Tẩy chay hay tự ứng cử - Dân Làm Báo

Tẩy chay hay tự ứng cử

Bùi Quang Vơm (Danlambao) - Sau sáng kiến ngày 05/02/2016 của tiến sĩ Nguyễn Quang A, kêu gọi “Hãy ứng cử để biến quyền hão dần dần thành quyền thực và giúp ông Trọng [Nguyễn Phú Trọng] chứng minh ‘dân chủ đến thế là cùng’”, phong trào hưởng ứng đang tạo ra một không khí sinh hoạt khác thường, chưa bao giờ có trong lịch sử sinh hoạt xã hội tại Việt Nam. Đây trước hết là một đợt học tập lớn, bồi dưỡng các kiến thức, hiểu biết, đồng thời cung cấp nhận dạng các biểu hiện trên thực tiễn xã hội, các hình thức hoạt động của một xã hội dân chủ thực chất, dù mới chỉ một nét chấm phá, khác với loại dân chủ XHCN tồn tại nhiều năm nay. Nó là một cú hích cho giấc ngủ triền miên bao nhiêu năm của dân chúng Việt, một cú chích làm con trâu Cộng sản sẽ phải lồng lên, như Ruồi Trâu*.

Nhưng cùng với sự hứng khởi có được nhờ sự bùng phát có tính cách mạng đối với một tiềm thức quy phục, chấp nhận sự áp đặt, sự thần phục đã thành nếp, thành thói quen, cùng với một thực tế thái độ thờ ơ "mặc kệ nó", đã làm tê liệt mọi phản ứng của xã hội, lại đang xuất hiện một dòng ý kiến kêu gọi tẩy chay bầu và ứng cử.

Cần phải nói ngay rằng, sự xuất hiện các dòng tranh luận khác nhau là tự nhiên, là không thể tránh khỏi. Đó cũng chính là thực tiễn dân chủ. Nhưng xét cho cùng thì cả hai dòng tranh luận này, trong khi chảy theo chiều ngược nhau lại có chung một mục tiêu là làm thay đổi chế độ dân chủ giả hiệu hiện tại của đảng cộng sản Việt Nam, dân chủ XHCN hay dân chủ độc đảng.

Cùng có mục tiêu cuối cùng như nhau, nhưng phương pháp đi, và phương tiện dùng để đi tới đích không nhất thiết phải giống nhau.

Chúng ta hình như đã thống nhất về mặt nguyên tắc (hiện không còn tranh luận nữa), rằng Dân chủ hóa xã hội Việt Nam là một cuộc cách mạng thực sự, thay đổi hoàn toàn và triệt để tư duy cộng sản độc đảng, thay đổi nền tảng tư tưởng chính trị văn hóa của nhà nước và xã hội Việt Nam, nhưng không thông qua bạo lực, một cuộc cách mạng phi bạo lực. Nói đúng ra nó không mang tính Cách mạng theo quan niệm là một cuộc lật đổ thô bạo. Tiến sĩ Nguyễn Quang A không thích từ Cách mạng, nhất là hiện nó vẫn hàm ý lật đổ theo định nghĩa của Mác. Trả lời phỏng vấn cuả tạp chí Phía trước, Ông đã nói:

"Xã hội là một hệ thống rất phức tạp và những thay đổi (nhất là thay đổi chính trị) luôn rất khó lường. Chúng ta có thể dự đoán xu hướng dài hạn khá dễ, song trong ngắn hạn, hầu hết những dự đoán đều rất khó. Và những biến đổi có ý nghĩa to lớn không thể xảy ra nếu không có vô vàn những thay đổi nhỏ xảy ra trước đó, rồi đột ngột nó “lật” trạng thái (mà người ta hay gọi là “cách mạng” nhưng tôi ghét từ này). Người ta đã nghiên cứu rất nhiều và khá kỹ hiện tượng “lật” trạng thái như vậy trong các hệ thống phức tạp dưới các thuật ngữ như tipping phenomenon (hiện tượng lật).

Hiểu là hiệu ứng domino như bạn nói cũng có phần đúng, song tôi không thích dùng từ đó, tôi ưa tipping hơn, giống như cái cân nhạy ở trạng thái cân bằng chỉ cần cho thêm một chút vào một bên là nó lật nghiêng sang bên đó.

Hiện tượng tipping rất quan trọng trong bất kỳ hệ thống phức tạp nào và vô cùng quan trọng trong những thay đổi xã hội và chính trị. Cho nên tôi khuyên các bạn hãy tìm hiểu kỹ nó. Hãy kiên trì làm những việc nho nhỏ và nó có thể mang lại những ý nghĩa hết sức lớn (vì không có chúng thì không thể có sự thay đổi lớn có ý nghĩa và thiếu chúng thì sự thay đổi lớn chưa chắc đã bền vững)". 

Như vậy theo ông "chỉ cần cho thêm một chút vào một bên là nó lật nghiêng" tức là làm nó thay đổi, cũng là làm cách mạng.

“Tôi không đặt việc trúng cử, hay vào sâu các vòng sau là mục tiêu chính. Tôi muốn dấy lên một phong trào để người dân học hỏi, các cơ quan nhà nước cũng phải học hỏi, từ đó tác động thay đổi nhận thức một cách từ từ.”

Đây là cách đi của ông.

Nhưng có nhiều người trong chúng ta đang cổ xúy cho phương thức thứ hai là tẩy chay.

Cũng phải nói ngay rằng, đây là phương thức không mới, nó được tranh luận từ rất lâu, và được ủng hộ bởi nhiều người, nhiều nhà hoạt động vận động dân chủ, nhất là những người có xuất xứ ít nhiều liên quan tới chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Thật dễ hiểu khi tồn tại một tư tưởng từ chối tất cả những gì được gọi là của kẻ thù. Khi thừa nhận tính chính nghĩa của phía này, thì những gì thuộc phía kia phải là phi nghĩa. Ứng cử là việc tự mình, tình nguyện tham gia với chính quyền, đồng nghĩa với việc thừa nhận tính chính danh của chính quyền đó, là một cách giúp kéo dài sự tồn tại của nó, phản bội lại nguyên tắc bất thừa nhận, bất hợp tác. Phương thức này không sai, nhưng thiếu tính khả thi, và thực tế nhiều năm đã chứng minh rằng phương thức này không đem lại hiệu quả.

Nếu tẩy chay nghĩa là không tham gia, không ủng hộ, và mặc kệ cho chính quyền muốn làm gì thì làm, chúng ta, những người dân chỉ không thừa nhận nó là đủ, thì đây chính là mục đích của chế độ, chính là mong muốn mọi việc để "Nhà nước lo" của đảng cộng sản.

Mục đích của Bầu cử Quốc hội là thông qua một tổ chức giả danh đại diện cho quyền lực của nhân dân để hợp thức hóa quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng. Mọi thủ đoạn từ việc tự cho mình quyền được chỉ đạo trước cơ cấu thành phần tới số lượng đại biểu, tới việc giao cho Mặt trận Tổ Quốc làm ra hiệp thương để thực hiện ý định chỉ đạo, lợi dụng danh nghĩa đảm bảo tất cả mọi người dân, mọi thành phần, mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp, mọi trình độ... đều phải có tiếng nói, trong khi số lượng đại biểu là có hạn, lại phải đảm bảo đại biểu là Trung ương ủy viên phải chiếm số lượng đủ để chi phối mọi hoạt động của Quốc hội. "bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số; có tỷ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo, đại biểu tái cử, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân...". Với cơ cấu như thế này, âm mưu không che đậy của lãnh đạo đảng cộng sản là biến Quốc hội thành nơi chỉ để truyền đạt các quyết định của đảng. Các đại biểu không phải là đại diện trí tuệ của dân để tham gia vào việc lập pháp và hoạch định chính sách, mà chỉ đơn thuần là người tiếp nhận sự truyền đạt các quyết định có sẵn và ký vào nghị quyết như một cam kết thực hiện.

Ông Nguyễn Sinh Hùng đã từng nói, "Quốc Hội đại diện cho dân, Quốc Hội quyết sai tức là dân sai, còn đổ trách nhiệm cho ai".

Một Quốc Hội không biết các quyết định của Chính phủ đúng hay không đúng vẫn phê chuẩn và khi sai thì tự chịu trách nhiệm, không phải là trách nhiệm của đảng. Đó là thiết kế quốc hội mà đảng muốn có và tìm mọi cách để có. Không có người ngoài can thiệp vào quá trình hình thành ra Quốc Hội là mong muốn của đảng để tự tung tự tác, và thực tế từ trước đến nay vẫn là như vậy, đảng một mình một cỗ.

Việc tẩy chay dĩ nhiên không làm cho việc tổ chức bầu cử không thực hiện được, mà là tạo chỗ trống, bôi trơn cho việc thực hiện được thực hiện dễ dàng hơn và đúng thiết kế hơn. Lịch sử từ hơn nửa thế kỷ nay vẫn vậy. Chính quyền này đã mặc nhiên tồn tại, mặc nhiên khuếch trương quyền thế, mặc nhiên tích tụ công cụ quyền lực, chỉ nhờ sự bất hợp tác, không can dự của phần còn lại của quần chúng bị trị. Nó không chết vì bị tẩy chay, mà ngược lại, nó mạnh lên nhờ tẩy chay, nhờ một mình một cỗ.

Chẳng nhẽ quy cho dòng tranh luận này, quy cho những người cổ xúy cho tẩy chay là tay sai cho cộng sản? Dù không phải là tất cả, nhưng chắc chắn là có. Sẽ có những phần tử ăn lương của chính quyền như các dư luận viên, hay công an giả dạng côn đồ. Khẩu hiệu của họ sẽ là "Không hợp tác với cộng sản, hãy để mặc chúng muốn làm gì thì làm". Cũng có người vô tội, tẩy chay chỉ vì quá ghét. Nhưng kể cả họ vô tội, họ cũng vô tình thành người có lợi cho cộng sản.

Không, chúng ta phải cho những người cộng sản biết rằng, dân chúng không chỉ là một dãy số không. Chúng ta hoàn toàn có quyền hưởng những gì mà thượng đế ban cho tất cả. Chúng ta không xưng tụng bạo lực. Chúng ta không xưng tụng hận thù và chia rẽ. Mọi thứ chủ nghĩa, mọi đức tin đều có chỗ đứng bình đẳng trong thế giới của chúng ta. Chủ nghĩa cộng sản bản thân nó không có lỗi, nó chỉ là một hiện tượng xuất hiện trong một thời gian có hạn trong quy trình phát triển tiến hóa của loài người. Nó muốn thống trị thế giới bằng ý chí của một nhóm cá thể cổ hủ. Nó sẽ biến mất, vì nó không đi cùng chiều với quy luật tiến hóa. Chúng ta sẽ tích cực dấn thân tự nguyện tham gia để giúp nó biến mất một cách ôn hoà, càng nhanh càng tốt, nhưng không thể đốt cháy giai đoạn, không thể quá nôn nóng.

Hãy nhắc lại lời của tiến sĩ Nguyễn Quang A, người khởi xướng và đang dẫn đầu phong trào có thể gọi là cách mạng này: "...Hãy kiên trì làm những việc nho nhỏ và nó có thể mang lại những ý nghĩa hết sức lớn".
-----

* Ruồi Trâu là tên một cuốn tiểu thuyết của Ethel Lilian Voynich, trong đó nhân vật chính Arthur Rivarez là một nhà cách mạng có mật danh là Ruồi Trâu: "ta nguyện làm con ruồi đốt cho cái xã hội này lồng lên").

14/02/2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo