Phạm Trần (Danlambao) - “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: "người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.” (Lời Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập 02/09/1945)
Bây giờ 70 năm sau, đố có ai không biết người dân Việt Nam chưa có đầy đủ các “quyền bình đẳng về quyền lợi, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" .
Nếu chưa có, mà sự thật là chưa biết đến bao giờ, thì các Dư luận viên của Ban Tuyên giáo, Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân và Tạp chí Cộng sản hãy khóa lại cái mồm tuyên truyền ca tụng cho “Cách mạng tháng Tám” là “cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc, giành quyền lực cho nhân dân, mở đầu kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.” (“Giá trị của Cách mạng Tháng Tám là không thể phủ nhận”, báo Quân đội Nhân dân, 10/08/2015)
Bởi lẽ càng nói về công lao không hề có của đảng Cộng sản Việt Nam đã chuẩn bị để “lãnh đạo” Cách mạng Tháng Tám 1945 đến thành công, hay bảo rằng thành công ấy là “kết quả của một quá trình tổ chức lực lượng chính trị của quần chúng, từ đấu tranh chính trị tiến lên xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang” v.v... (Thiên Phương (Báo Nhân Dân, ngày 20/08/2015) chỉ làm cho ngày 19/8 xấu hổ thêm và càng xúc phạm đến vong linh những người có mặt ở quảng trường Ba Đình chiều ngày 02/09/1945 .
Thiên Phương còn với tay qua đầu như lao xe xuống dốc không phanh rằng: “Nhờ có sự chuẩn bị tích cực và chu đáo trước đó, như: tuyên truyền giác ngộ và phát triển lực lượng quần chúng, xây dựng căn cứ địa, chiến khu kháng chiến, phát triển các hoạt động chiến tranh du kích và tập dượt phong trào đấu tranh... chỉ trong nửa cuối tháng 8-1945, toàn dân ta đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.”
Như vậy chắc là ông Hồ và Ban Lãnh đảng CSVN đã chuẩn bị cho cuộc “cách mạng toàn dân nổi dậy” kỹ lắm phải không ?
“Đâu có đâu” hay “làm gì có chiệng đó” là cách trả lời bình dân miệt vườn của đồng bào Nam Bộ. Đa số đồng bào miền Bắc ở thời điểm tháng 8 năm 1945 hãy còn đói rách lắm. Trên hai triệu người đã chết đói từ Quảng Trị trở ra bởi quân xâm chiếm Nhật Bản nên lấy sức đâu mà “tham gia cách mạng”?
Cách mạng bằng chiến Micro
Vì vậy lịch sử đã có mắt để vạch ra câu chuyện thật của ngày 19/8 tại Hà Nội 70 năm trước đây. Tại buổi kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức với chủ đề “Ký ức cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội”, Ông Lê Đức Vân, cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, phụ trách tờ báo Hồn nước nhớ lại chiều 17/8/1945, tại Nhà hát Lớn: “Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh với sự tham gia của hàng trăm nghìn người. Khi chúng mới tuyên bố khai mạc thì người của Việt Minh xông lên cướp micro. Hai phụ nữ là Kiều Trang (Từ Trang Anh, thành viên của Đội cứu quốc thành Hoàng Diệu) và Nguyễn Khoa Diệu Hồng (thành viên của Đảng Dân chủ) lên sân khấu thông báo Nhật đã đầu hàng, hô hào đồng bào ủng hộ Việt Minh cướp chính quyền, đòi độc lập. Từ trên tầng hai Nhà hát Lớn, lá cờ đỏ sao vàng được buông xuống.” (Theo ViệtnamExpress, 19/08/2015)
Việt Minh là tên gọi viết tắt của “Việt Nam độc lập đồng minh” (tên chính thức trong nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương), hay “Việt Nam độc lập đồng minh hội”, là liên minh chính trị do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập vào ngày 19 tháng 5 năm 1941 với mục đích công khai là "Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". (Trích từ Bách khoa Toàn thư mở)
Ông Lê Đức Vân kể tiếp: "Ngay sau đó, một thành viên trong đội danh dự đã lấy từ trong người ra lá cờ đỏ sao vàng to, có cán, quay đầu hô "tiến lên". Do anh đứng ở cuối đoàn nên khi quay đầu trở thành người dẫn đường. Những người tham dự mít tinh cũng xoay người đi theo. Cả đoàn nhằm hướng Tràng Tiền tiến lên. Đi đến đâu, người dân từ hai bên đường ra gia nhập đến đó. Vừa đi mọi người vừa hô "Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, Việt Nam độc lập".
