Lê Hải Lăng (Danlambao) - Rời bỏ cái chòi trên đồi sim ở La Vang, Quảng Trị, chị Thiên Hải theo người bà con vào Bù Đăng, Bù Đốp khai khẩn đất rừng hoang dã. Chị làm nghề đốt rẫy trồng đậu, bắp, bí sắn, khoai. Cuộc sống đang êm đềm thì những cán bộ công an địa phương cưỡng chiếm, tịch thu khu đất với cái tội mơ hồ là không có giấy phép khai khẩn.
Biết là kẻ cô thế chị chịu thua cuộc và đành đoạn về phố thị sống chui. Với số tiền dành dụm và con chó vàng làm bạn đồng hành. Chị được người quen chỉ cho khu vực đống rác phế thải. Thế là chị mang cọc và vải ni lông ra đó cắm dùi.
Ngày nối ngày cứ hai ba giờ sáng chị thức dậy xếp lều vào thúng rồi đi vào hẻm theo chị Bến người quen đi lấy hàng về bán lẻ.
Chị Bến và chị Thiên Hải quen nhau rồi kết thân khi hai người gặp nhau tại chợ Đồng Xoài, Bình Phước. Lúc đó chị Bến bị móc túi hết sạch số tiền mà chị dự định đi mua trái điều, chính chị Thiên Hải ra tay giúp chị Bến một số tiền để ăn trưa và đón xe về Thủ Đức.
Hôm nay là tuần lễ của nhà nước. Chị Thiên Hải đi sớm để kịp lấy trái cây tươi rồi thong thả lội bộ về ngã ba đầu con hẻm. Như mọi khi về tới nơi chị kê đầu lên đít thúng đánh một giấc, chờ đường cho có khách qua lại mới dọn hàng. Khi ánh nắng vừa nhón nhén trên tàng cây me vệ đường là lúc chị vùng dậy. Chị lấy hai cây tre đã gấp đôi kéo thẳng ra cột tấm bạt vào rồi dựng lên bày biện trái cây ra bán. Cứ mỗi lần thấy khách chị mở miệng:
- Bà con ơi! Trái ổi Cai Lậy không mùi khét vừa ngọt vừa thơm, trái ớt trồng lề đường Đại Lộ Kinh Hoàng hột càng ăn càng cay nước mắt, nhãn lồng Gia Hội, Phú Cam từ Huế mang vô chặt đầu bóc vỏ vừa ngọt vừa bùi, măng tre An Lộc xào thịt heo ba rọi vừa dai vừa bổ máu. Mại vô mua giúp cho bà con ơi!
Một người khách già kéo cái kiếng trắng xuống rồi há mồm hỏi:
- Cháu bán hoa gì mà rao mời dài lòng thòng, lại là hoa quả các địa danh đụng chạm cái CẮT mạng nhân dân không à…
- Ủa chào bác lâu ngày. Cái nhà lầu xe hơi đưa cho Kiều lá đỗ mang về suối vàng rồi ra sao nay lại đi bộ. Bao giờ bác theo Ngô Công Ác tìm Tia sáng xã hội ngã ba chú Iá?
- Sao cô biết tôi?
- Mô phải mình tui biết. Cả nước biết cái cẳng thứ ba các ông. Lạ gì Hồ Ngọc… trường kia mà. Giờ biết khóc bị lừa đã quá muộn.
Khi ông khách già hổ thẹn cúi mặt quay lưng. Chị Thiên Hải để ý tới một cán bộ nữ đang dựng chiếc xe Honda. Cô ta cởi đôi găng tay màu trắng, kéo xệch miếng vải che miệng qua một bên, đoạn hỏi chị Thiên Hải:
- Chị mua ổi này ở đâu? Mấy cây mía kia miệt nào mang về?
- Loại ổi ni không phải Gò Vấp mô. Tui mua mối Cai Lậy chở lên. Mía ni là mía Củ Chi chính hiệu mua giùm tui đi!
- Giời ơi! Mía gì mắt sần sùi chông gai thấy mà ớn.
- Bậy nào. Tụi “đế quốc” tới tham quan địa đạo mang phân bón cho nhà nước ta trồng tốt, nước ngọt hơn cả mía anh em xã hộ khẩu nghĩa Cuba nữa đó tề.
- Nhưng mà đốt ngắn ăn không đã thèm.
- Trời ơi hỏi những nhà văn nô nữ coi mía Nam bộ sung sức cứng cáp không. Chỉ mới bị xuống cấp khi nhà nước mở trại cải tạo bỏ đói.
- Thôi được, đếm cho tôi hai tá ổi, nhớ là vứt bỏ những trái mầm non. Cho thêm cây mía để tưởng tượng chiếc gậy phía Nam Trường Sơn.
- Cây mía này mà làm gậy đi trên con đường mòn thời đại dân ăn đá đảng ăn cao lương thì hết sẩy đó.
Chị Thiên Hải gói hàng giao cho khách xong. Chị nhìn ánh nắng xiên khoai tỏa xuống lưa thưa qua những tàng cây về chiều. Chị chép miệng ngâm bài thơ của ông thầy dạy triết:
“Nắng sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”
Chị Bến bán hàng bên cạnh vỗ vai Thiên Hải:
- Thơ của ai mà hảo huyền mơ mộng thế chị. Tôi thì quen bắt học thơ Tố Hữu chỉ có máu và nước mắt thôi ạ!
- Thơ văn nhân thi sĩ miền Nam là vậy đó. Người CS miền Bắc đem chiến tranh tới với họ bằng cách dựng lên cái Mặt trận dân tộc giải phóng năm 60. Thế rồi xe đò bị giật mìn, trường học bị ăn pháo, nhà hàng bị đặt chất nổ. Nhưng học đường được tự do học thơ con nai vàng ngơ ngác của Lưu Trọng Lư, chim trên cành há mỏ hát ra thơ của Xuân Diệu. Khổ lắm chị ơi! Chồng mình không chết trong khói lửa mà chết oan khiên trong trại tù thời hết đao binh mới thấy nỗi nhục làm người cái nước XHCN này.
- Đời tôi cũng chẳng hơn chị mô. Anh em ruột bị đưa vô Nam đến giờ ni có biết xác ở mô mà tìm. Còn chồng tôi phục viên trở về trong tình trạng ngất ngư rồi đau bệnh chết. Thế rồi tôi mới bỏ quê hương Bố Trạch tìm mối vô đây sống đơn chiếc vất vưởng từ ngày đó tới đây.
- Chị thấy coi, giá như ĐCS không phát động xâm nhập gây chiến trong này với chiêu bài giải phóng năm 60 thì chưa chắc Mỹ đổ bộ quân đội năm 65 vào Chu Lai Đà Nẵng. Và chắc gì lúc này chị cũng như tôi là nạn nhân CS ở hai miền phải sống cô độc đau đớn như thế này.
Hai người lặng nhìn rồi ôm chầm lấy nhau. Những giọt nước mắt xót xa dạ bào rỉ rả trên gò má gầy gò của họ.
XXX
Hôm nay tự nhiên trời đổ mưa xối xả. Hai vợ chồng cán bộ thành ủy ngồi ngâm nga nhắm rượu ăn cơm. Bà vợ lườm chồng một cái rồi nói:
- Ông uống vừa thôi. Bữa cơm nào cũng uống, còn bao cái chuyện nhà cửa không lo.
- Bà thật là lắm chuyện. Có ba cái biệt thự tổ chác cho ba đứa con ở ba khu phố rồi, còn mấy cái thửa đất rộng tràng giang dưới Bình Dương, Thủ Đức tôi chia cho bà con bà cả rồi. Cái gì cũng từ từ có cơ hội mới kiếm thêm chứ!
- Người ta thì có hàng chục hàng tá lâu đài, lại đưa con cháu đi du học chuyển bớt của chìm. Còn ông cứ làm cái gì cũng chậm, ngay cả việc mở phong bì thấy nhẹ tay cũng bỏ vô túi mà không đặt điều với họ.
- Bà đừng tưởng dễ nhé. Mấy khu vực béo bở phải để dành Trung ương, bố tôi dám đụng à.
- Thôi chuyện nhà để bàn sau. Ông nè. Trước ngõ nhà mình tôi để ý mỗi lần trời mưa là y như là có con ăn mày mang bị thúng tới núp. Để tôi lấy chổi ra quét nó đi mới được.
Nói xong người vợ cán bộ nguýt chồng rồi thoăn thoắt đi ra ngoài cổng. Thấy chị Thiên Hải lấp ló, bà lên giọng:
- Con ăn mày kia lũi đi chỗ khác. Khi nào trời mưa mầy cũng chạy vô trốn làm mất vẻ đẹp cái ngõ vào nhà tao.
Chị Thiên Hải nhìn kỹ cái mặt cong cong, đôi mắt to và sắc như cú, lông mày thì mấy sợi lưa thưa, lại có lỗ tai chuột. Chị múa tay đáp lễ:
- Không ai có quyền đuổi tôi. Đất miền Nam này là chồng con chúng tôi đổ máu xương xây dựng bảo vệ. Chưa biết đứa nào ăn mày ăn cướp.
- Tao không quét mầy đi được. Tao nói chồng tao gọi công an tới tống cổ mầy đi được không nào.
- Đem súng đạn búa liềm đi đuổi dân cướp đất lấy nhà dân là người rừng rú bất nhân chứ tốt lành gì chứ!
- Trong tuần lễ này cờ xí giăng giăng đầy ngõ trên đầu mầy. Bớ con ăn mày kia! Mầy dám đứng đây chưng bày bộ mặt xấu xí của mầy dưới ánh sáng hào quang thời đại HCM rực rỡ phải không?
Chị Thiên Hải cố nuốt cơn giận vào lòng. Chị đứng thẳng dậy mang đôi gánh lên vai rồi nở môi cười nửa miệng:
- Bà ơi. Tôi đi giữa lòng cái xã hội ngông cuồng trong tối nay. Những giọt sương đêm mang hơi khí mồ hôi nước mắt và máu tiếp tục rơi trên nền cờ búa liềm đó bà ơi!
Đi được một khoảng xa. Chị bắt gặp chiếc xe công an chận lại. Một người nhảy xuống xe túm lấy cái gánh của chị Thiên Hải rồi lớn giọng ra lệnh:
- Bà lên xe về đồn ngay. Chúng tôi nhận tin báo là bà bày bán trên đường lại cãi vã làm ầm ỷ cả khu phố, bà phạm Điều 245 gây rối trật tự bà biết không?
Chị Thiên Hải giành lại quang gánh giọng quyết liệt:
- Ông không có quyền bắt tôi đưa về đồn để đánh cho chết như nghề của các ông. Bè đảng các ông giành lấy hết tài nguyên quốc gia làm của riêng. Tôi chỉ có cái thúng mẹt chở trái cây bán nuôi thân cũng đòi tịch thu à.
- Ừ! Bà vi phạm điều luật 258 chống chế tôi thi hành công vụ trong tuần lễ cả nước ăn mừng này.
- Ông lầm to rồi. Các ông tự đặt ra đảng, tự đặt ra nhà nước, tự sắp xếp người cai trị từ trung ương tới hạ tầng thôn làng phố xá, vẽ vời ra luật rừng rồi ngồi xổm lên Hiến pháp, người dân hai tay không chỉ chịu kiếp làm nô lệ vì các ông có súng đạn. Các ông hèn với giặc Trung Cộng cướp đất cướp biển mà thật ác với dân vậy. Lễ lạc các ông dí súng bắt tôi vỗ tay thì vì sợ chết tôi vỗ, chớ trong lòng tôi khinh bỉ cái đảng ác ôn côn đồ trị của các ông.
Người công an giơ cánh tay thụi một cái thật mạnh vào thái dương chị Thiên Hải rồi nói:
- Còn đảng còn mình. Mầy chết tớ bỏ lên xe về sở, ngày sau báo là tự tử dễ như ăn kẹo mừng ngày lễ Cách mạng và Quốc khánh đấy biết không con mệ phản động?
Chiếc bong bóng có in số 2 gạch 9 chập chờn trong đầu chị Thiên Hải rồi mất hút khi những giọt máu miệng trào ra…
Lá cờ đỏ giăng trên nóc xe công an được điểm tô thêm thành tích vấy máu nhân dân vô tội cho đảng quang vinh.
26/8/2015