Sự sụp đổ của ông Trọng - Dân Làm Báo

Sự sụp đổ của ông Trọng

Bùi Quang Vơm (Danlambao) - Theo thông tin từ Ban Tuyên Giáo thì có 62 người ngoài danh sách đề cử của TW 11. Trong số 62 người được giới thiệu, hơn 50% không nằm trong Ban Chấp hành cũ, trong đó có người không dự Đại hội, và quá tuổi, đưa số ứng cử lên 283 người, vượt quá 30% số dư quy định.

Theo Người Cấp Tiến, có 35/68 đoàn (tin tiết lộ từ nội bộ là 38/68) Đại biểu dự Đại hội giới thiệu ông Nguyễn Tấn Dũng.

Người đưa tin thì cho biết ông Dũng được 35 đoàn giới thiệu với 270 phiếu, ông Trương Tấn Sang được 16 đoàn giới thiệu với 78 phiếu, Nguyễn Sinh Hùng được 7 đoàn và 8 phiếu.

Kết hợp với tin tức tiết lộ trước, trong Bộ Chính trị, số phiếu đề cử của ông Trọng là 6, ông Sang là 5 và ông Dũng chỉ có 1.

Từ những thông tin này có thể phỏng đoán một vài điều.

Trước hết, có gần một nửa số Đoàn giới thiệu ứng viên ngoài danh sách đề cử của BCH cũ, bất chấp kết qủa "rất tập trung" của Hội nghị 14. Số ứng viên thuộc Bộ chính trị cũ được giới thiệu cũng khá đặc biệt, là rất tập trung cho ông Dũng và ông Sang. Đây là sự phủ quyết của Đại hội đối với BCH cũ. Nó cho thấy xu hướng muốn công khai khẳng định quyền quyết định không thuộc Bộ chính trị hay BCH cũ mà thực sự thuộc về Đại Hội. Tín hiệu này cảnh cáo lối tư duy dùng "Dân chủ tập trung" để chi phối hay hướng đạo Đại Hội. Hãy đoạn tuyệt lối tư duy sáo mòn khuôn mẫu đó. Dân chủ và các Đại biểu hoàn toàn đã đủ độ trưởng thành, để không phải cần ai hướng đạo. Đây có thể hiểu là tuyên ngôn chống lại chủ nghĩa giáo điều, chống lại chủ trương "kế thừa", hay ý định lạm dụng "kế thừa" của Bộ Chính trị và BCH cũ. Nó bộc lộ một dòng chuyển động có tính cách mạng trong nội bộ Đảng cộng sản, một sự khẳng định được lặp lại lần thứ hai sau Hội nghị TW 6. Có thể qua đây nhận ra "sự cáo chung" của ông Trọng, của tư tưởng "Kiên định Chủ nghĩa Mác-Lê-nin".

Theo nghị quyết 244 thì ngày hôm nay, ông Sang, ông Dũng sẽ phải tự xin rút, và treo số phận cho Đại Hội.

Ông Trọng có trở thành Tổng Bí Thư nhiệm kỳ tới hay không còn chờ kết quả bầu ngày mai.

Ở đây có thể nói như thế này. Nếu tư tưởng cải cách, đổi mới thắng thế, nghĩa là không khí và tư tưởng đang có trong Đại hội tác động khai sáng cho chính các uỷ viên TW cũ, thì dù ông Sang, ông Dũng xin rút, Đại hội sẽ vẫn biểu quyết cho hai ông này vào TW. Và danh sách bầu TBT sẽ có ít nhất 3 người.

Nếu căn cứ vào tham luận của ông Đặng Ngọc Tùng, Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, ca ngợi khí phách ông Sang và ông Dũng trong khi phớt lờ ông Trọng, thì hiểu thông địêp của ông là đương kim TBT không có khí phách và không xứng đáng đứng đầu Đảng. Thông điệp của ông ngầm ý là thông điệp của giai cấp công nhân và lao động Việt Nam. Ông Trọng không xứng đáng đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam nữa. Nếu suy tiếp thì thậm chí, ông không còn tư cách đảng viên, vì vốn là đảng của giai cấp công nhân.

Và nếu căn cứ vào tham luận của ông Bùi Quang Vinh, nguyên nhân chính của trì trệ là "Chúng ta đã giải phóng từ 45 năm, đã Đổi mới từ 35 năm, nhưng 70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp gần như không thay đổi. Nền chính trị phù hợp với nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát triển. Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách". Thông điệp của ông là ông Trọng hay tư tưởng giáo điều chính là lực cản của đổi mới và của phát triển, cần phải gạt bỏ tức khắc.

Như vậy có thể dự đoán điều bất ngờ nhất có thể xảy ra là ông Trọng không đủ phiếu vào TW, và danh sách ứng viên cho vị trí TBT ngày mai sẽ chỉ còn ông Sang và ông Dũng.

Sau khi điều cơ bản nhất, quan trọng nhất là loại bỏ chủ nghĩa giáo điều cứng nhắc ra khỏi sinh hoạt chính trị Việt Nam đã đạt được, qua việc gạt bỏ ông Trọng, điều quan tâm tiếp theo cũng quan trọng không kém sẽ là khả năng tham nhũng hóa bộ máy quyền lực. Tới đây thì ông Dũng sẽ không còn vai trò nữa. Ông đã hoàn thành vai trò phá vỡ. Việc xây dựng người ta sẽ xét tới khả năng khác của ông, với một cái nền xã hội do ông tạo ra trong suốt 10 năm làm thủ tướng. Sự rối loạn với những hệ thống tham nhũng chằng chịt, chồng chéo. Một nền văn hoá đang nhanh chóng suy sụp. Với những gì mà Trung quốc đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra áp lực lũng đoạn cả về kinh tế, chính trị lẫn an ninh quốc phòng.

Có thể tới bây giờ người ta vẫn chưa hiểu được tư tưởng của Đại Hội. Việc giới thiệu có vẻ tập trung cho ông Dũng ngày hôm qua 24/01, không có nghĩa là Đại hội không biết gì về bản chất tham lam và thô thiển của ông Dũng. Người ta cũng biết thừa rằng chỉ có Tần Thủy Hoàng, một vị Hoàng đế ít chữ mới đốt sách và thiêu sống nhà nho.

Nếu ông Dũng trúng TBT, có thể suy đoán rằng quá một nửa trong số 1510 Đại biểu của trên 4,5 triệu con người đang có chức và có quyền hiện nay của nền kinh tế Việt Nam, đang dính líu hoặc đang âm mưu tham nhũng, và số đông đảng viên này đang tính chuyện phá nát xã hội và đất nước. Như vậy cũng có thể thấy rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã không tồn tại rồi.

Vì vậy chắc sẽ không thể có chuyện ông Dũng trúng TBT.

Tổng Bí Thư nhiệm kỳ 12 là ông Trương Tấn Sang, không có khả năng khác, nếu tất cả đều đi đúng mạch.

Không thể nói tới những cái chúng ta không có. Và trong những cái chúng ta đang có thì đây chắc chắn là điều khả dĩ chấp nhận nhất, tức là ít những cái tệ hại nhất, mặc dù không thể biết điều này có dẫn đến cái tốt nhất được chờ đợi hay không.

Tuy nhiên, có một khả năng khác. Con số 270 phiếu cho ông Dũng cộng với số 78 phiếu cho ông Sang và số ít phiếu cho những vị ngoài danh sách, ngoài Đại Hội và quá tuổi khác, vẫn chưa quá bán số 1510 Đại biểu. Như vậy, nếu cho rằng đa số còn lại ủng hộ danh sách đề cử của Bộ chính trị và BCH cũ thì Bộ Tứ Trọng Quang Phúc Ngân sẽ đắc cử. Khả năng này cho đến giờ này vẫn là khả năng cao nhất, nhưng lại là giải pháp đáng thất vọng nhất.

Nếu ông Trọng dẫn dắt Bộ Chính trị mới, thì dù chỉ một hai năm hay nửa nhiệm kỳ, khả năng nhân sự theo hướng Kiên trì bảo vệ chế độ chắc chắn sẽ áp đảo. Nghĩa là hoặc ông Quang sẽ được vẽ mặt để người ta quên rằng ông là Trùm Cảnh Sát, hoặc ông Đinh Thế Huynh sẽ phải liên tục có mặt trên các diễn đàn kinh tế để marketting năng lực, để tiếp quản ngôi vị đứng đầu. Một ông Quang vốn có tai tiếng tự sửa ngày sinh, ăn gian tuổi, nghiệp vụ được đào tạo duy nhất là công an, tiến sĩ luật do Đảng phong, không qua trường lớp. Một ông Đinh Thế Huynh ngoài những "cống hiến to lớn phát triển tình hữu nghị giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản Trung Quốc, góp phần làm phong phú lý luận Chủ nghĩa Mác với nền kinh tế XHCN trong hoàn cảnh mới cuả hai Đảng"... thì chỉ thấy ông ta vi phạm luật tự do báo chí, tự do ngôn luận... của người dân.

Nhưng từ Hội nghị TW 6, ông Trọng hình như vẫn chưa ý thức được rằng, đã có một sự thay đổi căn bản trong nội bộ Đảng, cay đắng trong thất bại Hội nghị 6, ông đã phải vất vả tâm sức để chuẩn bị Đại hội, hy vọng bằng sự giảo hoạt, có thể chiếm lại thế thượng phong, để chứng minh tính bất tử của lý tưởng CSCN. Nhưng ông lại thất bại. Đó là thất bại không chỉ của những con người cuồng tín, mà về bản chất là sự sụp đổ của ý thức hệ, là sự sụp đổ của nền tảng chế độ Cộng sản. Cùng với nó là sự tan vỡ mối liên hệ "Chính trị tương quan" với chính quyền Trung Hoa. Từ bây giờ đảng không bao giờ còn có thể quay laị. Chỉ còn chờ một sự hóa thân.

Cũng có thể nói rằng đây là lần Đại hội cuối cùng, ít nhất cũng là cuối cùng theo kiểu vẫn làm từ 70 năm nay.

25/01/2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo