Thục Quyên (Danlambao) - Cho đến hôm nay, ngày 5/05/2015, có vẻ chỉ có Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng như hai tòa giám mục Bắc Ninh và Kontum mới chính thức có phản hồi với chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Ban Tôn giáo Chính phủ về Dự thảo thứ 4 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. (Luật TNTG)
Trong thư đề ngày 28/04/2015 Tòa Giám Mục Kontum đã tỏ sự bất bình, vì một vấn đề quan trọng như góp ý vào một dự thảo Luật gồm 71 điều, mà Ban Tôn giáo Chính phủ đòi hỏi phải được thực hiện trong vòng 13 ngày (từ 22/04 đến 5/05/2015) với câu phủ đầu:
"Hết thời hạn trên, nếu không nhận được văn bản góp ý của Quý vị xin được hiểu là đã đồng ý với dự thảo Luật".
Và như vậy, thì ngày 5/05/2015 đã qua, nếu các tổ chức tôn giáo khác không gởi văn bản phê bình thì phải kết luận là dự thảo đã được đa số ủng hộ?
Lại một lần nữa, phải công nhận sở trường của nhà nước cộng sản Việt Nam: giăng những cái bẫy tuy thô thiển, ấu trĩ, nhưng rất hiệu nghiệm. Lần này con mồi đầu tiên sập bẫy nặng là cơ quan truyền tin RFI với bài "Hội đồng Giám Mục Việt Nam bác bỏ dự luật tôn giáo"(1) của ký giả Tú Anh.
Bỏ qua cái tựa đề hợm hĩnh thiếu hiểu biết, vì chính Hội đồng Giám Mục VN cũng chỉ viết là nhận định và góp ý, ký giả này đã đưa tin "Cách nay 13 hôm, chính phủ Việt Nam yêu cầu các chức sắc lãnh đạo tôn giáo cho biết ý kiến về 'dự thảo luật tín ngưỡng tôn giáo' mà kỳ hạn sau cùng là hôm nay 05/05/2015" để đi đến kết luận "Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nói chung và của một số vị giám mục nói riêng được truyền thông quốc tế xem là can đảm". Không hiểu truyền thông quốc tế nào?
Rơi vào bẫy một cách thảm hại!
Vì chính phủ Việt Nam không hề gửi công văn về việc góp ý Dự thảo 4 Luật TNTG cho "các chức sắc lãnh đạo tôn giáo"!
Ban Tôn giáo Chính phủ chỉ gửi công văn về việc góp ý đến những tổ chức tôn giáo có đăng ký với họ và được nhà nước công nhận!
Một chi tiết quan trọng vượt bực, cho thấy tính gian lận xảo quyệt của Ban Tôn giáo Chính phủ!
Từ năm 2004 với Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo và Nghị định về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo thuộc ủy ban nhân dân các cấp, cũng như năm 2012 Nghị định 22, Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo, tinh vi hơn hẳn những Sắc lệnh Tôn giáo năm 1955 của Hồ Chí Minh, Nghị quyết Tôn giáo 1997 của Phạm văn Đồng, nhà nước Việt Nam đã bủa vây các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và xiết chặt rồi dùng một thủ tục hành chánh là "đăng ký" để loại hàng loạt các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo ra ngoài vòng pháp luật. Để bây giờ những tổ chức đó đã không chính thức tồn tại thì làm gì có quyền được nhà nước mời góp ý vào Dự thảo Luật TNTG ?
Mọi cá nhân, tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo nên chính thức có ý kiến về Dự thảo Luật
Sự thật là cho tới hôm nay, ngày 5/05/2015, trong số những tổ chức tôn giáo có đăng ký và được nhà nước công nhận, chỉ có Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng như hai tòa giám mục Bắc Ninh và Kontum mới chính thức có phản hồi với chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Ban Tôn giáo Chính phủ về dự thảo 4 Luật TNTG
Đây là một hành động tự trọng và nhất là khôn ngoan.
Chấp nhận đội cái vòng kim cô tam bậc trên đầu, "đăng ký sinh hoạt tôn giáo", rồi "đăng ký hoạt động tôn giáo", đến "đăng ký tổ chức tôn giáo" thì chỉ còn là những nô lệ, những tay sai thấp hèn, nói chi đến chữ Tự Do? (2)
Hội đồng Giám mục VN lần này đã làm gương cho các tổ chức tôn giáo bạn, không vì đã "đăng ký" mà phải cúi đầu thần phục mọi sai xử của Ban Tôn giáo Chính phủ. Con đường của giáo hội Thiên Chúa giáo Roma là một con đường uyển chuyển, không sợ "tiếp cận" với nhà cầm quyền vô thần cộng sản, nhưng không mất mình vì vài quyền lợi lặt vặt.
Trang nhà của Bộ Nội Vụ (3) đăng gia hạn thời gian góp ý là 16/04/2015 - 16/06/2015
Hy vọng tất cả những cá nhân, nhóm, tổ chức tín ngưỡng tôn giáo, không cần phải được mời góp ý riêng, vẫn lên tiếng, với những thí dụ cụ thể, chứng minh cho thế giới thấy người dân Việt Nam đòi tự do tín ngưỡng, tôn giáo và làm chủ tình thế để buộc nhà cầm quyền phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo theo điều 18 của Công ước quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị (ICCPR).
7/05/2015
______________________________________