Trò chuyện với Voroshilov - Dân Làm Báo

Trò chuyện với Voroshilov

William C. Bullitt * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Lời người dịch: William C. Bullitt là đại sứ Mỹ đầu tiên tại Liên Xô từ năm 1933 đến 1936. Bài phát biểu của ông dưới đây được trình bày trong hội nghị chuyên đề do Hạ viện Hoa Kỳ tổ chức vào năm 1956 để bàn về chủ nghĩa Chống Stalin ở Liên Xô và về Hội nghị thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô.

*

Nỗ lực hiện nay của các chính ủy Mạc Tư Khoa để giả làm những nạn nhân vô tội của sự tàn bạo cực kỳ của Stalin chẳng nên đánh lừa ai. Linh cẩu cười vẫn hoàn là linh cẩu. Sói đội lốt cừu đổi lốt chứ không đổi lòng. Người Mỹ đã bị chiến thuật cộng sản này lừa rất thường xuyên cho nên hiện nay chỉ một số ít người mới có thể cảm kích trước những nụ cười và tiếng kêu be be của băng đảng Kremlin. Ai muốn tin đã có sự thay lòng đổi dạ ở Mạc Tư Khoa nên nhớ rằng những kẻ hiện nay đang cố gắng tỏ ra là những con người tử tế lại chính là những kẻ đã thực hiện các vụ giết người, tra tấn, và đói kém cho Stalin. Đối với tôi lúc này họ dường như còn ghê tởm hơn nhiều khi họ tuyên bố họ đã luôn luôn kinh sợ trước sự tàn bạo khát máu và dối trá của Stalin hơn họ tưởng trước kia lúc họ đích thực là những kẻ cướp.

Bản thân nhiều người trong họ đã từng là những tội phạm giết người từ lâu trước khi Stalin lên nắm quyền lực tối cao. Chẳng hạn, Nguyên soái Voroshilov, người ngày nay là Chủ tịch Xô viết-Nữ hoàng Elizabeth của Liên Xô-lúc nào cũng có thể cười thân thiện và trìu mến xoa đầu trẻ em, và rõ ràng là người tử tế nhất trong tất cả những người cộng sản. Lúc này tôi thấy nên kể chính xác ông ta rất tử tế như thế nào.

Một buổi tối vào mùa đông năm 1934 ông ngồi bên tay phải tôi trong bữa tiệc và Nguyên soái Budenny ngồi bên tay trái tôi. Họ đã uống một chút rượu vodka nên cả hai đều thoải mái và vui vẻ.

"Bullitt này," Voroshilov nói, “Budenny là người thắng cuộc nội chiến mà chẳng bao giờ biết tại sao mình lại đánh nhau.”

“Đúng thế,” Budenny cười. "Khẩu hiệu của tôi không bao giờ là vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại; mà nó luôn luôn là kỵ binh toàn thế giới, đoàn kết lại. Tôi không quan tâm tại sao tôi đánh nhau chừng nào tôi có chiến tranh tốt."

Chúng tôi cười, và rồi Voroshilov nói, “Tôi cho điều phi thường nhất chúng tôi từng làm chung với nhau là không đánh mà chiếm được Kiev.”

“Chuyện như thế nào?” tôi hỏi.

“Chuyện là như thế này,” Voroshilov nói, “có 11.000 sĩ quan Sa hoàng cùng với vợ con họ ở Kiev và họ có nhiều quân hơn chúng tôi, cho nên chúng tôi không bao giờ có thể đánh chiếm được thành phố, vì vậy chúng tôi dùng tuyên truyền. Chúng tôi bảo họ rằng họ sẽ được tha bổng và được phép trở về nhà cùng với gia đình và quân đội chúng tôi sẽ đối xử với họ rất tốt, thế là họ tin chúng tôi và đầu hàng.”

“Sau đấy ông làm gì?” tôi hỏi.

“À,” Voroshilov nói, “chúng tôi bắn chết tất cả đàn ông và con trai rồi, chúng tôi đưa tất cả đàn bà và con gái vào các nhà thổ dành cho cho quân đội chúng tôi.”

“Ông nghĩ làm thế có đúng lắm không?” tôi hỏi.

“Quân đội tôi cần đàn bà,” Voroshilov đáp, “và tôi chỉ quan tâm đến sức khỏe của quân đội mình chứ không quan tâm đến sức khỏe của bọn đàn bà ấy; mà cũng chả thay đổi được gì, vì tất cả bọn họ đều chết trong vòng 3 tháng.”

Rõ ràng Voroshilov xứng đáng với chức vụ Chủ tịch Liên Xô, và rõ ràng là người cộng sản đáng kính trọng nhất và quyến rũ nhất; nhưng chính xác là ông ta rất đáng kính và quyến rũ như thế.

Tôi hy vọng những ai người Mỹ có thể thích tin vào những lời hứa hẹn của các nhà lãnh đạo cộng sản hãy nhớ đến số phận của những sĩ quan Sa hoàng cùng với vợ và con trai và và con gái họ ở Kiev.

Nguồn: Trích dịch từ sách nhan đề “The Great Pretense” được Hạ viện Hoa Kỳ công bố vào ngày 19 tháng 5,1956, trang 18-19.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo