Hiển Du (Danlambao) - Sấm Trạng Trình có câu:
“Năm trăm đổi lấy một đồng,
Người khôn đi học, thằng ngu dạy đời”
Không ngờ lời tiên tri này đã ứng nghiệm cho dân tộc Việt Nam vào bốn mươi năm trước.
Cộng Sản đến tôi thấy được: Tướng, tá, sĩ quan là dân có trình độ ít nhất cũng lớp 12, ít nhất cũng tú tài một, tú tài hai bị bắt đi học tập cải tạo để nghe mấy đứa ngu dốt dạy đời.
Khi bố tôi bị cưỡng chế lao động cải tạo ngoài Bắc, bố và các bác cùng chung số phận phải ăn từng con giun, con dế để có sinh lực mà sống. Bố nói:
“Bất cứ con gì, nếu con ấy ngo ngoe là tranh nhau ăn, kể cả con dán, con trùng, ăn tươi nuốt sống không nấu không nướng, không rửa, không làm, không chờ không đợi, gặp đâu xơi đó …” Nghe mà nổi gai ốc, nghe mà rùng cả mình, nghe mà sình cả bụng. Thật ngoài sự tưởng tượng từ trước đến giờ.
Ban ngày đi lao động, cơm không đủ no, áo quần không đủ ấm, đêm về phải học chính trị cho biết chủ nghĩa Các-Mác là thế nào. Cùng phòng có bác Hùng khi đi rừng bắt được con sáo về nuôi, đến ngày sáo lột lưỡi sáo bắt chước các ông nói: “Biết rồi, khổ quá, nói mãi.” Cứ thế líu lo cả ngày, sáo là nguồn vui của cả phòng. Một đêm, có cán bộ tỉnh về thăm các bác và các bác được ăn sớm hơn để chuẩn bị đến ra mắt cán bộ.
Bác Hùng thương con sáo hai hôm nay bỏ ăn để ở nhà sợ bị chó vật (vì chó của cán bộ cũng đói quá.) Bác mang con sáo theo, ngồi phía cuối phòng. Khi cán bộ thao thao một lúc, từ góc phòng có tiếng vỗ cách xè xè và giọng lảnh lót vang lên: “Biết rồi, khổ quá, nói mãi”, cả phòng không nhịn được cười rần.
Cán bộ ngượng ngùng im một lúc, sau đó người quản lý nói nhỏ: “Chỉ là con sáo thôi thưa đồng chí”
Vừa quê vừa bực, cán bộ đằng hắng: “E hèm, con sáo giỏi nhỉ, e-hèm cho Đảng xin nó về để huấn luyện nó chửi Mỹ nhé, mang nó lên đây cho cán bộ.”
Bác Hùng đau lòng vì biết ngày mai chú sáo sẽ được tắm nước sôi. Cán bộ vừa nhét con sáo vào túi quảy vừa đằng hắng:
“Các bác có nghe câu: “Tiên học lễ, hậu học văn” bao giờ chưa? Các bác có hiểu nghĩa gì không?”
Cả phòng im phăng phắc chỉ nghe tiếng sột soạt, sáo đang vẫy vùng tìm đường thoát.
“E-hèm, bởi vì các bác không biết nên cán bộ cũng không quan tâm. Câu ấy có nghĩa là: “Tiên trên trời còn phải học lễ, hậu ở trong cung còn phải học văn đấy. Lần sau các bác không được mang sáo theo nhé.”??? Cả phòng ai cũng gập người xuống cười từ trong ruột cười ra. Đúng là dốt mà đi dạy đời.
Cộng Sản đến, tôi học được: Từ ngữ của “Mỹ Ngụy không được dùng” phải cách mạng từ ngữ.
Mỗi lần đạp xe ngang bệnh viện nơi mẹ sinh ra mình với tên nghe dịu hiền thân thương làm sao “Bệnh viện Từ Dũ” bây giờ thấy biển ghi: “Xưởng đẻ” mà đau nhói từ trong tim, có một cục to đùng chặn ngang, muốn nuốt nước bọt mà nghẹn ngay cổ họng. Ôi! Dốt mà đòi cách mạng.
Cộng Sản đến, tôi rõ được: Giám đốc, cán bộ trình độ chỉ đến hoặc chưa hết cấp một nên phải học bổ túc văn hóa để làm gương cho dân. Giám đốc lò đường gần nhà chị tôi, tối nào cũng xách cặp táp đi học bổ túc văn hóa, cô giáo nói nhỏ với chị:
“Ổng nói ổng học hết lớp ba, thương cho miền Nam bị Mỹ xăm lăng, dân miền Nam sống trong đau khổ khốn cùng, nên tình nguyện đi bộ đội để giải phóng miền Nam, phần thiệt thòi đó bây giờ Đảng phải đền bù nên cho làm Giám đốc.” Dốt mà lên cai trị. Đó là chính sách ngu dân.
Cộng sản đến, tôi hiểu được: Nhân dân làm chủ mọi thứ nhưng riêng một thứ đi đâu cũng thấy “Ủy ban nhân dân,” “ Tòa án nhân dân,” “Hội đồng nhân dân,” sướng nhỉ? Cái gì cũng của nhân dân, duy chỉ có “Kho bạc nhà nước.” Rõ ràng là “Lạy ông tôi ở bụi này.” Dốt mà học chơi chữ.
Cộng sản đến, tôi và đồng bào miền Nam ruột thịt trở nên vô sản: Lần đổi tiền đầu tiên “năm trăm đổi lấy một đồng,” mỗi gia đình chỉ được đổi nhiều nhất đến $200 tiền mới, tiền cũ đem đốt hết. Lần đổi tiền thứ nhì có đâu mà đổi. Dốt lên nắm kinh tế. Đó là chính sách bần cùng hóa.
Cộng sản đến, tôn giáo bị tiêu diệt: Cộng sản vô thần nên bốn mươi năm qua sản sinh tầng lớp vô thần, vô đạo đức, do đó đạo đức suy đồi trầm trọng. Từ trong học đường, học sinh đánh đập nhau tàn nhẫn, lột quần xé áo nhau, quay phim đưa lên mạng xã hội một cách khoái chí xem như là thành tích vẻ vang. Cô giáo giữ trẻ hành hạ trẻ em nhiều hình thức còn hơn là tra tấn tù binh, nào là xách ngược chân dìm đầu vào thùng phi nước; nắm tóc dập trán xuống bàn; bóp mũi cho há miệng đổ thức ăn vào; tát vào mặt liền tay cho cháu há miệng rồi nhét thuốc vào cháu ói ra thì dập mặt xuống chỗ ói. Bao nhiêu hành động tàn nhẫn không bút mực nào kể hết. Thật là một lũ “mặt người lòng thú,” một lũ vô thần mất hết lương tri.
Nhà thờ bị giỡ, đập phá, tôn giáo bị bắt bớ, các điểm nhóm họp thờ phượng bị nghiêm cấm. Mục sư, linh mục, giáo dân bị bắt bớ đánh đập. Chúng muốn “Thay Trời làm mưa.” Vênh vang: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Với sức người sỏi đá cũng thành cơm.” Vì thế mà dân tộc vô phước, khổ sở trăm bề.
Ở vùng sâu, vùng xa, vùng quê nghèo nàn nhân dân vẫn còn đói khổ, bữa ăn của họ chỉ có chén muối ớt và rổ rau, đọt cây mì hay đọt cây bố luột. Hoặc chỉ có nồi canh rau mùng tơi nước nhiều rau ít và mấy con tép bạc nhỏ xíu. Trứng gà, hay trứng vịt đều thuộc loại xa xỉ thì nói chi đến miếng thịt miếng cá. Cơm đãi khách sang trọng chút xíu là có mấy lát thịt ba rọi kho với mấy lát chuối rừng non (chuối nhiều hơn thịt). Cũng bởi vì sự kiêu ngạo của những kẻ xuẩn ngốc, ngu đần mà nhân dân gánh chịu.
Cộng Sản đến, sản sinh một loại lý lịch mới, lý lịch của “phó thường dân” là những ngụy quân, ngụy quyền. Phó thường dân tức là không phải thường dân, tệ hơn thường dân, cái gì cũng chịu thua thiệt, thua thiệt tất cả mọi lãnh vực. Con của phó thường dân đi học thua, đi thi thua, đi làm thua, từ thua tới thua không ngóc đầu lên nổi đến đỗi chỉ còn một đường là đi trốn. Trốn đường bộ, trốn đường biển, khổ cực trăm bề, thập tử nhất sanh, nguy biến khôn lường. Đường bộ gặp cướp núi, cướp rừng, đường biển gặp hải tặc hung dữ hơn sư tử, ác hơn cầm thú. Không may bị bắt thì hai chữ “phản quốc” bị tròng vào cổ, bị tù cải tạo, bị nạo sạch tiền, bị phiền lý lịch…
Ôi, nói đến Cộng sản ai cũng lắc đầu, nhìn xuống, không dám nhìn lên vì sợ bị “tố”.
Ôi, bút mực nào mà tả hết những đoạn trường dân đen gánh chịu “đoạn trường ai có qua cầu mới hay.”
Biết bao kẻ đã thầm kêu: “Ngẫm hay muôn sự tại trời…”(*)
Ôi lời tiên tri: “Năm trăm đổi lấy một đồng,
Người khôn đi học, thằng ngu dạy đời.”, đã thành hiện thực từ bốn mươi năm qua.
Đã dạy cho dân đen bài học biết để mà sinh tồn.
Cộng Sản ơi là Cộng Sản!
______________________________________
Chú thích: (*) Truyện Kiều
...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 28/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: