Giáo Già (Danlambao) - Kết quả Đại hội XII Đảng CSVN được công bố, sau đó, ngày 28/01/16, nhiều nhà bình luận đã có nhiều nhận định từng nhân vật được trình làng. Nhìn về 4 nhân vật lãnh đạo hàng đầu trong Bộ Chánh trị, dư luận được biết:
1. Nhân vật đứng đầu nổi tiếng bảo thủ, giáo điều, là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, người Miền Bắc, kẻ cương quyết tiếp tục “tiến lên XHCN”, mà hắn biết là không bao giờ tới, tuy rằng trước ống kính truyền hình cho cả nước coi, ông vẫn tuyên bố đảng của ông sẽ tiếp tục “vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội...”; nhưng thực tế là theo con đường được Tập Cận Bình chỉ đạo, qua Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, trong chuyến đi Bắc Kinh hấp tấp, trước ngày khai diễn Đại hội XII, mà dư luận nghĩ rằng phần thắng sẽ về tay Nguyễn Tấn Dũng, vì trước đó, lúc đến Hà Nội, Tập Cận Bình chỉ mời riêng Nguyễn Tấn Dũng đi Trung Quốc, mà không mời Trọng, như ngụ ý Dũng sẽ là Tổng Bí thư sau Đại hội XII.
2. Chủ tịch nước, Đại tướng công an Trần Đại Quang, cũng người Miền Bắc, là kẻ từng nổi tiếng về bất chấp luật pháp, thẳng tay đàn áp người yêu nước, đặt biệt trong giai đọan xuống đường chống Tàu cộng xâm lược, mùa Hè năm 2011, và càng ngày nghi can bị giết ngay tại đồn công an càng nhiều.
3. Thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc, là người miền Trung, ở vùng “đất cày lên sỏi đá”, nhưng bản thân và gia đình lại vô cùng giàu có nhờ tham nhũng, kẻ có thân nhân, tài sản trên đất Mỹ; và liên quan đến nghi vấn ám hại đồng hương Nguyễn Bá Thanh, kẻ vừa nhận trách nhiệm bài trừ tham nhũng đã nổi tiếng với quyết tâm “hốt hết” bọn tham nhũng, với một đống hồ sơ “nổi cộm” trong tay, trong đó có hồ sơ của Nguyễn Xuân Phúc. Chưa biết tương lai kẻ bất tài nhưng tham nhũng ngoại hạng này có đi theo vết xe của Nguyễn Tấn Dũng, trong thời gian dài làm Phó Thủ tướng cho Dũng; và thường xuyên liên lạc trực tiếp với Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội.
4. Chủ tịch Quốc Hội lọt về tay một phụ nữ gốc Nam kỳ có thân dáng “bắt mắt” là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, mà phần lý lịch chưa bộc lộ rõ nét, như dung nhan và trang phục khi xuất hiện trước đám đông.
Từ trái sang phải: Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng,
Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân.
Trong số 4 tên lãnh đạo hàng đầu CSVN này Giáo Già đặc biệt lưu ý đến Trần Đại Quang, vì sự nghiệp của hắn thăng tiến quá mau, nhờ thủ đoạn gian manh và thô bạo trấn áp những người “chống Tàu”, những thành phần dân chúng đấu tranh cho nhân quyền, đấu tranh “diệt cộng”, dân chú hóa Việt Nam.
Xin điểm qua vài nét về tên tướng công an gian ác ngoại hạng này:
1. Trần Đại Quang, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, được Quốc hội (đa số là phe Nguyễn Tấn Dũng) phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Công an, nên nhiều người nghĩ Quang là con gà đá của Dũng, cùng nòi công an như nhau, và có trong tay các hồ sơ “đen” của từng nhóm lợi ích.
2. Từ tháng 10 năm 2000 đến tháng 4 năm 2006: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Trong thời gian này, năm 2003, Quang được phong Thiếu tướng, hàm phó Giáo sư.
3. Từ tháng 4 năm 2006 đến tháng 1 năm 2011: năm 2007 được phong Trung tướng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; hàm Giáo sư năm 2009. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần X của Đảng Cộng sản được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.
4. Từ tháng 1 năm 2011 đến tháng 12 năm 2011: Trung tướng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XI của Đảng, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được bầu vào Bộ Chính trị; đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, Quang được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Công an.
5. Ngày 30 tháng 8 năm 2011: được Bộ Chính trị chỉ định làm Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2010-2015.
6. Ngày 5 tháng 12 năm 2011 được Chủ tịch nước phong hàm Thượng tướng Công an Nhân dân.
7. Ngày 29 tháng 12 năm 2012 được Chủ tịch nước phong hàm Đại tướng Công an Nhân dân.
Trong quá trình công tác, có những lúc không biết Trần Đại Quang làm gì. Một số nguồn tin nói rằng Quang học đàn áp dân chủ ở ‘’nước ngoài‘’ trong thời gian bí ẩn đó. Nhưng có điều nên nhớ là Trần Đại Quang đã khai là hắn sinh vào tháng 10 năm 1956, đến năm 1975, lúc 19 tuổi, đã tốt nghiệp hai trường đại học là cảnh sát và văn hoá. Đến năm 1980, mới 24 tuổi, đã là lãnh đạo một đơn vị nghiệp vụ an ninh và là giảng viên về an ninh. Các đề tài, luận án, và nội dung giảng dạy của Quang, đều gắn với bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh với các thế lực thù địch. Gọi một cách chính xác chuyên nghành của Quang là đàn áp dân chủ, tự do, tôn giáo…
Trong vụ án Phạm Quý Ngọ, ông này chết vào ngày 18 tháng 2 năm 2014, trở thành con ngựa chết trong bối cảnh phe cánh bị đem ra xét xử bởi vụ Vinalines. Trước ngày 18 tháng 2, Ngọ không có chỉ dấu nào của một người bị ung thư gan chỉ còn vài tuần, hay vài ngày nữa là chết. Điều nên nhớ là trước khi chết, Ngọ đã xác nhận với tướng V. và ủy viên Bộ Chính Trị D. (N.V. Dụ), rằng Ngọ đã giao hai phần ba (2/3) tức trên 325 ngàn mỷ kim số tiền cho Trần Đại Quang từ tay của Dương Chí Dũng. Bây giờ Dương Chí Dũng bị án tử hình, còn Phạm Qúy Ngọ đã chết, vậy số tiền đó Trần Đại Quang để ở đâu? Vậy phải chăng cái chết của Ngọ là để bịt miệng Ngọ, đình chỉ điều tra Ngọ trong vụ hối lộ Vinalines...
Điều rất đặc biệt cần lưu ý là Trần Đại Quang được Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đưa từ miền Nam ra Bắc, để bất ngờ thăng tiến nhanh chóng trong Bộ Công An, nắm chức Bộ Trưởng công an mà nhiều người trong ngành đều tin chắc rằng phải thứ trưởng thường trực Đặng Văn Hiếu bấy lâu chờ đợi.
Trần Đại Quang có thành tích dẹp loạn ở Tây Nguyên, bằng cách cho công an trà trộn đóng giả người Thượng trong đám biểu tình. Rồi dùng gậy gộc đánh những người biểu tình, đập phá nhà dân, gây hỗn loạn để gây chứng cớ cho quân đội và công an sắc phục vào đàn áp.
Ngoài ra, đề tài tiến sĩ của Trần Đại Quang gồm những kế sách đàn áp phong trào dân chủ. Hành động và tư tưởng của Trần Đại Quang phù hợp cho việc sắt máu bảo vệ đường lối bảo thủ mà Nguyễn Phú Trọng chủ trương, nên Quang đã rất nhanh chóng được đưa vào Bộ Chính Trị, rồi làm Bí thư Đảng uỷ Bộ Công an. Sự thăng tiến đột ngột trong Đảng của Trần Đại Quang bắt đầu khi Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí Thư. Cả quá trình công tác của Trần Đại Quang luôn gắn liền với nhiệm vụ Bảo Vệ Chính Trị Nội Bộ, có nghĩa là bảo vệ chế độ CNXH. Nguyễn Phú Trọng đã chọn Quang làm con cờ chủ lực để giữ gìn đường lối cực đoan bảo vệ lý tưởng CNXH mà Trọng theo đuổi. Đại hội XII vừa qua thành công phần nào cũng được đánh giá nhờ bạo lực của 5.200 quân, với sung đạn lăm le, xe tang rập rình…
Trần Đại Quang với bề dày thành tích trung kiên sắt máu bảo vệ chủ nghĩa cộng sản cực đoan như thế, được ngồi vào ghế Chủ Tịch Nước sẽ là mối đại hoạ cho nhiều người:
1. Đầu tiên là đảng viên phải vào khuôn khổ cứng rắn, độc đoán mà Nguyễn Phú Trọng theo đuổi và Quang là công cụ áp đặt;
2. Thứ hai là những nhà đấu tranh dân chủ sẽ hy vọng gì ở một chủ tịch nước chuyên ngành trấn áp dân chủ đầy thành tích trong quá khứ như Trần Đại Quang;
3. Điều thứ ba quan trọng hơn cả, là những quốc gia đang đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam sẽ đòi hỏi được gì về cải thiện nhân quyền ở một người lão luyện đàn áp nhân quyền như Trần Đại Quang.
Theo thông tấn xã Việt Nam, đại tướng Trần Đại Quang đã sang thăm chính thức Hoa Kỳ từ hôm 15/3/2015. Chuyến đi của người đứng đầu bộ công an cộng sản đã không diễn ra ồn ào do lo sợ bị phản đối vì những hành vi đàn áp nhân quyền của Quang tại Việt Nam. Thực tế, trong âm thầm, chuyến đi của Quang sang Mỹ là để Quang trực tiếp nhận định và đánh giá thực lực của các phong trào “chống Tàu diệt Việt cộng” ở hải ngoại, để có phương cách “hóa giải”, từ các thành phần chống đối trong nước và đám tay sai ở hải ngoại. Phải chăng dịp này Quang đã đánh giá các nhân vật nổi tiếng chống đối ở trong nước được trả tự do rồi đưa thẳng ra hải ngoại, để họ chẳng còn khiến Đảng và Nhà nước điên đầu nữa, họ chẳng làm được gì như khi họ còn ở trong tù, điển hình như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, cựu đại úy công an Luật sư Tạ Phong Tần, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy…
Và phải chăng với đánh giá đó, có thể Quang sẽ cho tiến hành điều được công an dự trù từ cuối tháng 1/2016. Đây là điều có khả năng bà Bùi Thị Minh Hằng được nhà cầm quyền thả và trục xuất qua Mỹ. Theo thông tin mà trang Ba Sàm có được, hôm 27/1 vừa qua, người của Lãnh sự quán Mỹ đã vào trại giam thăm bà Hằng để hỏi ý kiến về chuyện đi Mỹ; và bà vẫn chưa quyết định. Nhưng thỏa thuận phía hai quốc gia thì đã xong, nghĩa là Mỹ đòi phía VN thả bà Hằng, và đồng ý nhận bà nếu phải thả, và cho qua Mỹ; phía Việt Nam cũng đã đồng ý đề nghị này.
Bùi Thị Minh Hằng |
Được biết, bà Bùi Thị Minh Hằng, bị giam giữ kể từ tháng 2 năm 2014, đang ở tình trạng sức khỏe rất kém. Bà bị loét dạ dày nghiêm trọng, huyết áp thấp, đau khớp, đau đầu thường xuyên, và mất trí nhớ. Mặc dù lặp đi lặp lại yêu cầu, bà không được điều trị; do vậy sức khỏe của bà có nguy cơ bị suy giảm hơn nữa. Bà là một nhà hoạt động nổi tiếng tại Việt Nam bởi bà tham gia nhiều cuộc biểu tình ôn hòa phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà cũng đã trợ giúp dân oan bị nhà nước tịch thu đất đai, phổ biến Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cho cộng đồng và hỗ trợ cho các nhà hoạt động nhân quyền. Bà hiện đang bị giam giữ tại nhà tù Gia Trung, tỉnh Gia Lai, ở cao nguyên Trung phần, cách nơi gia đình bà sinh sống 1.000 km, do vậy việc viếng thăm bà rất khó khăn. Bà đã hai lần tiến hành tuyệt thực trong trại giam. Lần thứ nhứt là trong thời gian bị giam giữ trước khi xét xử, từ khi bị bắt vào ngày 11 tháng 2 cho đến cuối tháng ba, khi bà được phép gặp con trai và luật sư. Lần sau vào tháng Tư năm 2015 để phản đối cách đối xử phân biệt của giám thị và sự quấy nhiễu nhiều tù nhân khác.
Tổ chức Ân xá Quốc tế coi Bùi Thị Minh Hằng là một tù nhân lương tâm, bị giam giữ chỉ vì thực hiện quyền của mình đòi tự do phát biểu một cách ôn hòa. Các cáo buộc chống lại bà và hai nhà hoạt động nhân quyền khác được bịa đặt với động cơ chính trị. Nhiều nhà hoạt động xã hội thường xuyên bị đánh đập một cách vô cớ bởi nhân viên an ninh và nhân viên mặc thường phục, nhưng không có quan chức cảnh sát nào phải chịu trách nhiệm, mặc dù các nạn nhân bị tấn công gửi tố cáo lên các cơ quan…
Bên cạnh trường hợp bà Bùi Thị Minh Hằng, công an của Trần Đại Quang cũng sẵn sàng thẳng tay đàn áp các nhà bất đồng chánh kiến. Đúng vậy, sáng ngày 6/12, luật sư Nguyễn Văn Đài có cuộc nói chuyện về “Nhân quyền trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013” với một số người dân ở nhà cựu Tù nhân lương tâm Trần Hữu Đức, tại xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Một số an ninh cũng đến và phản biện qua lại các luận điểm của nhau. Nhưng, đến chiều, ông cho hay, lúc ông đang đi xe taxi ra bến xe để đón xe về Hà Nội thì an ninh cho 2 xe không biển số chặn taxi, rồi lôi xuống đánh, xong họ lôi ông lên xe Camry. Luật sư Đài cáo buộc những người tấn công ông là những nhân viên an ninh của tỉnh Nghệ An. Ông cho biết, qua lời nói của họ thể hiện họ là an ninh. Họ chửi: “Mày vào Nam Đàn không xin phép bọn tao, mày xin phép bọn tao chưa mà dám vào đất Nam Đàn này? Tao đánh cho mày biết lần sau đừng vào đất Nam Đàn này nữa! Họ lột hết tiền, điện thoại, tất cả những gì trong người họ lột hết, họ lột luôn cả áo khoác của tôi. Họ ở trên xe họ đánh, toàn nhằm vào mặt mà đấm, nhưng cũng may là tôi lấy tay đỡ được thì cũng không có đau nhiều. Họ chở tôi từ Vinh đến bãi tắm ở Cửa Lò bỏ ở đó, rồi bỏ chạy” [Xem hình chụp mặt Luật sư Đài sau khi bị hành hung].
Bao nhiêu đó chưa đủ, hơn một tuần sau khi bị công an hành hung cùng 3 người khác, Luật sư Nguyễn Văn Đài đã bị bắt sáng hôm thứ Tư 16/12 về tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Vụ bắt giữ này đã thêm lần nữa chứng tỏ rõ ràng những cam kết giả dối của CS Việt Nam về cải thiện nhân quyền, theo tố cáo của các cơ quan bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Lập tức, Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Đài. Nhưng, mọi can thiệp hầu như vô vọng, mặc dầu sự việc xảy ra không lâu sau khi Việt cộng đồng ý với các thỏa thuận của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP do Mỹ dẫn đầu, trong đó bao gồm nhiều cam kết về tôn trọng nhân quyền.
