KTNN (mất 50 tỷ đô, hay 1 triệu tỷ đồng)... Tóm lại, đảng ăn chặn trước, "cắt trước" các giá trị mà nền kinh tế sẽ tạo ra trong năm tới, thông qua kế hoạch "định hướng", đảng chiếm dụng cả nguồn lực kinh tế quốc gia và giá trị sẽ tạo ra cùng lúc... Rồi sau đó... tiếp... quản lý "vi mô"...

Ví dụ tiếp, "vi mô" nhưng ở tầm phổ biến "vĩ mô": Một tập đoàn KTNN nhận một dự án khủng xây dựng hạ tầng kinh tế, nhà nước giao việc và vốn qua "chỉ định" thầu, trị giá 200 triệu đô. Tuy nhiên, vì nhà nước chỉ định và giao vốn và quản lý chung, nên chỉ giao cho Tập đoàn KTNN đó 140 triệu đô (quyền được vay ngân hàng nhà nước) để thực hiện dự án quyết toán trước là 200 triệu đô đó. Như vậy, nhà nước có ngay 60 triệu đô từ dự án đó, để "xài chung". Đó là qui đinh bất thành văn - Chính phủ luôn giữ lại khoảng 25-30% giá trị công trình khi duyệt và giao công trình, nếu ai đó không nhận thì có ngay Tập đoàn khác xin nhận, "chạy" mọi cửa để được nhận "chỉ định" thầu đó...

Đến lượt mình, TĐ KTNN đó chia nhỏ việc và lại "chỉ định" thầu cho các công ty con và công ty tay trong của mình, giao giá tổng cộng 70 triệu đô để các nhà thầu phụ là các công ty con trong tập đoàn phải thực hiện đến 90% hạng mục công việc khó nhai (nếu họ không làm được thì tự gọi thầu phụ bên ngoài), còn 70 triệu đô giao các công ty tư nhân sân sau của các sếp lớn trong Tập đoàn và trong Bộ chủ quản để thực hiện 10% khối lượng công việc dễ xơi bôi bác...

Tất nhiên, các công ty con và các nhà thầu phụ ngoài không có lựa chọn nào khác ngoài nhận thầu theo giá đó của Tập đoàn (khoảng 40% giá thật của công trình), họ thường hoặc lỗ hoặc gian dối hạ chất lượng công trình, và thường là cả hai, nhưng trước mắt họ có việc để nuôi quân là quan trọng nhất. Họ sẽ "gỡ gạc" lại bằng cách chây ì thời hạn gấp đôi ba lần "kế hoạch nhà nước" giao mà Tập đoàn không thể đuổi họ ra được (vì là "quân mình" hoặc vì họ đã dấn quá sâu và biết quá nhiều – nếu là thầu phụ ngoài), rồi họ đòi tăng "chi phí phát sinh" khoảng 50%... Tập đoàn luôn phải đồng ý tăng "chi phí phát sinh ngoài dự kiến", thường khoảng thêm 50% giá "giao" ban đầu, đôi khi cao hơn, tới 100% (như các nhà thầu Tàu...). Và phần "phát sinh" này thường họ cũng phải "cưa đôi cưa ba"...

Tại sao Nhà nước và Tập đoàn thường dễ dàng chấp nhận tăng giá công trình sau khi công trình đã bị kéo dài vô thời hạn, ngoài lý do có "cưa đôi cưa ba"? Là bởi vì, nếu không chấp nhận để kết thúc công trình và đưa vào sử dụng (dù chất lượng rất rất thấp) thì họ không thể quyết toán và khóa sổ công trình được, và các khoản họ đã "cắt" từ trước (30% ở cấp nhà nước và 30-40% nữa cho Tập đoàn) có nguy cơ... nuốt không trôi trên sổ sách và cả trong miệng những kẻ không được nuốt! (Dù họ nuốt "đô" đã trôi hết, tiêu hóa đã hết thành các "lâu đài nguy nga" của các quan đỏ trong thực tế từ lâu rồi...)

Tóm lại, điều tôi muốn nói về nền "kinh tế định hướng giật lùi" này, có ba ý: Thứ nhất, giá trị gia tăng ở đó bị đảng/chính phủ cướp trắng trước khi được làm ra (ở hai cấp trung ương và tập đoàn); Thứ hai, đa số những người làm ra giá trị cộng thêm cho xã hội để đất nước đi lên chỉ nhận được khoảng 30-40% giá trị họ tạo ra do chính cái cơ cấu "định hướng" từ trên xuống dưới trong nền kinh tế được sáng tạo áp dụng thành "chỉ định" thầu như tôi đã chỉ ra qua một ví dụ trên, không đủ cho họ sống phục hồi sức lao động sáng tạo, làm họ chết dần chết mòn...; Thứ ba, trong nền kinh tế "định hướng giật lùi", chỉ có chi phí là cứ "sinh ra" thêm để "cưa với nhau", còn lợi nhuận thì đã bị bóp chết từ trước ở trung ương, ngược lại với kinh tế tư bản là chi phí đi trước sinh ra lợi nhuận sau khi có doanh thu kỳ vọng, rồi mới nộp thuế về nuôi chính phủ trung ương...

Trên đây là ví dụ "kinh tế vi mô" thật 99% mà tôi từng là giám đốc tổng thầu của một tập đoàn KTNN và quản lý thực hiện một công trình trị giá ban đầu đúng khoảng 200 triệu đô, nhưng chỉ được giao cho các nhà thầu "của mình" giá chỉ khoảng 40% số đó để họ phải thực hiện toàn bộ công trình... Là một kỹ sư, là một nhà kinh tế thực hành (tôi có bằng master cho cả hai từ Châu Âu), trước hết là một con người, tôi không thể chấp nhận công trình "trị giá 250 triệu đô" mà tôi biết nó có chất lượng vô cùng thấp vì chỉ được đầu tư có 80 triệu đô, và biết nó trở thành mối nguy hại cho xã hội mà trực tiếp là cho những người sử dụng khai thác nó sau này... Tôi đã nhìn thấy rõ, đất nước mất 250 triệu đô để có một mối nguy hại khổng lồ trong tương lai gần để lại cho con cháu ư? Còn trong hiện tại, người ta chỉ có thể lỗ dài dài khi khai thác công trình kinh tế trị giá có 80 triệu đô nhưng phải khấu hao nó theo giá thành 200 triệu đô "ban đầu" + 50 triệu "phát sinh" mà tập đoàn/nhà nước đã vay quốc tế và phải trả dần. Ai trả? Con cháu người Việt chúng ta...

(Vì vụ đó là giọt nước tràn ly, tôi bỏ việc "định hướng" và trở thành... cư dân mạng PCT, quyết tâm chống phá "định hướng" đến cùng.)

Vẫn hỏi lại: Bao giờ chúng ta thành phân?

Trở lại với "kinh tế vĩ mô định hướng giật lùi", như vậy, trong nền kinh tế đó, giá trị mới vẫn được người lao động, những công dân của nó, tạo ra, nhưng tiềm lực kinh tế quốc gia lại không gia tăng vì nó (giá trị mới) bị cướp ngay trước khi nó được sinh ra bởi "định hướng" (đã cụ thể hóa thành các kiểu "chỉ định" thầu hay "đấu thầu" công... rất khai), rồi "bốc hơi" hết, cho nên nó mới đi giật lùi.

Chính vì cách vận hành như thế mà tập đoàn Vinashin sau khoảng 10 năm "cất cánh" đã sập hoàn toàn trước năm 2010, vì không tích tụ được giá trị gia tăng để trả nợ. Rồi cũng như thế, đến lượt Vinalines... và còn nhiều tập đoàn khác trong "danh sách chờ" phá sản, cho đến khi "cả lũ xuống hố" hết và chế độ phải sập. 

Theo tôi, có ba nhóm trong thứ tự "xếp hàng" đi giật lùi, đó là: 1) đầu tiên là các công ty sản xuất dịch vụ cho doanh nghiệp B to B (Businesses to Businesses) "đi" trước (như Vinashin: dịch vụ đóng tàu, không phải sản xuất ra con tàu mới, Vinalines: dịch vụ vận tải, hàng chục vạn công ty TNHH loại DN VVN đã phá sản...) ; 2) tiếp đến các công ty dịch vụ cả B to B và dịch vụ đại chúng B to C (Businesses to Customers ) "đi" theo (Agribank & cả hệ thống ngân hàng, TTCK: dịch vụ tài chính, Petrolimex: dịch vụ cung cấp xăng dầu, Xây dựng và BĐS, Nông nghiệp…); 3) rồi đến các công ty khai thác tài nguyên và cung cấp sản phẩm đại chúng (Điện lực: tài nguyên điện năng, TKS: Than và khoáng sản, Dầu khí: tài nguyên dầu khí...) Bao giờ đến nhóm thứ ba phá sản thì chúng ta đã đứng ngay trước thời điểm hoàn tất "cả nước xuồng hố" hay thành công CNXH. Tức là khi đó chúng ta sẽ thành phân, theo cách nói của tôi từ đầu bài này. Đó là khi nào?

Vừa rồi, tôi có gặp một số bạn bè cũ - tôi rất ngán gặp họ, vì đa số họ là quan cộng sản, không phải tư bản đỏ (làm kinh tế) thì cũng là các tướng tá quân đội hay CA, không phải cả "bọn" quan chính quyền thì là bọn "vua con"- quan đảng ở tỉnh..., vì gặp họ, tôi như thấy lại bóng dáng tội lỗi của chính mình...

Nhưng có mấy người bạn đã kể than phiền với tôi cái cơ cấu ăn chia bất di bất dịch là 100%-30%-30%+25% trong tất cả các dự án lớn hiện nay trong các ngành điện lực, xăng dầu, xây dựng, TKS, và nhất là dầu khí... thì tôi thấy nó y như trong Vinashin và Vinalines đã sập mà tôi biết rõ, nên tôi buồn rầu nghĩ: Đang phá sản nhóm công ty thứ hai và đã chuẩn bị đến nhóm thứ ba. Tốc độ là khoảng 5 năm khai tử một nhóm. Nhóm 1 khoảng 2010 thì nhóm 2 là 2015 và có thể nhóm 3 sẽ nhanh hơn nữa. Cái ngày "chúng ta thành phân" cũng sắp tới rồi, chắc chỉ khoảng 5 năm +/-1 hay +/-2 nữa mà thôi?

Vấn đề là, chúng ta có chịu để bị đảng chôn sống thành phân hay đứng lên cầm xẻng chôn nền kinh tế "định hướng giật lùi" này cùng cái đảng đang tàn bạo "định hướng -30% rồi lại -30%" ấy, rồi đang "cưa đôi cưa ba" cái 50% phát sinh của 40% còn lại đó..., hay không? Tôi tin là: Không! Nhất định không.

Dân Việt ta bây giờ không còn ngu muội như dạo năm 1945 bị đảng lừa, hay nửa mê sảng "thắng cuộc" nửa đau tái tê "thua cuộc" như dạo 1975 nữa...

P/S: Viết thân tặng một Người bạn cùng chí hướng. Anh ấy đã động viên hành động "Nói KHÔNG với định hướng" của tôi năm xưa cũng bằng một hành động tương tự. Cảm ơn Bạn rất nhiều. Bạn đã làm tôi tự hào về mình và tự hào về Bạn, rằng chúng ta không chịu sống theo "định hướng" của cộng sản.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo