Danlambao - Vào ngày 25 tháng 10, 2015 Tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã gửi thư cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để kêu gọi ông Sang ra lệnh đình chỉ việc thực hiện án tử hình đối với Lê Văn Mạnh, đồng thời mở cuộc điều tra về những cáo buộc đối với công an đã tra tấn Lê Văn Mạnh ở trong tù.
Sau đây là bản lược dịch thông báo của Ân Xá Quốc Tế:
Việt Nam: Đình chỉ thi hành việc tử hình Lê Văn Mạnh và ra lệnh điều tra về các cáo buộc tra tấn
Ân Xá Quốc Tế, 24 tháng 10, 2015
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã viết thư cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi ông ra lệnh ngưng việc tử hình Lê Văn Mạnh, 32 tuổi, vào ngày mai và mở một cuộc điều tra về những cáo buộc rằng Lê Văn Mạnh đã bị công an tra tấn trong tù.
Vào tháng 10 năm 2005, Lê Văn Mạnh bị kết án là đã hãm hiếp và giết chết em Hoàng Thị Loan, 12 tuổi, ở tỉnh Thanh Hóa vào tháng 3 năm 2005. Đây là bước đầu của một chuỗi dài tố tụng hình sự qua đó Lê Văn Mạnh bị kết tội và bị kết án tử hình hai lần cho các hành vi phạm tội trên, nhưng sau đó bản án đã bị huỷ bỏ.
Năm 2008, Lê Văn Mạnh bị kết tội và kết án tử hình lần thứ ba về các tội tương tự; trong lần này bản án của anh đã bị giữ nguyên trong lần kháng cáo. Ngày 16 tháng 10, 2015, gia đình Lê Văn Mạnh nhận được thông báo anh Mạnh sẽ bị tử hình vào ngày 26 Tháng mười 2015.
Lê Văn Mạnh đã khẳng định mình vô tội của trong suốt quá trình tố tụng hình sự và cáo buộc rằng những lời thú tội của anh là do anh bị tra tấn. Ân Xá Quốc tế đã nhận được thông tin rằng các thủ tục tố tụng đối với Lê Văn Mạnh mang đầy tính chất về lỗi thủ tục và anh Mạnh không có được đại diện pháp lý đầy đủ cho việc kháng cáo.
Trong việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn hồi đầu năm nay, nhà nước Việt Nam đã cam kết thực hiện tất cả các biện pháp để bảo đảm rằng không có ai bị tra tấn hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo hay bị trừng phạt và rằng "bất kỳ tuyên bố nào đến từ kết quả của sự tra tấn sẽ không được viện dẫn làm bằng chứng trong thủ tục tố tụng, ngoại trừ đối với một người bị buộc tội tra tấn, như là bằng chứng cho các lời khai".
Án tử hình là phủ nhận sau cùng, không thể đảo ngược đối với quyền con người. Nó vi phạm quyền được sống như đã xác định trong Tuyên ngôn Nhân quyền, và quyền không bị trừng phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo và hạ cấp. Khi một bản án tử hình được áp dụng sau một phiên tòa mà không đáp ứng luật pháp quốc tế và tiêu chuẩn xét xử công bằng, bao gồm các tiêu chuẩn được nêu trong Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), mà Việt Nam là một thành viên, nó đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Dựa vào những cáo buộc về việc áp dụng tra tấn đối với Lê Văn Mạnh và nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước chống tra tấn và các ICCPR, Ân xá Quốc tế kêu gọi nhà nước Việt Nam ngay lập tức ra lệnh dừng lại kế hoạch tử hình đối với Lê Văn Mạnh và ra lệnh điều tra những cáo buộc rằng ông đã thú tội là do bị tra tấn và bị kết án sai.