Dân chủ cho Việt Nam - Bước khởi đầu - Dân Làm Báo

Dân chủ cho Việt Nam - Bước khởi đầu

K’tem (Danlambao) - Bà Anna Eleanor Rooservelt (vợ Tổng Thống Franklin Delano Rooservelt), vị Đệ nhất phu nhân có nhiệm kỳ dài nhất và cũng là người phụ nữ lừng danh nhất trong sinh hoạt chính trị nước Mỹ đã để lại một câu nói đáng suy ngẫm: Những đầu óc vĩ đại hay bàn về ý tưởng, những đầu óc trung bình hay bàn về sự việc, những đầu óc nhỏ bé hay bàn về người” (Great minds discuss ideas, average minds discuss events, small minds discuss people). 

Trong công cuộc chống lại chế độ độc tài của đảng CSVN, câu này có thể vận vào chúng ta, những người đang nỗ lực chống lại chế độ ấy. Ở mọi góc độ, chúng ta cũng bàn thảo về người (cá nhân), về việc làm và cả ý tưởng. Nhưng bàn thảo để tìm ra phương cách tối hậu phù hợp để cùng chia nhau thực hiện cho mục tiêu chung có vẻ ít, mà hình như, trọng tâm những cuộc bàn thảo ít nhiều nặng về đả phá nhân sự, việc làm và ý tưởng nếu việc làm và ý tưởng ấy không giống điều mà ta nghĩ, ta làm. Những đả phá này nhiều khi đi ngược lại những giá trị mà chúng ta cùng xiển dương và mong muốn người dân Việt Nam thừa hưởng.

Bỏ qua một bên những hình thức và luận điệu đả phá quán tính đến từ bộ phận chính quy được nhà nước CSVN đào luyện và nuôi dưỡng qua hệ thống truyền thông và tuyên truyền hay đến từ bộ phận bán chính quy Dư luận viên hiện diện trên mạng lưới truyền thông khắp nơi. Luận điệu đả phá đến từ những nhóm này mang tính máy móc có điều kiện nhằm bảo vệ cái nhà nước đang nuôi dưỡng họ và đạp đổ mọi giá trị khác nếu giá trị ấy phương hại đến quyền lợi và vị thế cầm quyền của đảng họ. Tuy nhiên, nếu sự đả phá đến từ những người hay tổ chức đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ, đa nguyên nhắm vào những cá nhân hay tổ chức khác mà luận điệu cũng theo tính cách máy móc và có tính điều kiện giống như bộ phận truyền thông chính quy và dư luận viên của CSVN, thì đó chính là trực tiếp tay cho chế độ mà chúng ta chống.

Vừa rồi mới đọc bài 'Quyết tâm không còn nô lệ nữa thì ta tự do' tác giả Trần Quốc Việt dịch từ một bài trên blog Afrikanpatriot. Bài viết nói về việt thoát khỏi sự tự nguyện nô lệ lấy từ chuyện ngụ ngôn của bầy khỉ và ông chủ của chúng, làm nhớ đến câu chuyện khác cũng nói về những con khỉ bị giam cầm.

Chuyện như thế này (nếu vị nào biết chính xác và xuất xứ của chuyện thì vui lòng chỉ bảo): 

Có bốn con khỉ bị nhốt trong một cái chuồng. Giữa chuồng có cái thang và phía trên cái thang có treo một buồng chuối. Mỗi khi có con khỉ nào leo lên cái thang để với đến buồng chuối thì lập tức những con khỉ trong chuồng bị xịt nước để trừng phạt. Nhiều lần tiếp diễn và nhiều lần bị xịt nước, các con khỉ nhận ra đó là sự trừng phạt đối với hành động leo lên thang để lấy chuối. Từ đó mỗi khi có con khỉ nào cố tình leo lên thang, thì ngay tức khác con khỉ ấy bị ba con khỉ còn lại đánh. Khi con khỉ vi phạm bị ba con còn lại đánh, thì việc xịt nước không cần tiếp diễn nữa. Một thời gian sau một con khỉ trong đám bị lấy ra khỏi chuồng và thay vào đó là con khỉ mới. Con khỉ mới này thấy cái thang và buồng chuối liền leo lên và bị ba con còn lại đánh. Con khỉ mới này chỉ biết mình bị đánh và không biết một chút nào chuyện bị đánh là hậu quả của việc bị xịt nước. Và sau đó người ta lấy ra một con khỉ trong thế hệ bị xịt nước ra và thay vào là một con mới. Và con mới này cũng leo thang và cũng bị đánh và trong số đánh nó có con khỉ mới đưa vào trước nó. Lần lần người ta lấy hết mấy con khỉ thuộc thế hệ bị xịt nước ra và chuồng bấy giờ chỉ còn những con khỉ mới. Và con nào leo lên thang để với tới buồng chuối là bị mấy con còn lại đánh ngay và trong tình huống bị đánh này không con khỉ nào biết về việc bị xịt nước.

Trong ý nghĩa nào đó việc đả phá nhân sự, việc làm cũng như ý tưởng trong công cuộc chống lại đảng và nhà nước CSVN trong hoàn cảnh này cũng giống như chuyện trên. Đó là sự chống lại như phản ứng có điều kiện nhắm vào những cái không giống cái của ta. Và việc chống lại theo phản ứng có điều kiện này đến từ phản ứng thứ cấp.

Đấu tranh chống độc tài để thiết lập một thể chế dân chủ thật sự trên đất nước Việt Nam là một hành vi xuất phát từ lương tâm. Trực tiếp là tự thoát sự nô lệ. Gián tiếp là đạo đức của ước muốn giúp thoát sự nô lệ. Việc truy tìm một phương thức đấu tranh thích hợp là sự đóng góp. Đừng để những phản ứng có điều kiện tích lũy từ mấy chục năm bị cai trị bởi đảng và nhà nước CSVN làm suy yếu lực lượng đấu tranh cho dân chủ và làm lợi cho bạo quyền mà mọi người đang chống.

Dưới chế độ bạo ngược bóp nghẹt quyền công dân của đảng CS, cái mà mọi người bị mất là cái mất tất nhiên định hằng do sự áp đặt của kẻ cai trị. Việc phải nhận chịu cái mất định sẵn để tìm cái được nhỏ nhoi, để từ cái được đầu tiên này làm nền tảng cho cái được tiếp theo để gây dựng nền dân chủ là việc làm nên trân trọng. 

Hiện nay, dư luận của những người đấu tranh cho dân chủ trong và ngoài nước đang xoay quanh phong trào tự ứng cử vào Quốc Hội. Ứng cử vào Quốc Hội trong bối cảnh đảng độc quyền chỉ là phương tiện, mà việc phát động phong trào quần chúng để mọi người ý thức về dân chủ, về quyền của mình, về sức mạnh mình có mới chính là mục tiêu. Mặt khác sự tự đứng ra ứng cử cũng là sự phủ nhận những công cụ của đảng nhào nắn đặt ra để những công cụ này làm việc cho ước muốn của đảng. Dân chủ không chỉ bao gồm hoạt động chung quanh việc cầm lá phiếu bỏ vào thùng để bầu cho ai, mà phía sau việc bỏ phiếu này là việc ý thức được rằng ai sẽ thay mặt mình tham dự vào việc định đoạt guồng máy chính trị và phương thức điều hành quốc gia theo ước muốn của mình. Truyền bá giá trị dân chủ để hình thành thể chế dân chủ theo ước muốn và ý chí của nhiều thành phần dân chúng là điều cần thiết để loại trừ quyền lực của đảng CS. Phong trào là chuyển biến mà đảng và nhà nước CSVN quan ngại. Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 22/02/2016 có một bài nhằm đả phá phong trào tự ứng cử này. Đó là phản ứng của phía mà ta chống, ngược lại phía những người đấu tranh cho dân chủ chúng ta đừng nên có phản ứng trùng hợp với phía mà ta chống, và cũng đừng nên để phản ứng của ta được xem giống như trong câu chuyện có tính ngụ ngôn được kể ở trên. 

Trong chính trị hiếm khi nào có sự tuyệt đối. Không bao giờ được tuyệt đối, hay mất tuyệt đối. Luôn trong cái được có cái mất. Tại các quốc gia Tây phương một chính sách đưa ra có thể có 50% thành phần dân chúng ủng hộ và cũng có 50% phần trăm phản đối. Chính vì vậy mà một số nhà cầm quyền chọn lựa hành động theo ý niệm “vi lợi thực tiễn”, qua đó sự đúng sai bị loại trừ, nhường chỗ cho lợi ích mà ai cũng vui vẻ chấp nhận.

Cái đang thiếu vắng tại Việt Nam hiện nay là sự khơi dậy nơi người dân về quyền căn bản mà họ có, về giá trị vai trò làm chủ của họ trong việc định đoạt thiết chế chính trị qua đó xã hội mà họ sống được hình thành theo ước muốn của họ. Và sự thiếu vắng trầm trọng hơn là những nhân sự tiên phong đứng lên đi vào quần chúng, đến với quần chúng để họ thấy rằng ngoài hệ thống đảng còn có thành phần khác quan tâm đến đời sống, đến ý muốn của họ; đem họ thoát ra cái chuồng mà giờ đây nhiều thế hệ sinh ra đang bị điều kiện hóa một cách lũy thừa để chấp nhận ngôi vị chủ nhân của đảng CS. Mỗi cá nhân và tổ chức dân sự nên chọn phương sách thích hợp riêng lẻ để đạt được thành tựu chung là giúp thành phần dân chúng đang sống như nô lệ của ông chủ CSVN thoát ra khỏi vòng nô lệ này. Cái cần có bên cạnh các tổ chức dân sự trong lúc này là gầy dựng những hoạt động có tính phong trào. Phong trào càng cao, càng rộng thì ảnh hưởng vào quần chúng càng lớn. Phong trào tự ứng cử mới chỉ là một. Những phong trào quần chúng đều bị đảng và nhà nước CSVN xịt nước. Và chúng ta nên tránh bước còn lại.

Một đất nước mà người dân ý thức được quyền của mình và biết sử dụng quyền ấy thì khó có thế lực nào đè đầu cỡi cổ họ được.

26.02.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo