S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Người ta nghĩ rằng công an Việt Nam đã bắt cóc ông Lê Trí Tuệ, một trong những sáng lập viên của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam. - HRW
Từ Vọng Các, hôm 7 tháng 10 năm 2015, biên tập viên Gia Minh đã gửi đến thính giả/độc giả của RFA một bài tường thuật (“Công Nhân Việt Nam và TPP”) với nội dung hơi bất ngờ:
Trong khi truyền thông nhà nước loan tin khá nhiều về kết quả đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và những cơ hội cho Việt Nam khi tham gia một khối mậu dịch tự do lớn như thế; thì đa số những công nhân tại các tỉnh thành khi được hỏi về TPP đề tỏ ra ngơ ngác không biết gì.
Một nữ công nhân tại Quảng Nam cho biết cô đang làm việc cho một công ty tư nhân. Giờ làm việc từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều; và mỗi tuần tăng ca 5 ngày cho đến 8 giờ tối. Lương tháng được 3 triệu tám trăm ngàn đồng. Sau khi làm việc cô về nhà trọ nghỉ ngơi, chẳng có giờ để đọc báo; còn TV thì không có. Cô chỉ biết mỗi tháng đóng 10 ngàn tiền công đoàn phí; còn chuyện công đoàn có bảo vệ quyền lợi cho công nhân hay không thì cô không biết; và nếu thấy công việc đang làm quá nặng nhọc thì bỏ đi tìm nơi khác có mức lương cao hơn; chứ tại nơi cô làm lâu nay ở Quảng Nam chưa có chuyện công nhân đình công để đòi quyền lợi. Khái niệm TPP đối với cô hoàn toàn xa lạ vì chưa bao giờ được nghe đến:
“Em cũng không biết nữa, khi mô tới hãy hay chứ giờ có biết gì đâu!”
Một nữ công nhân ở Nghệ An cũng cho biết hiện cô phải đóng một tháng 15 ngàn đồng tiền công đoàn phí; và tin tức về một công đoàn độc lập đối với cô cũng chưa bao giờ được nghe đến:
“Lâu nay em không nghe nói gì hết! Em cũng không có gì để hiểu được vấn đề đó.”
Tâm trạng “ngơ ngác” này hoàn toàn tương phản với nội dung của bức tâm thư ( “Nỗi Niềm Khóc Hận Thương Tâm Của Tầng Lớp Công Nhân Lao Động Nhập Cư Nghèo Từ Các Tỉnh Về Thành Phố”) đã gửi đến Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam – hơn mười năm trước – với 8 điểm đề nghị rất rạch ròi, và vô cùng thẳng thắn như sau:
1. Trả lương cho chúng tôi theo đúng hợp đồng của nhà nước Việt Nam với các nhà đầu tư, thương gia nước ngoài có công ty xí nghiệp tại Việt Nam theo mức giá đồng USD thị trường.
2. Mức lương phải ngang bằng các công nhân các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia…
3. Dẹp bỏ Công đoàn do đảng (CS) xây dựng đưa vào các công ty xí nghiệp.
4. Không được phát triển đoàn, đảng trong hệ thống công nhân chúng tôi, để rồi quay lại đàn áp chúng tôi. Vì chúng tôi chỉ là những người đi làm mướn làm thuê bình thường, không muốn tham gia chính trị, chúng tôi không muốn hệ thống độc tài độc quyền đeo đẳng chúng tôi, vì chúng tôi đã quá khổ rồi.
5. Chúng tôi có quyền tự hợp đồng lao động cá nhân và tập thể khi đã dẹp bỏ hệ thống công đoàn, vì tổ chức công đoàn không đem lại quyền lợi thiết thực cho chính người công nhân chúng tôi, mà chính họ lại ăn theo phần trăm sản xuất của chúng tôi, và mỗi khi chúng tôi muốn đòi hỏi quyền lợi chính đáng phải được sự đồng ý của công đoàn là phi lý.
6. Chúng tôi không phải đóng góp những khoản tiền như xoá đói giảm nghèo và các loại tiền do Công đoàn phát động và trừ thẳng vào lương của chúng tôi như trước đây đã có.
7. Chúng tôi phải được quyền lợi như: bảo hiểm y tế, tiền lương hưu sau khi hết độ tuổi lao động, bảo hiểm tai nạn lao động rủi ro.
8. Chúng tôi có quyền hội họp riêng tư, có quyền lập hội, gây quỹ, có quyền đấu tranh, có quyền đình công đòi hỏi các quyền lợi chính đáng, phù hợp mức lương, tương xứng với công sức lao động. Những đòi hỏi ước vọng này, chúng tôi được thực hiện cũng không gây ảnh hưởng kinh tế thị trường và nền an ninh, như nhà nước và bộ phận công an thường cho là thế lực thù địch gây ảnh hưởng kinh tế quốc gia...
Trân trọng kính chào...
Kết quả, hay nói cho chính xác hơn là hậu quả, của những nỗi niềm thương tâm (thượng dẫn) có thể đọc được trên báo Công An Nhân Dân:
“Sáng 26/10/2010, TAND tỉnh Trà Vinh đã mở phiên xét xử Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh với tội danh ‘phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân’ theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự…
Cuối giờ chiều cùng ngày, tòa đã tuyên phạt Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù giam, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương, mỗi người 7 năm tù giam.”
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương. Ảnh: huynhngocchenh.blogspot
Thê thảm hơn nữa là những tai họa đã xẩy ra cho ông Lê Trí Tuệ, người có chức danh là Phó Chủ Tịch Công Đoàn Độc Lập Việt Nam. Vào ngày 20 tháng 11 năm 2006, nhân vật này đã gửi đến tất cả những cơ quan, cũng như mọi giới chức có thẩm quyền ở Việt Nam một lá đơn (tường trình và tố cáo) dài 1438 chữ. Phần đầu – và cũng là phần chính, gồm 444 chữ – xin được trích dẫn nguyên văn:
Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa ViệtNam
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
Đơn Tường Trình & Tố Cáo
V/v Công an TP. Hồ Chí Minh, liên tục đàn áp, thẩm vấn, tạm giữ người tại cơ quan công an Quận 4, TP. Hồ Chí Minh chỉ vì tôi thực thi những nhân quyền cơ bản của mình.
Tôi tên là: Lê Trí Tuệ.
Sinh ngày 26/07/1979 Tại Hải Phòng.
Đăng ký hộ khẩu thường trú: 942 Tôn Đức Thắng – Sở Dầu –Hồng Bàng – TP. Hải Phòng.
Điện thoại: 0982.152.619, 0912.530.615
Chức vụ:
Hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Trí Tuệ
Phó Chủ tịch Công đoàn Độc lập Việt Nam.
Kính thưa các quý vị lãnh đạo Nhà nước CHXHCN Việt Nam và các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài nước,
Căn cứ vào Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948;
Căn cứ vào Tuyên ngôn Nguyên tắc Tổng Liên đoàn Lao công Thế giới [Tuyên ngôn này đã được chấp thuận chung, trong Đại hội kỳ thứ 16 của Tổng Liên đoàn Lao động Thế giới ILO (International Labor Organizations), họp tại Luxembourg, từ ngày 1 đến 04 tháng 10 năm 1968];
Căn cứ vào Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992. Điều 53 và điều 69 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) nêu rõ:
“Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu dân ý.”
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Căn cứ vào những viện dẫn trên đây, làm cơ sở pháp lý dẫn tới sự ra đời và cơ sở thành lập Công đoàn Độc lập Việt Nam, tuyên bố thành lập vào ngày 20/10/2006 tại Hà Nội.
Hiện nay chúng tôi đang làm thủ tục đăng ký, để từng bước hợp hiến và hợp pháp theo quy định. Nhưng đáng tiếc thay tôi thường xuyên phải bị triệu tập lên cơ quan công an Quận 4, TP. Hồ Chí Minh để làm việc,bị cản trở quyền tự do đi lại của công dân, cản trở hoạt động khiếu nại tố cáo, ngăn cấm hoạt động xã hội, bảo vệ quyền con người cho nhân dân Việt Nam...
Lê Trí Tuệ mất tích tại Campuchia vào ngày 16 tháng 5 năm 2007. Ảnh: RFA
Ông bị tạm giữ vào hôm 29 tháng 03 năm 2007, bị ép buộc phải lên tiếng công khai giải tán công đoàn này. Lê Trí Tuệ từ chối và bỏ trốn sang Cambodia, sau khi bị đánh đập tàn tệ nhiều lần ngoài đường phố. Rồi ông đột ngột “biến mất” kể từ ngày 16 tháng 5 năm 2007 cho mãi đến hôm nay! Theo bản tin của HRW, gửi đi vào ngày 4 tháng 5 năm 2009: “Người ta nghĩ rằng công an Việt Nam đã bắt cóc ông Lê Trí Tuệ, một trong những sáng lập viên của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam.”
Thời gian, may thay, đã không về phe với những kẻ đang nắm quyền bính ở quyền Việt Nam. Trang BS Hồ Hải vừa hân hoan gửi đi một tin mừng:
Văn bản tóm tắt Hiệp định thương mại xuyên Thái bình dương mà 12 quốc gia thành viên vừa hoàn tất phần xác trong ngày 05/10/2015 giờ miền Đông Bắc Hoa Kỳ gồm 30 chương. Mỗi chương là một lĩnh vực khác nhau. Đây là một văn bản luật cơ bản. Nó như hiến chương thương mại, kinh tế chính trị cho riêng 12 quốc gia tham gia...
Hôm nay tôi xin dịch chương 19, là chương rất quan trọng đối với các quốc gia như Việt Nam. Mặc dù, nó đã được nhiều tổ chức chính thống của đảng cầm quyền ở Việt Nam dịch ra, nhưng một số mệnh đề bị dịch sai hoặc bỏ đi một cách cố ý của bản quan trọng về quyền của người lao động…
CHƯƠNG 19: LAO ĐỘNG
Tất cả các quốc gia thành viên TPP đều là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO: International Labour Organization) và các thành viên đã công nhận tầm quan trọng của việc thúc đẩy các quyền của người lao động đã được quốc tế công nhận. Các quốc gia thành viên của TPP nhất trí thông qua và duy trì trong luật của họ và thực hiện các quyền lao động cơ bản được ghi nhận trong Tuyên bố ILO năm 1998, cụ thể là quyền tự do lập hội và quyền đàm phán tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; bãi bỏ lao động trẻ em và việc cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; và loại bỏ phân biệt đối xử trong việc làm. Các quốc gia thành viên TPP cũng đồng ý có luật điều chỉnh tiền lương tối thiểu, giờ làm việc, và sự an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
Sự kiện này đã gây ra nhiều lời đám tiếu:
- Blogger Nguyễn Vạn Phú: “… điều mỉa mai là Việt Nam phải trông chờ vào một hiệp định ký với các nước tư bản để các nước tư bản này gây sức ép buộc Việt Nam phải bảo vệ công nhân của mình, không để giới chủ bóc lột quá đáng!”
- Blogger Ôsin: “Thật nực cười khi, chỉ khi chịu sức ép của ‘các nước tư bản’, ‘đảng của giai cấp công nhân’ mới (có thể) thừa nhận các quyền căn bản của công nhân.”
Điều “mỉa mai” và “nực cười” hơn nữa là dường như không còn ai nhớ gì đến số phận bi thảm của Lê Trí Tuệ, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, và Nguyễn Tấn Hoành – những thanh niên Việt Nam quả cảm và viễn kiến, những viên gạch lót đường cho tổ chức CĐĐLVN đang bị giam cầm hay dấu kín ở một nơi nào đó.
15.10.2015