Nghiên cứu Châu Thổ Mekong nguy hiểm và cần xem xét lại? - Dân Làm Báo

Nghiên cứu Châu Thổ Mekong nguy hiểm và cần xem xét lại?

Nguyễn Minh Quang, P.E. (Danlambao) - Vào ngày 21 tháng 10, 2015 vừa qua, tại Diễn đàn về Nước, Lương thực và Năng lượng Vùng Mekong năm 2015 (2015 Greater Mekong Forum on Water, Food and Energy (GMF 2015)) ở Phnom Penh, Cambodia, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (UBSMCVN) (Vietnam National Mekong Committee (VNMC)) cùng với Viện Thủy lực Đan mạch (Danish Hydraulic Institute (DHI)), Kỹ sư cố vấn của UBSMCVN [1], trình bày kết quả sơ khởi về ảnh hưởng của 11 đập thủy điện được dự trù xây trên dòng chính ở hạ lưu sông Mekong đối với Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam (ĐBSCL), còn được gọi là Nghiên cứu Châu thổ Mekong (Mekong Delta Study (MDS)) [2]. Kết quả nghiên cứu sơ khởi nầy đã bị cáo buộc là “...nguy hiểm… thiếu trách nhiệm” [3,4]; “...làm người đọc cảm nhận dường như những tác động của 11 đập thủy điện đang và dự kiến xây dựng trên dòng chính Mêkông được làm cho bớt nghiêm trọng, không đáng kể” [5]; và “...cần xem xét lại” [6].

Kết quả của MDS như thế nào? Nó có thực sự nguy hiểm, thiếu trách nhiệm và cần xem xét lại hay không? Bài viết nầy trình bày, phân tích, và so sánh kết quả của MDS được UBSMCVN và DHI trình bày tại GMF 2015 ở Phnom Penh, Cambodia và kết quả của các nghiên cứu trước đây với mục đích trả lời thỏa đáng những câu hỏi nêu trên.

Đập thủy điện trên dòng chính ở hạ lưu sông Mekong

Trong quá khứ, có nhiều kế hoạch khai thác thủy điện trên dòng chính ở hạ lưu sông Mekong được đề ra. Trong thập niên 1960 và 1970, Ủy ban Quốc tế Mekong (Mekong Committee) - tiền thân của Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) hiện nay – đã có kế hoạch xây một bậc thang gồm có 7 đập lớn ở hạ lưu vực sông Mekong; nhưng kế hoạch nầy, trong đó có đập Pa Mong, bị các quốc gia thành viên bác bỏ trong thập niên 1980.

Vào năm 1994, Văn phòng Thường trực của Ủy ban Quốc tế Mekong (Mekong Secretariat) phổ biến một nghiên cứu [7] đề nghị 12 đập thấp, với chiều cao từ 20 đến 50 m so với đáy sông, từ Pak Beng, Oudomxay ở Lào cho đến Tonle Sap ở Cambodia. Trong số nầy, có 8 đập nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Lào (Pak Beng, Luang Prabang, Xayaburi, Pak Lay, Sanakham, Latsua, Don Sahong, và Thakho), 2 đập nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Cambodia (Stungtreng và Sambor), và 2 nằm trên biên giới Lào-Thái Lan (Pak Chom và Ban Koum) [8]. Đập sẽ chắn ngang toàn thể chiều rộng của sông, ngoại trừ Don Sahong được xậy trên một lòng lạch của sông Mekong và Thakho là một dự án rẽ nước.

Các đập thủy điện nầy là đập dòng chảy (run-of-river), nghĩa là nó không trữ nước mà chỉ trực tiếp sử dụng lưu lượng tự nhiên chảy qua đập. Tuy nhiên, trong mùa khô, nước có thể bị đập giữ lại đến 3 tuần trong năm trung bình và 1 tháng trong năm khô hạn. Các đập nầy có công suất tổng cộng là 13.427 MW với sản lượng điện trung bình hàng năm là 64.229 GWh [8]. 

Nghiên cứu Châu Thổ Mekong (MDS)

MDS là một dự án có trị giá 4,3 triệu USD được ký kết giữa UBSMCVN và DHI tại Hà Nội, Việt Nam ngày 4 tháng 6 năm 2013. Dự án kéo dài 30 tháng nhằm mục đích thu thập dữ kiện và tìm hiểu những ảnh hưởng môi trường, xã hội, và kinh tế, nếu có, của 11 đập thủy điện - được dự trù xây trên dòng chính ở hạ lưu sông Mekong ở Lào và Cambodia - đối với sông Mekong, đặc biệt là châu thổ Mekong và Biển Hồ [1].

Kết quả được UBSMCVN và DHI trình bày ở GMF 2015 chỉ là một phần của MDS liên quan đến thủy học, phù sa, chất dinh dưỡng, độ mặn, và thủy sản. Dữ kiện căn bản gồm có dữ kiện thủy học từ 1985 đến 2013, trong đó năm 2000 và 2011 là năm có nhiều mưa, năm 1998 là năm hạn hán, và năm 2007 là năm trung bình; độ mặn ở ĐBSCL từ 2007 đến 2013; phù sa và chất dinh dưỡng từ 2009 đến 2013; và tình trạng môi trường, xã hội và kinh tế từ 2011 đến 2012 cộng với dữ kiện thu thập trong năm 2014 [9].

Về thủy học, phù sa, chất dinh dưỡng, và độ mặn, MDS sử dụng các mô hình toán SWAT và MIKE để ước tính lưu lượng, mực nước, phù sa, chất dinh dưỡng, độ mặn, điều hành hồ chứa, và thủy lực [10].

Đối với lưu lượng của sông Mekong, các đập có “ảnh hưởng tương đối vừa phải ngoại trừ vùng ở ngay phía dưới đập hay trong trường hợp vỡ đập.” Tại trạm Kratié, cách đập Sambor khoảng 40 km về phía hạ lưu, trong những năm trung bình (như năm 2007), mực nước vào mùa lũ (từ tháng 7 đến tháng 11) gần như không thay đổi trong khi mực nước vào mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 6) có thể dao động lên đến 2 m. Ảnh hưởng của các đập đối với mực nước ở ĐBSCL tương đối nhỏ, trung bình thấp hơn 2 cm. Trong trường hợp đập Sambor vỡ, ngập lụt sẽ sâu 8 m ở ngay hạ lưu đập nhưng giảm còn khoảng 0,6 m ở Phnom Penh và thấp hơn 0,4 m ở ĐBSCL.

Đối với phù sa và chất dinh dưỡng, các đập có “ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm độ phù sa và bồi lắng trên đồng ruộng, làm suy giảm chất dinh dưỡng, và giảm phù sa ở vùng cửa sông.” Trong những năm trung bình (như năm 2007), phù sa tại Kratié giảm từ 54,6 triệu tấn/năm xuống 22,4 triệu tấn/năm và tại Tân Châu+Châu Đốc giảm từ 32,1 triệu tấn/năm xuống 13,9 triệu tấn/năm (tức giảm khoảng 57%); P tại Kratié giảm từ 19.100 tấn/năm xuống 10.100 tấn/năm và tại Tân Châu+Châu Đốc giảm từ 11.600 tấn/năm xuống 6.300 tấn/năm (tức giảm khoảng 47%); và N tại Kratié giảm từ 48.700 tấn/năm xuống 13.800 tấn/năm và tại Tân Châu+Châu Đốc giảm từ 29.600 tấn/năm xuống 8.600 tấn/năm (tức giảm khoảng 71%) [11].

Đối với sự xâm nhập của nước mặn, “có thể có vài ảnh hưởng tùy theo cách vận hành của các đập.” Sự thay đổi của độ mặn ở ĐBSCL thì tương đối nhỏ, khoảng 1 g/l trong những năm trung bình (như năm 2007) nếu các đập được vận hành hàng ngày.

Về thủy sản, MDS dựa trên nhiều yếu tố như sự thay đổi nơi cư trú, sự thay đổi thủy học, sự thay đổi độ phù sa, chướng ngại đối với di ngư, ảnh hưởng của sự thay đổi thủy học và phẩm chất nước đối với ngành nuôi cá. Các đập thủy điện làm sản lượng thủy sản giảm 366.570 tấn/năm (khoảng 53%) trong đó sản lượng cá giảm 341.499 tấn/năm (khoảng 49%) và các loại thủy sản khác giảm 25.701 tấn/năm (khoảng 16%). Sản lượng thủy sản ở Cambodia giảm 267.428 tấn/năm (khoảng 56%) trong đó sản lượng cá giảm khoảng 51% và các loại thủy sản khác giảm khoảng 22%, cao hơn ĐBSCL một ít.

Phần thảo luận


Bảng 1 - Ảnh hưởng đối với lưu lượng sông Mekong tại Kratié [13]

Trên phương diện thủy học, kết quả sơ khởi của MDS do UBSMCVN và DHI trình bày tại GMF 2015 ở Phnom Penh, Cambodia phù hợp với nguyên tắc thủy học áp dụng cho các đập dòng chảy; đó là ít có ảnh hưởng đến lưu lượng của sông ở hạ lưu mà điển hình là ảnh hưởng đối với mực nước của sông Mekong tại Kratié, Cambodia. Kết quả của MDS hoàn toàn phù hợp với kết quả của nghiên cứu trước đây cho thấy 11 đập ở hạ lưu vực sông Mekong làm lưu lượng sông Mekong tại Kratié giảm 400 m3/sec (so với 36.700 m3/sec [12]) trong mùa lũ và tăng 200 m3/sec (so với 2.220 m3/sec [12]) trong mùa khô. Như vậy, ảnh hưởng của 11 đập ở hạ lưu vực đối với lưu lượng của sông Mekong tại Kratié là không đáng kể. Đối với các nhóm đập khác thì ảnh hưởng của 11 đập thủy điện ở hạ lưu rõ ràng “không nghiêm trọng, không đáng kể, và không nguy hiểm” bằng (các đập ở Trung Hoa làm lưu lượng tại Kratié giảm 1.807 m3/sec trong mùa lũ và tăng 812 m3/sec trong mùa khô; các đập trên phụ lưu Sesan, Sekong và Sre Pok làm lưu lượng tại Kratié giảm 4.000 m3/sec trong mùa lũ và tăng 2.200 m3/sec trong mùa khô [13]).

Ảnh hưởng của 11 đập ở hạ lưu vực sông Mekong đối với lượng phù sa trong sông Mekong do MDS ước tính tại Kratié (giảm khoảng 32.2 triệu tấn/năm) thì ít hơn ảnh hưởng do Đánh giá Môi trường Chiến lược (Strategic Environmental Assessment (SEA) [8]) ước tính (giảm khoảng 47 triệu tấn/năm). Nhưng tại Tân Châu+Châu Đốc (tức ĐBSCL), ảnh hưởng do MDS ước tính (giảm khoảng 18.2 triệu tấn/năm) lại cao hơn rất nhiều so với ước tính của SEA (giảm khoảng 7 triệu tấn/năm). Sự khác biệt giữa ước tính của MDS và SEA có thể do phương pháp tính toán và dữ kiện sử dụng, nhưng MDS cho thấy ảnh hưởng của 11 đập ở hạ lưu sông Mekong đối với lượng phù sa ở ĐBSCL là đáng kể và nghiêm trọng. Do đó, ảnh hưởng đối với lượng phù sa ở ĐBSCL do MDS và SEA cần được xem xét lại để có một kết quả đáng tin cậy.

Đối với sản lượng cá, ước tính của MDS cho thấy ảnh hưởng rất nghiêm trọng của 11 đập ở hạ lưu sông Mekong vì các đập nầy làm giảm 341.499 tấn/năm (khoảng 49%) ở ĐBSCL và 244.425 tấn/năm (khoảng 51%) ở Cambodia. Ước tính của MDS thì cao hơn rất nhiều so với ước tính của Đánh giá Ảnh hưởng Tổng hợp của các Chương trình Phát triển Thủy lợi của Quốc gia Duyên hà, kể cả đập trên dòng chính và dự án rẽ nước (Cumulative impact assessment of the riparian countries’ water resources development plans, including mainstream dams and diversion (CIA)) [14] trước đây, trong đó sản lượng cá chỉ giảm 12% ở ĐBSCL và 29% ở Cambodia [13]. Một lần nữa, sự khác biệt bất thường nầy có thể do phương pháp tính toán và dữ kiện sử dụng, nhưng ước tính của MDS có vẻ không thực tế bằng ước tính của CIA.

Kết luận

Tại GMF 2015 ở Phnom Penh, Cambodia, UBSMCVN cùng Kỹ sư cố vấn DHI đã trình bày một phần kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của 11 đập thủy điện được dự trù xây trên dòng chính ở hạ lưu Mekong, còn được gọi là MDS, đối với châu thổ Mekong (bao gồm Cambodia và ĐBSCL). Kết quả của MDS đã bị cáo buộc là “...làm người đọc cảm nhận dường như những tác động của 11 đập thủy điện đang và dự kiến xây dựng trên dòng chính Mêkông được làm cho bớt nghiêm trọng, không đáng kể;” “...là vô cùng nguy hiểm vì nó liên quan đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và thủy sản, đời sống của gần 18 triệu người dân ở đồng bằng... cách làm của những người trực tiếp thực hiện dự án này là thiếu trách nhiệm;” và “...cần xem xét lại.”

Kết quả của MDS được trình bày tại GMF 2015 cho thấy:

- Đối với lưu lượng của sông Mekong, các đập có “ảnh hưởng tương đối vừa phải ngoại trừ vùng ở ngay phía dưới đập hay trong trường hợp vỡ đập.” Mực nước ở ĐBSCL thay đổi khoảng 2 cm và dâng lên khoảng 0,4 m nếu vỡ đập Sambor. 

- Đối với phù sa và chất dinh dưỡng, các đập có “ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm độ phù sa và bồi lắng trên đồng ruộng, làm giảm chất dinh dưỡng, và giảm độ phù sa ở vùng cửa sông.” Ở ĐBSCL, lượng phù sa giảm 57% (18,2 triệu tấn/năm), P giảm 47% (5.300 tấn/năm), và N giảm 71% (21.000 tấn/năm). 

- Đối với sự xâm nhập của nước mặn, “có thể có vài ảnh hưởng tùy theo cách vận hành của các đập.” Độ mặn ở ĐBSCL thay đổi trong khoảng 1 g/l. 

- Đối với thủy sản, các đập có ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm 49% sản lượng cá ở ĐBSCL (341.499 tấn/năm) và 51% sản lượng cá ở Cambodia (244.425 tấn/năm). 

Như vậy, ngoại trừ ảnh hưởng đối với lưu lượng và sự xâm nhập của nước mặn là tương đối nhỏ hoặc không đáng kể, phù hợp với nguyên tắc thủy học của các đập dòng chảy, và phù hợp với kết quả của SEA và CIA; ảnh hưởng của MDS đối với phù sa, chất dinh dưỡng, và thủy sản thì rất nghiêm trọng, đặc biệt là nghiêm trọng hơn kết quả của SEA và CIA.

Ước tính của MDS về ảnh hưởng đối với phù sa, chất dinh dưỡng, và thủy sản khác biệt nhiều so với kết quả của SEA và CIA, có lẽ do phương pháp tính toán và dữ kiện sử dụng; tuy nhiên, nó có vẻ không tương ứng với ảnh hưởng đối với lưu lượng (vì lưu lượng là một yếu tố quan trọng của phù sa, chất dinh dưỡng, và thủy sản). Thêm vào đó, ảnh hưởng đối với thủy sản ở Cambodia ít hơn ở ĐBSCL (244.425 so với 341.499 tấn/năm) có vẻ thiếu thực tế vì Cambodia có 2 đập lớn là Stungtreng và Sambor trong khi ĐBSCL thì không có đập nào. Do đó, sự khác biệt nầy cần được xem xét lại.

