Chuyện tình thời mất nước - Dân Làm Báo

Chuyện tình thời mất nước

Lê Dủ Chân (Danlambao) - Đây là chuyện tình có thật 100/100 bao gồm cả vị trí, địa danh, không gian, thời gian và tên tuổi của nhân vật, được viết lại sau gần 40 năm miền nam Việt Nam thất thủ. Hy vọng chuyện này như một lời tâm sự với tuổi trẻ hôm nay về tình yêu và trách nhiệm trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước. Mất nước là mất tất cả.

*

30 tháng 4 năm 1975 cộng sản chiếm Sài Gòn, hai ngày sau tôi quyết định trở lại Đà Nẵng để tìm lại mẹ và thân nhân đã thất lạc trong cuộc di tản ở Đà Nẵng ngày 29 tháng 3 năm 1975 khi cộng sản tràn vào thành phố. Nhờ ơn trên tôi đã tìm được mẹ và tất cả người thân trên con đường định mệnh này.

Sum họp được với gia đình hai ngày thì tôi bị công an Đà Nẵng đến bắt tận nhà và đưa vào trại tạm giam Kho Đạn ở chợ Cồn/Đà Nẵng. Chuyện bắt bớ này diễn ra một cách bình thường và đơn giản, đơn giản đến độ người công an đến bắt tôi phải ngạc nhiên hỏi tôi rằng:

Anh đã biết trước mình sẽ bị bắt?
Tôi trả lời:
Vâng, tôi biết.
Anh ta nói tiếp:
Tốt nhé, thế là anh đã biết tội của mình!?
Tôi trả lời:
Không phải vậy, tôi chỉ làm trách nhiệm cuối cùng của một người thua trận. 
Để tránh phải thấy cảnh chia ly bịn rịn của người thân tôi thúc anh ta:
Thôi, chúng ta đi. 

Không hiểu anh ta có hiểu câu trả lời của tôi không, nhưng sau khi nhìn tôi bằng một ánh mắt kỳ lạ, anh ta đưa tôi ra xe và chở tôi vào trung tâm tạm giam Kho Đạn bằng chiếc Vespa tương đối còn mới (chắc là chiến lợi phẩm sau ngày chiếm được Đà Nẵng) của anh ta. Trên đường đi tôi hoàn toàn không quan tâm đến anh ta và sẽ đến đâu mà chỉ chú tâm dành chút thời gian còn lại ít ỏi của mình để nhìn Đà Nẵng vì tôi nghĩ rằng có thể đây là lần cuối cùng tôi thấy được thành phố thân yêu này.

Tại trung tâm tạm giam Kho Đạn chợ Cồn, tôi bị giam vào nhà Bệnh Xá thuộc khu A (nhà nầy trước đây là bệnh xá của trung tâm cải huấn Chợ Cồn Đà Nẵng, sau khi cộng sản chiếm được Đà Nẵng, do số người bị bắt vào đây quá đông nên họ đã biến bệnh xá thành nhà giam để nhốt người). Nhà này và khu A của trại tạm giam tương đối dễ thở, có thể đi lại thông thương với nhau, và có thể tiếp xúc chuyện trò với nhau chút đỉnh, ban ngày thì dùng chung một dãy nhà vệ sinh, lối đi vào nhà vệ sinh là con đường luồng ở giữa (nằm sau lưng các phòng của khu A và bên hông của Bệnh xá). Ba khu còn lại là khu B, khu D (nhốt tù chính trị), khu C (nhốt tù hình sự) thì bị cách ly.

Ngay ở đầu khu A, cách vọng gác và nội cổng của trại giam độ 5 mét (meter) có một cây mù-u, gốc lớn hơn vòng tay của một người và tán rất rộng, ban ngày tù nhân khu A muốn đi vệ sinh phải đi ngang qua cây mù-u này, còn ban đêm tất cả tù nhân phải đi vệ sinh ngay trong phòng của mình. Tù nhân khu A và Bệnh Xá thường dùng gốc cây này như một điểm hẹn để kín đáo trao đổi tin tức với nhau. Riêng đối với tôi, cây mù-u này giống như cây bồ đề của Đức Phật, là nơi tôi ngộ được tình yêu và tội ác là hai vấn đề mà trước đây đối với tôi vốn rất mơ hồ.

Dưới gốc cây này tôi đã tìm được một bóng hình vĩnh viễn yêu thương và cũng ngay dưới gốc cây này tôi đã chứng kiến sự tàn ác giữa người với người qua cách đối xử của người cộng sản đối với tù nhân của họ. Chính tại dưới gốc cây này tôi đã nghe tên Bách, chính trị viên trung tâm trả lời với một người tù làm trật tự khu B (khu giam tù chính trị), khi người này báo cáo với hắn trong phòng số... khu B có người mới chết. Hắn đã trả lời:

Anh báo cáo với tôi làm gì? Tụi nó chết như chó chết, gọi người lôi xác nó ra!

Và ngược lại, cũng chính tại gốc cây này tôi đã thấy một "ánh mắt u buồn thế kỷ" của Nàng nhìn tôi trước khi Nàng và các bạn bị trói tay liên hoàn với nhau trên một chiếc GMC để đi lên trại tù Tiên Lãnh.

Câu nói của tên chính trị viên và ánh mắt của Nàng là sức sống của tôi từ sau ngày mất nước (30/04/1975) đến nay và có thể là suốt cuộc đời.

Tuần đầu trong tù, phần thì nhớ gia đình, phần thì bị thẩm vấn (Cộng sản gọi là đi cung) liên tục nên tôi không ra ngoài, đến tuần thứ hai, vào một buổi sáng, tôi được gọi đi nhận quà thăm nuôi lúc trở vào khi đi ngang qua cây mù-u tôi nhìn vào cuối khu A, nơi có phòng giam nữ thì thấy một cô gái dáng người thon cao, khuôn mặt trái xoan, da trắng, độ 19, 20 tuổi đang vừa chải tóc vừa nghiêng nghiêng mái tóc dài của mình để hong khô dưới ánh nắng ban mai của mặt trời, điểm đặc biệt đập vào mắt tôi lúc ấy là cô ta mặc bộ đồ bà ba trắng do đó nổi bật trong đám 5, 6 cô đang đứng trò chuyện xung quanh. Ngạc nhiên trước một hình ảnh quá trong sáng trong nhà tù, tôi quay lại hỏi anh trật tự (cũng là tù nhân), người dẫn tôi đi nhận quà:

Anh T, mấy cô ấy nhỏ như vậy mà bị tội gì vào đây?

Anh ta trả lời:

Tôi cũng không "nắm chắc" (hồi đó tù nhân hay cố dùng từ cộng sản) nhưng đa số là tội hình sự, một số ít là làm sở Mỹ.

Sợ anh ta học lại với cai tù nên tôi không hỏi tiếp và đi về phòng của mình. Suốt ngày hôm đó và cho đến sáng hôm sau, hình ảnh người con gái mặc đồ trắng đứng chải tóc trước cửa nhà tù cứ ám ảnh tôi hoài và hình như có một động cơ nào đó thôi thúc tôi phải tìm biết người con gái đó là ai và bị tội gì!

Sau nhiều lần quan sát, biết các cô thường hay đi vệ sinh vào buổi sáng sớm ngay khi cửa phòng được mở, tôi chờ đến ngày thứ bảy (cai tù nghỉ việc), sau khi cửa phòng được mở, tôi ra đứng ngay dưới cây mù-u và đợi họ. Trời không phụ lòng tôi, chỉ độ mười phút sau tôi thấy cô bé bạn với cô gái áo trắng bước ra khỏi phòng để đi vệ sinh, tôi vội đi theo sau lưng cô ta, khi đến con đường luồng, nhìn trước sau không thấy ai, tôi vội nói:

Cô bé.
Cô ta dừng lại, nhìn lui và hỏi nhỏ:
Anh gọi em?
Tôi nói:
Phải, em cứ tiếp tục đi đi, đừng dừng lại tụi nó nghi, cô gái áo trắng sao hôm nay không thấy ra ngoài?
Cô ấy hỏi lại:
Anh nói chị Nguyệt hả?
Tôi nói 
Vâng.
Không trả lời vào câu hỏi của tôi, cô bé vừa đi vừa nói:
Để em nói lại với chị Nguyệt cho, thì ra mấy bữa nay em thấy anh cứ nhìn tụi em, té ra anh nhìn chị Nguyệt.

Thấy có người đi sau lưng, chúng tôi chấm dứt câu chuyện và bước nhanh vào phòng vệ sinh. Vài phút sau tôi ra khỏi phòng vệ sinh, đi đến gốc cây mù-u giả vờ nói chuyện với bạn tù và chờ đợi. Quả nhiên sau khi cô bé về phòng chừng 5 phút, tôi thấy cô gái áo trắng bước ra khỏi phòng, nghiêng nghiêng mái tóc vừa chải tóc vừa dùng bàn tay trái còn lại vẫy nhè nhẹ về phía tôi. Đó là hình ảnh đầu tiên tôi quen biết với nàng, chỉ kéo dài chừng 3 phút nhưng nó ở lại trong tôi đến suốt đời.

Kể từ sau hôm đó, tôi và Nàng ngày nào cũng chuyện trò với nhau bằng mắt qua một khoảng cách độ chừng 70 mét, tính từ cây mù-u đến cửa phòng tù của Nàng hoặc nhắn gởi, thư từ qua cô bé liên lạc viên mà sau này tôi đặt tên cho cô ta là "Chim Xanh".
Thời gian đầu, thường chỉ là một lời nhắn ngắn gọn tỉ như: Anh khỏe không? Nhớ anh! Ra gốc mù-u... hay một câu rất ngắn viết trên một tấm giấy nhỏ xíu được vo tròn như hột đậu phộng, kẹp trong hai ngón tay, được cô bé "Chim Xanh" thả rơi trước mặt tôi khi đi ngang qua. Khó có ai có thể thấy được, hoặc có thấy họ cũng tưởng lầm rằng cô đó vất cục rác nhỏ. 

Thời gian sau chúng tôi bạo dạn hơn, viết dài hơn và đôi khi còn gởi cho nhau vài vật kỷ niệm nhỏ như chiếc nhẫn, vài viên xí-mụi, chai dầu Nhị Thiên Đường... Hoặc vài lời hứa hẹn vô vọng như: Nếu về được em sẽ đi thăm nuôi anh! Em sẽ chờ anh! Giữ gìn sức khỏe!... Và cứ như thế cuộc tình âm thầm nhưng hạnh phúc của tôi và Nàng êm trôi với sự giúp đỡ bí mật của "Chim Xanh". Khoảnh đất bé tí trước cửa sắt nhà tù của Nàng và gốc cây mù-u đối với hai đứa chúng tôi, đã trở thành thiên đường trong cái địa ngục xót xa này. Thì ra trong địa ngục vẫn có thiên đàng cho những người biết yêu thương nhau!

Mặc dầu không ai nói với ai, nhưng cả hai, tôi và Nàng đều phập phồng lo sợ sẽ có một ngày bị chuyển trại. Chuyện gì phải đến rồi cũng đến, đó là một buổi sáng mùa thu tháng Tám (8/1975), sau khi cửa phòng được mở, như thường lệ tôi đi qua nhà bếp ở khu A để kiếm nước sôi về khuấy càfê thì nghe các anh bạn tù nơi đây to nhỏ với nhau: "Hôm nay có chuyển trại" (thường thường tù nhân làm tại nhà bếp hay thạo tin tức trong trại giam vì họ được cai tù thông báo trước để chuẩn bị phần ăn cho tù nhân trong ngày), tôi vội đi tìm anh trưởng bếp đang đứng gần các chảo cơm và hỏi:

Anh H, hôm nay có chuyển trại hả?
Anh ta nói:
Hình như vậy, tụi anh đang chuẩn bị phần cơm cho họ đây.
Tôi hỏi tiếp
Đông không anh? Khu nào vậy?
Anh ta trả lời:
Phòng nữ, đông.

Nghe vậy tôi hoảng hồn vất ly nước nóng đang cầm và chạy về phòng mình với ý định viết thư báo cho nàng biết. Sau khi viết vội trên tấm giấy nhỏ mấy chữ "hôm nay phòng nữ có chuyển trại" vò nhỏ lại, kẹp trong hai ngón tay và đi ra cây mù-u đứng chờ "Chim Xanh" để gởi cho nàng. Nhưng đã không còn kịp nữa, chắc có lẽ vì có chuyển trại nên cánh cửa sắt phòng nữ không được mở như thường lệ, nó vẫn còn bị đóng im ỉm. Từ xa nhìn đến, tôi thấy có nhiều cánh tay thò ra ngoài khung cửa sắt vẫy vẫy một cách vô vọng như những người chết đuối cố gắng vẫy tay kêu cứu lần cuối cùng trước khi chìm sâu dưới dòng nước, một trong những cánh tay đó có tay áo màu trắng, chắc là của nàng!

Độ khoảng gần một tiếng đồng hồ sau, nội cổng của trại giam mở, một tốp cai tù độ 4, 5 tên đi vào, tên đi đầu có cầm một cuốn sổ khá lớn, bọn chúng đi thẳng tới nhà giam nữ và dừng lại trước cửa, sau đó cửa sắt được mở và chúng bắt đầu gọi tên những người bị chuyển trại, đây là giây phút lo sợ nhất của tù nhân, ai ở lại, ai đi được quyết định vào lúc này (ở lại thì có hy vọng được về còn nếu bị chuyển đến trại tù lao động thì ngày về là vô vọng bởi vì họ là những người tù không án).

Tôi vì đứng ở xa nên không nghe được mà chỉ thấy từng cô bị gọi tên bước ra khỏi phòng giam, ngồi xếp hàng trước cai tù và Nàng là người số 8 bước ra khỏi phòng.

Vẫn bộ đồ bà ba trắng như mọi ngày, tay xách chiếc xắc nhỏ, vừa bước ra khỏi cửa ánh mắt đầu tiên của nàng là hướng về cây mù-u, thấy nàng bước ra, tôi như người mất hết sức lực, vội dựa vào gốc mù-u để đứng cho vững, chăm chú nhìn nàng bước ngang qua hai tên cai tù và đến ngồi sau lưng cô bạn tù ra trước. Vì vướng những người tù ra trước và bọn cai tù nên tôi không thể thấy được gương mặt của nàng sau khi Nàng ngồi xuống mà chỉ thấy tay phải của nàng chốc chốc lại dùng ngón tay trỏ viết viết mấy chữ gì đó trên mặt đất, tôi biết Nàng cố viết để cho tôi đọc nhưng vì quá xa nên tôi không đoán ra được Nàng muốn nhắn lại điều gì.

Cuộc điểm danh kéo dài độ 30 phút, sau đó chúng đóng cửa phòng, bắt các cô đứng dậy xếp hàng một, đếm lại một lần nữa trước khi dẫn họ ra chiếc xe GMC đậu sẵn trước nội cổng của trại giam. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng hai đứa chúng tôi được thấy nhau gần nhất, ánh mắt u buồn tuyệt vọng của nàng nhìn tôi, khi đoàn người đi ngang qua cây mù-u đã vĩnh viễn theo tôi trong suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời. 

Như có một linh tính, sau khi nàng vừa khuất sau cánh cửa sắt của trại, tôi vội chạy vào con đường luồng đi vệ sinh để đến phía sau phòng giam của nàng, tôi mừng rỡ khi thấy trong hố đựng phân phía sau của phòng nàng có một mảnh giấy học trò gấp đôi chìm trong phân và nước, biết đó là thư của nàng để lại cho tôi, tôi vội nhặt lên và bỏ nhanh vào túi áo bất kể nó dơ dáy như thế nào. Sau đó tôi giả vờ đi vệ sinh và dùng nước trong nhà cầu để rửa sạch bức thư. Trong thư nàng chỉ viết vỏn vẹn có mấy câu như sau (nguyên văn)

Anh,

Em vì không chịu làm vợ của công an phường nên bị vu vạ là gái mại dâm và bị bắt đi cải tạo phục hồi nhân phẩm. Nếu không giải được oan nhục này em sẽ chết.

Mộng được đi thăm nuôi anh chắc không thành, mong anh giữ gìn sức khỏe, vĩnh biệt anh.

Yêu anh - Em.

Đọc xong thư, như người mất hồn, tôi vội chạy ra nơi nội cổng của trại giam hy vọng được nhìn thấy nàng lần cuối, nhưng đối diện với tôi là tấm cửa sắt đóng kín mít lạnh lùng và cặp mắt xoi mói, hung ác của tên cai tù trên vọng gác đã trả tôi về với thực tại thân phận của một tù nhân. Để tránh sự nghi ngờ của tên cai tù trên vọng gác tôi vội rẻ hướng đi về phía nhà bếp, giả vờ xin nước sôi để chế mì gói và đi trở về phòng của mình.

Công việc đầu tiên sau khi tôi trở về phòng là dùng ly nước xin ở nhà bếp để rửa bức thư của nàng thêm một lần nữa, lấy áo thấm cho thật khô và cất nó vào giữa lớp áo quần mang theo của tôi. Đây là kỷ vật duy nhất của nàng để lại cho tôi, tôi không thể mất nó như đã mất nàng. Sau đó tôi lân la qua khu A dò hỏi về chuyến đi của nàng thì được biết nàng bị chuyển lên trại tù Tiên Lãnh thuộc huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam/Đà Nẵng. Từ đó mặc dầu trong hoàn cảnh cá chậu chim lồng nhưng tôi vẫn hy vọng sẽ có một ngày tôi được đoàn tụ với nàng hay ít nhất là biết được tin tức của nàng.

Vào khoảng tháng 3 năm 1976 tôi bị chuyển lên trại tù An Điềm thuộc quận Thượng Đức, Tỉnh Quảng Nam/Đà Nẵng, trước khi đi, vấn đề lo lắng nhất của tôi là bức thư của nàng, tôi biết chắc rằng qua mỗi lần chuyển trại, khi đến trại mới tù nhân bị lục soát rất kỹ dù một cây kim cũng không lọt qua được những cặp mắt cú vọ của cai tù, phương pháp tốt nhất là cứ bày ra cho họ thấy để họ không để ý đến thì mới lọt qua sự kiểm tra của họ được, nghĩ vậy nên tôi liền chặt đôi tán đường đen sẵn có, dùng lá thư của nàng gói một mửa tán, trước đó tôi không quên làm nhàu bức thư và lấy nước thấm ướt tán đường để màu vàng của đường thấm vào bức thư làm cho bức thư giống như một tấm giấy cũ thông thường được gói bởi người bán đường khi gia đình tôi mua nó để đi thăm nuôi. Nhờ phương pháp này mà tôi đã giữ được bức thư sau không biết bao nhiêu cuộc tra xét của cai tù trong suốt 12 năm 6 tháng cho đến ngày về.

Lên trại tù An Điềm chưa được bao lâu thì đến khoảng tháng 7 năm 1976 tôi bị đưa lên trại Tiên Lãnh để học chính trị cùng với một số bạn tù khác. Lúc đó tôi nghĩ rằng đây là dịp may hiếm có để tôi có thể gặp được nàng nhưng định mệnh thật khắt khe đối với tôi, với chuyến đi này tôi biết tôi đã mất nàng vĩnh viễn, hai chữ "vĩnh biệt" mà nàng đã viết trong thư trước đây, khi nàng rời trại tù Kho Đạn ở chợ Cồn cứ nhảy múa trước tôi hằng đêm, mỗi khi tôi nhắm mắt cố dỗ giấc ngủ của mình.

Số là sau hai tuần ở Tiên Lãnh, trong những lần đi chuyển củi về cho trại tù tôi đã tìm ra được khúc sông mà các nữ tù nhân ở phân trại nữ thường hay ra tắm, trong một lần chuyển củi ngang qua đây, nhìn xuống các cô đang tắm tôi thấy được cô bé Chim Xanh trong bọn họ, khi đi gần đến bờ sông cách bọn họ độ 5 mét tôi giả vờ vấp té và làm cho mặt mình lấm đất để đến bờ sông rửa mặt. Trong lúc rửa mặt tôi hỏi cô bé liên lạc viên (cô đã nhận ra tôi và lội đến gần hơn):

Chị Nguyêt đâu?
Cô ấy trả lời:
Chị Nguyệt đã uống Cloroquin tự tử chết rồi! ba tháng sau khi lên đây. Trong lòng bàn tay của chị có tên anh.

Nói xong cô ấy vội lội ra xa và quay mặt lại nhìn tôi với dòng nước mắt. Mọi thứ trước mặt tôi trong lúc đó bỗng chập chờn, mờ nhạt chỉ còn lại hình ảnh hư ảo của một cô gái thon cao, mặc nguyên bộ đồ bà ba trắng, một tay chải mái tóc dài và một tay nhè nhẹ vẫy về phía tôi, Biết là mơ, tôi vội vén vạt áo tù lên lau vội khuôn mặt đầy nước của mình, chậm rãi đi về phía cây củi, vác nó nên và đi về trại. Chưa bao giờ có một vật nào đè nặng trên vai tôi như cây củi ngày hôm đó.

Chiều hôm đó tôi chỉ ăn một nữa phần cơm của tôi, nữa kia tôi bỏ vào trong cái lon Guizgo cất ở đầu nằm, đến tối sau khi họp hò kiểm điểm xong, đèn trong phòng đã tắt, trước khi đi ngủ tôi lấy xấp áo quần có bức thư của nàng bên trong để trên đầu nằm, sau đó để lon cơm và nửa tán đường kế bên, lấy ánh trăng Thu xuyên qua khung cửa tù làm đèn, lấy tiếng gió rừng rít qua mái nhà tù làm lời khấn để cầu nguyện cho nàng và thiếp đi theo dư âm tiếng hát của nữ ca sĩ Mai Hương từ một nơi xa xôi nào đó vọng về:

Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau 
phong thư ngào ngạt hương 
Nét bút đa tình lả lơi 
Nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng 
Chờ đến kiếp nào 
Tình đầu trong gió mùa 
Người yêu ơi 
Em nay về đâu? 
Phong thư còn đây 
Nhớ nhau tìm trong ánh sao
.....................................
Nhớ tới ngày nào cùng bước đến cầu 
Ngồi xõa tóc thề 
Còn đâu ân ái chăng người xưa?(*)

Đến khoảng cuối tháng 9/1976 tôi bị chuyển về lại trại tù An Điềm và ở đó cho đến ngày ra tù vào cuối tháng 7/1987.

Tháng 6/1988 tôi từ Huế ra Hải Lăng/Quảng Trị để đi vượt biên bằng ghe đánh cá, chuyến vượt biên này không thành, ghe chạy gần đến đảo Hải Nam thì bị chết máy, trôi lênh đênh giữa biển 5 ngày và cuối cùng dạt vào bờ biển Đồng Hới ngay trước đồn công an. Trong khi chờ công an Đồng Hới ra kéo tàu vào bờ, tôi suy nghĩ thật nhiều về bức thư của Nàng, tôi biết lần này bọn công an sẽ lục soát rất kỹ kể cả bắt người phải hả họng, lè lưỡi hoặc cởi áo, cởi quần để chúng khám vào chỗ kín với mục đích tìm vàng của người vượt biên mang theo, tôi cũng không muốn đốt hoặc xé bỏ bức thư vì làm như thế là có lỗi với Nàng và xem như khai tử mối tình của Nàng và tôi, cuối cùng tôi quyết định lấy bức thư của Nàng gói tấm thẻ bài của tôi (là hai kỷ vật độc nhất tôi đem theo khi đi vượt biên) buộc lại bằng một sợi giây sắt nhỏ sau đó thả xuống biển với hy vọng đại dương bao la và sâu thẳm sẽ vĩnh viễn che chở cho mối tình của hai đứa.

Hôm nay gần 40 năm sau, tôi ngồi viết những dòng chữ này như một phần để thực hiện lời hứa đối với nàng trong những ngày đầu thương nhau:

Oan này anh rửa cho em
Tình này anh sẽ theo em suốt đời
Nguyệt ơi!
Bởi vì em là Nguyệt
Nên có chuyện mù-u
Bởi vì em là Nguyệt
Nên có tình thiên thu.

Ai đem Trăng nhốt vào tù
Để anh dựa gốc mù-u* một đời
Thương nhau không nói thành lời
Nhìn nhau tím cả một trời xa nhau
Em ơi, thương nhớ không màu
Làm sao đếm được sắc màu nhớ thương
Từ em lệ mắt còn vương
Tim anh đã biết sầu thương một người
Từ em mười chín đôi mươi
Tim anh đã biết đầy vơi tình người
Vắng em anh chết nụ cười
Vắng em anh mất dáng người trăm năm
Đêm sâu nơi chốn em nằm
Cỏ cây hoa lá về thăm mộ nàng
Anh từ tàn cuộc khăn tang
Phủ lên nấm mộ em tàn ước mơ
Bao giờ cho đến bao giờ
Tình em trở lại bến bờ nhân gian
Bao giờ cho đến bao giờ
Tình anh mới hết đợi chờ kiếp sau.

Em ơi sao chẳng chờ nhau
Để anh sống với nỗi đau nghìn trùng.

10/04/2014



___________________________________


(*) Lá Thư - Nhạc và lời của Đoàn Chuẩn Từ Linh.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo