Lao Động Việt - Công ty I&Y VINA , nằm tại NA4 KCN Mỹ Phước 2, Bến Cát, Bình Dương. Có vốn 100% nước ngoài, chuyên sản xuất và gia công hàng may mặc xuất khẩu, có 2 xưởng sản xuất với tổng cộng hơn 1300 công nhân. Công ty I&Y gặp khó khăn về kinh tế vì ít đơn hàng, vì thế ngày 11/5 họ cho gọi khoảng 538 công nhân ở xưởng 1 lên công ty để thông báo chấm dứt hợp đồng.
Sau khi họ thông báo sẽ cho đóng cửa xưởng 1 và buộc đa số người lao động bên xưởng này thôi việc, để tránh né bồi thường đầy đủ cho công nhân theo quy định của luật lao động, phía lãnh đạo công ty đã tìm cách ép tất cả số công nhân phải tự nguyện ký đơn xin thôi việc, khi đưa ra một số yêu cầu cho công nhân như:
- Sẽ tăng sản lượng lên gấp đôi, nghĩa là phải tăng ca để đạt đủ sản lượng ấy, tiền tăng ca không được trả, hoặc có thể trả sau này, và chỉ nhận mức lương 50% mức bình thường.
- Nếu không chấp nhận, thì phải tự nguyện viết đơn xin nghỉ, nhưng sẽ để lý do là về quê, được nhận trợ cấp 1 tháng lương
Điều nghịch lý là công ty thông báo với công nhân về tình hình khó khăn và sẽ đóng xưởng 1 nhưng lại bảo công nhân ghi lý do thôi việc là về quê, sau đó đăng bản tuyển dụng nhân sự cho 2 xưởng.
Khi ép công nhân ký đơn, họ đăng bản thông báo cần tuyển người cho cả 2 xưởng, chứ không có bất kỳ xưởng nào đóng cửa cả.
Khi có bất kỳ ai chụp hình bản tuyển dụng này, bảo vệ của công ty liền lao ra ngăn cản.
Phóng viên chúng tôi đến trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn của liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, ở đây họ chỉ tư vấn cho công nhân nên đến ban quản lý khu công nghiệp (Mỹ Phước 2) Bến Cát để nhờ họ can thiệp.
Theo quy định của bộ luật lao động ở điều 44, Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế:
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả những khoản trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
Như vậy tại điều 49 quy định về trả trợ cấp thất nghiệp như sau: Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
Có thể nói, 538 công nhân không phải là người chủ động chấm dứt hợp đồng, mà phía công ty mới là người muốn chấm dứt hợp đồng đó. Nhưng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về luật pháp của công nhân, phía công ty đã đưa ra một số yêu cầu có tính hù dọa để ép đa số công nhân ký đơn xin nghỉ việc, và bất lợi thuộc về phía công nhân.
Trong chương 1, điều 7, Quan hệ lao động được quy định: Yêu cầu tập thể lao động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước… được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp. Như vậy công ty đã vi phạm nguyên tắc quan hệ lao động đối với người lao động khi đã ép họ ký đơn chứ không phải để họ tự nguyện.