MDS có nguy hiểm hay cần được xem xét lại hay không có lẽ là điều không đáng quan tâm, vì theo Thỏa ước Hợp tác Phát triển Khả chấp Lưu vực sông Mekong 1995 (Agreement on the Cooperation of the Sustainable Development of the Mekong River Basin – 5 April 1995) [15], các quốc gia duyên hà, kể cả Việt Nam, không còn quyền phủ quyết các dự án trong hạ lưu vực Mekong. Điều đáng quan tâm là làm thế nào để (1) có thể tính toán tương đối chính xác những ảnh hưởng đối với ĐBSCL sau khi các đập nầy được xây cất và vận hành, (2) đòi hỏi các quốc gia hoặc công ty chủ quản các đập chia sẻ lợi tức từ các đập như một biện pháp giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực của chúng đối với ĐBSCL (nếu không muốn nói là bồi thường thiệt hại), và (3) tìm kiếm các biện pháp khoa học, kỹ thuật, và ngoại giao để thích ứng với những thay đổi do các đập trên dòng chính hoặc phụ lưu Mekong gây ra cho ĐBSCL. Để làm được như thế, cần phải một hệ thống trạm quan trắc, một chương trình đo đạc tổng thể, và một kho dữ kiện điện tử (database) để thu thập và lưu trữ đầy đủ dữ kiện chính xác về thủy học, phẩm chất nước, thủy sản, nông nghiệp… cho toàn thể ĐBSCL trước và sau khi các đập nầy được xây cất. Hệ thống trạm quan trắc, chương trình đo đạc tổng thể, và kho dữ kiện điện tử như thế đáng lý phải được thực hiện từ lâu, nhưng vẫn chưa quá muộn để bắt tay vào việc!

Tháng 11 năm 2015




Tác giả là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của Tiểu bang California. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972; Trưởng ty Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia Thủy lợi thuộc Bộ Công chánh và Giao thông đến tháng 4 năm 1975. Tốt nghiệp Cao học Thủy lợi tại Ðại học Nebraska, Hoa Kỳ năm 1985; Chuyên viên Thủy học (Hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989. Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles. 

Tài liệu tham khảo:

[1] DHI Group. 6 June 2013. “New contract signed with the Vietnam National Mekong River Committee.” Hà Nội, Việt Nam. 

[2] VNMC. October 2015. MDS Impact Assessment Framework, Approach, and Results Overview. Greater Mekong Forum on Water, Food and Energy. Phnom Penh, Cambodia. 

[3] GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân. 31 tháng 10 năm 2015. “Một kết luận nguy hiểm về những con đập trên sông Mekong.” Tuổi Trẻ. 

[4] Nguyễn Văn Tuấn. 31 tháng 10 năm 2015. “Một kết luận nguy hiểm!” https://www.facebook.com/drtuanvnguyen/posts/1509319532714501

[5] Anh Thi. 3 tháng 11 năm 2015. “Tác động thủy điện trên Mêkông: nghiêm trọng hay không đáng kể?” Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online. 

[6] Trần Thạnh. 3 tháng 11 năm 2015. “Kết luận về những con đập trên sông Mekong: Tại sao cần xem xét lại.” Bauxite Việt Nam. 

[7] Mekong Secretariat. December 1994. Mekong Mainstream Run-Of-River Hydropower – Executive Summary. Compagnie Nationale du Rhône, Lyon, France. 

[8] Mekong River Commission (MRC). October 2010. Strategic Environmental Assessment of Hydropower on the Mekong Mainstream. Final Report. Prepared for MRC by International Centre for Environmental Management. Glen Iris, Australia. 

[9] VNMC, DHI, and HDR. October 2015. “MDS Impact Assessment Framework, Approach, and Results Overview.” Greater Mekong Forum on Water, Food and Energy. Phnom Penh, Cambodia. 

[10] VNMC, DHI, and HDR. October 21, 2015. “Study of the Impacts of Mainstream Hydropower on the Mekong Delta – Modelling.” Greater Mekong Forum on Water, Food and Energy. Phnom Penh, Cambodia. 

[11] VNMC, DHI, and HDR. October 21, 2015. “Study of the Impacts of Mainstream Hydropower on the Mekong Delta – Fisheries Impact Assessment.” Greater Mekong Forum on Water, Food and Energy. Phnom Penh, Cambodia. 

[12] MRC. November 2005. Overview of the Hydrology of the Mekong Basin. MRC. Vientiane, Lao PDR. 

[13] Nguyễn Minh Quang. Tháng 10 năm 2014. “Ảnh hưởng của các đập trên phụ lưu sông Mekong.” Tinh thần Việt Nam Cộng Hòa. 

[14] MRC. April 2011. Assessment of Basin-wide Development Scenarios – Cumulative impact assessment of the riparian countries’ water resources development plans, including mainstream dams and diversions. Main Report. MRC. Vientiane, Lao PDR. 

[15] MRC. 5 April 1995. Agreement on the Cooperation on the Sustainable Development of the Mekong River Basin – 5 April 1995. MRC. Chiang Rai, Thailand. 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo