Lâm tặc, Đô tặc hay... Tài tặc? - Dân Làm Báo

Lâm tặc, Đô tặc hay... Tài tặc?

Xuân Dương (Giaoducvietnam) - Những kẻ chặt phá rừng trái phép thường được gọi là “Lâm tặc”, thế còn những người chặt hạ cây xanh Thủ đô thì gọi là gì? Người ta không phá rừng ở Việt Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn hay Tây Nguyên nên không phải là lâm tặc, người ta chỉ triệt hạ cây xanh giữa Thủ đô nên chỉ có thể gọi họ là “Đô tặc”.  Nhưng mà gọi là “Đô tặc” thì dễ nhầm lẫn là người ta phá cả nhà cửa, đường xá... vậy hợp lý nhất nên gọi họ là “Tài tặc”. Chữ “Tài” trong “Tài tặc” có hai nghĩa, thứ nhất là “tài” điều khiển và thứ hai những người “tài” bị điều khiển. 

*

Người ta thường nói màu xanh là màu hy vọng, cũng như màu tím tượng trưng cho sự thủy chung, màu đỏ là màu nhiệt huyết...

Hủy diệt cây xanh tức là hủy diệt sự sống, cũng có nghĩa là hủy diệt hy vọng. 

Việc chặt hạ có tổ chức, có hệ thống cây xanh ở Hà Nội khiến người dân bức xúc là lẽ đương nhiên, điều cần thiết bây giờ là dũng cảm đánh giá việc gì đúng, việc gì sai, giải quyết hậu quả, cả về phương diện môi trường lẫn chủ trương, đường lối, cả về trách nhiệm tập thể lẫn những phát ngôn và hành động của một số vị lãnh đạo thành phố trước, trong và sau khi vụ việc xảy ra.

Thứ nhất: phát ngôn của lãnh đạo

Về phía Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó ban Tuyên giáo Phan Đăng Long đã tuyên bố hùng hồn rằng “chặt cây không cần phải hỏi dân, đó là việc của chính quyền...”.


Về phía chính quyền, Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định tại cuộc họp báo ngày 20/3/2015, rằng “đây là chủ trương đúng đắn của thành phố. Việc thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, đúng các quy trình, quy định...”

Trên phạm vi quốc gia chỉ có “Luật Thủ đô” do Quốc hội ban hành. Điều 26 Luật Thủ đô quy định: “Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội số 29/2000/PL-UBTVQH ngày 28 tháng 12 năm 2000 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực”.

Với những người thị lực hơi kém hoặc không có thói quen đọc sách thì có thể nhờ người bên cạnh hoặc con cháu đọc hộ khoản 2, điều 14, Luật Thủ đô, trong đó viết: Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh...”.

Vì ông Phó Chủ tịch Hà Nội đã “long trọng” thông cáo với báo chí rằng thành phố “thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật” nên chắc chắn đó không phải là Luật Thủ đô. Nói chắc chắn vì trong luật chẳng đã nói rõ “nghiêm cấm chặt phá rừng, cây xanh” trên địa bàn thủ đô rồi còn gì?

Vậy thì việc chặt hạ cây xanh ở Thủ đô có được coi là hành vi vi phạm pháp luật? 

Chính vì ông Phó Chủ tịch thành phố khẳng định là thành phố làm đúng luật nên người dân buộc phải “ngơ ngác”, chắc là Hà Nội có luật riêng liên quan đến chuyện chặt phá rừng và cây xanh? Nếu quả có tồn tại một luật như vậy thì không biết ông Phó Chủ tịch gọi tên luật là gì? 

Nếu thấy khó chọn từ ngữ thì xin gợi ý hai cụm từ phản ánh đúng tính chất vụ việc là “Luật cây” hoặc “Luật rừng”. Chữ “Cây” ở đây là “cây” cối, “cây” xanh, không liên quan gì đến các loại cây không có lá.

Khi mà cả hai ông Phó (Ban và Ủy ban) đều khẳng định việc hạ sát cây xanh là đúng thì Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo lại ra lệnh ngừng việc chặt hạ cây. Quyết định của ông Thảo tuy hơi muộn nhưng dù sao cũng cho thấy ông đã “biết lắng nghe, biết thấu hiểu” ý nguyện của người dân.

Vấn đề tưởng đã rõ nhưng không ngờ người dân vẫn bị “choáng”, ấy là không biết ai sai, ai đúng, không biết nên ủng hộ “thiểu số” là ông Chủ tịch hay “đa số” là hai ông Phó Ban và Phó Chủ tịch? 

Căn cứ vào tuyên bố của hai “ông Phó” thì lại phải hiểu là Chủ tịch thành phố đang ngăn cản một việc làm “đúng pháp luật”, mà nếu đã thế thì hóa ra quyết định của Chủ tịch TP Hà Nội lại có dấu hiệu vi phạm pháp luật? 

Người viết thì cho rằng ông Thảo đã làm đúng trong việc ra lệnh dừng chặt hạ cây và yêu cầu kiểm điểm một số cán bộ, tuy vậy việc làm của ông Thảo vẫn chưa đủ.

Ai sai, ai đúng sẽ là việc của Thanh tra, Kiểm tra, rồi đây có thể còn là việc của Kiểm sát, tòa án. Có một điều chắc chắn đúng ấy là ban lãnh đạo Hà Nội chưa có sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành chiến dịch tổng phá cây xanh mùa xuân 2015 này.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng các “Nhà tài trợ hơi vội vàng”, còn các nhà tài trợ như ngân hàng hay một số doanh nghiệp khác thì lại đồng loạt lên tiếng, rằng họ chỉ tài trợ tiền cho thành phố chứ không tài trợ cho mục đích triệt hạ cây cối, nếu không dùng tiền vào việc chỉnh trang đô thị thì có thể dùng vào các công việc công ích khác.

Cũng cần phải nói cho rõ ngọn ngành, theo vị lãnh đạo nọ, việc triệt phá cây xanh diễn ra nhanh, gọn, quyết liệt là do “nhà tài trợ” hơi “nôn nóng”. Người ta công bố là nhân viên một ngân hàng và cán bộ chiến sĩ công an mỗi người ủng hộ từ 15.000 đến 30.000 đồng. Những người đóng góp khó mà tất cả có thể cùng lên tiếng biện minh, chẳng lẽ nhân viên ngân hàng và các chiến sĩ công an đều “nôn nóng” triệt hạ cây? Điều có thể thấy rõ là họ đang bị xúc phạm. 

Nhưng dù sao người dân cũng vẫn ngờ ngợ, chẳng lẽ ông Phó Chủ tịch thành phố lại nói nhầm, nếu quả thật ông không nhầm thì có nghĩa là thực sự có “Nhà tài trợ” nào đó nôn nóng chặt phá cây xanh. Nếu đúng như vậy thì ông Hùng nên vạch mặt, chỉ tên cho nhân dân được biết, không thể để vàng thau lẫn lộn, không thể nhân dân hiểu lầm những người có tâm với Thủ đô. 

Còn nếu không tìm được bất kỳ “người nôn nóng” nào thì liệu đã đủ cơ sở để kết luận đây là lời vu cáo, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín các chiến sĩ công an và nhân viên ngân hàng cũng như các cơ quan tổ chức đã góp tiền tài trợ? Nếu đủ cơ sở kết luận thì có cần yêu cầu người phát ngôn phải xin lỗi, rút lại lời nói, kèm theo đó có cần phải xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính? 

Vậy là đã rõ, dường như có ai đó đang muốn đổ trách nhiệm cho người khác, không phải chỉ là nhà tài trợ mà còn là về chủ trương của tập thể lãnh đạo? 

Những kẻ chặt phá rừng trái phép thường được gọi là “Lâm tặc”, thế còn những người chặt hạ cây xanh Thủ đô thì gọi là gì? Người ta không phá rừng ở Việt Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn hay Tây Nguyên nên không phải là lâm tặc, người ta chỉ triệt hạ cây xanh giữa Thủ đô nên chỉ có thể gọi họ là “Đô tặc”. 

Nhưng mà gọi là “Đô tặc” thì dễ nhầm lẫn là người ta phá cả nhà cửa, đường xá… vậy hợp lý nhất nên gọi họ là “Tài tặc”. Chữ “Tài” trong “Tài tặc” có hai nghĩa, thứ nhất là “tài” điều khiển và thứ hai những người “tài” bị điều khiển. 

Thứ hai: sự minh bạch 

Nếu “tài tặc” không phải là người có thể ra quyết định, không có tài điều khiển các “người tài” khác liệu chiến dịch tàn sát cây có được vạch ra một cách bí mật, bất ngờ và các cánh quân tấn công thần tốc như vậy? Nói là bí mật, bất ngờ vì cho đến giờ này người dân vẫn đòi hỏi sự minh bạch từ phía thành phố. 

Minh bạch thứ nhất là chủ trương này được quyết định tại cuộc họp nào, ngày nào, những “người tài” tham mưu vạch kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo “chiến dịch” này là ai, ai được giao chịu trách nhiệm chính? 

Minh bạch thứ hai là thành phố đưa ra chủ trương rồi kêu gọi tài trợ hay do nhà tài trợ gợi ý mà thành phố quyết định chủ trương? 

Minh bạch thứ ba là dự kiến ngân sách thực hiện, lúc thì 60 tỷ, lúc thì 75 tỷ, nếu không có tài trợ thì có thực hiện chặt hạ thay thế cây không?...

Minh bạch thứ tư là trong số những cây đã bị chặt hạ, có bao nhiêu cây thuộc loại quý hiếm, đặc biệt là có cây Sưa nào bị chặt hạ không? Nếu có thì số gỗ Sưa này hiện đang nằm ở đâu? Thành phố có kế hoạch phong tỏa để bọn “lái gỗ” không thể tẩu tán chưa? 

Thứ ba: cách thức xử lý khủng hoảng 

Phát ngôn không chuẩn, không trả lời các câu hỏi của phóng viên có phải là văn hóa lãnh đạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến? Tại sao chỉ mới đầu năm 2015 mà người dân thủ đô và cả nước phải nghe nhiều phát ngôn “hùng hồn” của một vài vị lãnh đạo Hà Nội như vậy? 

Trở lại vấn đề về luật, có những văn bản dưới luật như Nghị định 64/2010 quy định loại cây nào được phép chặt hạ, thay thế ngoại trừ các trường hợp bất khả kháng như bão làm đổ hay sét đánh... 

Việc chặt hạ đồng loạt cây xanh một cách có tổ chức, không phân biệt cây bệnh hay không bệnh về tình là đi ngược lại tình cảm của nhân dân Thủ đô. Chỉ có những người không gắn bó máu thịt với mảnh đất mình đang sinh sống mới không hiểu ý nghĩa của câu hát “Mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi con tàu, mỗi nhà máy, mà ta yêu, mà ta quý...”. 

Về lý việc làm này là trái một số điều khoản của Luật Thủ đô, như đã trích dẫn ở trên. 

Vậy thì câu hỏi đặt ra là hành động vừa không hợp tình, vừa có dấu hiệu vi phạm pháp luật có nên chỉ xử lý theo hình thức kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm hay phải xử lý hình sự? 

Cưa thân cây bán thớt (Ảnh trên Internet cập nhật ngày 21/3/2015) 

Dưới góc độ chuyên môn, các luật sư, các cơ quan, tổ chức bảo vệ pháp luật đã lên tiếng, nay có cần phân tích thêm dưới góc nhìn đa chiều về sự minh bạch của chiến dịch chặt hạ cây xanh này? 

Được biết ngày 22/3/2015 Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Giám đốc, Phó Giám đốc (phụ trách trực tiếp) Sở Xây dựng kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, kiểm điểm trách nhiệm các cơ quan, tổ chức có liên quan. Ông Thảo cũng yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng tạm đình chỉ công tác Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, cán bộ công chức liên quan trực tiếp trong việc thực hiện nhiệm vụ trên để phục vụ công tác thanh tra. 

Mong rằng quyết định của ông Chủ tịch thành phố mới chỉ là bước khởi động ban đầu. Hà Nội không phải chỉ kiểm điểm các cá nhân “trực tiếp thực hiện nhiệm vụ” mà phải ở cấp tham mưu, cấp ban hành chủ trương, cấp chỉ đạo thực hiện... 

Về điều này, thiết nghĩ các cơ quan bảo vệ pháp luật trung ương cần phải vào cuộc, cần phải trả lời cho người dân câu hỏi “Chủ trương và hành động đã tiến hành là của tập thể lãnh đạo thành phố hay của một số cá nhân? Việc làm đó là đúng Luật Thủ đô hay trái luật”?

Lũ “sâu đục thân cổ điển” không bao giờ lộ mặt ra ánh sáng, chúng âm thầm gặm nhấm thân cây bằng hàm răng chắc khỏe làm cây chết dần, chết mòn. Còn những “hậu duệ đột biến” của sâu đục thân cổ điển thì thay vì dùng răng lại dùng cưa máy, ô tô, cần cẩu và ngang nhiên ngoạm cây giữa thanh thiên bạch nhật, chẳng thế mà chỉ vài ngày hàng trăm (hay hàng nghìn?) cây xanh, có cả cổ thụ mấy chục năm tuổi chết như ngả rạ! 

Trong cái rủi có cái may, “nỗi đau cây xanh” đã giúp cho thấy diện mạo mới của loài “đục thân đột biến” vốn ẩn mình rất kỹ mà lâu nay dư luận vẫn “không biết nằm ở đâu”. 

“Nỗi đau cây xanh” cũng là lời cảnh tỉnh cho ai đó biết, rằng người dân luôn ý thức được vai trò của mình trong xã hội dân sự, trong một đất nước pháp quyền. Không điều gì có thể giấu được dân và cũng không ai có thể xem thường dân. Sự hiểu biết của người dân có thể khiến một vài quan chức “không vui” nhưng đó chính là động lực giúp chính quyền trưởng thành. Không nhận thức được điều đó thì chắc chắn không thể ngồi mãi đó để mà “dân thì không cần hỏi”! 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo