Khi người làm thơ không còn tự trọng - Dân Làm Báo

Khi người làm thơ không còn tự trọng

Đỗ Trường (Danlambao) - Có lẽ, chưa khi nào đạo đức xã hội, con người suy đồi như hiện nay. Sự thối nát ấy, chảy róc từ thượng tầng xuống đến hạ tầng. Thực vậy, khi nóc nhà đã dột, thì cột kèo, rui mè sẽ mục nát. Linh hồn bị hiếp chế, tà khí sinh sôi, nảy nở, giá trị đạo đức đảo lộn tùng phèo.

Và chính vì vậy, nạn trộm cắp thơ văn cũng nằm trong sự biến thái chung của toàn xã hội. Nhưng là một ngành đặc biệt, nên việc đạo văn, thó thơ nhiều khi cũng mập mờ, muôn hình, vạn kiểu, chứ không rõ ràng như các vấn nạn trộm cắp khác. Có những câu thơ giống nhau y chang, nhưng chưa chắc đã phải là đạo, và có những câu chẳng hề giống nhau, lại cho là trộm thơ. Cho thật công tâm, ta có thể thấy, câu thơ "Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển" của nhà thơ Phan Huyền Thư tuy giống câu thơ "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển" của nhà thơ Du Tử Lê, nhưng không thể nói, Phan Huyền Thư đã đạo câu thơ trên của Du Tử Lê. Bởi, tứ cũng như thể, mạch thơ của hai bài khác hẳn nhau. Hơn nữa, câu thơ "Khi/ (Nếu) tôi chết hãy đem tôi ra biển" nếu đứng đơn độc là câu khẩu ngữ bình thường, như: Khi tôi chết hãy đem tôi về quê… hay về đâu đó mà thôi. Và câu thơ này của Du Tử Lê hay, chỉ khi nó được nối tiếp bởi những câu thơ sau và nằm trong tổng thể của cả bài thơ cũng như bối cảnh ra đời của nó (năm1977).

Nếu như nói: "Tức cảnh/ sinh tình" và nhìn nhận theo cách phân tích của nhà nghiên cứu Thụy Khuê, thì ta có thể thấy câu "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển" mới là cảnh (chưa đủ tạo nên một câu thơ). Và nó thực sự là câu thơ chỉ khi có một hay nhiều câu sinh tình tiếp của tác giả: “Đời lưu vong không cả một ngôi mồ/ Vùi đất lạ thịt xương e khó rã/ Hồn không đi sao trở lại quê nhà".

Tuy về lý không thể gán cho Phan Huyền Thư đạo câu thơ của Du Tử Lê. (Với câu thơ này, đạo hay không đạo, hoặc bị ảnh hưởng chỉ có PHT mới biết được) Nhưng là một nhà thơ có lòng tự trọng, không ai giẫm lên bước chân của người đã đi trước như vậy. Cũng bởi, lòng tự trọng đã bị xói mòn, mới dẫn đến hành động Phan Huyền Thư bê gần như nguyên đai, nguyên kiện bài thơ Buổi Sáng của nữ sĩ Phan Ngọc Thường Đoan, luộc thành tác phẩm của mình. Có thể nói, đây là hành động thó văn một cách điên rồ, trắng trợn của nhà thơ chuyên nghiệp, dù đã có tên tuổi trong xã hội.

Tôi không rõ, cho đến nay sự tranh giành bản quyền bài thơ Tổ Quốc Gọi Tên đã ngã ngũ đi đến hồi kết hay chưa? Với tôi, dù là của anh bộ đội quê ở Nghệ An, hay của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, thì cũng xin nói thẳng: Đây là một bài thơ tùng phèng, lên gân trống rỗng với từ ngữ nhút nhát nhạt phèo. Nhưng cái điều đáng nói ở đây, bài thơ này được biến tấu (nếu không muốn nói thó ý tưởng) bằng cách thay một vài chữ đồng nghĩa, từ những câu thơ: "Từ nơi đó trong đêm dài yên lặng/ Tôi ngồi nghe sông núi gọi tên mình." trong bài Nếu Mai Mốt Tôi Về của nhà thơ Trần Trung Đạo, một thuyền nhân, hiện đang sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Bài thơ này, Trần Trung Đạo viết năm 2000 và được in trong thi tập Thơ Trần Trung Đạo do nhà xuất bản Sông Thu (Hoa Kỳ) ấn hành năm 2004. Năm 2008 tôi đã viết lời bình cho bài thơ này, được in trên Tập San Viên Giác (Đức) và nhiều trang mạng khác. Đây là một bài thơ hay, đã được trình diễn nhiều lần, ở nhiều nơi, kể cả Bỉ và Anh Quốc, nơi Nguyễn Phan Quế Mai sinh sống. Nó đã gây nhiều cảm xúc cho người nghe, đọc, nhất là những người phải sống xa quê, xa Tổ Quốc.

Có thể nói, nếu chiểu theo phương pháp phân tích của nhà nghiên cứu Thụy Khuê, thì Nguyễn Phan Quế Mai đã xào nấu câu thơ "sinh tình" của Trần Trung Đạo khá trắng trợn. Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai dường như là "con cưng" của Hội Nhà Văn Việt Nam. Bà đã từng dịch thơ của nhiều ông to bà lớn trong nước sang tiếng Anh. Tập thơ Tổ Quốc Gọi Tên Mình của bà đã được tổ chức ra mắt khá rầm rộ ở Hà Nội. Từ nguyên nhân, bài thơ cũng như lời tựa của tập thơ được luộc nấu lại. Do vậy, để cho văn đàn được trong sạch, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai nên gạch bỏ bài cũng như lời tựa tập thơ Tổ Quốc Gọi Tên Mình.

Vâng! Sự trộm cắp thơ văn tưởng rằng, chỉ có ở những kẻ có chức quyền, nhiều tiền lắm của cần một chút hư danh, nhưng nay nó đã ngấm dần vào cả những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi, địa vị trong xã hội. Nó làm tôi nhớ đến đoạn văn của mình viết đã khá lâu, và chưa đầy đủ về vấn nạn này:

"Không hiểu văn thơ nó có bùa mê thuốc lú gì, khi khố rách áo ôm, cấm thấy bác nào nhòm ngó, ấy vậy mà lúc có tý chức quyền, tiền bạc, lăn xả vào cứ như ma ám. Có bác đánh đùng một phát đẻ đến năm, bảy tập, thơ chẳng ra thơ, vè chẳng ra vè, thế rồi thuê các bình luận gia ùa vào bóng kích. Ông khác chức cao, nhiều tiền hơn, thuê hẳn mấy bác phó lẩy nhạc, cho các em chân dài ca chơi. Thế mới kinh!. Bác nào chập cheng quá, thì thuê người viết. Không thuê được, các bác giở trò luộc nấu. Kẻ thô lỗ bảo hành vi đó là trộm cắp, người lịch lãm hơn gọi là đạo văn, thó văn."

Đỗ Trường - Leipzig ngày 12-11-2015

*

(Chúng ta hãy đọc lại bài thơ Nếu mai mốt tôi về của Trần Trung Đạo và bài tôi đã viết về nó)

Nếu mai mốt tôi về

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi thành phố cũ
Những mái ngói xanh rêu
Bức tường vôi loang lổ
Bài thơ xưa ghi dấu một phần đời.

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi mơ ước tuổi hai mươi
Bờ bến cũ, ngậm ngùi thân sỏi đá
Tôi về đây, sông xưa, dòng nước lạ
Ngó mây trời mà khóc tuổi hoa niên.

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi cây đa cũ trong sân
Nơi tôi đứng những chiều thu lá đổ
Đừng hát nữa đa ơi, bài ca buồn vạn cổ
Tấm thân gầy đau nhức nhối trong đêm.

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi những giọt cà-phê đen
Ly rượu đắng cho môi đời bớt nhạt
Khói thuốc bay như mây trời phiêu bạt
Trên con đường nay đã đổi thay tên.

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi bè bạn anh em
Ai còn sống và ai đã chết
Ai ở lại lao đao, ai phương trời biền biệt
Giờ chia tay sao chẳng hẹn quay về.

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi ghế đá công viên
Những mái lá che tôi thời mưa nắng
Từ nơi đó trong đêm dài yên lặng
Tôi ngồi nghe sông núi gọi tên mình.

Có còn nhận ra tôi không
Hay tại chính tôi quên.

Trần Trung Đạo (2000)

Một bài thơ hay của Trần Trung Đạo

Đã lâu lắm rồi, tôi mới được đọc một bài thơ hay đến như vậy. Báo Viên Giác (Đức Quốc) tháng 4 có bài: Hãy Ngủ Yên Đà Nẵng Của Tôi Ơi của Trần Trung Đạo. Tác giả có trích dẫn một bài thơ của mình (Trần trung Đạo- nhưng không ghi tựa tên bài thơ ). Tôi bị cuốn hút ngay từ khổ thơ đầu. Và tôi đọc nghiến ngấu hết bài, rồi đọc đi đọc lại. Chợt thấy mình, dường như đã lâu lắm rồi, không được thưởng thức một món ăn ngon, hợp khẩu vị đến như vậy. Có lẽ, anh đã giải tỏa không riêng những gì trong tôi, mà còn cho tất cả người Việt xa quê.

Mọi người chúng ta, ai mà chẳng có tuổi thơ, Trần Trung Đạo cũng vậy. Tuổi thơ của anh gắn với những dòng sông, bãi biển êm đềm. Dòng sông ấy đã tưới mát hồn thơ của anh. Tiếng chuông chùa xa, gốc đa già nghiêng nghiêng mái đổ là nguồn thực phẩm vô tận nuôi dưỡng tâm hồn anh. Để hôm nay, qua bao ngày dồn nén, một phút xuất thần nào đó, cảm hứng cho anh viết một bài thơ hay như vậy. 

