Danlambao - Nhiều người có vẻ như là rất bất bình khi NXB Lao động - Xã hội phô-tô-sóp hình của diễn viên hài Công Lý mặc độc chiếc... khố làm hình bìa cho cuốn sách Bộ luật Dân sự và Văn bản Hướng dẫn thi hành 2014.
Tại sao bất bình, xem đó là phản cảm!?
Tại sao không xem đây là một phản ảnh chính xác nhất về cái rừng luật của luật rừng cộng sản Việt Nam?
Khi nói đến công lý, biểu tượng đã trở thành phổ quát của nhân loại từ nhiều ngàn năm qua là một người phụ nữ; tay trái cầm cân - nói lên sự công bình trong pháp lý; tay phải cầm thanh gươm - tượng trưng cho sức mạnh quyền lực của lý lẽ và công lý, mắt bị bịt lại bởi một tấm khăn - thể hiện tính vô tư không phân biệt đối tượng giàu nghèo, vị trí xã hội... Tất cả làm nên hình ảnh của "Nữ Thần Công Lý".
Biểu tượng công lý trên, với tất cả những ý nghĩa của "Nữ Thần Công Lý", không thể nào áp dụng cho nền công lý và pháp luật tại nước CHXHCNVN. Phải chăng chính vì thế mà NXB Lao động - Xã hội đã dùng diễn viên HÀI, mang tên CÔNG LÝ để làm biểu tượng cho một cuốn sách hướng dẫn về luật pháp của nước CHXHCNVN?:
Đứng dưới huy hiệu của CHXHCNVN, dưới cái gọi là Bộ luật Dân Sự là một tên "Hề Công Lý".
Không còn gì thích hợp hơn!
Một "Nữ Thần Công Lý" không thể nào thích hợp để làm biểu tượng như tên "Hề Công Lý" với mảnh khố che... - tượng trưng cho trần truồng hoang dã; vai u thịt bắp - đầy sức mạnh côn đồ trấn áp; hai tay cầm cân - tay nào muốn đưa cao, tay nào muốn hạ thấp thì tuỳ nghi; đứng trên cầu lửa - trong vùng địa ngục đỏ đầy máu lửa; và cười toe toét - rất hề.
Biểu tượng "Hề Công Lý" trên mới đích thực là biểu tượng chính xác nhất, thích hợp nhất để nói lên toàn bộ bản chất của nền công lý và luật pháp nước CHXHCNVN.
Nhà Xuất Bản Lao Động - Xã Hội đã làm một điều đúng: phản ảnh đúng bản chất của nền công lý và pháp luật của chế độ CSVN.