“Đoàn diễu hành sau khi đi hết Tràng Tiền lại qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Phan Đình Phùng... Khi qua Phủ Chủ tịch (nơi Tư lệnh quân Nhật đóng), quân Nhật ở đây không phản ứng gì, chỉ đứng nhìn. Đoàn diễu hành tiếp tục đi qua Trần Phú, Cửa Nam rồi dừng lại trước tiếng súng chỉ thiên của lính bảo an. Từ đây, đoàn diễu hành chia thành các nhóm nhỏ đi về các phố biến thành hàng chục cuộc diễu hành nhỏ, vừa đi vừa hô khẩu hiệu "Việt Nam độc lập" cho đến 20h mới tan.”
Câu chuyện cách mạng “có tổ chức bài bản”, nói theo tuyên truyền trong suốt 70 năm của đảng, thực chất chỉ bắt đầu là: “Cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim đã nhanh chóng biến thành biểu tình, tuần hành của quần chúng cách mạng. Hội nghị của Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng mở rộng được triệu tập ngay sau đó quyết định khởi nghĩa vào ngày 19/8.”
Như vậy “màn độc diễn ăn may” của Cách mạng tháng Tám, hay còn được gọi lãng mạn là “Cách mạng mùa Thu” chỉ xẩy ra ở Hà Nội trong mấy tiếng đồng hồ như thế chứ đâu có chuyện đảng CSVN lãnh đạo “20 triệu nhân dân ta nhất tề vùng dậy giành lại chính quyền” như sách vở lịch sử của nhà nước tự vẽ ra bấy lâu nay ?
Ông Hồ và Ban lãnh đạo khi ấy hãy còn ẩn náu ở vùng thượng du Bắc Việt chứ có biết gì chuyện xẩy ra ở Hà Nội.
Chính bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu buôn Cát Hanh Long ở Hải Phòng và là người có công lớn nhất đối với cá nhân ông Hồ và nhiều lãnh đạo hàng đầu của Việt Minh khi ấy đã “phóng xe nhà có cắm cờ đỏ sao vàng, từ Hải Phòng lên Thái Nguyên nơi quân Nhật còn chiếm đóng, đến tận Đình Cả Võ Nhai để báo tin cho con trai và đồng chí của mình tin Hà Nội đã giành được chính quyền” (Nhà văn Võ Thị Hảo).
Trong bài viết nhân dịp 19/8 và 2/9 từ Hà Nội ngày 25/08/2015 Nhà văn Võ Thị Hảo đã kể về Bà Nguyễn Thị Năm từng được ông Hồ tặng danh hiệu “Mẹ nuôi cách mạng”, nhưng cũng chính ông Hồ đã quay mặt khi Bà bị đem ra xử bắn oan khiên trong chiến dịch Cải cách Ruộng đất của ông Hồ.
Theo Nhà văn thì Bà Năm không chỉ là ân nhân của ông Hồ mà còn của các Lãnh đạo hàng đầu của Việt Minh như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hữu Nhân, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị v.v…
Bà đã cúng vàng, tiền bạc và nuôi ăn nhiều nhất cho Lãnh đạo “Cách mạng” để rồi bị chính ông Hồ vu oan trong bài viết: “Địa chủ ác ghê” ký bút danh là C.B (của Bác) đăng trên báo Nhân dân ngày 21/7/1953. Chính bài báo này là đòn sấm sét, đổ cho bà tội “làm chết 23 gia đình gồm có 200 người… Giết chết 14 nông dân, tra tấn đánh đập hàng chục nông dân…, đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến…” (Nhà văn Võ Thị Hảo)
Sau bài viết này, Bà Năm bị xử bắn “để làm gương” trước sự chứng kiến “ngụy trang” của ông Hồ bằng cách “bịt râu” và Trường Chinh thì “đeo kính râm” “bí mật tới dự vụ đấu tố.” (Hồi ký “Đèn Cù” của Trần Đĩnh, nguyên Phóng viên báo Nhân Dân được Trường Chinh cử đi viết bài về phiên Toàn án Nhân dân xử Bà Nguyễn Thị Năm)
Như vậy, nếu có thể nói là “thành công”, nhưng thiếu thuyết phục, của đảng CSVN thì đó là hậu quả của một Chính phủ Trần Trọng Kim non yếu mới thành lập ngày 15/04/1945 không có quân đội và chưa có lực lượng bảo vệ. Trong khi quân Nhật đã được lệnh buông súng án binh bất động, sau khi nước Nhật đầu hàng ngày 02/09/1945, kết thúc Chiến tranh thứ II và quân Trung Hoa Tưởng Giới Thạch có nhiệm vụ vào miền Bắc Việt Nam giải giáp quân Nhật (từ vĩ tuyến 16 ra Bắc), theo sự phân công của Đồng Minh, chưa kịp đến.
Cũng theo sự phân phối này, quân Anh vào thay quân Nhật từ Vỹ tuyến 16 vào miền Nam Việt Nam.
Vậy thì điều được gọi là thành công “long trời chuyển đất” hay “diệu kỳ” của Cách mạng tháng Tám “trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta” (Thông tấn Xã Việt Nam (TTXVN), 12/08/2015) chẳng qua chỉ là hành động của vài người ủng hộ Việt Minh đã nhanh chân cướp Micro tại cuộc Mít Tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim rồi bằng một cuộc “Cách miệng” hô hào ủng hộ Việt Minh, sách động người dân đi diễu phố để giành lấy chính quyền trong cảnh “đồng không nhà trống” chứ có xung đột hay đánh đấm với ai mà nói là “cách mạng” cho xôm tụ ?
Bài viết tự khoe của TTXVN còn mau chóng khoác cho “cuộc cách mạng” ấy chiếc áo Cộng sản giấu trong vỏ bọc “chủ nghĩa xã hội” để coi đó là động lực giúp cho “cách mạng” thành công. Nếu lúc ấy ai cũng biết Việt Minh chính là đảng Cộng sản ngoại lai thì có lẽ cuộc nổi dậy tự phát giành độc lập của nhân dân đã khác. Đất nước cũng đã không lâm vào cảnh nồi da xáo thịt anh em trong 30 năm nội chiến đẫm máu do người Cộng sản chủ động.
Vẫn theo TTXVN: "Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình-Hà Nội, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy." Một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của nước Việt Nam mới bắt đầu.”
Chưa hết, TTXVN còn vẽ thêm: “Diễn ra và giành thắng lợi trong một thời gian ngắn, nhưng Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều bài học quý báu cho Đảng và nhân dân ta trong hành trình hướng đến tương lai, kiên định mục tiêu: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”
Nói huyên thuyên như vòi nước máy như thế mà TTXVN không biết ngượng là họ, ở thời điểm kỷ niệm 70 năm ngày 2/9, đã tự ý viết lại lịch sử của “Cách mạng tháng Tám” mà ông Hồ không hề nói đến cụm từ “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.”
Trong Tuyên ngôn độc lập, ông Hồ đã 3 lần nói đến nhóm chữ “dân chủ Cộng hòa” để nói về thể chế chính trị của nước Việt Nam mới.
Thứ nhất, ông Hồ nói: “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.”
Lần thứ hai, ông thuật lại diễn tiến: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.”
Lần thứ ba ông Hồ khẳng định: “Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy."
Liên hiệp để loại ra
Rất tiếc sau đó ông Hồ và đảng CSVN đã dùng mọi mánh lới và xảo thuật để độc tài quyền lực, phản bội xương máu của những người đã đấu tranh chống Pháp giành độc lập, trong số này có các đảng phái Quốc gia và Tổ chức Tôn giáo không ủng hộ Việt Minh.
Để củng cố vị trí chính trị cho phe Cộng sản, ông Hồ đã đưa ra kế hoặch tiêu diệt các đảng phái và Tổ chức Tôn giáo không đồng ý với đường lối chính trị của Việt Minh.
Các cộng sự viên thân tín Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Trần Quốc Hoàn trực tiếp thi hành lệnh này đầu tiên nhắm vào hai lực lượng võ trang của Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc - Vũ Hồng Khanh) và Việt Nam Cách mạng Đồng chí hội (Việt Cách--cụ Nguyễn Hải Thần) từ Trung Hoa về nước.
Tiêu biểu nhất là: “Vụ án phố Ôn Như Hầu là vụ án xảy ra tại Hà Nội năm 1946. Sở Công an Bắc Bộ điều tra và thu thập được nhiều chứng cứ chứng tỏ Việt Nam Quốc dân Đảng âm mưu đảo chính nhằm lật đổ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ đó đã lập Chuyên án số 7 phố Ôn Như Hầu phá vỡ âm mưu này. Tuy nhiên Việt Nam Quốc dân Đảng và một số sử gia phương Tây cho rằng đây là một vụ việc do Việt Minh dựng lên nhằm triệt hạ đối thủ chính trị của mình là Việt Nam Quốc dân Đảng.” (Theo Tài liệu của Bách Khoa toàn thư mở)
Sau đó, Tài liệu chính thức của đảng còn nhìn nhận: “Ngày 5-9-1945, Chính phủ ra sắc lệnh giải tán "Đại Việt quốc gia xã hội đảng", "Đại Việt quốc dân đảng", ngày 13-9-1945, Chính phủ ra tiếp sắc lệnh quản thúc an trí những người nguy hiểm cho nền dân chủ cộng hòa.” (Trích từ: “Giữ vững chính quyền cách mạng trong những năm 1945 – 1946”, Báo điện tử Đảng CSVN ngày 10/6/2003)
Từ những mâu thuẫn giữa phe Việt Minh và phe Quốc gia mà Chính phủ Liên hiệp 1946 đã tan rã mau chóng khiến hai lãnh tụ Việt Quốc Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Hải Thần của Việt Cách lại phải bôn ba qua Trung Hoa lánh nạn.
Vì vậy luận điệu tuyên truyền cho rằng hai mục tiêu cốt lõi của Cách mạng tháng Tám “Độc lập dân tộc” và “Cơm về cho người cày” là “động lực, thúc giục nhân dân ta theo Đảng Cộng sản Việt Nam vùng lên làm cách mạng tháng Tám “long trời chuyển đất”, lật đổ ách thống trị ngàn năm phong kiến, trăm năm đô hộ của đế quốc thực dân, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á” là hoàn toàn bịa ra.
Từ Việt Nam, Giáo sư, Nhà Xã hội học Nguyễn Khắc Mai nói: “Cái gọi là nhà nước công nông đầu tiên ở Châu Á thực chất là sự tuyên truyền lừa mị không có chút giá trị nào.”
