Các quân nhân đang bị tước đoạt rất nhiều quyền theo quy định của Hiến pháp, nhất là quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Đây là điều trái với tự nhiên và lẽ công bằng. Nhiều quân nhân cho biết khi họ bối rối lương tâm, họ cần linh mục, mục sư hay một nhà chân tu nào đó để có thể giải bày...
*
Thông cáo báo chí
Quân nhân có quyền thực hành tôn giáo khi đang tham gia nghĩa vụ quân sự (tại ngũ)
Điều 24 của Hiến pháp 2013 viết:
"1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật".
Bất chấp những quy định của quốc tế và Hiến pháp Việt Nam, những người lính ở Việt Nam đang không được thực hành tôn giáo trong quân ngũ.
Chương VII của Luật Nghĩa vụ quân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2005, bàn về Nghĩa vụ, quyền lợi của quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và dự bị, đã không bàn gì đến quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo cho quân nhân. Trong các luật khác liên quan đến quân đội hiện nay cũng không có luật nào có điều khoản quy định cho phép quân nhân được thực hành tôn giáo khi đang tại ngũ.
Như vậy, các quân nhân đang bị tước đoạt rất nhiều quyền theo quy định của Hiến pháp, nhất là quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Đây là điều trái với tự nhiên và lẽ công bằng. Nhiều quân nhân cho biết khi họ bối rối lương tâm, họ cần linh mục, mục sư hay một nhà chân tu nào đó để có thể giải bày.
Chúng tôi sẽ đẩy mạnh dự án này, yêu cầu Ông Chủ Tịch Nước phải lên tiếng bảo vệ Hiến pháp, để các quân nhân được tự do thực hành tín ngưỡng, tôn giáo; Yêu cầu quý đại biểu Quốc Hội phải đưa những điều luật nhằm tạo cơ hội cho quân nhân được thực hành tôn giáo ngay khi tại ngũ; Yêu cầu Ông bộ trưởng Bộ quốc phòng thúc đẩy Quốc Hội biên soạn và thông qua các đạo luật nhằm bảo vệ quyền thực hành tôn giáo trong quân ngũ cho những người lính Việt Nam; Yêu cầu Ông báo cáo viên về Tự do tôn giáo của Liên Hiệp Quốc đưa vào báo cáo tình trạng quân nhân đang bị tước đoạt quyền thực hành tôn giáo trong quân ngũ, ngay cả thời bình.
Những nước có quân đội hùng cường luôn chăm sóc tốt cho đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của các quân nhân. Tại Hoa Kỳ, Chính phủ đã thuyết phục được Tòa thánh Vatican chấp nhận thành lập cả một Tổng giáo phận quân đội theo nguyên tắc tòng nhân, với nhân sự gồm nhiều Đức giám mục, linh mục làm tuyên úy, sẵn sàng đáp ứng nhu cần tôn giáo cho các quân nhân Công giáo. Đối với Tin Lành và các tôn giáo khác cũng có những cơ chế tương tự.
Với tư cách là một tổ chức xã hội dân sự, Hội Bảo vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo chúng tôi kêu mời sự quan tâm của Quý vị, các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm và lên tiếng cùng chúng tôi để những nhà hữu trách phải có hành động cụ thể.
Giúp các quân nhân thực hành tôn giáo là cách huấn luyện lương tâm ngay lành cho các quân nhân và gia tăng sức mạnh tâm linh cho họ, nhờ đó, các quân nhân sẽ trở nên dũng cảm hơn và dấn thân hết lòng hôn cho tổ quốc.
Trân trọng.
Sài Gòn, ngày 09 tháng 10 năm 2014
Điều Phối Viên Dự Án: Maria Hà Thị Vân
Liên hệ: quyentongiao@gmail.com
Điện thoại: +84 962 303 000
*
Vài điều về APFOR - Hội Bảo vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo
APFOR được thành lập từ đầu năm 2014, theo điều 24 và 25 của Hiến pháp 2013. Những quy định trái với các điều này đều không còn hiệu lực. Được biết trong thời gian vừa qua, APFOR đã đều đặn có những báo cáo hàng quý về các vi phạm tự do tôn giáo của các cơ quan thuộc hệ thống chính phủ, nhiều nhất là công an. Hiện APFOR là thành viên các Tổ chức xã hội dân sự Việt Nam, là đối tác của Văn phòng Báo cáo viên về tự do tôn giáo của LHQ và Văn phòng cào ủy Nhân quyền LHQ ở Đông Nam Á đặt tại Thái Lan. APFOR có hội viện hoạt động công khai tại Hà Nội, Nghệ An, Đồng Nai, Sài Gòn, Cần Thơ và Trà Vinh.