Cuộc Cách mạng Dù Hồng Kông và đàn ong mật - Dân Làm Báo

Cuộc Cách mạng Dù Hồng Kông và đàn ong mật

Hồ Phú Bông (Danlambao) - "...Hiện tại chính quyền Hồng Kông đã dùng bọn “Tàu lạ” dọn dẹp những rào cản trên đường phố và coi như đã “thành công”, cho dù trước đó họ đã thí nghiệm việc dùng bọn xã hội đen Tam Hoàng từ lục địa qua, với mục đích tạo hỗn loạn, bị phát hiện, và bị tác dụng ngược. Vì thế đưa đến việc họ đề nghị thương thuyết với sinh viên vào Thứ Sáu 10/10, rồi lại tự hủy bỏ khi nhìn thấy chỉ còn lại vài trăm bám trụ, vì đa số người biểu tình tin vào lời hứa của chính quyền nên về nhà. Một chính quyền mà dùng thủ đoạn để bội tín liệu có thể khuất phục được dân không? Khi một chính quyền dễ dàng thất hứa như vậy thì liệu có còn đủ chữ Tín để người dân cộng tác trong tương lai? Trong trao đổi, tâm tình người trẻ Hồng Kông rất thẳng thắn, bộc bạch. Họ cho biết rất sợ bạo lực và nếu cảnh sát dùng bạo lực thì họ sẽ bỏ chạy! Nhưng bỏ chạy chứ không bỏ cuộc! Lúc đang căng thẳng họ đã chuyền tay câu viết: “Nếu chúng ta rời ngày hôm nay, chúng ta sẽ nô lệ suốt đời” hay “Họ không thể giết hết chúng ta” đã nói lên phần nào sự kiên trì của người biểu tình!..."

*

Mờ sáng, ra lượm tờ báo ở trước sân, hình ảnh đập ngay vào mắt là chiếc tổ ong với những con ong mật bụ bẫm đang bâu kín, chứ không phải là những đề tài thời sự nóng bỏng như nhiễm virus Ebola, kinh tế, chính trị… lấy làm lạ nên tôi đọc tin nầy trước. 

Bà Rebecca Conroy mặc áo dài tay, đội nón có mạng che, thò tay vào lấy một cái khung gỗ có tổ ong mật thuộc đàn ong khoảng 400.000 con mà bà đang nghiên cứu. Trong ánh mắt bà đang nói lên nỗi lo. Những chú ong mật nâu vàng với những sọc đen ngang thân, nhỏ hơn đầu ngón tay út, vẫn nhúc nhích mê mãi công việc. Đôi cánh rung rinh phản chiếu ánh mặt trời chiều, lóng lánh như những mảnh vỡ kim cương vàng nhạt thiên nhiên. Bà lật qua lật lại khung gỗ chứa tổ ong mà đàn ong vẫn bâu kín như không hề biết có bàn tay người đang đụng đến. Một vài con chết, rơi xuống. Bà cố tìm 2 con ong chúa trong cái tổ nầy nhưng chưa thấy. Vội lấy những khung gỗ khác, những tổ ong khác thì vẫn còn. Bà lo lắng về sự thiệt hại của đàn ong. Nỗi lo của bà là các nông trại địa phương đã phun thuốc trừ côn trùng với liều mạnh hơn, làm ảnh hưởng đến môi trường sống, nên những chú ong đi nhặt nhạnh phấn hoa không chết ngay tại chỗ mà còn đủ sức tha về, rồi chết. Còn những chú ong có nhiệm vụ khác vẫn miệt mài trong kiến trúc kỳ diệu của một xã hội nhỏ, đã được phân chia công việc một cách kỳ diệu trong yên lặng. Những ô hình lục giác có ong chết giống hệt nhau, màu nâu nhạt, đang trơ ra. 

Nhìn những ô hình lục giác đều cạnh bất chợt tôi liên tưởng đến những chiếc dù ở Hồng Kông đang dương ra chống lựu đạn cay với nhiều thông điệp về tự do ứng cử, bầu cử viết trên đó. 

Thế giới đã kinh ngạc trước cuộc Cách Mạng Dù ở Hồng Kông vì tính trật tự, ngăn nắp và đặc biệt là ôn hòa, đến độ vô cùng nhã nhặn, của người tham dự. Yếu tố gây xúc động mạnh vì họ là những học sinh Trung học, sinh viên Đại học còn rất trẻ. Trẻ đến không ngờ, mới 17 tuổi, như anh Joshua Wong, là một trong số lãnh đạo! Qua rừng thông tin vẫn không biết ai là chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký, phụ trách nội vụ, ngoại vụ… nhưng bộ máy điều hành được tổ chức tỉ mỉ không khác gì của xã hội loài ong!

Tôi có cảm tưởng nếu gọi tên ai đó là chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký, ngoại vụ, nội vụ… thì có thể đã xúc phạm đến họ! Với một tâm hồn trong trắng, môt trái tim mẫn cảm thời cuộc, tài sản là túi đeo sau lưng chứa sách vở học trò, họ xuống đường nhưng có một số còn tranh thủ làm bài cho kịp. Việc nầy cho thấy họ tham dự tranh đấu không vì chức vị, không vì tiếng tăm, không vì cá nhân. Điều quan trọng nhất là họ tranh đấu không phải để lật đổ chính quyền! Nhưng, rõ ràng, một thông điệp rất rõ ràng, là vì quyền lợi của tất cả người Hồng Kông phải được ứng cử, bầu cử tự do. 

Cho nên bước chân trên đường phố của họ là bước chân của tương lai Hồng Kông!

Không ai có quyền bắt buộc người khác phải chọn lựa người mà chế độ đã chọn sẵn, “Đảng cử dân bầu”. Quyền được sống là quyền thiêng liêng không ai có thể chiếm đoạt, cho dù có nhân danh bất cứ lý do nào. Chính sự trong sáng của tuổi trẻ đã phá vỡ mọi định kiến, phe phái, quan điểm, tuổi tác, nên được đa số người Hồng Kông ủng hộ. 

Khởi đầu chỉ một nhóm nhỏ, đứng trong vòng tròn trước Khu trung tâm Hành chánh, bị cảnh sát cô lập. Rồi bị trấn áp bằng lựu đạn cay, bắt mấy người lãnh đạo. Hành động nầy đã đánh động dư luận và người Hồng Kông cùng xuống đường! Đỉnh điểm có cả trăm ngàn trên dân số 7 triệu là một tỉ lệ không thể ngờ đến. Cứ tưởng tượng với dân số Việt Nam là 90 triệu mà theo tỉ lệ nầy thì sẽ là bao nhiêu? Và, với con số nầy mà bạo động kiểu Bình Dương, Vũng Áng, như âm mưu hung hiểm bí mật của “ai đó” chủ trương hồi tháng Năm vừa qua, thì xã hội sẽ ra sao?

Để đối phó, Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh của Hồng Kông lại dở trò dùng luật pháp để “ổn định xã hội”. “Vi phạm luật pháp” là thứ ngôn ngữ quá quen thuộc của các chế độ độc tài trưng ra để đàn áp. Nhưng ở đây là thứ luật pháp nào? Văn kiện mà Bắc Kinh đã ký với chính phủ Anh khi nhận lại Hồng Kông, năm 1997, là “một nước hai chế độ” không phải là luật pháp quốc tế còn hiệu lực? 

Hiện tại chính quyền Hồng Kông đã dùng bọn “Tàu lạ” dọn dẹp những rào cản trên đường phố và coi như đã “thành công”, cho dù trước đó họ đã thí nghiệm việc dùng bọn xã hội đen Tam Hoàng từ lục địa qua, với mục đích tạo hỗn loạn, bị phát hiện, và bị tác dụng ngược. Vì thế đưa đến việc họ đề nghị thương thuyết với sinh viên vào Thứ Sáu 10/10, rồi lại tự hủy bỏ khi nhìn thấy chỉ còn lại vài trăm bám trụ, vì đa số người biểu tình tin vào lời hứa của chính quyền nên về nhà. 

Một chính quyền mà dùng thủ đoạn để bội tín liệu có thể khuất phục được dân không? 

Khi một chính quyền dễ dàng thất hứa như vậy thì liệu có còn đủ chữ Tín để người dân cộng tác trong tương lai?

Trong trao đổi, tâm tình người trẻ Hồng Kông rất thẳng thắn, bộc bạch. Họ cho biết rất sợ bạo lực và nếu cảnh sát dùng bạo lực thì họ sẽ bỏ chạy! Nhưng bỏ chạy chứ không bỏ cuộc! Lúc đang căng thẳng họ đã chuyền tay câu viết: “Nếu chúng ta rời ngày hôm nay, chúng ta sẽ nô lệ suốt đời” hay “Họ không thể giết hết chúng ta” đã nói lên phần nào sự kiên trì của người biểu tình! 

Thời Hồng Kông còn là thuộc địa của Anh đã không xảy ra sự lật lọng của chính quyền và chính Anh đã tôn trọng sự cam kết nên mới đồng ý trao trả Hồng Kông, một Hồng Kông văn minh và thịnh vượng! Như vậy làm dân Thuộc địa thì học được chữ Tín còn làm dân của một nước Độc lập, như Tàu cộng, lại học bài học về sự Bội tín! Vì thế, ngay thời điểm sắp bàn giao Hồng Kông 17 năm về trước, người Hồng Kông đã ồ ạt rời bỏ quê hương, tránh xa cộng sản, điều nầy cho biết con người muốn có Tự do Hạnh phúc đã chọn lựa chế độ nào!

Nhưng người Hồng Kông hiện tại có tuyệt vọng không? Chắc chắn là không! 

Yếu tố then chốt là giới trẻ Hồng Kông đã đánh động được dư luận, không phải chỉ riêng cho người Hồng Kông mà cho toàn thế giới: Chế độ cộng sản là thủ phạm phản nhân tính, là thủ đoạn, là bội tín, là đi ngược lại bản chất tự nhiên của con người. 

Về thủ đọan và bội tín thì đã hiển nhiên, không cần bàn cãi. Còn bản chất tự nhiên xin tạm cô đọng 2 điều:

Bản chất đầu tiên là quyền được tự do học hỏi. Không ai có quyền nhồi sọ tuổi trẻ như chủ trương nhồi nhét chính trị vào học đường của chế độ cộng sản. Nhóm trẻ Joshua Wong đã thắng trong hai năm trước đây khi buộc Tàu cộng phải rút lại chủ trương đó.

Bản chất thứ hai là quyền được Bình đẳng, Dân chủ và Tự do. Chính nhờ dân chủ tự do, dù đã và đang bị bào mòn sau khi Anh trao trả Hồng Kông, được cọ xát với thực tế cộng sản, đã tạo ra một lớp trẻ năng động, đầy trách nhiệm và dám đứng ra làm chuyện “châu chấu đá xe”. Tuổi trẻ Hồng Kông đã đánh bật gốc quan niệm về người lãnh đạo chính trị cần phải trọng tuổi, có bằng cấp, có địa vị xã hội… Và, họ đã thực hiện được một cuộc xuống đường ôn hòa, gần như là hoàn hảo, theo tổ chức của xã hội loài ong. 

Có thể xem đây là cuộc đối dầu giữa công lý và bạo lực. Giữa niềm tin, nỗi sợ hãi và ước vọng. 

Những tâm hồn trẻ kết hợp với kỹ năng sáng tạo vượt bậc như vậy thì không thể thất bại. Hồng Kông được may mắn làm cánh chim đầu báo hiệu bình minh ngay giữa cơn bão dữ cộng sản mà Tập Cận Bình đang trùm chụp lên Hoa lục.

Vì ảnh hưởng môi trường độc hại làm một số ong tìm phấn hoa bị chết nhưng những con ong khác thì vẫn tiếp tục, miệt mài với nhiệm vụ, và con ong chúa vẫn còn đó. Con Ong Chúa chính trị hôm nay, không phải riêng cho Hồng Kông, mà cho tất cả xã hội người bị trị là Công bằng, Dân chủ và Tự do. Con Ong Chúa nầy đang tồn tại. Vẫn tồn tại. Không phải tồn tại mà là đang tiếp tục phát triển mạnh. Đây chính là lý do những người tranh đấu cho Nhân Quyền, dù hiện tại có gặp khó khăn, có bị rơi rớt dọc đường như những chú ong tìm phấn hoa, nhưng số còn lại vẫn kiên trì gây dựng và phát triển, đã là xu hướng tất yếu của thời đại. 

Cho nên chung cuộc, người Hồng Kông nhất định sẽ chiến thắng!

Những chiến sĩ cho Nhân Quyền tại Việt Nam cũng thế!

Yêu tố bình tĩnh, kiên trì, không để lòng thù hận chiếm giữ trái tim và khối óc sẽ giữ được sự sáng suốt trên hành trình thực hiện mơ ước. 

(Oct 14th, 2014)




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo