Hồ Chí Minh thừa nhận có phụ nữ bên cạnh - Dân Làm Báo

Hồ Chí Minh thừa nhận có phụ nữ bên cạnh

Dâu bể tang thương (Danlambao) - Đôi khi rảnh rỗi, tôi thường truy cập vào trang mạng thivien.net. Đây có thể coi là diễn đàn thơ bằng tiếng Việt lớn nhất hiện nay. Những người yêu thích thơ đã chung tay xây dựng nên một thư viện đồ sộ với vô số tác phẩm và tiểu sử các thi sĩ từ xa xưa đến hiện tại, trong cũng như ngoài nước. Đáng tiếc có một kẻ mà sự hiện diện của hắn đã làm xấu mặt những thi hào khác, không ai khác hơn trùm đạo thơ Hồ Chí Minh (HCM).
Khả năng cầm nhầm thơ người khác cũng như tài sáng tác thơ như văn xuôi của HCM thì đã được phân tích, mổ xẻ khá nhiều. Trong bài viết này tôi chỉ muốn nêu ra một khía cạnh khác về thi sĩ giả hiệu này thông qua một bài thơ có tựa đề là Cảm hứng (1):

Kìa bãi cát, nọ rừng thông
Nước nước, non non khéo một vùng
Đang đợi nàng thơ cùng bạn vẽ
Đến chơi cảnh núi với tình sông

Tay đàn, cặp sách, ông đầu bạc
Hồ rượu, xâu nem, ả má hồng
Được phép ngao du cùng tuế nguyệt
Vì rằng kháng chiến đã thành công.

Một bài thơ thuộc thể loại thất ngôn bát cú (bảy chữ tám câu), nếu đọc sơ qua có thể xếp loại bình thường không quá đặc sắc, cũng không đến nỗi dở tệ. Ta có thể tạm coi đây là đứa con tinh thần của HCM vì ở trình độ của hắn khó lòng yêu cầu cao hơn. Tuy nhiên, đi sâu vào phân tích sẽ bắt gặp hai điểm bất ngờ thú vị:

A. Tư tưởng ăn chơi, hưởng lạc trái ngược với hình ảnh một người được cho là vì dân, vì nước

Đây là bài thơ được sáng tác vào năm 1954, tức là khi chiến tranh chống Pháp đã kết thúc. Trước đó vào năm 1947, HCM cũng làm một bài thơ khác là Cảnh rừng Việt Bắc (2):

Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót, chim kêu suốt cả ngày
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay

Non xanh, nước biếc tha hồ dạo
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say
Kháng chiến thành công ta trở lại
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.

Chúng ta có thể dễ dàng thấy được dù ở giai đoạn cả nước bước vào giai đoạn chiến tranh ác liệt với Pháp (1947) hay đã kết thúc chiến tranh (1954) thì HCM lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện ăn chơi phè phỡn. Mặc kệ quân dân Việt đói khổ thì hắn ăn ngô nếp nướng, thịt rừng quay, đi dạo ngắm phong cảnh non xanh nước biếc và tha hồ say sưa rượu ngọt chè tươi. Mức độ trác táng của hắn lại càng tăng lên khi công khai thừa nhận ngoài rượu, nem, đàn hát còn có cả ả má hồng. Điều này hoàn toàn trái ngược với lời phát biểu của hắn với các nhà báo năm 1946, khi hắn mới bắt đầu làm chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành" (3). Đúng ra hắn nên phát biểu rằng hắn chỉ có một ham muốn tột bậc đó là suốt ngày đàn hát tiệc tùng và ôm gái đẹp. Chân dung của vị lãnh tụ vĩ đại suốt đời giản dị, không gần gũi đàn bà, không lập gia đình để lo việc nước là như thế đó.

B. Ả má hồng được đề cập trong bài thơ Cảm hứng là ai?

HCM quen biết, chung đụng rất nhiều đàn bà thì hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên, hắn chưa bao giờ công khai thừa nhận người nào. Một kẻ dù mưu mẹo, xảo quyệt đến đâu cũng vẫn có lúc sơ sót. Do đó, trong một phút cao hứng hắn đã để lộ ra sơ hở của mình. Vấn đề ở đây là làm sao xác định được tung tích ả má hồng đã kề cận với HCM trong những lúc ăn chơi, hưởng lạc vào thời điểm năm 1954. Diễn đàn thivien.net có đăng tải một thông tin đáng chú ý về nguồn gốc bài thơ Cảm hứng như sau: "Theo một số chiến sĩ ở An toàn khu, bài thơ này được chủ tịch Hồ Chí Minh làm ở Khuối Tát, Định Hóa, Thái Nguyên, năm 1954, sau ngày hòa bình đã được lập lại ở miền Bắc và trong thư gửi cho chị Huyền (tức chị Hà, vợ đồng chí Võ Nguyên Giáp)." (1)

Như vậy bài thơ này là HCM viết cho Đặng Bích Hà tức là vợ Võ Nguyên Giáp (VNG). Một điểm kỳ lạ là tại sao HCM lại tặng cho vợ VNG một bài thơ vô thưởng, vô phạt như vậy? Tôi đã đọc qua nhiều bài thơ của HCM và nhận thấy một đặc điểm rất rõ ràng. Khi hắn làm thơ tặng ai thì sẽ chỉ đích danh người đó trong thơ dù bằng tiếng Tàu hay tiếng Việt, chẳng hạn như những bài thơ sau: Tặng Bùi công, Tặng Trần Canh đồng chí, Tặng Võ công, Cảm ơn người tặng cam, Gửi đồng chí Trần Canh, Nữ anh hùng Nguyễn Thị Bươi, Tặng cụ Đinh Chương Dương, Tặng cháu Nông Thị Trưng, Tặng thống chế Pê-tanh, Tặng toàn quyền Đờ-cu, Thư tặng ba lão du kích ở Cao Bằng, Thư gửi Hy Mã Nghi Bá đại nhân...

Từ đó có thể suy đoán rằng do đang ẩn nấp trong vỏ bọc cha già dân tộc nên HCM không thể nào sỗ sàng nói hụych toẹt mà chỉ dám kín đáo miêu tả lạc thú bên ả má hồng. Viết cho vợ VNG mà lại đề cập đến ả má hồng thì chỉ có hai khả năng: thứ nhất, ả má hồng này chính là vợ VNG, thứ hai, ả má hồng này nhất định phải có quen biết hoặc liên hệ mật thiết với vợ VNG. Có thể bà này chính là người giới thiệu, tiến cử gái đẹp cho HCM cũng không chừng. Nếu giả thiết này là đúng thì chúng ta sẽ hiểu được vì sao HCM lại ưu ái phong thẳng cho một anh giáo viên dạy sử chưa từng học qua một trường lớp quân sự nào lên cấp bậc cao nhất của quân đội cộng sản. Ngoài ra HCM cũng từng ra tay cứu VNG khỏi cuộc thanh trừng do Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chủ xướng qua vụ án xét lại chống đảng mà bỏ mặc bao nhiêu công thần khác của chế độ bị tra tấn, tù đày. 

C. Phần kết

Nội tình câu chuyện có lẽ chỉ có ba người là thấu hiểu rõ ràng: HCM, VNG và vợ của hắn. Đến nay thì HCM và VNG đều đã toại nguyện đi hầu hạ những tổ sư cộng sản dưới suối vàng. Như vậy chỉ còn vợ của VNG có thể tiết lộ danh tánh thật sự của ả má hồng đã cùng uống rượu, ăn nem, nghe đàn hát cùng HCM vào giai đoạn 1954. Dĩ nhiên điều này là không tưởng vì chắc chắn bà ta lúc nào cũng kiên trì phục vụ cách mạng và bảo vệ danh tiếng giả tạo cho vị chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nhưng không rành tiếng Việt và vị bộ trưởng quốc phòng nhỏ không học lớn làm đại tướng, thích kiểm soát việc sinh đẻ có kế hoạch hơn là vào sinh ra tử cùng binh sĩ trên chiến trường. 

Dù sao đi nữa, bài thơ Cảm hứng cũng là một bằng chứng không đánh mà khai về bộ mặt thật của HCM. Một kẻ có lối sống trụy lạc nhưng lại háo danh, thích vơ vào mình những điều không thể. Chúng ta cần phải tìm tòi, phát hiện thêm nhiều bằng chứng khác để lôi đầu hắn ra trước ánh sáng công lý và sự thật. Quyết không để cho thân xác hắn nằm chình ình giữa thủ đô Hà Nội và linh hồn hắn xâm nhập vào đền chùa, miếu mạo để trù ếm đất nước ta, dân tộc ta không tài nào ngóc đầu lên được. Ngoài ra, đây cũng là biện pháp tốt để giải bùa mê, thuốc lú mà ban tuyên giáo cộng sản cùng với những tên dư luận viên rẻ tiền đang sử dụng để đầu độc đồng bào ta. HCM bị vạch mặt chỉ tên, bị ném xuống đầm lầy sớm ngày nào thì tổ quốc thân yêu của chúng ta được giải thoát sớm ngày đó.

06.01.2016



___________________________________

Chú thích:





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo