Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Tôi bị bắt ngày 18.9.2008 khi đang công khai tọa kháng tại nhà với khẩu hiệu “Trường Sa-Hoàng Sa là của Việt Nam. Phản đối công hàm bán nước ngày 14.9.1958 của Phạm Văn Đồng”. Sở dĩ phải nhấn mạnh chữ “công khai” vì trong bức tâm thư được công bố trên mạng Internet trước đó 5 ngày, tôi đã tuyên bố về việc tọa kháng. Khi một dự định, một việc làm chính danh đã được thông báo trước bàn dân thiên hạ thì không thể bị coi là lén lút để bị “bắt quả tang” như cáo buộc của phía Cơ quan an ninh điều tra. Nhưng thôi, chuyện cũ không nhắc lại.
Vào khoảng 10:40’ ngày 15.9.2015, tôi nhận được một “giấy triệu tập” của Cơ quan thi hành án hình sự - Công an quận Hải An yêu cầu đúng 14 giờ cùng ngày lên trụ sở công an phường Đông Hải 1 (quận Hải An) “Để làm việc liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận chấp xong án phạt quản chế”. Tôi nghĩ, có thể người đánh văn bản đã viết thiếu chữ“hành” trong chữ “chấp hành” nên mới thành một câu văn không rõ nghĩa như trên.
Tôi đã nhận giấy triệu tập, nhưng không đi. Cũng như suốt 3 năm quản chế với gần 40 lần bị triệu tập, tôi đều không đi. Một vài lần tôi bị công an bắt giữa đường và bị đưa về trụ sở công an phường, rồi trụ sở ủy ban để “làm việc” với lý do tự ý rời khỏi nơi bị quản chế. Lần nào bị bắt, tôi cũng bị “phạt hành chính”, tất nhiên tôi không nộp tiền.
Đơn giản, tôi không có tội. Không có tội đương nhiên không chấp nhận bản án. Không chấp nhận bản án thì sẽ không chấp hành quản chế để phải đi trình diện, báo cáo hay kiểm điểm v.v... hàng tháng theo yêu cầu của “chính quyền địa phương”. Điều ấy hoàn toàn logic, theo quan điểm của tôi. Và chắc tất cả những người có thiện ý đang phải làm việc trong hệ thống công quyền cũng tán thành với quan điểm này của tôi.
Viết đến đây lại nhớ một người cai tù ở Trại 5 Thanh Hóa tên là Minh. Một lần ông ta đến xưởng lao động, thấy tôi đang ngồi đọc sách ở gốc cây đã hỏi vì sao tôi không chịu cải tạo (tức lao động- cách gọi theo thói quen trong tù). Tôi trả lời không có nhu cầu cải tạo từ người tốt thành người xấu. Và tôi nói mình không có tội. Ông ta cười, mỉa mai hỏi: “Chị không có tội sao phải vào đây, sao phải mặc áo tù?”. Tôi trả lời: “Tôi không tự động vào tù. Chính người của các ông bắt tôi vào đây đấy chứ. Còn nếu ông đã gợi ý thì có lẽ tôi cũng sẽ cân nhắc xem có nên mặc chiếc áo tù này không”. Ông ta mắng tôi: “Chị này vớ va vớ vẩn, tôi gợi ý chị bao giờ. Đúng là nói chuyện với chị khó lắm.” Rồi ông ta bỏ đi. Thi thoảng chạm mặt, lại cười trừ.
Điều đáng nói là, không chỉ người cai tù kia, mà một số công an khi đối thoại với tôi cũng giở câu nói cùn “không có tội sao phải đi tù”, để bắt vạ tôi. Một thứ lý luật rất... hồn nhiên.
Trở lại với giấy triệu tập của Công an quận Hải An hôm 15.9.2015.
Xét theo nội dung ghi trong giấy triệu tập là “Để làm việc liên quan đến giấy chứng nhận chấp xong án phạt quản chế” thì việc “triệu tập” là không hợp lý, phải là “giấy mời”, mới đúng. Tuy nhiên, như đã bày tỏ quan điểm ở trên thì dù là “giấy mời” hay “giấy triệu tập”, tôi cũng không có nhu cầu phải đi “làm việc” với công an, hay với “chính quyền địa phương” về việc “quản chế”.
Hơn nữa, theo luật của nhà cầm quyền thì đơn vị thực hiện việc quản chế là Ủy ban Nhân dân chứ không phải Công an. Việc công an khu vực gửi giấy triệu tập lúc 10h40 phút sáng 15.9 và yêu cầu tôi “đi làm việc” vào 14 giờ chiều cùng ngày là không đúng quy định. Tất cả những giấy triệu tập của Ủy ban phường suốt 3 năm qua cũng tương tự. Gửi giấy chiều hôm trước và yêu cầu “đi làm việc” vào sáng hoặc chiều hôm sau. Thậm chí, có lần công an còn mang giấy triệu tập đến nhà và định áp giải tôi đi “làm việc” ngay lập tức, nhưng tôi phản đối.
Một điều rất không ổn nữa là trong hầu hết các giấy triệu tập đều dùng danh xưng “đồng chí” để xưng hô với tôi. Ví dụ: “…gặp đồng chí A, B, C...,” kèm theo chức danh của đơn vị triệu tập. Tôi nghĩ, không riêng gì tôi mà cả những người cộng sản, những người triệu tập tôi đều không muốn làm đồng chí với nhau. Điều này nên rạch ròi.
Hết án quản chế, công an không thể lấy cớ tôi đi tự ý đi khỏi địa phương không xin phép để hoạnh họe, vây bắt giữa đường rồi câu lưu, thẩm vấn nhiều giờ đồng hồ tại trụ sở ủy ban, sau đó ra quyết định phạt tiền. Song không có nghĩa rằng tôi và các cựu Tù nhân lương tâm khác cũng đều được tự do đi lại sau khi hết hạn quản chế. Không có lý do này, họ sẽ lấy lý do khác để ngăn cản nếu họ muốn như đã và đang xảy ra với các nhà hoạt động khác.
Chúng ta chỉ thực sự được tự do khi Quyền Con Người được tôn trọng và đảm bảo trên đất nước này.
Với bài viết này, một lần nữa xin xác định lại quan điểm pháp lý của cá nhân tôi, rằng:
- Bản án dành cho tôi là bất công, sai trái và tôi không công nhận bản án đó. Tôi chưa bao giờ chấp nhận việc bị quản chế, thể hiện rõ trong việc không đi trình diện, không đi theo lệnh triệu tập, báo cáo, hay kiểm điểm…theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
- Việc hết hạn quản chế hay không hết hạn quản chế là chuyện của cơ quan công quyền đã ra những quyết định sai trái. Hy vọng, trong việc nhỏ này các cơ quan hữu quan sẽ biết hành xử thế nào cho đúng đắn.
- Tôi đã, luôn và sẽ cố gắng là một Công dân Tự do theo ý nghĩa: Tự do hành động theo lương tâm, trách nhiệm của một người Việt Nam chân chính và phấn đấu cho Công bằng, Công lý của bản thân và xã hội.
Tôi luôn là một con người tự do, ngay cả khi bị cầm tù.
Hải Phòng ngày 17/9/2015