Thật vậy! Bao quát cả bài thơ là giấc mơ, một giấc mơ buồn và thường trực trong anh. Trong cái chập chờn ấy, anh đã thoảng thốt gọi Đà Nẵng quê anh. Lời thơ nghẹn ngào, dằn vặt. Chúng ta bắt gặp một loạt câu hỏi tu từ: Có còn nhận ra tôi không? Có còn nhận ra tôi không?..Nó như mũi khoan xoáy vào lòng người đọc. Đối tượng hỏi của anh là ai? Hay anh hỏi chính lòng mình:

“Còn nhận ra tôi không?
Hỡi thành phố cũ
Những mái ngói xanh rêu
Bức tường vôi loang lổ
Bài thơ xưa ghi đến một phần đời"

Anh lớn lên trong chiến tranh, thành phố quê anh cũng quặn mình trong bom đạn. Tuổi thơ của anh gắn liền với từng viên gạch đổ, những bức tường vôi loang lổ. Thành phố đã đi qua tuổi thơ vất vưởng của anh. Và đã bao năm xa quê, nhưng thời gian, không gian cũng không thể bào mòn nỗi nhớ, tình yêu ấy. Trong giấc mơ chập chờn, anh đã trở về thành phố. Anh hỏi thành phố còn nhớ anh không? Anh hỏi, mà như không hỏi, thật sự anh đi tìm tuổi thơ, tìm lại dĩ vãng:

“Có nhận ra tôi không?
Hỡi ước mơ tuổi hai mươi
Bờ bến cũ, ngậm ngùi thân sỏi đá
Ngó mây trời mà khóc tuổi hoa niên"

Anh đã khóc, anh khóc cho thân phận, hay anh khóc cho quê hương anh. Tất cả đã đổi thay xa lạ. Giấc mơ tuổi thơ và ngày đầu hò hẹn đã mất từ ngày anh ra đi. Để rồi hôm nay, anh trở về, bến cũ còn đây, con đò đã sang ngang. Dòng sông xưa đã đổi dòng nước lạ. Thời thế, cảnh vật, con người đều xa lạ, lạnh lùng đến se sắt…

Anh đã trở về ngôi chùa cũ, nơi đã nuôi dưỡng, che chở tuổi thơ cho anh. Và dường như tôi cũng được cùng anh, nghe đâu đây tiếng vọng về của chuông chùa thuở ấy:

“Có nhận ra tôi không?
Hỡi cây đa cũ trong sân
Nơi tôi đứng những chiều thu lá đổ
Đừng hát nữa đa ơi! bài ca buồn vạn cổ
Tấm thân gầy đau nhứt nhối trong đêm”

Anh đứng lại nơi anh thường đứng, nơi có những chiều lá đổ. Anh vẫn nghe thấy tiếng kêu xé lòng của cây đa già thuở ấy. Anh bảo đa đừng hát nữa, buồn lắm, nhưng trong lòng anh hát mãi không thôi. Trong đêm tối ấy, anh đã nhìn thấy tấm thân gầy của quê hương đang oằn mình dưới phong ba, bão tố. Đường phố đã ngỡ ngàng thay tên, nơi đây một thời anh đã cùng bạn bè nhấp từng giọt cafe đen, từng ly rượu đắng. Anh đã về, nhưng thấy xung quanh đều trống vắng, tất cả bay mất như khói thuốc vô hình. Có hẹn ngày về đâu mà anh mong gặp:

“Có nhận ra tôi không
Hỡi bạn bè anh em
Ai còn sống và ai đã chết?
Ai ở lại lao đao, ai phương trời biền biệt
Giờ chia tay sao chẳng hẹn ngày về"

Cả khổ thơ là khung cảnh mù mịt của sự chia ly. Ai còn, ai mất? Người ở lại sống trong lầm than tủi nhục. Người ra đi mang trong lòng niềm nhớ thương và cả một trời kỷ niệm, quặn quại xót xa, ngày về còn xa lắm:

“Có nhận ra tôi không?
Hỡi ghế đá công viên
Những mái lá che tôi, thời mưa nắng
Từ nơi đó trong đêm dài yên lặng
Tôi ngồi nghe sông núi gọi tên mình”

Anh muốn vùng dậy, để quét đi những đêm tối bão bùng trên quê anh, nhưng dường như anh bất lực?

Ngồi nghe văng vẳng tiếng gọi của núi sông, nơi đã chở che cho anh những ngày dài mưa nắng, gập ghềnh của tuổi thơ.

“Có còn nhận ra tôi không
Hay tại chính tôi quên?"

Hai câu cuối chính là câu kết của toàn bài. Tôi và những sự vật, con người xung quanh, tôi và hay chính tôi. Nó là những sợi dây vô hình quán xuyến ràng buộc toàn bài lại, làm cho bài thơ có bố cục chặt chẽ hơn. Anh tự trách, tự dằn vặt mình. Anh bất lực chăng? Không! Cái khắc khoải, cái dằn vặt đó, chính là lúc anh dồn nén nỗi đau, nỗi nhớ nhất trong tâm khảm mình. Lúc anh quên, chính là lúc anh nhớ nhất, có phải thế không anh Trần trung Đạo?

Đỗ Trường - Leipzig tháng 4-2008

*



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo