Lấp sông Đồng Nai: Khi chính quyền thấy... ‘không có gì ghê gớm’ - Dân Làm Báo

Lấp sông Đồng Nai: Khi chính quyền thấy... ‘không có gì ghê gớm’

VTC News - Những người có trách nhiệm của tỉnh Đồng Nai cho rằng việc lấp sông Đồng Nai ‘không có gì ghê gớm’ nên dẫu có nhiều ý kiến phản đối từ người dân, nhà khoa học, tỉnh vẫn quyết làm.

Mặc cho rất nhiều nhà khoa học hàng đầu lên tiếng phản đối việc “lấp sông Đồng Nai” vì lý do dự án sẽ phá vỡ cảnh quan, môi trường, ảnh hưởng đến hàng chục triệu dân 11 tỉnh... lãnh đạo Đồng Nai vẫn khăng khăng khẳng định “quyết làm” bởi “vụ này không có gì ghê gớm cả”.

Lý do mà Đồng Nai cho rằng “không có gì ghê gớm” chính là bởi, tỉnh khẳng định việc thực hiện dự án này đã được thực hiện “đúng quy trình”, chỉ lấn ra sông khoảng 100m, gần với việc lấy lại bờ cũ đã sạt lở, không lấn ra dòng chính, không ảnh hưởng dòng chảy của con sông.

Nhưng có lẽ việc lãnh đạo tỉnh này khẳng định “không ảnh hưởng đến dòng chảy của sông” là chuyện khiên cưỡng, bởi theo phân tích của những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sông ngòi, thì để giữ được móng công trình công bị trượt, nếu trên mặt sông đã lấn ra 100m thì dưới lòng sông phải lấn thêm ít nhất 400 m.

“Khi đáy sông bị lấn đến 400 m nghĩa là phần đáy bị thu hẹp khá nhiều và đương nhiên ảnh hưởng lớn đến dòng chảy. Việc thu hẹp dòng chảy là điều tối kỵ, nhất là tình hình thời tiết bất thường và rừng đầu nguồn bị tàn phá mạnh mẽ... ”, PGS –TS. Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – trường đại học Cần Thơ; cố vấn của tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) khẳng định.

Ngoài ra, sông Đồng Nai là sông chính gồm hệ sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Vàm Cỏ lưu vực bao trùm 11 tỉnh, thành, có hệ sinh thái đa dạng nên việc san lấp một phần sông Đồng Nai làm dự án rõ ràng là đang đi ngược quy luật phát triển, gây tác hại rất lớn tới cảnh quan, môi trường,ảnh hưởng tới đời sống của người dân 11 tỉnh.

Nhiều nhà khoa học lên tiếng phản đối dự án này chính vì lo lắng nguồn nước trên sông Đồng Nai sẽ bị ô nhiễm nặng nề khi triển khai dự án. Khi đó, không chỉ người dân Đồng Nai mà dân của 11 tỉnh có dòng sông chảy qua sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Nhưng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có từng nghĩ đến những băn khoăn, lo lắng đó của của những nhà khoa học? Và Đồng Nai có từng nghĩ đến việc tham vấn ý kiến người dân ở những vùng có khả năng bị tác động trước khi cho triển khai dự án?

Hoàn toàn không, bởi theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thì với quy mô 8,2 ha, dự án này thuộc thẩm quyền quyết định của tỉnh, không thuộc phạm vi phải báo cáo Chính phủ, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn…

Thậm chí, trả lời báo chí mới đây, chính Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Đinh Quốc Thái còn khẳng định ‘chắc như đinh đóng cột’: “Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” không cần tham vấn ý kiến của các tỉnh lân cận”. 

Tỉnh hoàn toàn có quyền "không cần tham vấn ý kiến của các tỉnh lân cận" nếu sông Đồng Nai là sông nội địa, nằm trọn vẹn trong địa bàn của tỉnh. Nhưng ở đây, sông Đồng Nai chảy qua vùng đất liên quan đến 11 tỉnh, thành; là 1 trong 3 hệ thống sông lớn nhất Việt Nam (sau sông Mê Kông và sông Hồng) nên chuyện "bịt tai", làm ngơ, cố tình "tự quyết" là điều khó được chấp nhận.

Theo báo cáo của tỉnh, “Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”, thực chất là lấp sông Đồng Nai' có chiều dài 1,3km, từ Công viên Nguyễn Văn Trị đến cầu Rạch Cát, Phường Quyết Thắng, Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Tổng diện tích đất của dự án là 8,4 ha, trong đó phần lấn sông là hơn 7,72 ha, chiếm trên 90% diện tích, với đoạn lấn ra sông xa nhất đến hơn 100m.

Dự án gồm 4 hạng mục chính: Khu phố thương mại, tháp khách sạn, tháp văn phòng kết nối thương mại và một khu tháp 3 tầng kết nối với nhau là trung tâm thương mại - căn hộ. 

Với tham vọng sau khi hoàn thành nơi đây trở thành một tổ hợp trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, khách sạn, chung cư cao cấp, trung tâm sự kiện văn hóa cùng những mảng xanh công viên rộng lớn, hiện đại nhất Biên Hòa… 

Với quy mô của dự án như đã vẽ ra, đương nhiên tham vọng của tỉnh Đồng Nai là có cơ sở. Việc “lấp sông’ để triển khai dự án, phục vụ cho phát triển kinh tế địa phương có gì sai mà người dân phản đối? Hơn nữa, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được thực hiện, trước khi triển khai dự án, họ đã “thực hiện tham vấn với UBND Phương Quyết Thắng, Ủy ban MTTQ phường và 20 hộ dân”, như vậy là đủ thủ tục, đúng quy trình, vì sao các nhà khoa học, người dân lại phản đối?

Vấn đề chính là ở chỗ, sông Đồng Nai không chỉ của riêng tỉnh Đồng Nai, nó thuộc hệ thống sông có lưu vực qua 11 tỉnh, việc thực hiện tham vấn nếu chỉ lấy ý kiến của phường sở tại, của 20 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp thì có thực sự đầy đủ và khách quan?

Có rất nhiều câu hỏi cần được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai trả lời trước khi quyết định có nên tiếp tục triển khai dự án này hay không. Tuy nhiên, ngay khi vừa nhận được kiến nghị tạm dừng dự án để lấy ý kiến người dân, lãnh đạo Đồng Nai đã vội vàng đưa ra quyết định: “Không cần tham vấn ý kiến người dân các tỉnh”, “tỉnh quyết tâm triển khai dự án” vì “không có gì ghê gớm cả”.

Có đúng là những ý kiến của người dân hoàn toàn không có cơ sở nên tỉnh Đồng Nai mới quyết tâm cao độ trong việc triển khai dự án này?

Thực tế, cho đến thời điểm này, việc san lấp trên sông Đồng Nai đã gần hoàn thiện. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, một “đại công trường” đang ngày đêm hoạt động, và chắc chắn không lâu nữa, dự án sẽ hoàn thiện cơ bản hạ tầng, có nghĩa việc “lấp sông” đã xong và chuyện dừng lại là không thể.

Nhiều ý kiến cho rằng, có thể đó mới là lý do chính khiến lãnh đạo Đồng Nai quyết tâm khẳng định “không có gì ghê gớm”, tỉnh quyết làm dự án. Quả thực giờ thì dừng lại sao được khi mọi việc gần như đã “an bài”, dự án san lấp đã gần xong.

Thực tế cho thấy, nếu cho dừng dự án, đồng nghĩa với việc lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thừa nhận việc phê duyệt dự án này của tỉnh “có vấn đề” và tỉnh sẽ phải đền bù số tiền mà chủ đầu tư đã bỏ ra để triển khai dự án đến thời điểm này. 

Lấy tiền đâu để đền bù cho doanh nghiệp và lấy ai để chịu trách nhiệm cho quyết định sai lầm trong việc phê duyệt dự án này là vấn đề không lãnh đạo nào muốn nghĩ đến. Bởi vậy, chuyện dừng dự án lấp sông có lẽ sẽ là không tưởng, nếu như không có áp lực từ một cấp cao hơn. 

Thế nên, trước mắt, với lương tâm và trách nhiệm xã hội của mình, các chuyên gia, nhà khoa học và chính người dân cứ việc lên tiếng, phản biện, còn việc “Lấp sông Đồng Nai” là của chính quyền Đồng Nai, nó sẽ vẫn tiếp tục được tiến hành bởi họ thấy “không có gì ghê gớm cả”!

Có điều, nếu thực sự tin tưởng vào quyết định của mình, quyết cho lấp sông làm dự án thì người ký vào quyết định này có dám làm thêm một cam kết với nhân dân tỉnh Đồng Nai nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, rằng nếu sau khi dự án này hoàn thành, sông Đồng Nai bị tác động xấu thì người đó phải chịu trách nhiệm cá nhân và bồi hoàn bằng tài sản cá nhân?


*

Thế lực của đại gia lấp sông Đồng Nai

Ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch HĐQT Công ty Toàn Thịnh Phát (TTP) – là chủ đầu tư dự án khu đô thị 8,4 ha lấp sông Đồng Nai.

Đại gia muốn lấp sông Đồng Nai 

Mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp nhận dự án đầu tư “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” của công ty Toàn Thịnh Phát (thuộc tập đoàn Thành Thành Công). Dự án có tổng diện tích hơn 80.000 mét vuông, trong đó phần đất lấn ra sông Đồng Nai là hơn 70.000 mét. 

Theo chủ đầu tư, sau khi hoàn thành nơi này sẽ là khu phức hợp bao gồm cao ốc văn phòng, nhà biệt thự, chung cư, và khách sạn 4 đến 5 sao, công viên. Tuy nhiên hiện nay đang có nhiều ý kiến cho rằng việc “lấp” sông Đồng Nai làm dự án sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiện trạng sông Đồng Nai. 

Ông Huỳnh Phú Kiệt và dự án lấp sông Đồng Nai. 

Theo báo cáo thường niên năm 2013 của công ty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát dự kiến xây dựng giai đoạn 1 Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai gồm 108 căn phố liền kề (bán hầm, trệt, lửng và 3 lầu) ước đạt 555 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận 200 tỷ đồng trong vòng 3 năm kể từ 2015 – 2017, giai đoạn 2 có mức lợi nhuận kỳ vọng là 260 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành, khu vực này sẽ hình thành khu khách sạn, nhà phố thương mại, siêu thị, chung cư, cao ốc văn phòng, công viên trên sông. Tuy nhiên, ngày 23/3, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai rút giấy phép dự án do lo ngại những ảnh hưởng của nó. 

Đại gia Toàn Thịnh Phát giàu cỡ nào? 

Toàn Thịnh Phát là cái tên khá tiếng tăm trong lĩnh vực xây dựng tại Đồng Nai và Bình Dương. Hiện Tập đoàn này sở hữu rất nhiều công trình hạng sang trên nhiều lĩnh vực: thi công xây dựng, giáo dục và đầu tư… 

Đơn cử, trong lĩnh vực thi công xây dựng, Tập đoàn này đã xây dựng thành công hệ thống các điểm giao dịch ngân hàng Sacombank trong cả nước, cao ốc Hội sở Sacombank, cao ốc văn phòng Thanh Lễ, cao ốc văn phòng Khang Thông, khách sạn Ngọc Lan (Đà Lạt), Hana Beach Resort & Spa, Khách sạn Thanh Bình 4, nhà xưởng Công ty Liên Doanh Medevice 3S, Bar Cafe Điểm Hẹn Sài Gòn, khu biệt thự Bình Dương, nhà xưởng gạch Đồng Tâm, Data Center Sacombank, trường Trịnh Hoài Đức, trường Lê Quý Đôn, trường THPT Tân Phú…

Trong những năm gần đây, Toàn Thịnh Phát tiếp tục thực hiện các công trình: khu tái định cư - hành chính Long An, Khu đô thị mới thị xã Tân An (Long An), Cao ốc văn phòng Việt Thái, Hoa Sen, làng biệt thự The Pegasus Residence, trung tâm thương mại dịch vụ nhà ở The Pegasus Plaza, trụ sở điện lực Tân Bình… 



Dự án biệt thự của TTP tại Bình Dương 

Trên lĩnh vực tư vấn thiết kế kiến trúc, số công trình điển hình Toàn Thịnh Phát đã thực hiện như: Sở ngoại vụ Đồng Nai, quy hoạch KCN Minh Hưng - Hàn Quốc, Trung tâm TDTT Quốc Phòng 2 – QK7, Trung tâm TDTT Quốc phòng II - Quân khu 7, Cao ốc COMECO, Bar White Star - Đinh Bộ Lĩnh, Chung cư Cellica, Mountaintown Hotel- Đà Lạt, Hana Beach Resort, Nhà Thiếu Nhi Quận 1, các trụ sở của Hệ thống ngân hàng Sacombank, ngân hang Đại Á, ngân hàng Vietcombank...

Ngoài ra, một công ty con của TTP chuyên đảm trách phần khảo sát, lập dự án, thi công xây dựng tất cả các công trình dân dụng, công nghiệp, chuyên cung cấp các máy móc, thiết bị thi công với danh mục các thiết bị chuyên dụng tiên tiến và hiện đại nhất cho ngành xây dựng.

Trên lĩnh vực giáo dục, hiện TTP sở hữu một hệ thống giáo dục xuyên suốt với các cấp bậc từ mầm non - tiểu học - trung học, với 9 ngôi trường đặt tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. 

Đáng kể hơn cả là những dự án có vốn đầu tư hàng trăn tỉ đồng như khu nghỉ dưỡng cao cấp The Pegasus Resort - Kê Gà tại Kê Gà, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận; làng biệt thự chuyên gia Bình An - Villa Bình An (Bình Dương); Làng biệt thự khép kín “The Pegasus Residence”, Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Nhà ở “The Pegasus tại Biên Hòa, Đồng Nai; The Pegasus Plaza cao 80m tại Đồng Nai…



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo