Lê Thiên (Danlambao) - "..như Thư của HĐGMVN đã chỉ ra, DT4 Luật TNTG “đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo, gây lo ngại nhiều hơn là đem lại sự bình an cho mọi người”. Dự luật ấy một khi thành luật mà không có sự góp ý dân chủ từ phía nhân dân và tôn giáo, thì đích thị nó luật rừng, thủ tiêu hoàn quyền Tự do căn bản chính đáng và thiêng liêng quý trọng nhất của con người – quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo! Chẳng khác Pháp lệnh, Nghị định và Thông tư trước đây! Có điều là một khi nó đã thành luật, thì luật có tính cưỡng chế… hợp luật CS hơn, dù đó chỉ là luật rừng từ một chủ nghĩa man rợ mà nhân loại đã đào thải – chủ nghĩa cộng sản."
*
Đôi lời trần tình.
Trên trang tin điện tử tiếng Việt của BBC ngày 20/8/2015, chúng tôi đọc thấy có tới 3 bài cùng bàn về Dự luật Tôn giáo của nhà cầm quyền CSVN:
Bài 1: Luật tôn giáo: đột phá hay siết chặt? (Tổng hợp của BBC).
Bài 2: Dự luật tôn giáo là 'bước tiến bộ đột phá'. (BBC phỏng vấn ông Trần Quốc Thuận.
Bài 3: 'Một văn bản siết chặt tôn giáo'. BBC phỏng vấn Lm Phan Văn Lợi.
Bài (1) là bản tổng kết ý kiến của Luật sư Trần Quốc Thuận (2) và của Lm Phan Văn Lợi. Trần Quốc Thuận cho rằng Dự luật tôn giáo là 'bước tiến bộ đột phá', trong khi Lm Phan Văn Lợi (3) bảo rằng dự luật đó là 'Một văn bản siết chặt tôn giáo'.
Bản tin của BBC ghi nhận: “Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến tạo ra một số phản ứng và góc nhìn trái ngược nhau trong một số thành viên của giới quan sát và giáo phẩm ở Việt Nam.”
Ngoài ra, BBC cho biết, hôm 14/8/2015, dự luật nói trên đã được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam xem xét và cho ý kiến. Trang tin của BBC tiếng Việt còn nêu rõ, “theo trang nhà của Đài tiếng nói Việt Nam (vov.vn), một số thành viên ủy ban này cho rằng luật tôn giáo, tín ngưỡng phải thể hiện rõ ‘quan điểm đảm bảo quyền của người dân nhưng không có nghĩa không có sự quản lý nhà nước.’
Mặt khác, BBC cũng nêu rằng, “mặc dù có những ý kiến khác nhau ngay trong các thành viên Ủy ban, theo cổng thông tin điện tử của Quốc hội Việt Nam (quochoi.vn), 'đa số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội' của Việt Nam đã 'nhất trí với việc cần thiết phải ban hành Luật'”.
Như vậy, sự “nhất trí” của quốc hội CSVN đặt người dân vào sự đã rồi! Cái dự luật kia dẫu có “ý kiến khác nhau” đi nữa thì dự luật vẫn sẽ là… luật! Việc kêu gọi góp ý chỉ là sự tái diễn cái trò hề “góp ý Hiến pháp” hồi năm 2013 mà thôi!
Ba bản tin trên, đến ngày 24/8/2015, BBC mới cho lùi khỏi trang “tin chính” website của mình.
Từ ngày 20/5/2015, tức ba tháng trước khi có loạt bài của BBC, chúng tôi đã có bài viết: “Góp Ý Dự Thảo 4 Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo: Trò lưu manh!” Xin cống hiến bạn đọc như dưới đây.
*
Góp Ý Dự Thảo 4 Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo? Trò lưu manh!
Việc Quốc Hội CSVN và Ban Tôn Giáo Chính Phủ Nhà nước CSVN tung ra bản Dự Thảo 4 Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo, yêu cầu các tôn giáo trong nước tham gia góp ý, gợi nhắc chúng tôi nhớ cách đây hơn một năm, vào ngày 20/3/2014, với tư cách Tổng Thư Ký (TTK) Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Gm Bắc Ninh, đã cùng với hai vị linh mục thuộc Tgp Hà Nội và Gp Bắc Ninh, tiếp xúc với Ban Tôn Giáo Chính phủ. “Hai bên đã cùng làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan tới việc chủng sinh nhập học Đại chủng viện và truyền chức linh mục”.
Kết quả cuộc gặp gỡ trên được ĐC Hoàng Văn Đạt trình lên HĐGMVN qua văn thư đề ngày 27/3/2014 “Minh định các thủ tục hành chính xã hội về việc chủng sinh nhập học Đại chủng viện và truyền chức linh mục”.
Trong văn thư, ĐC Đạt xác nhận “như các sinh viên khác, chủng sinh có quyền TỰ DO THEO HỌC (chúng tôi nhấn mạnh (1)) tại Đại chủng viện, miễn là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.” Việc truyền chức linh mục hoàn toàn thuộc thẩm quyền tôn giáo của các Giám mục, vậy mà vẫn có cái chuyện “miễn là gửi bản đăng ký đến UBND cấp tỉnh”!
Còn “điều kiện mà người được phong chức phải đáp ứng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền” thì có đến 3 “phải”:
a) Là công dân Việt Nam, có tư cách đạo đức tốt;
b) Có tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc;
c) Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Xét ứng viên “có tư cách đạo đức tốt” không, “có tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc” không, đó là một sự can thiệp thô bạo và trắng trợn có tính chất lươn lẹo vào nội bộ tôn giáo. Phía bên này cần gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi riêng tư với phía bên kia, nhiều khi kín đáo và thông thường không thể không có những hứa hẹn, cam kết từ phía đối tượng bị xét “tư cách”…
Đố ai biết hai bên trao đổi gì, bên đối tượng hứa hẹn gì, cam kết gì với phía đang nắm quyền lực? Ấy là chưa nói tới chuyện “cửa hậu” mà người Việt Nam trong nước gọi mỉa mai là “thủ tục đầu tiên” (tiền đâu), một “thủ tục” mà phía bị trị phải thực thi với kẻ cai trị.
Vả lại, cuộc đối thoại giữa phía Công Giáo qua ĐC Hoàng Văn Đạt với nhà cầm quyền do ông Trưởng Ban Tôn Giáo Chính phủ cầm đầu chỉ được thực hiện dựa trên 3 văn kiện do phía Ban Tôn Giáo Chính phủ áp đặt, đó là:
- Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/6/2004.
- Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012. Nghị định này phía thẩm quyền Công Giáo đã công khai lên tiếng bác bỏ ngay khi nó mới ra đời.
- Thông tư số 01/2013/TT-BNV ngày 25/3/2013…
Làm sao có thể coi cuộc gặp gỡ giữa hai bên là một bước ngoặt lạc quan cho sinh hoạt và sự sống còn của tôn giáo nói chung và của Công giáo nói riêng, trong khi vẫn còn đó những ràng buộc về “đăng ký”, về “điều kiện phải đáp ứng”, về việc “được quyền này, quyền nọ… miễn là, miễn là…”?! Không rõ ĐC Tổng Thư Ký HĐGMVN nghĩ gì khi bảo rằng “chủng sinh có quyền TỰ DO THEO HỌC tại Đại chủng viện”?
Bây giờ Đảng và Nhà nước CSVN có ý định không tiếp tục sử dụng nữa ba cái thứ Pháp lệnh, Nghị định và Thông tư vốn là những văn bản “dưới luật” phần nhiều mang tính cách hành chánh, và đang tiến tới chỗ gộp 3 cái thứ ấy lại thành một văn bản luật: luật xhcn, luật rừng.
Thế là ngày 17/4/2015 tại Việt Nam xuất hiện bản “Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo” gọi là Dự thảo số 4 (hay Dự thảo lần thứ 4). Theo báo điện tử của Chính phủ CSVN, “dự thảo lần 4 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo gồm có 12 chương và 71 điều. Hầu hết các điều trong dự thảo đều được luật hóa từ các quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP, có sửa đổi, bổ sung một số điều mới, nội dung các khoản, điều phù hợp với thực tế”.
Phản ứng đối với Dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (DT4 Luật TNTG)
Đảng và Nhà nước CSVN, cụ thể là Văn phòng QHCSVN, Ban Tôn giáo Chính phủ CSVN yêu cầu các tôn giáo (62 tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước CSVN cho phép hoạt động trong nước) phải gửi văn bản góp ý DT4 Luật TNTG trong vòng 13 ngày, từ 22/4/2015, tới 05/5/2015 với câu thòng “hết thời hạn trên nếu không nhận được văn bản góp ý của quý vị xin được hiểu là đã đồng ý với dự thảo Luật”. Người dân đã thấy rõ mưu đồ của nhà cầm quyền CSVN qua câu thòng này: âm mưu xích hóa tôn giáo bằng luật.
Dự thảo chỉ là bản thảo sơ khởi! Nó vẫn còn ở dạng giấy nháp. Thế mà nhà cầm quyền CSVN tỏ ra nôn nóng như dầu sôi lửa bỏng trong khi từ nhiều chục năm qua, mặc kệ tôn giáo kêu gào, nhà cai trị vẫn cứ xài pháp lệnh, nghị định, thông tư… mà đè đầu cưỡi cổ tôn giáo. Lại nữa, nếu bảo rằng bản DT4 Luật TNTG “phù hợp với thực tế”, tức là đã có nghiên cứu, đắn đo, lựa chọn, thì hỏi ý kiến làm gì?
Tính tới ngày 20/5/2015, riêng phía Công Giáo đã có 5 văn bản hồi đáp sau đây theo thứ tự thời gian ký phúc đáp:
1. Gp Kontum nhận định và góp ý về Dự thảo Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng (đề ngày 28/4/201) do hai ĐC Hoàng Đức Oanh (đương kim GM Kontum) và ĐC Trần Thanh Chung (nguyên Gm Kontum) đồng ký tên;
2. Gp Bắc Ninh nhận định và góp ý về Dự thảo Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng (đề ngày 30/4/2015) do Lm Nguyễn Đức Hiếu, Tổng Đại Diện ký;
3. Gp Vinh góp ý Dự thảo 4 Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng (đề ngày 03/5/2015) do Gm Phụ tá Nguyễn Văn Viên ký;
4. Gp Xuân Lộc góp ý Dự thảo 4 Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng (đề ngày 04/5/2015), Tòa Giám mục Xuân Lộc phổ biến;
5. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhận định và góp ý Dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (đề ngày 04/5/2015), do ĐC Hoàng Văn Đạt, TTK/HĐGMVN ấn ký.
Các Thư hồi đáp trên cho thấy cả HĐGMVN lẫn các Giáo phận đều bày tỏ thất vọng đối với toàn bộ nội dung bản DT4 Luật TNTG, đồng thời cũng nói lên sự không đồng ý đối với thời gian ấn định cho việc góp ý.
Theo bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 219 (15-05-2015) trong bài xã luận “Dây thòng lọng siết cổ các tôn giáo!!!”, phía Phật Giáo và Cao Đài cũng đã lên tiếng không chấp nhận Dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng Tôn giáo.
Ngày 10/5/2015, Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam (HĐLTVN), thay vì gửi văn thư góp ý, đã ra KHÁNG THƯ chống DT4 Luật TNTG 2015. Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam gồm một số Linh mục Công Giáo, Tu sĩ Phật Giáo, Mục sư Tin Lành, Chánh trị sự Cao Đài, Nhân sĩ Phật Giáo Hòa Hảo tại Việt Nam.
Chúng tôi xin trở lại với các thư góp ý từ phía Công giáo Việt Nam.
1. Đầu tiên là Thư của HĐGMVN phê phán DT4 Luật TNTG “đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế (Điều 18) và Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi năm 2013 (Điều 24)”. Theo HĐGMVN, bản Dự luật ấy “là một bước thụt lùi so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 vì nó ‘tạo ra quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc, khiến các sinh hoạt tôn giáo bị cản trở’”. Vì vậy, HĐGMVN “không đồng ý với Dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, và yêu cầu soạn lại một bản Dự thảo khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ’”.
HĐGMVN chỉ rõ một số điều không đúng đắn trong bản DT4 Luật TNTG và cực lực phi bác các luận điểm mang tính kiểm soát, cấm đoán và lấn sâu vào nội bộ các tôn giáo, vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo mà Điều 18 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc qui định “mọi có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” trong đó có “những người đang bị giam giữ”.
2. Thư của Giáo phận Bắc Ninh phản bác mánh khóe “chơi chữ” đầy gian xảo của Dự luật trong việc cố tình dùng từ “bảo hộ” thay cho từ “bảo vệ”. Nội dung bức thư yêu cầu “Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải được pháp luật bảo vệ chứ không phải là bảo hộ”.
Trong đề nghị số 7, Gp Bắc Ninh lại thẳng thắn chỉ ra “Chương X và chương XI của Dự thảo 4 không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự nó mâu thuẫn với điều 2 trong Dự thảo 4 cũng như với Hiến Pháp năm 1992 và sửa đổi năm 2013”.
3. Thư nhận định và góp ý của Giáo phận Vinh đi sâu hơn vào chi tiết các điểm sai trái của bản DT4 Luật TNTG so với các Thư Góp ý khác. Chẳng hạn, Thư ấy đã nêu ra rằng khoản 1, Điều 18, ICCPR (Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã ký kết tham gia) quy định “quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự thờ phụng, hành đạo, nghi lễ hay giảng dạy, hoặc riêng tư hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng”. Nhưng DT4 Luật TNTG lại buộc chỉ “hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp”. Như vậy rõ ràng, “điều khoản này giới hạn quyền biểu thị tôn giáo của tín đồ và không phù hợp với quy định của Điều 18, ICCPR”.
Đối với điểm đ, Khoản 5, Điều 6 của Dự thảo quy định tội “xúc phạm đến hình ảnh danh nhân, anh hùng dân tộc”, Gp Vinh thẳng thắn “cho rằng, đây là một điểm rất mơ hồ về tiêu chí đánh giá”. Bức thư của Gp Vinh yêu cần cần phân biệt rõ “xúc phạm” với “phê bình”, “nhận xét”, vì khi áp dụng có thể có sự lợi dụng điểm này để ngăn chặn quyền tự do ngôn luận của công dân. Theo thư nêu trên, “quy định này liên quan đến đạo đức nhiều hơn là một quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực tôn giáo vì vậy không cần thiết đưa một điều dễ gây nhầm lẫn vào luật”.
Người dân có thể hỏi ai thật sự là “danh nhân”, là “anh hùng dân tộc”? Những Lê Văn Tám, Bế Văn Đàn… có là danh nhân, anh hùng dân tộc không? Trong khi vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được toàn dân tộc Việt Nam qua nhiều thời đại tôn vinh như bậc thánh với cái gọi cung kính “Đức Thánh Trần”, thì lại bị Hồ Chí Minh dùng lời lẽ cao ngạo “Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng”. Vào thời Hồ Chí Minh (năm 1950) tỏ thái độ xách mé với Đức Hưng Đạo Vương Trần Hưng Đạo, thì bản thân họ Hồ là gì nếu không phải chỉ là gã cầm đầu một đảng cướp giật? Như vậy, HCM chính là đầu sỏ “xúc phạm đến hình ảnh danh nhân, anh hùng dân tộc” đấy. Vì vậy, thật là hồ đồ khi kết án người dân xúc phạm đến Hồ Chí Minh và đám đồ đệ của y chỉ vì người dân ấy dám chỉ ra tội phản dân hại nước của cả HCM lẫn bầy tôi của y!
Ngoài ra, Thư của Gp Vinh cũng chỉ ra không ít những sai trái nghiêm trọng rải đầy từ đầu đến cuối bản DT4 Luật TNTG, như lấn sâu vào sinh hoạt, hoạt động thuần túy tôn giáo trong nội bộ tôn giáo, hoặc nhân danh “công ích, quốc phòng và kinh tế” nhằm cướp đoạt quyền sở hữu và sử dụng tài sản, đất đai của tôn giáo, hay ngăn chặn, không cho tôn giáo quyền tham gia hoạt động trong các lãnh vực giáo dục, y tế… ngang bằng các tổ chức tư nhân khác…
Cuối cùng, bức Thư của Gp Vinh đi tới kết luận nhẹ nhàng: “Vì vậy, trong giai đoạn đang xây dựng luật này, chúng tôi mong những ý kiến đóng góp của chúng tôi sẽ được lắng nghe một cách nghiêm túc và thực hiện những điều chỉnh cho phù hợp”.
Theo chúng tôi, hủy bỏ hoàn toàn DT4 Luật TNTG là cách “điều chỉnh phù hợp” nhất vậy.
4. Thư góp ý của Giáo phận Xuân Lộc “bày tỏ sự nhất trí” với bản Nhận định và Góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhưng cũng đưa ra nhận định riêng của mình rằng: “Có những từ ngữ có thể dẫn đến những lạm quyền, nhũng nhiễu, giải thích luật tùy tiện. Hệ luận của điều này là tình trạng thiếu sự đồng bộ trong chính quyền, sẽ gây nên sự bất mãn với chính quyền, bất ổn cho xã hội. Ví dụ: đây là văn bản luật, nhưng lại thường xuyên xuất hiện cụm từ rất mơ hồ “theo quy định của pháp luật”. Từ nhận định trên, Thư góp ý của Gp Xuân Lộc đề nghị: “Văn bản luật cần sử dụng từ ngữ minh bạch, rõ ràng”.
Thư góp ý của Giáo phận Kontum
Riêng Thư Góp ý của Giáo phận Kontum tuy ngắn và xuất hiện sớm nhất (28/4/2015), nhưng rất đáng lưu tâm vì được cả hai vị Giám mục sở tại cùng ký tên (Giám mục đương nhiệm Hoàng Đức Oanh và Giám mục hưu trí Trần Thanh Chung) với lời lẽ đanh thép và hàm súc những ý tưởng đặc thù độc đáo.
Thư góp ý của Gp Kontum đóng góp một số ý kiến và đề nghị, trong đó Ý kiến 1,1 nêu rõ: “Góp ý vô ích thôi”, “Người ta đã quyết định rồi, góp gì nữa!” “Đến như bản Hiến Pháp quan trọng thế mà có ai góp ý được gì đâu….” Góp ý gì nữa? Góp ý vô ích thôi! Chúng tôi và tín đồ các tôn giáo trong nước hoàn toàn đồng ý với lời góp ý trên.
Ý kiến 1.2 trong Thư của Gp Kontum còn nhận xét: “Những người không tôn giáo lại viết luật cho những người có tôn giáo”… Kế đó, ý kiến 1.3 phê phán DT4 Luật TNTG “xiết chặt tinh tế hơn”. Cuối cùng, ý kiến 1.4 quả quyết việc tham khảo ý kiến vội vàng chẳng qua “chỉ giúp cho có vẻ dân chủ…”.
Từ các nhận định trên, Thư Góp ý của Gp Kontum “đề nghị hoãn việc biểu quyết Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo để dồn toàn lực đất nước cho việc chống ngoại bang phương Bắc đang lấn chiếm đất biển chúng ta…” Hoãn là phải, vì nếu bản dự thảo ấy thành luật thì nó sẽ trở thành Luật siết cổ quyền tự do tôn giáo, một vi phạm thô bạo tới quyền thiêng liêng cao quý nhất của con người.
Dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo – Ôi! Chữ và nghĩa!
Ngoài các góp ý trên, Bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 219 ngày 15-5.2015 cũng lên tiếng: “So với Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2004 có 6 chương 41 điều, DLTNTG năm 2015 lại có tới 12 chương 71 điều, nghĩa là tinh vi hơn, siết chặt hơn. Nó tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho, với đủ mọi loại giấy phép (thể hiện qua những kiểu nói “đăng ký” [nghĩa là xin phép, 23 từ], “chấp thuận” [7 từ], “nhà nước/cơ quan nhà nước công nhận” [10 từ], “quy định” [36 từ] trong đó “quy định của pháp luật” [15 từ])”.
Chúng rà soát lại mới hay bản Dự thảo DT4 Luật TNTG sử dụng từ ngữ “đăng ký” đến 32 lần, chứ không phải chỉ 23 lần. Từ ngữ “chấp thuận” 36 lần (bao gồm chấp thuận và không chấp thuận), không phải chỉ 7. Từ ngữ “công nhận” 12 lần chứ không phải 10, (cả công nhận lẫn không công nhận).
Một từ ngữ khác, từ “thông báo” cũng được bản Dư thảo khai thác tối đa. Giống như từ “đăng ký”, từ “thông báo” có nghĩa là phải XIN PHÉP, như “thông báo hoạt động của cơ sở đào tạo”, “thông báo hoạt động đào tạo”, “thông báo chỉ tiêu tuyển sinh”, “thông báo số lượng học viên” bằng văn bản… Lại chỉ rõ người “có trách nhiệm thông báo là người đại diện cơ sở đào tạo của tôn giáo”; và việc thông báo phải bằng văn bản gửi “cho cơ quan QUẢN LÝ Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương”!
Như vậy, Thông báo có nghĩa là phải XIN PHÉP - XIN PHÉP cơ quan QUẢN LÝ Nhà nước ở TRUNG ƯƠNG.
Toàn văn DT4 Luật TNTG cho thấy nhất cử nhất động của phía tôn giáo đều bị theo sát, bám chặt dưới hình thức “giám sát”, dòm ngó, theo dõi và gây khó từ việc nhỏ đến việc lớn, từ con người đến sinh hoạt, hoạt động và cả từng bước đi… gì gì cũng phải trình thưa, cúi đầu vâng dạ…
Đó không phải là cơ chế XIN-CHO mà là một thứ cơ chế què quặt quái đản của một nhà nước độc quyền, độc đoán và độc trị, bám lấy quyền KHÔNG CHO nhiều hơn là CHO. Mà CHO thì có nghĩa là BAN ƠN tùy tiện, và kẻ thụ ân phải “hết lòng tri ân Đảng và Nhà nước quan tâm, chiếu cố!” chưa kể phải “biết điều” chu toàn thủ tục… đầu tiên!
Không chấp thuận? Nêu lý do!
Trong DT4 Luật TNTG, một câu được lặp đi lặp lại như một điệp khúc cũng rất đáng chú ý, đó là điệp khúc: “Trường hợp không chấp thuận, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Nghe hay lắm! Dân chủ lắm!
Nhưng… nếu “lý do” bên phía chính quyền (dù là chính quyền địa phương) nêu ra không đúng đắn, không hợp lý, không chính đáng, thì ai sẽ giải quyết và giải quyết như thế nào, tại sao luật không nói tới?
Tóm lại, như Thư của HĐGMVN đã chỉ ra, DT4 Luật TNTG “đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo, gây lo ngại nhiều hơn là đem lại sự bình an cho mọi người”.
Dự luật ấy một khi thành luật mà không có sự góp ý dân chủ từ phía nhân dân và tôn giáo, thì đích thị nó luật rừng, thủ tiêu hoàn quyền Tự do căn bản chính đáng và thiêng liêng quý trọng nhất của con người – quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo! Chẳng khác Pháp lệnh, Nghị định và Thông tư trước đây!
Có điều là một khi nó đã thành luật, thì luật có tính cưỡng chế… hợp luật CS hơn, dù đó chỉ là luật rừng từ một chủ nghĩa man rợ mà nhân loại đã đào thải – chủ nghĩa cộng sản.
20/5/2015