Sau đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, sáng ngày 08/4/2015, Đại tướng Trần Đại Quang đã có các cuộc hội kiến với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - Mạnh Kiến Trụ, Bộ trưởng Bộ Công an - Quách Thanh Côn và Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc - Cảnh Huệ Xương. Đây là dấu mốc quan trọng trong hữu nghị hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, giữa các cơ quan thực thi pháp luật. Đặc biệt, đây cũng là dịp để Trần Đại Quang nhận được lời “chứng nhận thái thú” từ Tập Cận Bình.
Có điều dư luận không được quên là trên con đường tiến thân trên “sự nghiệp công an”, và duy trì lâu dài tham vọng lãnh đạo Đảng và Nhà nước CSVN, Quang có thể thanh toán Nguyễn Phú Trọng để bước lên làm Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước, Quang đã man khai lý lịch, bôi sửa năm sanh, để được trẻ hơn 6 tuổi, cho khỏi phải về hưu sớm.
Xin được nhắc lại, trước đại hội đảng lần thứ XI, vào năm 2011, Trần Đại Quang khi ấy là thứ trưởng bộ CA, ngấp nghé bước sang tuổi 61. Ở độ tuổi này đáng lẽ phải về hưu, nhưng Quang đã cố tình biến năm sinh từ 1950 trở thành 1956, để trở thành ủy viên trẻ tuổi nhất trong bộ chính trị đảng CSVN. Xin xem phóng ảnh các chứng cớ cụ thể đính kèm gồm:
1. Bằng tốt nghiệp đại học của Quang ghi năm sinh là 1950.
2. Giấy chứng nhận của Ủy ban Nhân dân
tỉnh Ninh Bình xác nhận [láo] là Quang sinh năm 1956.
Sự lộng quyền của Quang càng rõ hơn, khi, vào ngày 4 tháng 1, 2016, Quang ký Thông tư 01/2016/TT-BCA cho phép bất kỳ một công an nào, ở mọi cấp bậc, đều có quyền "trưng dụng" bất cứ thứ gì và từ bất cứ ai. Hành vi chà đạp luật pháp này của Quang, kẻ vừa được đảng chỉ định làm Chủ tịch nước, lập tức bị dư luận lên án gắt gao.
Nhận thấy lỗi lầm của mình quá rõ, nhưng Quang ngoan cố không nhận lỗi và sửa sai. Để đánh lạc hướng dư luận Quang cho Nguyễn Hữu Dánh, thiếu tướng Phó Cục trưởng Cục CSGT đứng ra chữa... sai cho mình, bằng cách ký Công văn 525/C67-P9 gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm "giải thích rõ hơn nội dung, quy định cho lực lượng CSGT được trưng dụng tài sản của người dân trong Thông tư 01/2016/TT-BCA". Nhưng “giải thích rõ” không có nghĩa là “không vi phạm luật”; vì Công văn 525/C67-P9 của Dánh thật ra vẫn cho phép bất kỳ một CSGT nào cũng có quyền "trưng dụng" tài sản của người dân.
Đến sáng ngày 12-2-2016, phóng viên Cát Linh của đài RFA, trong bản tin ngày 11-2-2016, cho biết: “Không chỉ riêng dư luận, mà các luật sư trong ngành tư pháp cũng lên tiếng phản ảnh và chỉ ra những bất cập trong thông tư này”. Lên tiếng với Cát Linh, Luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng thông tư 01/2016 là hoàn toàn trái pháp luật vì Bộ Công an không có thẩm quyền để ra một thông tư nhằm điều chỉnh một vấn đề liên quan đến quyền và tài sản của công dân. Ông nói: “Nó không thể chấp nhận được. Nó được ký kết trong tình trạng không có thẩm quyền, tức là thông tư đó nó trái với luật pháp về vấn đề bảo toàn tài sản cho nhân dân. Bộ Công an không có thẩm quyền để mà ra một thông tư để trang bị cho cảnh sát giao thông có cái quyền trưng dụng tài sản của công dân khi người ta tham gia giao thông bị vi phạm và bị kiểm tra… Tôi tin là nó sẽ bị bãi bỏ, cũng như thông tư cũng của Bộ Công an và ngành giao thông, là đi xe hơi bắt buộc phải có bình chữa cháy.”
Mặt khác, nhìn vào Hiến pháp của nước CHXHCNVN, người ta thấy:
- Điều 87 Hiến pháp quy định: "Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội."
- Điều 98 viết: "Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội”, sau khi được Chủ tịch nước đề cử.
Như vậy, ngoài chức danh Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng được cầm quyền ngay sau Đại hội XII; còn lại 3 chức danh Chủ tịch Quốc Hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng phải chờ đến sau ngày Chủ nhật 22/5/2016 Quốc hội khóa 14 được bầu cử xong rồi, mới định được.
Vậy mà sau Đại hội XII đảng đã vội cử:
- Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân [đúng ra phải đến cuối tháng 5 bà này mới nhậm chức nếu được đắc cử];
- Chủ tịch nước là Đại tướng công an Trần Đại Quang; và
- Thủ tướng là ông Nguyễn Xuân Phúc.
Như thế là đảng đã đạp lên Hiến pháp và cướp quyền của Quốc hội. Không biết 3 nhân vật này sẽ phải hành xử thế nào với 3 nhân vật coi như vẫn còn quyền ở Quốc hội và trong guồng máy nhà nước cho tới cuối tháng 5, 2016, để chúng tận dụng cho việc hạ cánh an toàn hoặc tìm đường tháo chạy…
Do vậy, mở đầu bài viết “Sáng Mắt”, đăng trên Báo Tổ Quốc, ngày 11-2-2016, tác giả Nguyễn Liệu đã viết: “Lộ nguyên hình, đám cầm đầu Việt cộng, vẫn duy trì sự cướp bóc dân chúng, tức duy trì cai trị dân chúng bằng cách đàn áp tối đa. Kinh tế phát triển càng tốt, kinh tế trì trệ cũng không sao, miễn tài sản của đám trung ương ủy viên của đám bộ chánh trị không bị hao hụt là thành công lớn rồi. Mục đích duy nhất của đám Việt cộng hiện nay là bằng mọi giá bảo vệ cho được mạng sống, tài sản, gia đình con cháu của cán bộ và đảng viên cộng sản. Hay ít nhất phải bảo vệ cho được đám trung ương ủy viên được vẹn toàn tính mạng, tài sản. Còn dân chúng, ngoan ngoản tuân lệnh đảng thì tốt, nếu lướn cướn bị tiêu diệt. Đó là mô hình một xã hội Bắc Hàn cộng sản hiện nay, một xã hội gương mẫu cho Việt cộng hiện nay.”
Chỉ nhận diện Trần Đại Quang với Đảng và Nhà nước CHXHCNVN bao nhiêu đó cũng đã ớn. Tuy nhiên, khi có dịp, Giáo Già sẽ nói tiếp. Bây giờ, để kết thúc , Giáo Già xin mượn lời blogger Đoan Trang, trong bài viết đăng trên Web Ba Sàm, nói rằng: “Nhìn cuộc tranh giành quyền lực giữa các ‘chính trị gia’ xã nghĩa mà chỉ rùng mình nhận thấy họ không cạnh tranh với nhau bằng chính sách, đường lối quản trị đất nước, mà họ chỉ đang thi thố xem ai đểu giả hơn, lưu manh hơn, tàn bạo hơn và khốn nạn hơn…”