Ông hỏi: “Thế thì cái gì khiến VN nên nỗi bi thảm như ngày nay, nếu không nói đó là do thể chế chính trị và đội ngũ quan chức cộng sản đã trở nên ngày càng hư hỏng cũ kỹ, như chính Hô chí Minh từng dự báo. Đại Hội XII hãy tiến hành một cuộc chiến xóa bỏ hư hỏng cũ kỹ như Hô chí Minh từng di chúc. Đây chính là thời cơ thích hợp nhất. Bỏ qua cơ hội này Đảng Cộng sản VN sẽ trở thành tội đồ của Dân tộc trước lịch sử.!” (Theo Viet-studies, 25/08/2015)
Có ít xít ra nhiều
Như thế rõ ràng chuyện được gọi là Cách mạng tháng Tám đã “có ít xít ra nhiều” nên không ai ngạc nhiên khi thấy Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã hồ hởi phét lác: “Tất cả những thành tựu to lớn nhân dân ta, đất nước ta đạt được trong 70 năm qua, nhất là trong gần 30 năm đổi mới, đều bắt nguồn từ những nền tảng đầu tiên là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Huynh nói oang oang tại cuộc Tọa đàm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển (1945 - 2015), tại Hà Nội ngày 24/08/2015: “Những bài học lịch sử của Cách mạng tháng Tám về sự lãnh đạo kiên định và sáng tạo của Đảng, nghệ thuật biết giành lấy thời cơ cách mạng và phát huy cao độ lòng yêu nước, thực hiện đường lối đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp các lực lượng yêu nước, không phân biệt tôn giáo, xu hướng đảng phái chính trị, giai cấp, đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất cùng đứng lên đánh đuổi đế quốc Pháp và phát xít Nhật, lật đổ ách đô hộ thống trị của thực dân phong kiến sẽ được các thế hệ người Việt Nam suy nghĩ, chiêm nghiệm và vận dụng một cách sáng tạo trong điều kiện hiện nay."
“Khi xảy ra Cách mạng 19-09-1945, Đinh Thế Huynh, sinh ngày 15 tháng 5 năm 1953 tại xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, còn chưa chào đời thì biết gì mà lên lớp thiên hạ đến thế?"
Ông ta còn rao giảng như vào chỗ không người rằng: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trải qua nhiều giai đoạn, nhân dân ta phải lần lượt đối phó với các chiến lược chiến tranh tàn bạo, xảo quyệt của kẻ thù. Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, qua 21 năm chiến đấu anh dũng (1954-1975), chúng ta đã giành thắng lợi vẻ vang. Đối với cách mạng ở miền Bắc, Đảng ta lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa (1954-1960); đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội (1961-1965); chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm nghĩa vụ hậu phương (1965-1968); khôi phục và phát triển kinh tế, không ngừng chi viện cho chiến trường miền Nam, chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai (1969-1973); khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, ra sức chi viện cho miền Nam (1973-1975). Đối với cách mạng ở miền Nam, Đảng ta lãnh đạo đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, nhất là “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1973) và “đánh cho ngụy nhào” (1973-1975). Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.”
“Giải phóng miền Nam” ư? Nghe mà muốn cười bể cái bụng với chàng thanh niên 22 tuổi Đinh Thế Huynh vào thời điểm kết thúc chiến tranh tháng 4/1975. Bây giờ 40 năm sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, nhiều “Nhà khoa học, Tiến sỹ, Giáo sư” hàng đầu của hệ thống Giáo dục và Báo chí nhà nước mới khám phá ra rằng nền giáo dục và báo chí được gọi là “cách mạng” của miền Bắc chẳng qua cũng chỉ đáng bị sổ toẹt so với miền Nam trước đây.
30 năm đổi mới cái gì?
Sang lĩnh vực Kinh tế ngô không ra ngô, khoai chẳng giống củ gì được gọi là “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng cứ ì ra sau ngót 30 năm gọi là Đổi mới (từ 1986).
Lãnh đạo Việt Nam, tuy nói hăng hơn tiết vịt, nhưng lại không dám cách mạng bản thân với tư duy mới để xắn tay áo lên làm cho bằng được. Từ Tổng Bí thư xuống đều sợ mất quyền, mất lợi nên cứ co ro như con sò gặp nắng khiến cho kinh tế cứ lệ thuộc mãi vào láng giềng ba xạo Trung Quốc.
Chủ trương “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” thì đẻ ra Tham nhũng đông hơn giòi bọ và chỉ tạo cơ hội cho cán bộ, đảng viên có chức có quyền lập các “nhóm lợi ích” để ăn chia, ăn chặn và ăn trên ngồi trốc thiên hạ.
Kinh tế gia nổi tiếng Bà Phạm Chi Lan tiết lộ: “Một điều tra cho thấy ở Việt Nam, trung bình cứ 1 đồng lợi nhuận thì DN phải mất 1,02 đồng cho “bôi trơn”. Có nghĩa, nếu tham nhũng ở nước ta giảm đi 50% thì đã làm tăng được 50% lợi nhuận của Doanh Nghiệp rồi.”
Bà còn cảnh giác rằng: “Không cạnh tranh được trong ASEAN thì nói gì đến Mỹ, EU”, trong bài nói chuyện “Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong hội nhập quốc tế” tại hội nghị kết nối các DN nhỏ và vừa toàn quốc do Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức chiều 08/08/2015 tại Đà Nẵng.
Bà nói: “Tuy nhiên, nếu nhìn vào bước đường hội nhập thì có thể thấy điều rất đáng lo là năng lực cạnh tranh của Việt Nam cho đến nay vẫn còn thua xa các nước ASEAN 6. Đã 20 năm tham gia ASEAN nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm 4 nước lạc hậu của ASEAN.” (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar - Miến Điện).
Chuyên gia Phạm Chi Lan còn vạch ra: “Không chỉ xếp hạng về môi trường kinh doanh mà xếp hạng về thể chế của Việt Nam hiện nay cũng khá thấp. Đặc biệt, trong xếp hạng về thể chế thì Việt Nam xếp ở mức rất kém trong các chỉ số về chi phí ngoài pháp luật, chi phí “bôi trơn” so với nhiều nước khác.”
Theo Infonet ngày 10/08/2015 thì bà Lan cho biết: “Một trong những nguyên nhân chính là tham nhũng đã lấy mất lớn hơn so với lợi nhuận của DN. Bị lấy mất lợi nhuận rồi thì DN còn gì để tái đầu tư, để mở rộng được? Và DN sẽ co lại vì họ làm được một nhưng có những ông khác không làm gì cả mà tước đoạt của họ hơn một thì tội gì họ làm nữa”.
Vậy mà Đinh Thế Huynh cứ chũi đầu xuống cát để hô lý luận loanh quanh: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau.”
Huynh còn khoe: “Gần 30 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại,
Công cuộc đổi mới đã đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của tình hình nước ta, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kỳ mới, một sự nghiệp thật sự sáng tạo của nhân dân ta; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.”
Nhưng ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, người đứng sau ông Huynh lại có cái nhìn khác về 30 năm đổi mới.
Ông nói: “Hơn một nửa thời gian đầu luồng gió đổi mới đã tạo ra động lực phát triển to lớn, nhưng đúng là sau đó, động lực này đã giảm dần, mất dần... Lênin có nói một ý hay là có những khuyết điểm hiện tại do sự kéo dài quá mức cần thiết của cái ưu điểm trước đó. Tăng trưởng theo chiều rộng ở giai đoạn trước là cần thiết, nay nếu cứ cách ấy thì càng rơi nhanh vào “bẫy” thu nhập trung bình thấp.
Có thể nói lĩnh vực đổi mới nhiều nhất là kinh tế, nhưng đến giờ cũng mới đi nửa đường. Kinh nghiệm chỉ ra rằng, để đổi mới kinh tế thành công, chúng ta cần phải đổi mới song hành, thậm chí có mặt còn phải vượt trước, về tư duy lý luận, về thể chế kinh tế, cả về chính trị nữa, nhất là cơ chế phát huy dân chủ, kiểm soát quyền lực, minh bạch thông tin.”
Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính-Viễn thông Mai Liêm Trực thì nhận xét: "Những việc chưa làm được còn rất là nhiều. Trước hết là về thể chế kinh tế. Ngần ấy năm thụ hưởng thành công của nền kinh tế thị trường rồi mà chúng ta vẫn còn rất lừng khừng trong tư duy.
Đánh giá về kinh tế Việt Nam, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng các lợi thế về kinh tế ở ta đã kịch trần rồi. Trong 20 năm đầu đổi mới, chúng ta đã đạt tới 8 - 9% tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng 10 năm qua chỉ đạt 5-6%, thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng phát triển của đất nước.”
Ông Trực thắc mắc: “Tại sao Trung Quốc trong suốt 30- 40 năm người ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn ta rất nhiều. Họ cũng có những khó khăn, có những mâu thuẫn nội tại, có những điểm yếu này, điểm yếu khác, nhưng rõ ràng, họ thành công hơn ta.
Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chậm chạp trong Đổi mới. Ngay cả đổi mới cơ chế kinh tế là lĩnh vực đổi mới mạnh mẽ nhất trong 30 năm qua nhưng chúng ta cứ lừng khừng, thiếu quyết tâm bứt phá.” (Theo báo Tuần Việt Nam, trong loạt bài Phỏng vấn từ ngày 05/08/015)
Để tháo gỡ bế tắc, ông Vũ Ngọc Hoàng đề xuất: “Hiện tại, theo tôi nghĩ, Việt Nam có hai việc quan trọng bậc nhất là phải chống cho được tham nhũng, “lợi ích nhóm” và chống lối tư duy bảo thủ, không chịu đổi mới để đất nước và dân tộc phát triển, xã hội tốt đẹp hơn, Đảng cũng trong sạch và vững mạnh hơn, lấy lại lòng tin của nhân dân.
Việc đổi mới tư duy của cả một dân tộc, đầu tiên phải từ ban lãnh đạo thì mới có thể tạo ra sức bật cho cả một cộng đồng. Và tư duy cũng là cán bộ, làm ra cơ chế cũng là cán bộ và quyết tâm thực hiện cũng là cán bộ. Nên cuối cùng cốt lõi vấn đề vẫn là cán bộ.”
Nhưng nếu thay người mà thế chế vẫn tối tăm, lãnh đạo vẫn ù lì bảo thủ, giáo điều kiên định thứ Chủ nghĩa Mác-Lênin thiên hạ đã vứt vào sọt rác thì có thay như thay áo cũng chả ăn thua gì.
Xét lại hay dẹp đi?
Vì vậy, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai đã can đảm bảo đảng CSVN, tại Đại hội đảng XII sắp tới (dự trù tháng 01/2016) phải: “Xét lại toàn bộ từ học thuyết, đường lối, chủ trương và lỗi lầm, hệ thống tổ chức, sinh hoạt dân chủ trong đảng, phương thức hoạt động... từ trước cho đến nay. Nói như Mác là phải sám hối vì sám hối thật tâm thì mới có cơ cứu rỗi.”
Ông nói: “Đại hội này phải là Đại Hội cải tổ Đảng. Về lý thuyết, chủ nghĩa Mác Lê là sai lầm, nó không nhất quán, giữa Mác và Lê Nin không có gì giống nhau cả. Lê nin chỉ nhai lại cái bã mà Mác đã nhả bỏ từ lâu. Những tư duy hợp lý của Mác thì không hề có trong cái gọi là chủ nghĩa mác lê. Về lý tưởng thì Mác đã từ bỏ nó, coi nó là sai lầm. Mác đề cao báo chí tự do, lên án chế độ kiểm duyệt, thậm chí coi nó là quái thai, là thây ma được tẩm nước hoa! Mác chủ trương đa nguyên, đa đảng thì cộng sản VN ăn phải bả Lê-nin chống lại, thậm chí có hai đảng “đồng cốt” do Hồ lập ra thì cũng bị xóa sổ.” (đảng Xã hội Việt Nam-Nguyễn Xiển Chủ tịch và đảng Dân chủ Việt Nam-Hoàng Minh Chính).
Đi xa hơn và dứt khoát hơn, từ Đà Lạt Nhà Thơ phản kháng Bùi Minh Quốc đã kêu gọi “Xây dựng lực lượng Công dân đứng lên đập tan mọi xích xiềng”.
Trong Bài Tùy bút phổ biến “nhân ngày 19 Tháng Tám và 02.09.2015”, ông mở đầu bằng câu "Đứng đều lên gông xích ta đập tan!”, lấy từ bài Tiến Quân Ca của Nhạc sỹ Văn Cao, đã được dùng làm Quốc ca của Nhà nước CSVN.
Nhà thơ viết: “Lời Quốc ca ấy, 70 năm trước, cất lên từ đáy lòng mỗi người dân Việt, bước vào năm 2015, càng sục sôi hơn bao giờ hết. Lời Quốc ca ấy, lúc nào cũng đúng, giờ đây với mỗi người dân Việt, lại càng thấy rất đúng.”
Ông nói: “Dưới ách áp bức của thế lực độc tài toàn trị (Vua tập thể, như cách gọi rất xác đáng của cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An), người dân Việt, trước hết là các công dân, không có con đường nào khác ngoài con đường cùng nhau liên kết lại đứng đều lên đập tan mọi xích xiềng nô lệ.
Đập tan xiềng xích tư duy giáo điều bảo thủ lạc hậu phản động, thực hiện đổi mới tư duy triệt để, cả tư duy kinh tế lẫn tư duy chính trị. Đập tan xiềng xích của mối liên minh ý thức hệ “đồng chí tốt” giữa hai đảng CS Việt Nam và CS Trung Quốc cầm quyền trên hai đất nước xung đột về lợi ích quốc gia đã và đang trói buộc Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc, tụt hậu với thế giới.”
Tựa như người đi đầu trong đoàn quân xông tới quân thù, ông Bùi Minh Quốc, một cựu Chiến binh trong Quân đội CSVN hô vang: “Đập tan xiềng xích của những thiết chế sai lầm, “cũ kỹ hư hỏng” (cụm từ trong di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh). Cái sai lầm, cái cũ kỹ hư hỏng bao trùm là chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội. Dân ta từ lâu đã gọi xã hội chủ nghĩa (XHCN) là “xếp hàng cả ngày”, “xuống hố cả nút”.”
Ông Bùi Minh Quốc giải thích thêm: “Lão tướng lão thành cách mạng Trần Độ lúc sinh thời gọi định hướng xã hội chủ nghĩa là định hướng vào chỗ xuýt chết. Cựu phó thủ tướng Trần Phương thẳng thắn vạch rõ: xã hội chủ nghĩa là thứ chiêu bài lừa bịp. Còn chủ nghĩa Mác-Lênin thì nhân dân ta chẳng ai hiểu nó là cái gì, ngay cả đảng viên hầu như chẳng mấy người hiểu, đến các Tổng bí thư cũng chưa hề có vị nào dám tự khẳng định rằng mình nắm vững chủ nghĩa. Cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An kết luận: “lỗi hệ thống, sai từ gốc đến ngọn”.
Vợ nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý đã tử nạn trong chiến tranh ngày 8 tháng 3 năm 1969 ở Duy Xuyên, Quảng Ngãi khi Bà mới vừa 28 ruổi.
Khi ông kêu gọi “đập tan xiềng xích” hiện nay ở Việt Nam, thiết nghĩ đó là mệnh lệnh từ trái tim của cả hai con người trong nhà thơ, trong đó có sự hy sinh, bỏ lại con thơ của vợ ông.
Bà Dương Thị Xuân Qúy đã tình nguyện vào chiến trường miền Nam năm 1968 mà đâu biết mình đã bị đảng lừa đi “giải phóng” như chính bản thân chống mình trước đó một năm (1967)?
Như vậy thì chế độ ở Việt Nam đã hỏng chưa hay lãnh đạo cứ việc bám theo hàng xóm Tàu để được bao che, no cơm ấm cật cho đến cuối đời mà không biết rằng nhân dân đã há miệng chờ sung 70 năm rồi?
(08/015)