Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Xưa nay người Việt mình dùng ba chữ/tiếng “oan thị kính” để nói lên những nỗi oan khuất cùng cực mà không thể giãi bày được. Nhưng bước vào thời đại “văn hóa mới con người mới xã hội chủ nghĩa” lên đến đỉnh điểm tự sướng mừng 70 năm Ngày khi không từ trong bụi chui ra cướp được chính quyền đang trong tay người Việt Nam (Chính phủ Trần Trọng Kim), thành ngữ “oan thị kính” đã bị thay thế bằng “oan côn đồ”.
Quả thật, đối với những nỗi oan mà “giai cấp” Côn Đồ đang phải âm thầm chịu đựng (vì “há miệng”, sợ không phải vì “mắc quai” nhưng vì bị “xử lý” trái quai hàm, bị CA còng khóa mồm), oan Thị Kính chỉ là đồ bỏ, nhỏ như con thỏ con còn nằm trong bụng mẹ.
Thị Kính được mô tả là một phụ nữ tài sắc vẹn toàn, hiếu thảo với cha mẹ và yêu thương chồng. Nhưng chẳng may sinh ra và sống vào thời kỳ “Tiền Cắt mạng”, Việt Nam chưa có cha già DT, nên cánh con gái như Thị Kính không có may mắn được làm “cô gái vót chông” hòng đâm thủng mông “lính Ngụy”; làm “O du kích nhỏ dương cao súng” đi sau “Thằng mỹ lênh khênh bước cúi đầu” vì lo tránh vũng nước (1); hay làm cô gái “Bắc Kỳ nho nhỏ” vác hòm đạn to to, lo tải cho kịp vào Nam trước ba ngày Tết Mậu Thân để các anh chiến sĩ phỏng gì kịp pháo vào thành phố đúng giờ đồng bào ruột thịt cúng đêm Giao Thừa, tạo nên chiến thắng vang dội năm châu lừng danh địa cầu. Chỉ tính riêng “số lượng” tính mạng dân Huế được Cắt Mạng giải phỏng, thành tích vụ 9/11 của trùm khủng bố Bin Ladin cũng thua xa; về mặt “chất lượng”, lại một trời một vực: Bin Ladin chỉ dám giết bọn “ngoại đạo”, bác Hồ chuyên thịt “Đồng bào Miền Nam luôn trong trái tim bác”; nạn nhân của bác Bin chết ngay tức thì trong tích tắc, trong khi nạn nhân của bác Hồ chết từ từ do ngộp thở. Còn cánh con trai thì thời đó chưa phải “Đi B” để bê Miền Nam về cho ông Liên Xô và ông Trung Quốc. Thời Thị Kính, chỉ có “trai thì đọc sách ngâm thơ”, gái thì “khi vào khung cửi, khi ra thêu thùa”.
Cũng chính vì cảnh nhàn nhã đọc sách, thêu thùa ấy mà sinh ra cái “oan thị kính”. Một hôm, người chồng là Sùng Thiện Sĩ đọc sách mệt, ngủ thiếp đi. Thị Kính đang khi ngắm khuôn mặt đẹp trai của chồng, “phát hiện” nơi cằm chồng có sợi râu chỏng ngược. Sẵn con dao trong thúng đồ thêu may, nàng cầm lên định tỉa sợi râu vô duyên. Bỗng Thiện Sĩ tỉnh giấc, thấy vợ cầm dao kề cổ mình, liền tri hô là vợ định giết mình. Thế là nỗi oan giết chồng của Thị Kính bắt đầu từ đây và đưa đẩy nàng vào những cái oan khác nữa sau đó.
Bị chồng và gia đình chồng ruồng bỏ, xã hội khinh khi. Thời đó “Cắt Mạng” chưa về, nên người dân chưa được làm bà chủ đất nước để lo lót chạy dịch vụ xin đầy tớ cho “xuất khẩu lao động nước ngoài”, làm dâu Đài, Hàn, hoặc chạy bàn quán ba (bar) bên Thái, để tìm lối thoát. Lối thoát duy nhất của Thị Kính là nương nhờ cửa Phật. Cửa Phật lúc đó chưa “gặp mùa pháp nạn” sư quốc doanh hoành hành, nên nhà chùa không cần điều tra lý lịch Thị Kính, chỉ thấy người muốn vào tu là thày trụ trì cho ngay. Không còn thấy tăm tích nàng nữa để xỉa xói “đứa giết chồng”, thiên hạ chuyển Thị Kính sang tội, bỏ chồng theo trai.
Thị Kính không theo trai, nhưng cạo đầu giả trai để làm chú tiểu Kính Tâm với mục đích duy nhất là được náu thân nơi Cửa Phật. Tưởng rằng sẽ được yên thân, nhưng oan khuất mới lại tìm đến, do Thị Màu. Đó là con gái của một phú ông trong làng, có tính lẳng lơ, thấy trai là y như mèo đói meo thấy mỡ heo hợp tác xã nhà nước CHXHCNCC nuôi bằng thai thiếu nhi bị giết từ trong bụng mẹ do chính sách mỗi gia đình chỉ được phép đẻ hai con. Thị Mầu có thói quen lên chùa, để lễ Phật thì ít mà để liếc trai thì nhiều. Trai sư ông, trai chú tiểu, Thị Mầu cũng không tha. Gặp “trai” Kinh Tâm, Thị Màu lại càng quyết tâm đâm nhào vô tán tỉnh. “Quen thói trăng hoa, Thị Màu bèn tư thông với một người đầy tớ trong nhà, không ngờ thị mang thai và bị làng phạt vạ. Thị Màu bèn vu vạ cho Kính Tâm ăn nằm với thị. Vì thế Kính Tâm bị làng đòi đến tra khảo, không biết biện bạch ra sao để gỡ mối oan này.”(2)
“Sư cụ thấy “chú tiểu” bị đánh đòn đau, thương tình, kêu xin với làng nộp khoán. Dù thương xót Kính Tâm, nhưng vì sợ ô danh chốn thiền môn nên sư cụ cũng phải để Kính Tâm ra ở ngoài mái tam quan. Thị Màu sanh con trai, đem đứa bé bỏ trước cổng chùa. Động lòng từ bi, Kính Tâm ra ẵm lấy đứa bé và chăm lo nuôi nấng hết lòng.
Ngày ngày, Kính Tâm phải bế đứa bé đi xin sữa khắp đầu làng cuối xóm trong sự cười chê của thế gian. Ba năm sau, Kính Tâm yếu hẳn đi, trước khi mất, viết một lá thư dặn đứa bé giao lại cho cha mẹ mình. Đứa bé vội lên chùa trên báo cho sư cụ. Lúc đó, mới hay Kính Tâm là đàn bà. Khi lá thư của nàng về đến quê thì mọi người biết nàng không phải là gái giết chồng. Nỗi oan tình của Thị Kính từ đó được tỏ, nhưng vẫn còn đọng lại một điều gì đó quá nặng nề với người đời.” (2)
Trên đây là đại khái chuyện kể về nỗi “oan thị kính” nó... oan khủng khiếp như vậy. Nhưng đó là chuyện oan đời xưa, không thấm vào đâu, so với những nỗi oan côn đồ đang chịu hôm nay trong thời đại Xã Nghĩa.
Trước hết là nói về “tương quan lực lượng” con số những chuyện oan thì, của Thị Kính chỉ có bấy nhiêu điều oan vừa kể, trong khi đó nhưng điều oan người ta vu cho Côn Đồ thì vô số hằng hà. Chỉ tính sổ về mặt đêm đêm đi rình tạt đồ bẩn thỉu hôi hám như kít đái, mắm tôm trộn dầu nhớt thải vào nhà Phạm Thanh Nghiên vì tội “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam”, nhà Mẹ Nấm vì tội “Quyền Con Người”, nhà cô bé Huỳnh Thục Vy vì tội “Đòi Tự do Dân chủ”, nhà cô Bùi Hằng vì tội “Đòi đảo Trung Quốc xâm lược cút khỏi Việt nam”, nhà Tiến sĩ Nguyễn Thang Giang, nhà “LTCM” Hoàng Minh Chính, và vô số nhà khác nữa.
Tiếp đến là về thành tích “bốc hốt” người biểu tình chống Tàu xâm lăng của Côn an chìm vu cho Côn Đồ. Nội chỉ hai chữ “bốc hốt” không thôi, côn đồ đã bị đổ cho bao cái oan. Nào là đổ cho côn đồ “bốc” điện thọai trên tay, trong túi áo túi quần người ta, dấu trong ngực đàn bà; nào là vấy cho côn đồ “hốt” dân biểu tình lên xe về đồn CA. Đó là chưa nói về cái tội Côn đồ bị đổ cho là đã hợp đồng tác chiến với lực lượng vũ trang chính quy nhân dân cùng cho nghiệp vụ nhân dân ủi sập chòi ở và bắt sạch toàn bộ mấy chục tấn cá trong ao Đoàn Văn Vươn, và hai con chó thấy chủ bị bắt đã lội nước chém vè cũng không thoát khỏi con mắt lực lượng hải quân nhân dân của phe “cưỡng chế Cống Rộc, Tiên Lãng là trái pháp luật”, bị bắt làm rựa mận ngay bữa tiệc khao quân mừng chiến thắng vẻ vang đáng viết vào lịch sử QĐND.
Oan của Côn Đồ thì nhiều vô số kể. Thôi xin kể chuyện oan mới nhất, đẹp mặt nhất. Đó là kéo nhau ra “Sân bay quốc tế” Nội Bài, nơi “Thủ đô của phẩm giá con người (3).
Côn đồ nào lại có những thứ côn đồ hành động lộng hành vì những lý do mục đích phi côn đồ như thế?
Cái oan của Thị Kính có thể hiểu được, nhưng những cái oan côn đồ đang, đã và sẽ chịu dài dài trên đường xây dựng CNXH đến hết thế kỷ 21 đã biết xong chưa, không ai có thể lý giải, kể cả nhà toán học thiên tài Ngô Bảo Châu.
Phúc cho Thị Kính cuối cùng rồi cũng đã được giải oan.
Tội nghiệp cho Côn đồ (thứ thiệt) biết đến bao giờ mới hết oan. “Trăm dâu đổ đầu tằm” cũng tạm được đi, vì Tằm chỉ sống được nhờ dâu. Nhưng trăm, nghìn chuyện đánh đập người dân yêu nước, chống ngoại xâm, đòi hỏi tự do dân chủ và quyền con người, đòi hỏi công lý, chống lại cướp ngày vào nhà mình, lên tiếng vì danh dự của giống nòi bị xúc phạm... vân vân chỉ vì lợi ích của dân tộc, bảo vệ tổ quốc như đã xảy ra là những hoạt động không dính dáng gì đến chủ trương đường lối của Côn Đồ, hoàn toàn không hề có trong "ý thức hệ" của “giai cấp” xưa nay. Đó là chưa nói đến, Côn đồ có lòng tự trọng của Côn đồ: Dám làm dám nhận, chứ không đổ vấy cho kẻ khác.
Có thể tóm tắt: đem Oan Thị Kính sánh với Oan Côn Đồ, chả khác gì đem con chuột nhắt đặt trên lưng con đại tượng.
Chỉ buồn là con “đại tượng” Oan vẫn bị đứng đó... Như tượng đài bác Hồ đang đứng khắp nơi trên đất nước Việt Nam.
15/9/2015
____________________________________
Ghi chú:
(1) Theo “tiết lộ” về sự thật của “tấm hình lịch sử” đảng viên CS trung kiên, nguyên Phó CT/MTTQ một tỉnh ở Tây Nguyên, thi khi giải người TB Mỹ này đi, “quân ta” ra dấu bảo tên “giặc lái” cúi đầu đệ chụp hình, nhưng một hai “hắn” không chịụ. Phải đến lúc “ta” nghĩ ra cái mưu là dẫn “hắn” đi qua một vũng nước chỉ có chỗ đủ đặt chân lên cho khỏi ướt, “tên Mỹ” mới chịu cúi đầu để bước đúng chỗ khô ...
(2) Trích từ http://www.baodanang.vn/channel/6059/201304/cua-so-tri-thuc-oan-thi-mau-va-oan-thi-kinh-2233605/