Ngạc nhiên với “Hão huyền nhân gian” - Dân Làm Báo

Ngạc nhiên với “Hão huyền nhân gian”

Tâm Don (Danlambao) -Tôi yêu văn chương từ nhỏ. Tôi yêu vô cùng tận câu nói của ai đó: Thơ ca không thể làm thay đổi cuộc sống được nhưng thơ ca có thể giúp cuộc sống dễ chịu hơn trong những hoàn cảnh ngột ngạt và tù túng. Văn chương đã ngấm vào máu thịt tôi cho dù nghề của tôi chẳng gắn bó với văn chương chút nào cả. Vì yêu văn chương và thơ ca, thỉnh thoảng tôi vẫn sục tìm trên mạng để đọc những bài thơ hay, những tác phẩm “có vấn đề” và dĩ nhiên là bị cấm.

Quả thật, trên mạng là một không gian văn chương- kho tàng văn chương độc đáo và mới lạ, hoàn toàn khác với văn chương được các nhà xuất bản ở Việt Nam phát hành.

Vào một ngày đẹp trời cuối tuần, tôi đã bắt gặp và đã thật bất ngờ với bài thơ “Hão huyền nhân gian” của một tác giả vô danh. Đọc xong bài thơ, và đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ này, tôi thực sự sửng sốt. Bài thơ hay quá, lạ quá, và cũng đẹp quá. Câu từ của bài thơ quá dung dị nên rất mượt mà, tứ thơ độc đáo nên gợi lên nhiều suy nghĩ trí tuệ.

Hão huyền nhân gian

(Tặng người tình lầm lạc)

Tình cờ gặp Marx- Lenin
Một đêm say rượu thất tình đi hoang
Hóa ra các cụ lang thang
Không nương tựa dưới suối vàng từ lâu

Trần gian đập tượng bể đầu
Âm phủ đã ngán bể dâu bạo quyền
May nước Việt còn công viên
Cho tôi gặp được hão huyền nhân gian.

Tôi là người không yêu thích thể thơ lục bát cho lắm. Trong quan niệm của tôi, Nguyễn Du, Nguyễn Bính và Nguyễn Duy là những đỉnh cao chói lọi của thể thơ lục bát, và bao nhiêu tinh hoa của thể thơ này đã được ba nhà thơ họ Nguyễn khai thác hết. Vì vậy, những người viết thơ lục bát sau này đã không có bất cứ sáng tạo nào, cách tân nào. Thế nhưng, bài thơ lục bát “Hão huyền nhân gian” lại là một câu chuyện khác về vẻ đẹp của câu thơ lục bát.

Bài thơ mở đầu bằng hai câu thơ được viết rất tự nhiên, rất điềm tỉnh trong tâm thế của một người đưa tin trần trụi:

Tình cờ gặp Marx- Lenin
Một đêm say rượu thất tình đi hoang

Câu thơ gợi cho người đọc một sự cảm thông và chia sẻ với những người “thất tình đi hoang” đó là Karl Marx và V.I Lenin, hai ông tổ của một chủ thuyết đỏ thắm màu máu. Tác giả kể chuyện nhưng vẫn lạnh lùng đưa ra nhận định võ đoán: “một đêm say rượu” “thất tình đi hoang”. Câu thơ hay ở chỗ kết hợp nhuần nhị giữa sự lạnh lùng khách quan và trầm tĩnh võ đoán.

Và nhà thơ chợt bừng tỉnh nhận thức khiến cho hai câu thơ tiếp theo chợt bừng tỉnh đến mức sáng chói:

Hóa ra các cụ lang thang
Không nương tựa dưới suối vàng đã lâu.

Âm điệu của câu thơ thật hay bởi chữ “hóa ra” - có nghĩa là: thật ra, nguyên nhân dẫn đến. Khi dùng chữ “hóa ra”, nhà thơ đã tạo cho câu thơ một sự ngạc nhiên, ngơ ngạc về một sự thật cay đắng.

Lý do nào khiến hai cụ tổ phải “lang thang”, “không nương tựa”?

Trần gian đập tượng bể đầu
Âm phủ đã ngán bể dâu bạo quyền.

Lời giải thích của nhà thơ dựa vào lý trí hay dựa vào cảm nhận và suy đoán? Khi trần thế đã không dung túng cho cái ác thì âm phủ cũng chẳng dung chứa lầm lạc. Câu thơ hay ở chỗ nêu lên được một triết lý thâm sâu bằng những hình tượng gần gũi và thân thiết.

Thơ ca là nhân bản và bao dung, và hai câu kết của bài thơ thấm đượm nhân bản và bao dung:

May nước Việt còn công viên
Cho tôi gặp được hão huyền nhân gian.

Câu thơ trầm mặc một vị mỉa mai cay đắng, và trong sự trầm mặc đó hiện hình lên một ngộ thức mạnh mẽ được xác định cho hai đối tượng mặc định “hão huyền nhân gian”.

Ai là tác giả của bài thơ lục bát “Hão huyền nhân gian”? Hãy lên tiếng đi! Để làm gì? Để làm gì... ai biết không?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo